Ranh giới u là yếu tố quan trọng quyết định phương pháp điều trị cũng như tiên lượng u lành tính hay ác tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy trên phim chụp CT trước tiêm thuốc cản quang phát hiện được 70,3% u có ranh giới rõ, sau tiêm phát hiện được 81,1% u rõ ranh giới (bảng 3.7). Trên phim chụp MRI trước tiêm phát hiện được 81,1% u có ranh giới rõ, sau tiêm phát hiện được 86,5% u rõ ranh giới (bảng 3.8).
Nghiên cứu của Kiều Đình Hùng [46] cho thấy u không có ranh giới chiếm 95,3%, u có ranh giới rõ chiếm 4,7%; Theo Trần Chiến [82] u tế bào hình sao độ I là 100% có ranh giới rõ, độ II ranh giới rõ gặp 82,1%, độ III chỉ 9,1% u có ranh giới rõ, còn độ IV 100% u không rõ ranh giới. Tuy nhiên, nghiên cứu của các tác giả là những u thần kinh đệm vùng trên lều tiểu não. Như vậy, những khối u ranh giới không rõ thường là những u có độ ác tính cao, thể hiện sự xâm lấn, chèn ép tổ chức não lành xung quanh.
Ranh giới u còn phụ thuộc vào từng vị trí, kích thước và loại u trong não. Theo Anne G. Osborn [22] những trường hợp u thần kinh đệm bậc thấp ranh giới không rõ thường là loại u tế bào hình sao lan tỏa ở cầu não, loại này tiến triển nhanh, rất ác tính trên lâm sàng và chuyển dạng thành u sao bào kém biệt hóa.
Như vậy với u thần kinh đệm thân não, MRI thực sự có giá trị hơn hẳn CT để phát hiện ranh giới của u. Đặc biệt sử dụng MRI mô phỏng lập kế hoạch xạ phẫu bằng dao gamma quay đã kiểm soát được toàn bộ khối u khi khối u có sự xâm lấn vào nhu mô não xung quanh. Đây là điểm khác biệt giữa dao gamma cổ điển và dao gamma quay. Dao gamma cổ điển sử dụng chụp mô phỏng trên CTscanner còn dao gamma quay có thể sử dụng chụp mô phỏng trên MRI ở các chuỗi xung, chụp mạch xóa nền, chụp cắt lớp 64 dãy. Đối với những trường hợp bệnh nhân có ranh giới u không rõ, đặc biệt có phù não kèm theo làm lu mờ ranh giới của u, chúng tôi tiến hành lập kế hoạch xạ phẫu dựa trên xung T2W của MRI. Vì vậy mà hiệu quả điều trị của hệ thống xạ phẫu bằng dao gamma quay có nhiều ưu điểm hơn dao gamma cổ điển.