Ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 19321939 (Trang 142)

1939 là Ðôi Bạn, Bướm Trắng, Hai buổi chiều vàng, Thế rồi một buổ

4.3. Ngôn ngữ nhân vật

Ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật viết tiểu thuyết. Về phương diện này, Nhất Linh và các nhà văn Tự lực văn đoàn đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tiểu thuyết của Nhất Linh vừa góp phần khẳng định một lối văn có tính cách An Nam vừa góp phần đổi mới diễn ngôn tự sự của tiểu thuyết hiện đại.

Vài thập niên cuối thế kỷ XIX, ba mươi năm đầu thế kỷ XX, do những biến chuyển của hình thái kinh tế, xã hội, văn hóa, văn học, ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ văn học nói riêng có những biến chuyển, cách tân đánh dấu bước ngoặt lớn. Đây là sự vận động vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại sắc nét. Nền văn học mới đòi hỏi ngôn ngữ phải đại chúng, dễ hiểu. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đều có phong trào “ngôn văn nhất trí” (nói, viết thống nhất với nhau). Ở Nhật Bản, Níshi Amane, năm 1871, trong Bách học liên hoàn, cho rằng ngôn ngữ có hai loại: tử ngữ (dead language) và sinh ngữ (living language), đồng thời chủ trương văn học phải được viết bằng sinh ngữ. Trung Quốc cũng có phong trào sử dụng bạch thoại trong sáng tác văn chương, báo chí và học thuật. Ở Việt Nam, phải đến thế hệ các nhà văn 32-45, mà chủ yếu từ Tự lực văn đoàn, ngôn ngữ văn học mới hoàn toàn đổi mới. Trong đó, ngôn ngữ nhân vật là một phương diện đặc sắc trong việc thể hiện ý thức cá nhân. Đó là thứ ngôn ngữ mang cá tính, màu sắc cá nhân và đời sống riêng của từng nhân vật; bên cạnh đó, nó thể hiện đặc điểm ngôn ngữ của một tầng lớp người nhất định trong xã hội; đồng thời, biểu hiện khả năng nhận thức của nhà văn về chính nhân vật đó. Với những đặc điểm này, ngôn ngữ nhân vật là một cơ sở để soi chiếu, nhận diện giá trị tư tưởng của tác phẩm.

Tiểu thuyết của Nhất Linh phần lớn chuyên chở những luận đề xã hội. Nhân vật của Nhất Linh là những người mạnh mẽ, táo bạo, được xây dựng để chuyển tải thông điệp của luận đề. Họ quyết liệt và mạnh mẽ trong việc biểu đạt quan điểm, tư tưởng về cuộc đấu tranh mới- cũ, thẳng thắn trong bộc lộ ý thức cá nhân. Vì thế, Nhất Linh đã lựa chọn chất liệu ngôn ngữ để biểu đạt những tư tưởng ấy: ngôn ngữ mang màu sắc cá nhân. Đó là thứ ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, có sử dụng nhiều những thuyết lý, triết lý về cuộc sống và nhân sinh. Nhất Linh tỏ ra tài năng trong việc đan cài màu sắc chính luận, triết luận của ngôn ngữ người kể chuyện với những dòng chảy ý thức cuồn cuộn của nhân vật qua đối thoại, độc thoại. Vì vậy, ngôn ngữ trở nên hiện đại, mới mẻ và có tính đa âm.

Trong tiểu thuyết của Nhất Linh, ngôn ngữ nhân vật được chúng tôi quan tâm nhìn nhận ở ý thức, tư cách phát ngôn, giọng điệu và những đặc điểm về hình thức của những phát ngôn đó. Đó chủ yếu là những phát ngôn trực diện được thể hiện trong giao tiếp của nhân vật với các nhân vật khác của tác phẩm, trong đó, giao tiếp với những nhân vật thuộc chiến tuyến đối lập được quan tâm khảo sát.

