Chỉ định và chống chỉ định

Một phần của tài liệu nghiên cứu hiệu quả điều trị u thân não bằng phương pháp xạ phẫu dao gamma quay (Trang 111)

Hệ thống xạ phẫu dao Gamma quay sử dụng 30 nguồn phóng xạ Co-60 quay quanh đầu bệnh nhân có tổng hoạt độ phóng xạ là 6000Ci hội tụ chính xác tại điểm tổn thương với độ lệch vị trí <0,1mm. Tác động bức xạ bẻ gãy cấu trúc AND gây chết tế bào, làm phồng tế bào nội mô dẫn đến tắc mạch hay xơ hóa tổ chức. Trong khi đó dao gamma cổ điển sử dụng 201 nguồn Co-60 cố định, nên xạ phẫu bằng dao gamma quay là phương pháp an toàn hơn, giảm được tối đa

liều tới tổ chức não lành xung quanh và có thể chỉ định cho những bệnh nhân cao tuổi hoặc trẻ tuổi hơn. Dao gamma quay đặc biệt ưu việt hơn dao gamma cổ điển đối với những khối u ở vị trí sâu và nguy hiểm như u thân não.

Do đặc điểm cấu tạo và những ưu điểm của dao gamma, đặc biệt là dao gamma quay nên được chỉ định cho những u lành tính và ác tính [62]. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể chỉ định xạ phẫu bằng dao gamma quay. Đối với những khối u có đường kính >5cm, khối phình mạch, bệnh nhân đang trong tình trạng tăng áp lực nội sọ nặng, cơ thể bệnh nhân phản ứng mạnh với bức xạ, bệnh nhân có bệnh cấp tính đe dọa tính mạng kèm theo hay phụ nữ đang trong thai kỳ,…thì không có chỉ định xạ phẫu bằng dao gamma quay [60].

Trong nghiên cứu của chúng tôi lựa chọn đối tượng là những bệnh nhân có u thần kinh đệm bậc thấp thân não nên khả năng phẫu thuật mổ mở khó khăn, xạ trị gia tốc chiếu ngoài không nâng được liều điều trị do ảnh hưởng tới giới hạn chịu đựng của thân não. Vì vậy bệnh nhân có kích thước khối u ≤3cm là thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn để đảm bảo xạ phẫu được an toàn và hiệu quả. Chính vì vậy, chỉ định xạ phẫu cho bệnh nhân u não nói chung và u thần kinh đệm bậc thấp thân não nói riêng là rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong điều trị.

4.4. Liều xạ phẫu

Hiệu quả điều trị bằng dao gamma quay u thần kinh đệm bậc thấp thân não dựa vào việc cung cấp đủ liều cho khối u và giảm thiểu tối đa liều tới các mô não lành xung quanh. Kết quả này phụ thuộc chủ yếu vào vị trí, kích thước và bản chất khối u. Thể tích khối u càng nhỏ thì có thể nâng liều tại u cao hơn và cho phép khối u nhận được liều bức xạ ưu việt hơn, do đó mức độ kiểm soát được khối u tốt hơn. Sự nâng liều tại u không chỉ phụ thuộc vào kích thước u mà còn phụ thuộc vào vị trí của u. Tại vị trí đó giới hạn chịu đựng liều bức xạ của cơ quan, tổ chức cho phép bác sĩ xạ phẫu quyết định cấp liều phù hợp vào tổ chức khối u.

Tuy nhiên, bản chất khối u khác nhau ảnh hưởng tới việc cấp liều và hiệu quả điều trị bởi vì có những loại khối u rất nhạy cảm với xạ phẫu như u

tế bào mầm hay những tổn thương di căn của ung thư. Ngược lại cùng có những loại khối u đáp ứng rất thấp với tia xạ như u thần kinh đệm bậc cao... Nguyên tắc chọn liều là phải đủ để tác dụng lên khối u đồng thời ít ảnh hưởng nhất tới mô não lành. Vì vậy, chỉ định đối tượng xạ phẫu là rất quan trọng. Trong nghiên cứu của chúng tôi đối tượng lựa chọn xạ phẫu được thông qua hội đồng hội chẩn gồm các chuyên ngành như Ngoại khoa thần kinh, nội khoa thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, Y học hạt nhân và Ung bướu, bác sĩ xạ trị, xạ phẫu, nhằm mục đích đưa đến quyết định tốt nhất cho việc điều trị.

Chúng tôi căn cứ vào bảng tới hạn chịu đựng của thân não và tủy sống (phụ lục 2) để quyết định đưa ra liều xạ phẫu phù hợp nhất cho việc điều trị. Với u chiếm 1/3 thân não thì liều xạ phẫu <14,4Gy; Với u chiếm 2/3 thân não: liều xạ phẫu < 13,5Gy; Với u chiếm hết thân não và ≤3cm: liều xạ phẫu <13,1Gy [60]. Thông thường liều chỉ định cho u thân não từ 12-14Gy. Tuy nhiên, những khối u đường kính nhỏ chiếm 1/4 thân não trở xuống chúng tôi áp dụng liều xạ phẫu cao hơn. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy khi liều điều trị tăng thì gia tăng biến chứng do xạ trị và sự thiếu hụt thần kinh rất nhiều trong khi đó không làm tăng thêm hiệu quả điều trị [107].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy liều xạ phẫu trung bình là 12,7±1,4Gy, thấp nhất là 8Gy, cao nhất là 16Gy; liều xạ phẫu trung bình ở cuống não là 13,6 ± 1,3Gy; cầu não là 12,7 ± 1,2Gy; Hành tủy là 11,3 ± 1,6Gy (bảng 3.11). Theo Chun Po Yen [90] xạ phẫu bằng dao gamma cho 20 bệnh nhân u thần kinh đệm thân não liều trung bình 12,4Gy (4-18Gy), tương tự như kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Tác giả Kondziolka D [108]liều trung bình là 13.8Gy (12– 15Gy). Nghiên cứu của Edward W. Jung ª và cs [109] trên 32 bệnh nhân ung thư di căn thân não, thời gian theo dõi trung bình 6 tháng, tổn thương di căn ở cuống não 28%, cầu não 56%, hành tủy 16%. Liều sử dụng cho xạ phẫu trung bình là 13Gy, thể tích khối u là 0,71cm³, cải thiện triệu chứng lâm sàng 31,6%, kiểm soát tại chỗ 87,5%, không có trường hợp nào ngộ độc xạ mức độ 3,4. Như vậy, liều xạ phẫu ngoài tác dụng kiểm soát khối u mà trái lại còn có thể gây biến chứng trực tiếp tới vùng bị chiếu xạ tùy thuộc vào việc cấp liều bức xạ cao hay thấp và mức

độ nhạy cảm của mô u với bức xạ. Do đó đưa một liều xạ trị nhằm mục đích tiêu diệt tổ chức u nhưng vẫn đảm bảo được an toàn cho mô não lành xung quanh là rất quan trọng.

Một phần của tài liệu nghiên cứu hiệu quả điều trị u thân não bằng phương pháp xạ phẫu dao gamma quay (Trang 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)