1939 là Ðôi Bạn, Bướm Trắng, Hai buổi chiều vàng, Thế rồi một buổ
4.1. Tổ chức xung đột
Xung đột luôn tồn tại trong cuộc sống, trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội và trong nội tại từng cá nhân. Xung đột có tính tất yếu, đồng thời là động lực của sự phát triển. Văn học phản ánh hiện thực thông qua cái nhìn chủ quan của nhà văn, do đó, nó trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến xung đột. Tuy nhiên, khi đi vào tác phẩm, xung đột trong cuộc sống trở thành xung đột nghệ thuật, bởi nó đã được nhìn và phản ánh qua lăng kính thẩm mỹ, thấm nhuộm tư tưởng nhà văn. Xung đột là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên tác phẩm văn học.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, xung đột là “sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để xây dựng các mối quan hệ tương tác giữa các hình tượng của tác phẩm nghệ thuật [73;368]. Xung đột cũng được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, “thường xuất hiện dưới dạng những va chạm, tức là những đụng độ trực tiếp, sự chống đối giữa các thế lực hoạt động được mô tả trong tác phẩm: giữa tính cách với hoàn cảnh, giữa các tính cách với nhau, giữa những phương diện khác nhau của một tính cách” [73;369]. Những xung đột ấy có lúc diễn ra âm thầm lặng lẽ nhưng cũng có khi gay gắt, bùng phát mạnh mẽ thành những cuộc đấu tranh, tạo nên kịch tính cho tác phẩm. Việc lựa chọn xung đột và thể hiện xung đột dưới những hình thức nghệ thuật thể hiện khá rõ tư tưởng của tác giả. Xung đột trở thành hạt nhân của tư tưởng nghệ thuật, như Gorki đã từng nói: “xung đột là linh hồn của tác phẩm”.
Văn học viết dân tộc từ những thế kỉ trước đã chứng kiến xung đột thể hiện qua sự vùng vẫy đòi thoát khỏi xiềng xích phong kiến. Các nhà thơ trong
phong trào Thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên đã từng có khao khát thụ hưởng cuộc sống, giao cảm mãnh liệt, say mê với cuộc đời nhưng nơi chốn xã hội nhốn nháo kim tiền, họ không tìm thấy sự hòa hợp; vì vậy, họ tìm đến chốn bồng lai, phiêu diêu trong trường tình hay mơ về một tinh cầu xa xôi, huyền ảo. Ở văn học hiện thực phê phán, xung đột giai cấp được đề cập một cách sâu sắc và toàn diện. Những tác phẩm như “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan), “Vỡ đê” (Vũ Trọng Phụng), “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố)… đã thể hiện rõ những xung đột giữa giai cấp nông dân và địa chủ phong kiến. Trong các sáng tác của nhà văn Nam Cao, xung đột chuyển vào nội tâm trong con người. Ở Tự lực văn đoàn, tiếng nói cá nhân được cất lên mạnh mẽ, quyết liệt, nó được cụ thể hóa bằng những xung đột giữa cá nhân với lễ giáo phong kiến và đạo đức truyền thống. Tự lực văn đoàn đã có cách nhìn nhận mới mẻ đối với hiện thực xã hội, chuyển từ việc phát hiện và xây dựng xung đột tính cách (thiện- ác) trong truyện Nôm trung đại sang xung đột giữa con người cá nhân và xã hội. Nhất Linh có thể coi là đại diện ưu tú cho nhóm bút ấy khi xây dựng, tổ chức xung đột trong tác phẩm.
