Cá nhân và con người cá nhân

Một phần của tài liệu Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 19321939 (Trang 34)

1945 tập 1 Tác giả đã khẳng định một số luận điểm lớn, trong đó đáng chú ý

2.1.1.Cá nhân và con người cá nhân

Theo Từ điển tiếng Việt [220], cá nhân là những con người “riêng lẻ” tồn tại trong xã hội loài người. Khái nhiệm “cá nhân” dùng để phân biệt với khái niệm “tập thể” hoặc “xã hội”- phạm trù được tạo nên bởi nhiều cá nhân, nhiều con người “riêng lẻ”.

Dưới góc độ xã hội, “cá nhân” được nhìn nhìn nhận trong mối quan hệ với cộng đồng. Theo Từ điển xã hội học, “cá nhân” được hiểu là “một con người riêng biệt trong xã hội”. Tuy nhiên, không thể tách rời cá nhân khỏi xã hội, hoặc thuần túy cho rằng, xã hội là do sự hợp thành của các cá nhân, mà phải nhìn nhận cá nhân và xã hội trong mối quan hệ tương tác, biện chứng:

“Nói xã hội là do các cá nhân hợp thành tức là chưa nói gì hết về mặt xã hội học nói riêng và các khoa học nhân văn khác. Vấn đề then chốt là quan hệ giữa cá nhân và xã hội được đặt ra và lí giải như thế nào. Trong lịch sử, quan hệ này phát triển không ngừng trong thể thống nhất và đối lập của cá nhân và xã hội. Ngay từ đầu cá nhân và xã hội tồn tại như những thực thể có liên hệ khăng khít với nhau, không có xã hội mà không có cá nhân và ngược lại, không có cá nhân mà không có xã hội” [221].

Theo các thành tựu nghiên cứu của ngành Tâm lý học, sự tồn tại của các quan hệ xã hội trong cá nhân là thông qua việc cá nhân “chiếm lĩnh” những giá trị xã hội và “đồng hóa” những chuẩn mực và những mục tiêu của xã hội. Và năng lực “chiếm hữu” cũng như “đồng hóa” của con người này phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển tinh thần và văn hóa cá nhân, và sự phát triển này đến lượt nó lại chịu ảnh hưởng của những điều kiện xã hội.

Từ điển triết học [189] thì cho rằng cá nhân được thể hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng, chịu sự tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố xã hội: “Con người với những phẩm chất được qui định về mặt xã hội và được biểu lộ ở mỗi cá nhân: trí tuệ, tình cảm, ý chí”, “các đặc tính vốn có của cá nhân không thể là bẩm sinh, mà xét cho cùng là bị qui định bởi chế độ xã hội hình thành trong lịch sử”, “cá nhân là một tổng thể gắn bó những nét bên trong và những đặc điểm của con người, qua đó mọi tác động từ bên ngoài được phản ánh”, “cái chủ quan trong cá nhân (cảm xúc, ý thức, nhu cầu) là không thể tách rời các quan hệ khách quan được hình thành giữa con người với hình thức chung quanh. Trình độ phát triển của cá nhân phụ thuộc vào chỗ các quan hệ này tiến bộ đến đâu về mặt lịch sử”.

Theo quan điểm này, cá nhân được hiểu là những thực thể mang tính xã hội, có mối quan hệ khăng khít, tác động qua lại giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng. Cá nhân vì vậy vừa mang tính cá thể (của riêng nó) vừa mang tính phổ quát (của nhân loại).

Phân tích mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, triết học Marx cho rằng cá nhân luôn luôn được phân biệt với những đặc trưng căn bản sau:

- “Thứ nhất, cá nhân là phương thức tồn tại cụ thể của loài người một cách trực tiếp, cảm tính. Không có con người nói chung, mà chỉ có con người cụ thể- cá thể- của giống loài.

- Thứ hai, cá nhân là phần tử đơn nhất, riêng lẻ, tạo thành cộng đồng xã hội, là cơ sở hình thành lịch sử xã hội loài người.

- Thứ ba, cá nhân là một chỉnh thể toàn vẹn có nhân cách, biểu hiện trong phẩm chất sinh lý và tâm lý riêng biệt của mỗi con người.

- Thứ tư, cá nhân trong mối quan hệ với xã hội là một hiện tượng lịch sử, vận động phát triển phù hợp với mỗi thời đại nhất định. Do đó, trong bất kỳ xã hội nào, cá nhân cũng không tách rời khỏi xã hội, mỗi thời đại sản sinh ra một

kiểu cá nhân có tính đặc thù, thậm chí đối lập nhau, trong quan hệ xã hội nhất định” [226].

Quan niệm cá nhân của chủ nghĩa Marx nhìn nhận con người vừa là cá thể đơn nhất, vừa là những nhân cách độc lập với phẩm chất tâm lí, sinh lí riêng. Cá nhân gắn bó chặt chẽ với xã hội và mang đặc tính riêng của từng thời đại.

Trong cuốn Lịch sử cá nhân luận [224;4,5,6,7,8], Alain Laurent cũng đã đưa ra quan niệm của mình về cá nhân. Ông khẳng định “bản tính con người là cá nhân”. Cá nhân luôn có những “ham muốn và những dục vọng riêng biệt,… bị thúc đẩy bởi những lợi ích riêng khiến anh ta muốn sống theo các lợi ích này”. Trong mỗi cá nhân luôn luôn có sự kết hợp giữa bản năng tự nhiên và ý thức xã hội, giữa tình cảm tự phát và ý chí đã trở thành tự giác. Cá nhân cũng có tính độc lập, tự do trong hành động. Cá tính độc lập của mỗi cá nhân được xem như “biểu hiện hoàn mỹ nhất của con người”. Đi sâu vào ý tưởng này, tác giả cho rằng “quyền tự nhiên của cá nhân là kẻ sáng tạo ra chính cuộc sống của mình mà không bị ép buộc- và là kẻ sáng tạo ra chính bản sắc của mình mà không thấy nó bị áp đặt bởi những sở thuộc không do mình chọn”. Điều đó đồng nghĩa với cá nhân không bị qui giản vào bất kì tập hợp nào, không bị biến mất như một phần tử giống hệt với những phần tử khác trong cộng đồng.

Qua những phân tích, Alain Laurent đã kết luận cá nhân khẳng định khả năng tự nhận thức, khả năng độc lập bên cạnh những khao khát bản năng của con người. Đây là cách nhìn nhận khá thấu đáo và toàn diện về con người.

Từ những quan niệm trên, có thể đi đến cách hiểu về khái niệm cá nhân: cá nhân là con người riêng lẻ tồn tại trong xã hội loài người, có mối liên hệ mật thiết, khăng khít với nhau, với xã hội, cộng đồng. Cá nhân có những phẩm chất tâm lí, sinh lí riêng biệt, gắn liền với ý thức về bản thể, về cá tính, về sự sống của bản thân. Đó là ý thức về cái tôi với sự độc lập tương đối trong

hành động, suy nghĩ, cảm xúc; ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ mà nó tự đặt ra cho mình.

“Cá nhân” có điểm tương đồng với “cá thể” khi hiểu là những con người cụ thể. Nhưng “cá nhân” là một hiện tượng lịch sử, phát triển trong mỗi thời đại với những điều kiện, trình độ, quan niệm tương ứng được ý thức trong mối quan hệ với tập thể, cộng đồng, còn “cá thể” chỉ con người trong ý nghĩa đơn nhất, cá biệt trong các quan hệ nội tại của nó với chính nó.

Một phần của tài liệu Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 19321939 (Trang 34)