Quyền sống của cá nhân

Một phần của tài liệu Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 19321939 (Trang 55 - 69)

1939 là Ðôi Bạn, Bướm Trắng, Hai buổi chiều vàng, Thế rồi một buổ

3.1.1. Quyền sống của cá nhân

3.1.1.1. Đấu tranh cho quyền sống cá nhân, chống lại sự áp chế của lễ giáo phong kiến

Giáo lý phong kiến không cho phép sự tồn tại của cái tôi cá nhân. Xã hội trọng nam khinh nữ không đếm xỉa đến hạnh phúc, nhân phẩm cá nhân,

không cho con người quyền sống theo nhận thức mới cả ở trong gia đình, ngoài xã hội, mà phải tuân theo những nguyên tắc, qui định nghiệt ngã. Con người bị trói buộc vào những phép tắc nghiêm ngặt, bất bi bất dịch. Sống trong sự bất công đó, con người có những cách để lựa chọn: một là, chịu khuất phục, sống ngoan ngoãn, tuân thủ mọi phép tắc; hai là, không chịu khuất phục, tìm cách để thoát ra. Cách thứ nhất là sự lựa chọn an toàn. Ở cách thứ hai, lựa chọn tiêu cực là tìm đến cái chết để thể hiện sự chống đối, bất hợp tác; còn hướng lựa chọn tích cực là tự vận động để bứt phá khỏi sự kìm kẹp. Tác phẩm của Nhất Linh đưa người ta đến cách giải quyết tích cực theo khuynh hướng thứ hai này. Nhà văn chọn cho nhân vật hướng đi mới, bằng cách chối từ thực tại và nổi loạn để thoát ra đời tự do. Trên con đường đi ấy, nhân vật của Nhất Linh đã nhận được sự cổ vũ, động viên, bảo vệ của chính tác giả.

Trong các sáng tác của mình, Nhất Linh xây dựng hai tuyến nhân vật: chính diện (nạn nhân) và phản diện (tội nhân). Hai tuyến nhân vật này ít mâu thuẫn với nhau về mặt giai cấp mà chủ yếu đối lập nhau về hệ tư tưởng: cũ- mới, truyền thống- hiện đại, cổ hủ- tiến bộ, bảo thủ- cải cách. Cùng với đó là sự đối lập về đạo đức: thiện- ác. Sự đối kháng giữa hai tuyến nhân vật tạo nên bi kịch trong gia đình, ngoài xã hội. Trong đó, tuyến nhân vật chính diện chiếm được tình cảm và sự cảm thông chân thành của nhà văn. Ông trân trọng những con người này, ca ngợi vẻ đẹp thể chất, tâm hồn và tranh thủ mọi lúc lên tiếng bênh vực, bảo vệ nhân phẩm, danh dự của họ.

Nhân vật của Nhất Linh không bất hạnh, nghèo đói, bị đối xử tàn tệ như nhân vật của Thạch Lam nhưng lại là những người “trót” có hiểu biết, có kiến thức và phải sống trong sự kìm hãm của lề thói cổ hủ, lạc hậu, như những cây xanh căng tràn nhựa sống bị úp chụp bởi rọ cản. Nó cần phải mạnh hơn, phải trỗi dậy, vươn lên để thoát ra khỏi sự kìm kẹp, nếu không đủ mạnh, sẽ bị cái rọ vô hình kia kìm hãm cho đến chết. Vì vậy, Nhất Linh chủ trương giải phóng con người, đặc biệt là người phụ nữ (tội nhân trong xã hội) thoát khỏi

những rào cản vô hình, vô nhân đạo đó. Nhân vật của ông là những con người cá nhân trong mối xung đột với xã hội, muốn thoát ly mọi quan hệ xã hội để sống đời tự do, phóng khoáng, được là mình, được sống với cảm giác, với cuộc đời của mình. Đó là những con người mới, hiện đại, có tri thức, có hiểu biết, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt, trong họ mang lòng tự trọng và hoài bão lớn, khát vọng lớn, muốn làm thay đổi định kiến đã tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước này, muốn thay đổi cả bộ mặt xã hội đầy rẫy điều phi lý. Với khát vọng dân chủ, tiến bộ, Nhất Linh đứng về phía các nhân vật ấy, ca ngợi những con người với đầy đủ vẻ đẹp thể chất, tâm hồn, mang tư tưởng mới, tiến bộ, trọng tự do cá nhân. Nhà văn đã nói lên tiếng nói của họ với sự cảm thông chân thành, sâu sắc.

