1.2.3.1.Khái niệm tâm lý học đường
Tâm lý học đường hay tâm lý học trường học có tên tiếng Anh là “school psychology”
Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về tâm lý học đường.
Có khái niệm cho rằng, “tâm lý học đường là một lĩnh vực của tâm lý học áp dụng nguyên tắc của tâm lý học lâm sàng và tâm lý học giáo dục để chẩn đoán và điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên có những vấn đề trong hành vi và học tập”.(Wikipedia, 2009).
Tuy nhiên, trong đề tài nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn khái niệm Tâm lý học đường của Trần Thị Lệ Thu: “Tâm lý học đường (tâm lý học trường học) là một chuyên nghành thực hiện công việc đánh giá (phòng ngừa) nhằm phát hiện những học sinh có thể có khó khăn về nhận thức, cảm xúc, xã hội, hay hành vi; phát triển và thực hiện các chương trình can thiệp tâm lý học cho học sinh, cố vấn cho giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia/cán bộ chuyên môn có liên quan; tư vấn cho học sinh; tham gia phát triển và lượng giá chương trình; nghiên cứu; giảng dạy; hỗ trợ và giám sát cho những người đang học nghề” [36 tr.313]
1.2.3.2.Nội dung tư vấn tâm lý học đường cho học sinh trong trường học
Theo Ngô Thu Dung, nội dung hoạt động tư vấn học đường trong trường học cho học sinh, sinh viên như sau [35, tr100 – 106]:
1.Tổ chức hoạt động tham vấn tâm lý, nhằm lắng nghe, khơi dậy nội lực, giúp học sinh, sinh viên tự phát triển thể chất tinh thần, tránh những sự phát triển lệch lạc không đáng có. Việc trợ giúp, can thiệp vào những khó
23
khăn học sinh gặp phải, phòng ngừa các rủi ro trong sự phát triển nhân cách của học sinh, sinh viên phải là trách nhiệm của cán bộ tư vấn học đường. Có thể tham vấn trực tiếp qua cán bộ tham vấn học đường của trường học hoặc qua các cơ sở tham vấn chuyên nghiệp, có thể tham vấn trực tiếp hoặc gián tiếp.
2. Cung cấp một số kiến thức cũng như tổ chức các lớp rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, giúp các em biết khám phá bản thân, biết tự chủ, rèn luyện năng lực thích ứng. Các hoạt động này hoặc được tổ chức chuyên biệt, hoặc được tích hợp trong nội dung các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động Đoàn, Đội.
3. Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, hoạt động vì cộng đồng, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao. Thông qua các hoạt động này, các em có cơ hội hiểu biết thông cảm đồng thời huy động được năng lượng của học sinh, sinh viên vào các hoạt động có ích, khơi dậy trách nhiệm của các em với những người xung quanh, khơi dậy tính hướng thiện và sự đồng cảm với đồng loại, với những người thiệt thòi, với thế giới xung quanh.
4. Nhiệm vụ và hoạt động sống cơ bản của học sinh, sinh viên là hoạt động học tập. Tuy nhiên hoạt động này hiện cũng tạo khá nhiều áp lực cho học sinh, sinh viên. Cần rèn luyện cho học sinh, sinh viên khả năng thích ứng học tập và rèn luyện bản lĩnh học tập. Bên cạnh đó, việc giúp học sinh, sinh viên có được phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả; kỹ năng quản lý thời gian và lập kế hoạch học tập rèn luyện cũng rất cần thiết.
5. Mối quan hệ xã hội, quan hệ với con người như quan hệ với bạn bè, bạn khác giới, gia đình, thầy cô giáo, các tổ chức xã hội, …cũng sẽ gây ra “khó khăn” cho học sinh, sinh viên mà nếu không biết giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng sẽ tạo ra những áp lực cho các em. Năng lực giao tiếp, hợp tác, lắng nghe, biết trình bày,..đều là những kỹ năng cần rèn luyện cho học sinh, sinh viên.
24
6. Công tác hướng nghiệp, định hướng nghề (ở các trường phổ thông) và thích ứng nghề (ở các trường chuyên nghiệp). Nhà trường cần tổ chức thường xuyên các hoạt động gắn kết giữa đào tạo với các cơ sở sử dụng nhân lực, giới thiệu về thị trường lao động, yêu cầu lao động nghề nghiệp… cho sinh viên, hỗ trợ các em trong việc rèn luyện thích ứng nghề, giải quyết công ăn việc làm sau tốt nghiệp.
7. Cần cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe, rèn luyện thể chất, sức khỏe sinh sản… cho học sinh, sinh viên. Sự suy giảm thể lực, thể chất của học sinh, sinh viên là một tình trạng đáng báo động. Những vấn đề này cần được tích hợp một cách có chủ định vào các môn học hoạt động như Giáo dục sức khỏe, lao động, thể dục, hoạt động… Bên cạnh đó, có thể tổ chức các hoạt động chuyên biệt theo chủ đề hàng tháng, hàng năm cho học sinh, sinh viên.
8. Cần có những hoạt động bảo vệ, tạo điều kiện hòa nhập cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ khuyết tật, mồ côi, gia đình không hoàn chỉnh, trẻ chậm phát triển…
9. Không chỉ tư vấn cho học sinh, sinh viên, các nhà tư vấn học đường cần tư vấn các vấn đề phát triển của trẻ em với những lực lượng giáo dục, lực lượng xã hội liên quan trong vấn đề giáo dục, bảo vệ trẻ em như phụ huynh học sinh, thầy cô giáo, các lực lượng giáo dục xã hội…
Để triển khai tốt các nội dung tư vấn học đường, cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người cán bộ tư vấn học đường như:
- Có chế độ trách nhiệm, hoạt động nghề nghiệp rõ ràng.
- Được tham gia xây dựng kế hoạch sư phạm của nhà trường, của lớp học; được tham gia ý kiến trong việc giáo dục học sinh.
- Được tiến hành độc lập các hoạt động tư vấn chuyên nghiệp, trợ giúp học sinh, sinh viên và phải chịu trách nhiệm pháp lý về các hoạt động của mình. - Được phép liên hệ với các tổ chức xã hội, tư pháp, giáo dục… để hỗ trợ học sinh, sinh viên, can thiệp, bảo vệ quyền lợi cũng như đảm bảo sự phát triển thuận lợi cho các em.
25
- Không chỉ hỗ trợ học sinh, sinh viên, nhà tư vấn học đường còn tham gia ý kiến, trợ giúp cho hoạt động chuyên môn của các nhà giáo, nhà quản lý, phụ huynh học sinh, các tổ chức xã hội trong việc giáo dục, đánh giá học sinh; lên tiếng cảnh báo các nguy cơ tác động tiêu cực đối với sự phát triển của thanh thiếu niên nhằm giảm thiểu hoặc phòng tránh những tác động tiêu cực này đến sự phát triển của học sinh, sinh viên.
- Cần có những tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ nhà trường trong công tác tư vấn chuyên sâu như các tổ chức pháp lý, tổ chức xã hội, an sinh, các trung tâm hướng nghiệp, trị liệu tâm lý, ý tế…