Có thể thấy, trong tiểu thuyết của Nhất Linh, phát ngôn xuất phát từ nhân vật đã thể hiện ý thức cá nhân rõ nét, đó là ý thức về sự công bằng, bình đẳng trong xã hội, về sự dân chủ và quyền tự quyết. Vì thế, tinh thần chủ yếu trong phát ngôn là khẳng định, nêu ra một tư tưởng mà không hướng tới sự trao đổi. Tính tuyên ngôn là màu sắc chính và phổ biến của những phát ngôn này. Những lời đối thoại vang lên trong phiên tòa (Đoạn tuyệt), thể hiện

những quan niệm riêng biệt đối lập. Phái cũ bảo vệ luân lí gia đình, bắt người phụ nữ cam chịu một bề để làm dâu thảo vợ hiền. Ông chưởng lý lên án các cô gái mới đã phá hoại thuần phong mĩ tục, do ảnh hưởng tiểu thuyết lãng mạn muốn thoát ly đã nhẫn tâm muốn giết chồng. Ông trạng sư hùng hồn bênh vực phái mới, kết án gia đình gia trưởng: “tha cho thị Loan, tức là tha cho một

người bị buộc tội oan, tha cho một người đau khổ đã bị phí cả một đời thanh xuân, đã đem thân hi sinh cho cái xã hội mới cũ khe khắt này” (Đoạn tuyệt).

Những nhân vật như Nhung, Loan… phát biểu rất nhiều nhưng ngắn gọn những triết lý về cuộc sống, gia đình, tình yêu, cách đối nhân xử thế, bình đẳng trong gia đình… hay thuyết giảng một cách logic về những vấn đề đó. Những triết lí này thể hiện rất rõ quan điểm, thái độ của nhà văn Nhất Linh về cuộc sống, về con người cá nhân, về quyền của người phụ nữ.

Nhung:

- Nàng cũng cho em nàng nói là phải, hai người yêu nhau thì cho hai người lấy nhau, dễ dàng lắm.

- Không gì khổ hơn là cứ luôn phải sống trong sự giả dối.

- Nhưng đàn bà thì hình như không được phép quên buồn. Đàn bà chẳng có cách gì giải khuây. Khi nào buồn thì phải ngồi yên khóc cho đến khi hết buồn thì thôi.

- Mình muốn tốt mà thành ra xấu! Chỉ vì muồn giữ cái tiếng tốt hão ấy mà bắt buộc thành ra khốn nạn, đâm ra xảo quyệt, gian trá…

- Muốn tránh một tiếng xấu to, tất mẹ nàng đành phải chịu nhận lấy tiếng xấu nhỏ.

Loan:

- Việc gì mà hết hi vọng… Mình sống, muốn sống thì không thể một mình sống được hay sao, nếu gia đình kia không cho mình được sung sướng.

- Thưa thầy me, thầy me cho con đi học, thầy me không thể cư xử với con như con vô học được nữa… Phân bày phải trái với bố mẹ không phải là bất hiếu như con tưởng.

- Chỉ có sự trinh tiết của tâm hồn là đáng quí thôi.

- Vâng, đảm nghĩa là về hầu hạ nhà chồng từ người trên đến người dưới cho chu tất. Nếu chỉ thế thì một con sen cũng làm nổi, không cần phải một nàng dâu…

Khi những cô “gái mới” khẳng định quyền được bình đẳng, được tự do thì giọng điệu kiên quyết, lạnh lùng, dứt khoát, bất chấp những phép tắc ứng xử chuẩn mực và đạo đức truyền thống trong giao tiếp giữa con cái với cha mẹ, giữa vợ và chồng. Lối xưng hô cũng bị coi là “hỗn hào”, không coi trọng thuần phong. Loan (Đoạn tuyệt) nói vỗ vào mặt bà Án:

- Tôi không cần ai dạy tôi

- Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi

Hay thái độ bất cần khi giao tiếp với bà Cả Đạo:

- Thưa cô, ở ngoài người ta nói gì thì nói, cháu không cần biết đến

- Vả lại, cô cũng chẳng việc gì phải ngượng hộ đời cháu. Đời cháu, cháu phải lo

Hoặc mạnh mẽ, quyết đoán lúc nói với Thân:

- Tôi chắc không bao giờ cậu nghĩ đến rằng gia đình này chỉ là gia đình cậu, mà gia đình cậu chưa hẳn là gia đình tôi.

- Nhưng nếu một ngày kia, người ta làm cho tôi không thể nhịn được nữa, chắc sẽ có nhiều chuyện lôi thôi. Cậu nên tiên liệu trước đi là hơn.

Khi những phát ngôn thể hiện quan điểm, phương châm sống thì giọng điệu nhân vật trở nên tỉnh queo, có phần như thách thức, đùa giỡn. Tuyết (Đời

mưa gió) nêu ra một loạt quan niệm sống:

- Không tình, không cảm, chỉ coi lạc thú ở đời như một vị thuốc trường sinh

- Ái tình là gì, thưa anh, nếu chẳng phải là sự gặp gỡ của hai xác thịt

- Chẳng lẽ vì có đống bạc với lại cái đời tử tế mà anh đặt được người ta lên trên em ư?