Ước mong về một cuộc sống bình yên, gia đình hạnh phúc là suy nghĩ của mọi nhân vật nữ chính diện. Nhưng giữa ước mong và thực tế lại đối lập nhau một cách chua chát, tàn nhẫn, khi mà thực tế xã hội không chấp nhận những con người cá nhân, không cho người phụ nữ được hưởng tự do, hạnh phúc. Họ bị biến thành công cụ lao động, thành con ở, thành người hầu hạ phục vụ nhà chồng, chỉ được phép là cái máy làm việc, mà cái máy thì luôn phải im lặng, máy có biết nói và được nói bao giờ. Đến như nhân vật Loan (Đoạn tuyệt), một cô gái được học hành, có bằng cấp, khi về đến nhà chồng thì cũng chỉ là “cái máy” mà thôi: “Rồi Loan nhớ lại bao nỗi vất vả trong mấy tháng về làm dâu, bao nhiêu việc khó nhọc là về phần nàng cả… người ta cưới nàng về để hầu hạ chứ không phải để làm một người vợ. Vì vậy, người ta dạy bảo Loan như một con ở… Loan lật ngửa hai bàn tay, nhìn những chỗ đã thành chai vì làm nhiều công việc nặng nề. Nhà chồng giàu có, lắm việc đày tớ có thể làm được nhưng mẹ chồng muốn cho nàng phải đảm đang, một là để dạy nàng cho quen, hai là xưa kia bà về làm dâu đã chịu khổ sở nên bà không muốn cho con dâu hơn bà. Bà đã bị khổ nên muốn bắt người khác cũng khổ như mình cho được thăng bằng”.

Cùng cảnh làm dâu, Nhung và Loan đều nhìn thấy sự giả dối không thể chấp nhận được. Họ có chung ước nguyện là được sống thật với mình, được là mình, được nói lên những điều đang diễn ra thầm kín trong lòng. Nhung quan niệm: “Thà rằng để cho mọi người biết cái xấu của mình còn hơn là xấu mà đánh lừa người ta… không gì khổ bằng sống mãi trong giả dối”. Còn nhân vật Loan thì thấy việc vì mình hứa với mình là phải sống trong sự phục tùng, coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ nên bây giờ dù “không yêu mẹ chồng một cách chân thật thì nàng cũng kính trọng, chiều chuộng mẹ chồng để đỡ khổ đến mình”. Nhận thấy điều đó là vô lý, giả dối, nàng chỉ còn biết lắc đầu lẩm bẩm: “giả đạo đức, ta bắt ta giả đạo đức… sự thật như vậy, không nhận điều đó tức là lừa dối mình”.

Ý thức cá nhân ở các nhân vật như Nhung, Loan có sự vận động trong chính tiềm thức của họ: từ chỗ chấp nhận, cam chịu, nỗ lực phục tùng; trải qua diễn biến đấu tranh dai dẳng giữa ý thức cá nhân và ý thức xã hội, ý thức cộng đồng; cuối cùng đi đến bất chấp, nổi loạn, khẳng định quyền sống cá nhân.

Những mẫu hình như Nhung, Loan mang lý tưởng cải cách của tác giả. Nhà văn đã ca ngợi họ, lên tiếng bênh vực họ, gợi mở cho họ con đường đến với hạnh phúc. Nhất Linh không thể để cho người phụ nữ góa bụa trẻ, đẹp như Nhung phải sống trọn đời với tấm biển “tiết hạnh khả phong”, không thể để cho Loan mãi bị gia đình nhà chồng hành hạ. Nhà văn đã mang tình yêu đến với Nhung, đã giải thoát cho Loan. Ông dựng lên nhân vật trạng sư để lập luận bảo vệ cho Nhung “không thể vì một cái tiếng suông, bắt một người đàn bà chịu nhiều đau khổ một cách khốn nạn như vậy được” và xây dựng nên nhân vật trạng sư để bào chữa cho Loan: “Những người đã được hấp thụ văn hóa mới đã được tiêm nhiễm những ý tưởng về nhân đạo, về cái quyền tự do của cá nhân, lẽ cố nhiên là tìm cách thoát ly ra ngoài chế độ đó. Ý muốn ấy chánh đáng lắm. Nhưng thoát ly không phải dễ dàng như ta tưởng. Ngoài những người nhẫn nại sống trong sự phục tùng như Loan đây, biết bao nhiêu người

không chịu nổi cái chế độ cay nghiệt ấy đã liều mình quyên sinh cho thoát nợ”. (Lời trạng sư- Đoạn tuyệt)

Xuất phát từ tấm lòng rộng mở trước cuộc đời, trước con người, cùng với tư tưởng dân chủ tiến bộ, Nhất Linh sớm nhận ra căn nguyên sâu xa tước đoạt quyền sống, hạnh phúc của con người, gây nên bao bi kịch đau thương chính là lễ giáo phong kiến đã không còn hợp thời. Vì vậy, nhà văn tập trung ngòi bút vào việc đả phá lễ giáo phong kiến, mà trực tiếp là chế độ đại gia đình, lối sống cũ cùng với những hủ tục coi thường giá trị con người.