Ở dạng thức thứ nhất, xung đột giữa cá nhân và lễ giáo phong kiến chính là sự tung phá những ràng buộc phong kiến để khẳng định con người cá nhân. Đây là mối xung đột được đề cập chủ yếu trong những cuốn
tiểu thuyết của Nhất Linh như Lạnh lùng, Đoạn tuyệt. Hạt nhân của nó là xung đột giữa hai thế hệ, giữa cái cũ và cái mới trong gia đình, từ đó dẫn đến cuộc đấu tranh giữa quan niệm cũ và nhận thức mới trong vấn đề hôn nhân và gia đình để tiến tới cuộc sống với quyền tự do cá nhân và khẳng định vị trí cá nhân trong gia đình, ngoài xã hội. Có thể nói, Đoạn tuyệt thành công nhất ở những chương miêu tả xung đột giữa cái cũ và cái mới. Lời trạng sư đã hùng hồn chỉ rõ mối xung đột mới- cũ không thể hóa giải đó “người có tội chính là bà mẹ chồng Thị Loan và cái luân lí cổ hủ kia. Nhưng nếu vượt lên trên và nghĩ rộng ra, không kể đến cá nhân nữa thì bao nhiêu việc xảy ra không phải
là lỗi của người nào cả, mà là lỗi của sự xung đột hiện thời đương khốc liệt giữa hai cái mới- cũ” (Đoạn tuyệt). Xung đột đó được nảy sinh từ sự trỗi dậy
của ý thức cá nhân, từ sự nhận thức đầy đủ về nhân quyền, nữ quyền. Có thể nói, từ văn học cổ trung đại, chưa bao giờ con người cá nhân lại được miêu tả với nhiều thứ quyền đến thế. Tiếng “quyền” vang lên như một điệp khúc trên hành trình đi đến tự do của Loan, Nhung: quyền lựa chọn cho mình con đường đi, quyền lựa chọn nhân cách sống- “em cũng có quyền lập thân em” (Đoạn
tuyệt); quyền được bình đẳng trong hôn nhân và được hưởng hạnh phúc- “con có quyền đi lấy chồng” (Lạnh lùng); quyền bảo vệ danh dự và nhân phẩm khi bị người khác xúc phạm- “không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi”, “chị ấy có quyền tự vệ những khi thấy nguy hại đến tính mệnh” (Đoạn
tuyệt)…
Trong mối xung đột giữa cá nhân và lễ giáo phong kiến, Nhất Linh coi hạt nhân của nó chính là xung đột mới- cũ. Khi viết Đoạn tuyệt, Nhất Linh có
lời đề tặng “các thanh niên nam nữ đã từng chịu những nỗi khắt khe của cuộc đời xung đột mới, cũ”. Mối xung đột ấy được diễn ra chủ yếu trong các trong gia đình phong kiến, tập trung ở mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu. Trong cuộc xung đột khó khăn, không khoan nhượng ấy, Nhất Linh đứng về phía mới, hô hào, cổ vũ cho tự do yêu đương, tự do hôn nhân và vận mệnh cá nhân. Nhân vật trong tiểu thuyết luận đề Nhất Linh vì thế được chia thành hai chiến tuyến: một bên là những cô gái mới và bên kia là các bà mẹ chồng và họ hàng nhà chồng. Những con người đại diện cho thế lực phong kiến, là phái bảo tồn gia phong ra sức níu kéo, duy trì nền luân lý, phong tục, tập quán, nếp nghĩ cũ đang bị lung lay bởi những biến đổi của xã hội. Quyết liệt không kém là những cô gái tân thời đang vận động, bứt phá và tìm cách khẳng định quyền làm người, quyền tự do hôn nhân, tự do định đoạt số phận. Trong cuộc đấu tranh cam go ấy, Nhất Linh đã dùng lối đánh trực diện, giúp người đọc ghét cũ, yêu mới, căm hờn chế độ đại gia đình với những lề thói cổ hủ. “Nhất Linh
cho rằng cái khí giới ôn hòa của Khái Hưng chưa đủ hiệu lực để đánh đổ kẻ thù còn đang mạnh lắm. Ông chủ trương phải tuyên chiến và đánh thẳng vào địch, hạ cho nó nằm xuống thì mới hòng cứu vãn được” [112;723].
Trong sự nghiệp sáng tác của Nhất Linh, có hai cuốn tiểu thuyết luận đề đã đưa nhà văn lên bục vinh quang: Lạnh lùng và Đoạn tuyệt. Viết lên một câu chuyện để minh họa cho chủ đích có sẵn, Nhất Linh đã đưa nhân vật vào những bối cảnh cụ thể: đưa Loan vào làm dâu trong một gia đình gia trưởng với bà mẹ chồng, cô em chồng, bà cô chồng nanh ác, bảo thủ, bên cạnh một ông chồng nhu nhược, hèn kém; đưa Nhung vào làm cô con dâu góa trong gia đình bà Án gia thế mà thâm thúy, cổ hủ và trọng danh hão. Trong hoàn cảnh ấy, những cô gái mới xinh đẹp, giỏi giang bị va đập trong các mối quan hệ gia đình, xã hội với chồng, mẹ chồng, em chồng và một tình yêu trong sáng, đầy hoài bão, đích thực mà họ đã tìm thấy, đã gìn giữ bấy lâu. Nhất Linh để cho nhân vật xung đột trong các mối quan hệ, đẩy mâu thuẫn lên cao trào và tung ra những nhân tố “bổ trợ” nhân vật trong cuộc đấu tranh cho luận đề của mình.
