1945 tập 1 Tác giả đã khẳng định một số luận điểm lớn, trong đó đáng chú ý
2.1.2. Quá trình phát triển của cá nhân
Vị trí của cá nhân, ý thức về cá nhân có sự phát triển lâu dài, khác nhau giữa các giai đoạn và giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các nền văn hóa.
Trong các xã hội cổ xưa, cá nhân chưa là gì cả, ý thức cộng đồng chiếm ưu thế, ý thức cá nhân mới manh nha. Điều đó không có nghĩa không có cá nhân, mà là cá nhân không phải chủ thể của xã hội, nói cho đúng cá nhân chỉ là một bộ phận của cộng đồng. Cùng với sự phát triển của tri thức, của văn hóa, các quan hệ kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân, của phân công lao động và trao đổi hàng hóa…, vị trí của cá nhân được xác lập dần, ý thức về cá nhân được khẳng định. Mối quan hệ cá nhân- xã hội bắt đầu trở nên quan hệ hai chiều với sự tác động qua lại.
Bàn về quá trình phát triển của cá nhân, tác giả Alain Laurent đã khẳng định: “Thai nghén âm thầm thời trung cổ…, cuối cùng cá nhân bắt đầu chập chững nổi lên trong thời phục hưng như một thực tế được thể nghiệm và là phạm trù của tư duy, cá nhân luận đột nhập rõ ràng vào thế kỷ XVII và XVIII” [224;18].
Ở thời trung cổ, khi chế độ phong kiến cát cứ, phân quyền mạnh mẽ, tôn giáo nhất thần được xem như là công cụ của giai cấp thống trị. Thiên chúa giáo- dòng tôn giáo giữ truyền thống bảo thủ nhất của Cơ đốc giáo- đã trở thành một tôn giáo độc tôn của các nước phong kiến Tây Âu. Uy quyền phong kiến và thần quyền giáo hội đã cản trở khoa học kỹ thuật phát triển. Triết học
cũng bị phụ thuộc vào thần học. Giáo hội và nhà thờ đã thiết định được một sức mạnh chưa từng có, chi phối cả chính trị. Con người cá nhân vì vậy không có chỗ đứng khi luôn nằm trong thế thụ động, trĩu nặng tội tổ tông, chỉ biết ăn năn sám hối trong kiếp làm người. A.JA. Gurevich khi tổng hợp các ý kiến của giới nghiên cứu về con người cá nhân thời kỳ này đã viết: “trước thời Phục hưng, dường như không có cá nhân con người, cá nhân hoàn toàn bị xã hội nuốt đi và hoàn toàn phục tùng xã hội” [225;321]. Alain Laurent nhấn mạnh: “con người không có quyền tự chủ nào hết trong việc chọn các giá trị và các chuẩn mực hành vi và họ không suy nghĩ cũng không hình dung mình là những cá nhân riêng biệt mà chỉ hành động xem như những mảnh đơn thuần lệ thuộc vào một cái chúng ta” [224;21-22].
Cho đến những thế kỉ gần đây, với sự thắng lợi của các cuộc cách mạng dân chủ giải phóng cá nhân, con người thoát khỏi sự lệ thuộc về mặt thần quyền và thế quyền, thì vị trí của cá nhân mới được xác lập hẳn như chủ thể của xã hội. Như vậy, không phải là hạ thấp tác động của xã hội đối với con người, do đó hạ thấp ý thức cộng đồng, ý thức xã hội của con người, mà chính là đặt sự tác động ấy trong quan hệ hữu cơ giữa xã hội và cá nhân, vị trí của xã hội, ý thức xã hội của con người chỉ có thể biểu hiện thông qua cá nhân.
Nói chung, giới nghiên cứu nhất trí rằng cá nhân xuất hiện đã lâu và có sự phát triển không giống nhau trong các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, để phát triển thành ý thức phổ biến trong xã hội, nó phải trải qua một quá trình phát triển lâu dài, có lúc phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có khi ngưng trệ, thậm chí bị trấn áp.