3.1.1.2. Khẳng định tự do cá nhân, tự do sống và làm chủ cuộc đời mình

Lễ giáo phong kiến muốn cá nhân phải lệ thuộc theo tôn ti, trật tự, lệ thuộc vào cộng đồng, lệ thuộc vào những con người “quyền năng” khác, cho dù họ không muốn. Đồng thời, xã hội ấy cũng muốn cá nhân phục tùng những khuôn mẫu và những giá trị, khiến cá nhân trở thành phương tiện của mục đích xã hội, đương nhiên vì thế mà ít nhiều mất tự do. Đến những năm 30 của thế kỷ XX trong xã hội Việt Nam vẫn còn những qui định ngặt nghèo cản trở tự do. Lúc này, tư tưởng bình quyền hiện đại của phương Tây đã theo văn hóa Pháp vào Việt Nam. Nhà văn Nhất Linh sớm nhận ra sự vô lý của nền đạo đức phong kiến tước đoạt tự do cá nhân, giết chết cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc của con người. Vì vậy, trong công cuộc đấu tranh cho tự do sống và làm chủ vận mệnh, tự do yêu đương, tự do hôn nhân, ông kêu gọi con người thoát khỏi sự ngăn cấm của đạo đức phong kiến giả dối, thoát khỏi tôn ti đã gắn chặt bổn phận, trách nhiệm của con người, không hoài đến giá trị cá nhân. Nhưng trong cuộc đấu tranh đòi tự do đầy cam go đó, chưa một lúc nào con đường đi đơn giản, dễ dàng.

Ví như trong cuộc đấu tranh cho tự do yêu đương, tự do hôn nhân, mối tình giữa Nhung và Nghĩa là một câu chuyện đầy ngang trái. Nhung là người đàn bà góa bụa bất hạnh. Trong Nhung có sự đấu tranh gay gắt, dai dẳng giữa

cái cũ và cái mới, giữa nên hay không nên, giữa con người luân thường và con người tự do trong tình yêu. Trong cuộc xung đột đó, ban đầu con người cũ, luân thường đã chiến thắng. Nhung tìm được câu trả lời cho mình là không nên đi theo tiếng gọi tình yêu mà vi phạm những giá trị đạo đức. Vì vậy, cô tìm mọi cách để giấu diếm tình cảm của mình. Sau đó, sức mạnh của con người tự do trong tình yêu không gì kìm giữ được đã trỗi dậy và chiến thắng. Nhưng nó không chiến thắng một cách vẻ vang, hoàn toàn mà lại sa vào bi kịch tội lỗi, thành ra phải lén lút đi lại quan hệ với người yêu. Điều đó chứng tỏ hệ tư tưởng phong kiến không còn hợp thời nữa, cái cũ đã trở nên lạc hậu, những qui định, nghi thức trở nên vô vị, đẩy người phụ nữ từ thái cực này sang thái cực khác, đẩy nhân vật từ cuộc đời cô quạnh vì danh thơm hão huyền sang người phụ nữ không còn cách nào khác phải lừa dối gia đình, lén lút theo người yêu.

Đã có lúc, chúng ta thấy Nhung ngả về cái cũ khi có ý phủ nhận tình yêu với Nghĩa, có lúc lại nghiêng hẳn về cái mới khi dám nói chuyện với ông bà Hai về tình yêu của mình và chuẩn bị cho việc kết hôn với Nghĩa. Nhưng mong muốn, khát vọng tự do hôn nhân chính đáng đó không đời nào được chấp nhận. Nhung chịu khuất phục vì sức ép từ phía gia đình quá lớn. Nó sẽ để lại tiếng xấu cho gia đình chồng, gia đình mình đến muôn đời sau. Cuối cùng, giải pháp mà cô lựa chọn mang tính trung hòa: không đi lấy chồng để tránh tiếng xấu nhưng “đi lại” với Nghĩa để tận hưởng ngọt ngào, thắm thiết. Gia đình, xã hội không cho phép họ đến với nhau một cách đường hoàng thì họ lén lút; không chấp nhận họ là vợ chồng thì họ tự qui ước với nhau điều đó, ngầm coi nhau như vợ chồng. Đọc xong Lạnh lùng, ta thấy cần phải đạp đổ chế độ cũ nặng nề, eo hẹp, trong đó Nhung đang rẫy rụa không lối thoát. Khổng giáo không còn là thiêng liêng, một cảm giác rùng mình khi nhìn thấy hiện ra bốn chữ “Tiết hạnh khả phong” cùng với hai hàm răng long, mái tóc bạc, phần thưởng của một đời người đàn bà góa trẻ như Nhung.

