CÁC GIẢI PHÁP NHẰM XỬ LÍ NỢ XẤU TRONG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM
3.2.2.2. Về phía Nhà nước
Về phía Chính phủ
Đứng trước những khó khăn của nền kinh tế trong nước cũng như quốc tế hiện nay, Chính phủ hoàn toàn nhận thức được xóa bỏ “cục máu đông” nợ xấu là điều không thể thiếu để vận hành lại bộ máy kinh tế vốn đang trì trệ và phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, một số biện pháp được đưa ra sau đây nhằm có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng như cải thiện tình hình kinh tế trong nước trong thời gian tới:
Thứ nhất, Chính phủ cần xem xét kĩ việc thành lập Công ty quản lý tài sản. Tại Việt Nam đã có Công ty mua bán nợ DATC thuộc quản lý của Bộ Tài chính nhưng quy mô nhỏ và hoạt động chưa thực sự hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. Hiện nay, Chính phủ cũng đang hoàn tất thủ tục cho phép thành lập công ty Quản lý tài sản quốc gia Việt Nam VAMC. Các công ty này phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ và thực hiện các công việc bán nợ, bán tài sản, đảm bảo tái cơ cấu các khoản nợ. Có nhiều ý kiến xung quanh việc lập các công ty này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo các công ty thực hiện đúng mục tiêu thành lập, hoạt động một cách minh bạch, công khai vì lượng vốn để duy trì hoạt động mua bán nợ của các công ty là không hề nhỏ, nếu xảy ra thất thoát lớn mà lại không giải quyết được nợ thì sẽ tạo thành gánh nặng cho ngân sách Chính phủ.
Thứ hai, có thể nhận thấy rất rõ tình trạng nợ xấu hiện nay là do các khoản vay từ phía các doanh nghiệp nhà nước. Vậy thì việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước là vô cùng cần thiết. Các doanh nghiệp cần phải xóa bỏ cơ chế “xin – cho” và chờ đợi bị động từ nguồn ngân sách của Nhà nước. Thay vào đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng cần tìm hướng đi riêng và phải chuẩn bị thật tốt về mọi mặt trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng như hiện nay. Chính phủ cũng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như giải quyết hàng tồn kho hay gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư cho các dự án cần phải diễn ra nhanh chóng nhưng chính xác và hiệu quả, nhất là khi nguồn vốn đang khan hiếm. Một khi đã tìm được cách tháo gỡ cho các doanh nghiệp nhà nước thì việc thu hồi vốn về cho ngân hàng cũng sẽ ít gặp khó khăn. Mặt khác, nền kinh tế cũng sẽ thoát khỏi tình trạng ứ động, trì trệ và ảm đạm.
Thứ ba, thị trường bất động sản xuống dốc giai đoạn vừa qua cũng chính là một nguyên nhân lớn gây đến nợ xấu. Chính phủ cần có những chính sách để cải thiện tình hình. Trước hết là cần phải đánh giá lại các dự án, nhất là các dự án chưa hoàn thành để xác định dự án nào tiếp tục thi công, dự án nào tạm dừng, tránh thực hiện tràn lan. Nếu phù hợp, các dự án có thể chuyển đổi sang mục đích sử dụng, miễn là thu lại được hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Bên cạnh đó, cần triển khai các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các công ty bất động sản hoạt động hiệu quả để cân bằng lại thị trường.
Thứ tư, các đối tượng xung quanh vấn đề nợ xấu như ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước hay các công ty bất động sản đều đòi hỏi phải tái cơ cấu. Vì vậy, nền kinh tế sẽ gặp nhiều biến động. Vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu, Chính phủ cần phải duy trì ổn định nền kinh tế. Các chính sách vĩ mô cần phải đưa ra kịp thời để tránh những hệ quả không đáng có.