- Gàn thực! Yêu thì cứ yêu, bao giờ chán thì thôi. Việc gì mà chờ đợi, mong mỏi, sầu não như một vị hôn thê.

Khi phát ngôn trong hoàn cảnh bế tắc thì giọng điệu có phần cảm khái, ngậm ngùi:

“Rồi Loan nhớ lại bao nỗi vất vả trong mấy tháng về làm dâu. Bao nhiêu việc khó nhọc là về phần nàng cả. Mấy hôm đầu chính Thân cũng có ngỏ ý rằng chàng cưới Loan về để hầu hạ mẹ. Phải, người ta cưới nàng về để hầu hạ chứ không phải để làm một người vợ. Việc này là việc phụ. Vì vậy, đầu tiên người ta dạy bảo Loan như dạy một con ở. Nhưng đối với Loan, việc dạy đó không phải là để nàng khôn lên, chỉ là việc bắt nàng ăn ở vào khuôn phép nhà chồng. Khuôn phép ấy nàng cho là vô lý mà nàng không thể theo được”

(Đoạn tuyệt)

Khi cần thiết, Nhất Linh cũng để cho nhân vật trở thành người thuyết giáo cho tư tưởng của mình, vì thế có lúc tư cách phát ngôn và giọng điệu của nhân vật không còn là của chính nhân vật nữa (Loan, Nhung). Chính vì sử dụng luận đề một cách có chủ đích, nên sự xuất hiện của các nhân vật như trạng sư (Đoạn tuyệt) với những thuyết giảng hùng hồn có vẻ thiếu đi sự tự nhiên. Tuy nhiên, ở góc độ biểu đạt tư tưởng của tác giả về ý thức cá nhân, về cuộc đấu tranh không khoan nhượng cho tự do yêu đương, tự do hôn nhân, thì đây lại là công cụ hữu hiệu, có tác dụng tức thì. Đó là những hạn chế dễ nhận thấy trong các tiểu thuyết của nhà văn Nhất Linh.

Có thể thấy, ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Nhất Linh có sự thay đổi rõ rệt qua từng tác phẩm, từ chỗ còn vụng về đến điêu luyện, từ chỗ du dương đến gãy gọn, trước viết để tai nghe, sau viết cho mắt đọc và óc suy ngẫm. Càng viết, Nhất Linh càng thể hiện rõ vóc dáng của một nhà văn lớn.

Tiểu kết

Quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc thật sự hoàn thành ở chặng đường 1932-1945, lúc ý thức cá nhân của người nghệ sĩ được phát triển một cách đầy đủ và biểu hiện trọn vẹn trong tác phẩm, trên phương diện nội dung và nghệ thuật biểu hiện. Bộ mặt của văn học hiện đại được nhận diện bằng phong trào Thơ Mới, tiểu thuyết hiện thực phê phán và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Nhất Linh trở thành cái tên ấn tượng, góp phần quan trọng trong việc

biểu hiện ý thức cá nhân ở một tầm cao mới. Với những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu như tổ chức các xung đột không thể hóa giải giữa cá nhân và xã hội trong tác phẩm, mô tả tài tình thế giới tâm lý phức tạp, khai thác hệ thống ngôn ngữ đậm màu sắc cá nhân của nhân vật, diện mạo và diễn biến của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết Nhất Linh được tái hiện đầy đủ, sinh động, là nhân tố quan trọng đưa Nhất Linh trở thành cây bút có công lớn trong cuộc cách mạng của lịch sử văn học dân tộc.

KẾT LUẬN

1. Ý thức cá nhân là hệ thống quan niệm, quan điểm cá nhân mang tính riêng lẻ, không phụ thuộc vào xã hội và cộng đồng, chứa đựng dấu ấn cá nhân mạnh mẽ, khẳng định bản ngã và thể hiện bản lĩnh không khuất phục trước các thế lực đối lập. Ý thức cá nhân gắn liền với lịch sử tư tưởng của xã hội, loài người. Ở Việt Nam, đất nước phong kiến ngàn năm, nơi có nền văn minh nông nghiệp và ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo đậm đặc, sự phát triển của ý thức cá nhân là một bước đột phá của tư duy. Ý thức cá nhân đã manh nha xuất hiện và tồn tại từ thời trung đại nhưng khá mờ nhạt và chưa có tính hệ thống. Đến đầu thế kỷ XX, trong điều kiện xã hội, lịch sử nhất định, nó mới có cơ hội được thức tỉnh sâu sắc. Trong quá trình hình thành và phát triển của ý thức cá nhân, Tự lực văn đoàn có những đóng góp đáng trân trọng. Tôn chỉ của Tự lực văn đoàn toát lên tinh thần cơ bản đề cao dân chủ và trọng tự do cá nhân. Nhất Linh- vị chủ xướng, linh hồn của nhóm- bằng những sáng tác văn học và những hoạt động xã hội khác, trở thành người có công lớn trong việc phát triển ý thức cá nhân lên tầm cao mới, gắn ý thức cá nhân với ý thức nhân quyền, ý thức nữ quyền; đem đến sức mạnh và màu sắc hấp dẫn của cái mới, của chủ nghĩa nhân văn, của chính nghĩa. Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển lịch sử tư tưởng của dân tộc, tạo tiền đề vững chắc đưa ý thức cá nhân lên tầm cao mới trong những gia đoạn tiếp theo.