Đoạn tuyệt cũng góp một tiếng nói đấu tranh cho tự do yêu đương, tự

do hôn nhân. Cái mới mà nhân vật Loan mang đến là tình yêu ngoài hôn nhân với kiểu nhân vật nổi loạn. Tình yêu duy nhất Loan dành riêng cho Dũng, nó hiện hữu từ khi nàng còn son rỗi, đến lúc đã lấy chồng, thậm chí trong đêm tân hôn nàng cũng nhớ đến Dũng. Thất vọng với cuộc hôn nhân hiện tại, Loan tìm đến hình bóng người yêu trong giấc mộng, và tự coi mình là người vợ trong tinh thần của Dũng. Và tình yêu ấy bền bỉ, sâu sắc, trải qua bao thăng trầm, cuối cùng thì cũng đã có kết thúc có hậu. Tâm trạng hồi hộp, xúc động của Loan khi áp lá thư (Dũng gửi cho Thảo bộc bạch tình cảm) vào lòng lan truyền niềm vui, hân hoan tới người đọc, vì cuối cùng, họ cũng đã đến được với nhau. Những biến động thăng trầm trong một khoảng thời gian dài không làm sứt mẻ, vơi cạn tình yêu thủy chung, son sắt, mà ngược lại, được nung nấu, tôi luyện như vàng thử trong lửa.

Có thể nói “từ Đoạn tuyệt trở đi, nhân cách văn học của Nhất Linh cũng được khẳng định. Ông đứng ra bảo vệ cái tôi cá nhân nổi dậy chống gia đình” [67;113]. Ông lên tiếng bênh vực cho những cô gái mới, chủ trương giải phóng họ, đưa họ thoát khỏi những kìm kẹp của chế độ đại gia đình, đặc biệt là những bà mẹ chồng nanh ác, những ông chồng hèn kém, đấu tranh đòi tự do cho họ trong hôn nhân và bình đẳng trong các lĩnh vực của cuộc sống. Chủ trương của Nhất Linh mới mẻ và táo bạo, mang tính nhân đạo cao cả, hướng tới con người, vì con người. Việc Nhất Linh lên tiếng bênh vực những cô gái mới đã làm cho phái “bảo tồn” tức tối. Tuy nhiên, nó đã nhận được sự ủng hộ của những người có nhận thức, có tư tưởng tiến bộ.

Trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do sống và làm chủ vận mệnh, Nhung, Loan, Tuyết là ba cuộc đời, ba số phận, ba cá tính hoàn toàn khác nhau. Điểm chung của họ đều là xinh đẹp, giỏi giang, có trình độ, hiểu biết; đều hướng đến mục đích tìm ý nghĩa sống đích thực cho bản thân và họ đều phải gồng mình bứt phá khỏi những rào cản. Cuối cùng, họ đều đi đến đích:

Nhung quyết định đi lại với Nghĩa, Loan quyết định đi theo tiếng gọi tình yêu và cuộc đời rộng mở phía trước, Tuyết quyết định lựa chọn cuộc đời gió bụi, tự do.

Trong ba nhân vật ấy, Tuyết có thể coi là nhân vật “gây hấn” của tác giả. Ý thức cá nhân ở nhân vật bị đẩy lên tới mức cực đoan. Nhà văn đã miêu tả lối sống cực đoan của một cô gái giang hồ, lấy cái tôi làm trung tâm, lấy lạc thú trước mắt làm chuẩn mực cao nhất. Triết lý sống của Tuyết là hưởng lạc và đề cao lối sống, hành vi cá nhân, làm chủ cuộc đời mình mà không chịu bất kỳ một sự qui giản nào. Tuyết vốn là một cô gái con nhà giàu có, trong chuyện lựa chọn tình duyên buổi đầu, Tuyết không được lựa chọn tự do nên không yêu chồng và đã bỏ đi theo trai, từ đó dấn thân vào cuộc đời mưa gió. Khác với những cô gái giang hồ phải bán thân kiếm sống trong văn học Việt Nam thường có tâm trạng đau khổ, ê chề, thì Tuyết lại say sưa với cảnh sống phóng túng của mình, chủ động tìm kiếm lạc thú trong những cuộc tình chóng vánh, đổi thay, trụy lạc. Lấy lạc thú làm đích đến của cuộc sống, Tuyết quan niệm ái tình chỉ là sự gặp gỡ của hai xác thịt. Cũng có lúc cô định bụng thay đổi, bằng lòng với cuộc sống êm ấm, hạnh phúc và tình yêu chân thành của Chương, nhưng rồi ý nghĩ ấy chẳng tày gang, cô lại quyết ra đi tìm vui thú.

Miêu tả Tuyết, Nhất Linh đã tỏ ra dạn dày trong việc thể hiện tính chất nổi loạn của nhân vật. Tuyết không phải là mẫu nhân vật đa tính cách, ý thức

Một phần của tài liệu Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 19321939 (Trang 55 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w