Về phía Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu ngành quản lý các ngân hàng thương mại, vì vậy, các giải pháp xử lý từ phía Ngân hàng nhà nước là nhân tố không thể thiếu trong công tác xử lý nợ xấu. Từ những phân tích phía trên đây, có thể đưa ra một số khuyến nghị đối với Ngân hàng nhà nước trong hoạt động xử lý nợ như sau:
Thứ nhất, NHNN cần phải tính toán nợ xấu cẩn thận và đúng đắn. Việc xác định và phân loại nợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các chính sách hay quy mô vốn để xử lý nợ sau này. Vì vậy, hoạt động tính toán nợ xấu phải thực hiện càng minh bạch và đúng đắn càng tốt. Bất kì sự trốn tránh nào cũng có thể dẫn đến tiềm ẩn những khoản nợ xấu bị đọng lại và có nguy cơ tăng quy mô nợ xấu trong tương lai.
Thứ hai, trong giai đoạn gia tăng nợ xấu, các tổ chức tín dụng có sự phân loại rõ ràng hơn. Từ đây, NHNN cần tập trung vào công tác đánh giá các tổ chức tín dụng, tùy vào mỗi nhóm tổ chức tín dụng mà tiến hành các biện pháp phù hợp. Cụ thể, với các tổ chức tín dụng mất hết vốn chủ sở hữu và cũng không thể huy động thêm vốn có thể cho phá sản hoặc sáp nhập vào các tổ chức tín dụng khác. Đối với các tổ chức tín dụng còn có khả năng huy động vốn NHNN có thể hỗ trợ thanh khoản cũng như tham gia tái cấp vốn để các tổ chức này tiếp tục kinh doanh. Qua đó, NHNN có thể từng bước chỉ đạo tái cơ cấu các tổ chức tín dụng này. Tuy nhiên, hoạt động tái cấp vốn cũng chỉ nên dừng ở mức hạn chế vì việc tái cấp vốn tràn lan, thiếu chọn lọc lại gây ra hậu quả nghiêm trọng là tạo nên gánh nặng ngân sách. Hơn thế nữa, các tổ chức tín dụng có thể lợi dụng điều này mà ỷ lại, không thực sự tích cực trong việc giải quyết vấn đề của chính họ.
Thứ ba, tình trạng nợ xấu của Việt Nam được xác định một phần là do sở hữu chéo. Vì thế, kiến nghị thứ ba là NHNN cần nhanh chóng xác minh nguồn vốn góp của các ngân hàng thương mại. Bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến sở hữu chéo cần được làm rõ và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, công tác thanh tra giám sát các công ty con của các ngân hàng cũng là điều cần thiết. Nếu như các công ty đó
làm ăn không có lãi hoặc có dính líu đến tình trạng sở hữu chéo, NHNN cần yêu cầu các ngân hàng xử lý ngay lập tức, tái cơ cấu lại các công ty này để các cổ đông không thể lợi dụng nhằm trục lợi. Tình trạng sở hữu chéo tại Việt Nam hiện nay cũng đang hết sức phức tạp, khó nắm bắt. Để có thể giải quyết tốt vấn đề này, NHNN cũng cần tổ chức cơ quan thanh tra kiểm tra có nghiệp vụ, chuyên môn cao, làm việc nghiêm túc, thẳng thắn để giải quyết triệt để. Với một vấn đề nhạy cảm như vậy, thì khi giải quyết cần phải giải quyết rõ ràng, triệt để, tránh để lại những góc khuất không đáng có. Đó cũng là cách để minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của ngân hàng và tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng thương mại.
Thứ tư, NHNN nên chú trọng đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Thay vì việc can thiệp trực tiếp vào vấn đề kinh doanh của các ngân hàng thương mại, NHNN chỉ nên kiểm soát dựa trên các quy chuẩn định sẵn. Các ngân hàng thương mại sẽ tự động vận hành hoạt động kinh doanh theo sự vận động của thị trường. Giải pháp này không những làm cho NHNN nắm được toàn cảnh chung của toàn bộ hệ thống ngân hàng, mà quan trọng hơn ngân hàng thương mại sẽ chủ động kinh doanh có lãi mà không chịu áp lực từ phía trên. Các khoản vay của sẽ được đánh giá đúng đắn, khả năng thanh khoản cao hơn và lợi nhuận sẽ cao hơn. Trên thực tế, trong Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ban hành vừa qua, NHNN cũng thể hiện rõ quan điểm này.