Xung đột giữa cá nhân với đạo đức truyền thống là dạng thức thứ hai được Nhất Linh tập trung khai thác trong tiểu thuyết của mình. Đó là
những xung đột nội tâm của Liên, Nhung, Loan hay được đẩy lên cao trong ý thức cá nhân đòi giải phóng bản năng, khẳng định thứ tự do cá nhân tuyệt đối, bất chấp luân lý đạo đức và quan hệ xã hội thông thường như Tuyết, Chương. Thể hiện mối xung đột này, Nhất Linh muốn phác thảo thí nghiệm về ý thức cá nhân cực đoan, thể hiện cái tôi cá nhân tuyệt đối. Xung đột lúc này được chuyển vào bên trong nhân vật, ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Nhung trong “Lạnh lùng” có một cuộc đấu tranh giằng xé trong nội tâm. Có lẽ, đây là nhân vật sống trong cảm giác bất an nhiều nhất. Cảm giác ấy xuất hiện khi Nhung thường soi gương để nhận ra vẻ đẹp, tươi trẻ, đầy sức sống cơ thể của mình trong sự tự ý thức một cách đầy đủ về nó. Cảm giác ấy
xuất hiện khi Nhung hiểu rằng mình đang làm những việc không đường hoàng và đau đớn về điều đó. Cuộc đấu tranh vật vã giữa ý thức cá nhân và đạo đức phong kiến không có hồi kết thúc, chỉ để lại tàn dư là những trăn trở, tự vấn, xấu hổ, đau đớn, day dứt trong lòng người đàn bà trẻ góa bụa “Mình muốn tốt mà thành ra xấu. Chỉ vì muốn giữ cái tiếng tốt hão ấy mà mình bắt buộc thành ra khốn nạn, đâm ra xảo quyệt, gian trá”. Rồi lại tự hỏi: “Một người đàn bà góa sao không được phép đi lấy chồng như một người con gái? Sao cứ phải ở vậy mới được tiếng thơm cho cha mẹ, gia đình?”. Nhưng càng nghĩ ngợi, càng đo đắn, Nhung lại càng thấy bế tắc, không có câu trả lời, không có lối thoát, và đã “bốn, năm lần như thế rồi”.
Tuyết (Đời mưa gió) là nhân vật khác về bản chất với các nhân vật nữ trong Tự lực văn đoàn trong thời kì đầu. Nếu Lan trong Hồn bướm mơ tiên còn lãng mạn, thơ mộng, Mai trong Nửa chừng xuân nền nếp, thanh lịch và Liên trong Gánh hàng hoa dịu dàng, thủy chung thì Tuyết lại là nhân vật có lối sống buông thả, coi trọng cá nhân đến mức chà đạp lên các giá trị và chuẩn mực đạo đức. Tuyết không hề có sự thay đổi tính cách dù rằng hoàn cảnh nhiều lúc đã thay đổi. Tuy nhiên, trong con người Tuyết nhiều lúc cũng có sự đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa con người lương thiện và phóng đãng, giữa việc lựa chọn một tổ ấm gia đình ổn định và cuộc đời mưa gió, nhưng Tuyết đã không vượt qua được những trở lực từ chính bản thân mình. Khi cuộc sống gia đình với Chương đang yên ấm, Tuyết gặp Văn và bỏ đi với Văn, người tình cũ của mình. Sau một thời gian, Tuyết lại trở về với Chương mang theo những ý nghĩ dày vò, hối hận. Trong tâm trí người con gái giang hồ này đã nẩy sinh những ý nghĩ giằng co về gia đình, về tương lai đầy mâu thuẫn của nội tâm: “Những ý tưởng của những tiểu thuyết thái Tây dạy em rằng em là hoàn toàn của em, em được tự do hành động như lòng sở thích. Nhưng hình như không phải thế sao ấy anh ạ, hình như người ta phải có gia đình, phải chịu sự ràng buộc của nhiều dây liên lạc thân ái. Nếu không ta sẽ
thấy ta cô độc, đời ta trống trải, không kí vãng, không tương lai”. Rồi, nhân vật lại bất chấp mọi ràng buộc luân lý truyền thống với những phẩm chất đạo đức quen thuộc để tìm đến cuộc đời với những thú vui trụy lạc.
Xung đột nội tâm ở nhân vật Trương (Bướm trắng) thì diễn ra âm thầm, lặng lẽ nhưng vô cùng quyết liệt. Có lúc, nhân vật hụt hẫng, chơi vơi bên bờ vực thẳm, thậm chí tụt dốc một cách vô thức. Thế nhưng, từ đáy sâu của tội lỗi, Trương lại lóp ngóp bò lên. Trương luôn tự tra vấn lương tâm, đấu tranh để kìm chế những tật xấu, cái ác, cái hèn kém trong con người của mình, để giữ cho được trong chừng mực nhất định, thiên lương và nhân phẩm. Trong cuộc xung đột này, thất bại nhiều hơn thành công. Dòng ý thức của Trương như những con sóng ngầm róc rách, âm ỉ, thậm chí có lúc tưởng bị chìm lẫn trong mớ sự kiện lộn xộn, vụn vặt của cuốn tiểu thuyết, nhưng tiên lượng trước những cơn sóng dữ có thể trào lên bất cứ lúc nào. Đó chính là hệ quả của những mặt đối nghịch tâm lý, tính cách, xen kẽ, đan chéo, xoắn quện.
Để thực hiện những mối xung đột đó, Nhất Linh đã sử dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như phân tuyến nhân vật- không phải tuyến chính diện- phản diện như trong văn học trung đại mà là tuyến mới- cũ. Bên cạnh đó là những màn đối thoại, hình thức độc thoại nội tâm, xây dựng kiểu nhân vật nổi loạn nhằm khắc họa xung đột nội tâm nhân vật.