2. Con đường đến với ý thức cá nhân của nhà văn Nhất Linh không chỉ xuất phát từ bối cảnh xã hội bấy giờ mà còn hội tụ bởi nhiều yếu tố khác như ảnh hưởng của gia đình, quá trình học tập, hoạt động xã hội, tư tưởng và tính cách của nhà văn. Ý thức cá nhân trở thành định hướng có tính chất xuyên suốt chi phối hoạt động và sáng tác văn học của Nhất Linh, được thể hiện chủ yếu trên các phương diện: đấu tranh cho quyền sống cá nhân, chống lại sự áp

chế của lễ giáo phong kiến; khẳng định tự do cá nhân, tự do sống và làm chủ cuộc đời mình; đề cao tự do trong hành vi, lối sống và khám phá những tầng sâu ý thức cá nhân. Tư tưởng này được thể hiện sắc nét trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 1932-1939. Sau 1939, khi lý tưởng cải cách xã hội đi vào con đường bế tắc, Nhất Linh chú tâm hoạt động chính trị, ông sáng tác không nhiều, ý thức cá nhân cũng không còn là tư tưởng nổi bật.

3. Diện mạo của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 1932- 1939 có sự vận động, biến đổi. Chặng 1932-1936, ý thức cá nhân được thể hiện ở những luận đề đấu tranh gay gắt với lễ giáo phong kiến, nêu cao khẩu hiệu giải phóng cá nhân; đến chặng 1936-1939, nhà văn đi sâu vào địa hạt tâm lý con người, tìm ra những khuất khúc, ẩn ức, tái hiện lại những cuộc vật lộn đầy bão giông trong con người cá nhân. Thấp thoáng trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn này, xu hướng cải cách xã hội thông qua tư tưởng bình dân xuất hiện, tuy nhiên khá mờ nhạt và sa vào không tưởng.

4. Dành nhiều tình cảm cho những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội cũ, Nhất Linh tập trung ngòi bút và dồn tâm lực cho việc xây dựng những nhân vật nữ chính. Với số lượng nhân vật nữ đông đảo, cùng với luận đề mà Nhất Linh đặt vào nhân vật, nhà văn đã trực tiếp tỏ thái độ bất bình đối với xã hội “trọng nam khinh nữ”, coi nhẹ quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ. Tư tưởng nữ quyền trở thành phương diện không thể thiếu khi nói về ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 1932-1939. Tư tưởng nữ quyền gắn liền với những tác phẩm tạo nên tên tuổi và chỗ đứng của nhà văn trên văn đàn như Lạnh lùng, Đoạn tuyệt, Đời

mưa gió…

5. Nhất Linh viết khá nhiều thể loại, nhưng đặc biệt thành công ở tiểu thuyết. Càng ngày, ông càng tỏ ra chắc tay với những kĩ thuật viết tiểu thuyết hiện đại, góp phần đưa tiểu thuyết Việt Nam lên đỉnh cao. Tài tình trong việc tổ chức xung đột tác phẩm, cùng với nghệ thuật mô tả tâm lý nhân vật tinh tế,

điêu luyện, diện mạo và diễn biến của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết Nhất Linh qua đó được tái hiện sắc nét. Việc khai thác hiệu quả thứ ngôn ngữ nhân vật mang đậm màu sắc cá nhân, giàu chất triết lý với giọng điệu mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cảm khái cũng đã giúp Nhất Linh tái hiện sâu sắc đời sống nội tâm nhân vật. Tuy nhiên, khi ngôn ngữ ấy kết hợp nhuần nhuyễn với âm hưởng lãng mạn, bay bổng thì đã tạo nên hiệu quả bất ngờ, đặc sắc cho tiểu

Một phần của tài liệu Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 19321939 (Trang 142)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w