Thứ năm, NHNN cần nhanh chóng thực hiện khung pháp lý để các ngân hàng có căn cứ thực hiện xếp hạng tín dụng nội nộ hướng theo thông lệ quốc tế; đưa ra một lộc trình rõ rang đảm bảo tất cả các ngân hàng đều phải tuân thủ. Song song với việc xây dựng, xếp hạng tín dụng nội bộ, cần có các chính sách phát triển các đơn vị xếp hạng tín dụng độc lập làm cơ sở tham chiếu chung trong công tác xếp hạng tín dụng. Kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực cho thấy, việc phát triển các tổ chức xếp hạng tín dụng không do nhà nước quản lý để hạn chế việc chi phối tổ chức hay cá nhân làm sai lệch kết quả xếp hạng là rất quan trọng trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Thứ sáu, với các tổ chức tín dụng có quy mô lỡn, ảnh hưởng nhiều tới sự an toàn của cả hệ thống cũng như nền kinh tế và an sinh xã hội, có khả năng phát triển tiếp, sau khi tự giải quyết nợ xấu vẫn còn ở mức cao sẽ được NHNN bơm vốn để hỗ trợ, dưới hình thức góp vốn nhưng lại được hưởng lãi cố định ( như cổ phiếu ưu đãi). Và Ngân hàng có thể rút vốn về khi tổ chức này đã phục hồi.
Nói cách khác nhà nước sẽ trợ giá cho những người mua nợ xấu. Thị trường không tự giải quyết được vấn đề nợ xấu bởi sự tồn tại một khoảng cách không nhỏ giữa giá bán và giá mua. Chính vì vậy, nếu sự trợ giá của Nhà nước đủ lớn để lấp khoảng cách này, sẽ có đủ khuyên khích để việc mua bán nợ xấu tự diễn ra theo cơ chế thị trường. Người mua nợ sẽ thu được lợi nhuận, người bán nợ sẽ không bị lỗ quá nặng, tránh được tình trạng phá sản. Tuy nhiên, những người nộp thuế sẽ bị thiệt hại khi phải bỏ trợ giá cho các doanh nghiệp, ngân hàng và các nhà đầu tư. Nhưng đổi lại, khi tín dụng được khơi thông, nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ không tăng, hoặc tăng chậm hơn, Nhà nước sẽ phải chi ít tiền hơn để thực hiện biện pháp kích cầu, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu những lợi ích này lớn hơn so với khoản tiền sử dụng để thực hiện trợ giá thì đây sẽ là giải pháp cần được chú ý.
Bên cạnh đó, cần có sự phối kết hợp các ban ngành khác như bộ Tài Chính đang có quản lý DATC và cần sử dụng DATC như một công cụ quan trọng, một giải pháp để xử lý nợ xấu hiện nay. Với nguyên tắc kinh doanh có hiệu quả, DATC mua lại các khoản nợ có tài sản đảm bảo, theo cơ chế thị trường. Việc sử dụng DATC xử lý nợ xấu chỉ có hiệu quả khi hoạt động mua bán nợ gắn với mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu lại nợ nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho các khách nợ. Nguyên tắc này phải được tôn trọng, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi có sự tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế. Để DATC có thể làm nhiệm vụ này thì việc nâng cao năng lực (tài chính, tổ chức, kỹ năng…) là việc làm cần thiết nhất, như chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động mua bán nợ xấu, giảm thuế giá trị gia tăng cho hoạt động bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, như đào tạo và nâng cao kỹ năng phân tích tài chính, xác định giá trị tài sản thế chấp, kỹ năng xử lý nợ…cho đội ngũ cán bộ chuyên quản.