Biện pháp 2: Đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng ĐNG

Một phần của tài liệu Các biện pháp phát triển đội ngũ giảng viên trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 88)

3.2.2.1. Mục đích, ý nghĩa

Việc đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch và sử dụng ĐNGV sẽ giúp cho nhà trường tuyển dụng, lựa chọn được một ĐNGV vừa đủ và thích đáng, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trong từng bộ môn và từng ngành đào tạo; không gây tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu và tạo cơ hội để mọi giảng viên được có cơ hội đóng góp khả năng, sức lực của mình vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của trường.

Việc tuyển dụng, quy hoạch và sử dụng ĐNGV phải dựa trên cơ sở quy mô đào tạo, dựa trên cơ sở thực trạng ĐNGV của nhà trường và trên cơ sở mục tiêu của nhà trường đặt ra để đáp ứng nhu cầu về loại hình giáo viên đang thiếu,… Lãnh đạo nhà trường cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng ĐNGV phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nhà trường. Công tác này phải đạt được mục tiêu: đảm bảo đủ số lượng GV, có cơ cấu đội ngũ hợp lý và chất lượng cao.

Trong quá trình tuyển dụng, quy hoạch và sử dụng ĐNGV cần chú trọng tới việc bổ sung và tuyển chọn đúng tiêu chuẩn, đúng yêu cầu, đúng đối tượng mà nhà trường đang cần ; làm cho đội ngũ tăng về số lượng và cả chất lượng đội ngũ. Việc đổi mới công tác tuyển chọn, quy hoạch, sử dụng ĐNGV phải đạt được những mục tiêu sau:

+ Những GV được bổ sung, tuyển chọn phải đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp,… ưu tiên những GV giỏi, có trình độ chuyên môn cao, những sinh viên đã tốt nghiệp loại khá, giỏi.

+ Phải tạo được sự cân đối về cơ cấu bộ môn, độ tuổi, giới tính trong ĐNGV, đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho sự phát triển của nhà trường.

+ Đảm bảo cho việc sử dụng và phát huy hết khả năng của ĐNGV một cách hợp lý và có hiệu quả.

+ Sử dụng đúng người đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ giúp cho nhà trường phát huy khả năng sẵn có trong ĐNGV, thực sự mang lại hiệu quả và nâng cao chất lượng giảng dạy.

+ Sử dụng hợp lý ĐNGV của nhà trường trên nguyên tắc sử dụng “giỏi một việc biết nhiều việc”.

3.2.2.2. Phương thức thực hiện một số nội dung cụ thể - Tuyển dụng:

Việc tuyển dụng phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ và công khai; thực hiện đúng trình tự các bước thi tuyển theo quy định của pháp luật. Người được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự. Hết thời gian tập sự nhà trường đánh giá phẩm chất chất đạo đức và kết quả công việc của người đó, nếu đạt yêu cầu thì ra quyết định tuyển dụng chính thức. Các ứng viên phải có sự cam kết lâu dài tại trường, tránh trường hợp coi việc làm ở trường như một “trạm trung chuyển” để chuyển biên chế sang cơ quan khác dễ dàng hơn. Đồng thời, quy định thời hạn sau khi được tuyển dụng sẽ tiếp tục đi học nâng cao trình độ. Trong bất kỳ trường hợp tuyển dụng nào phải hạn chế tuyệt đối cơ chế “xin cho” để tránh trường hợp người được tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu giảng dạy, dẫn đến hậu quả ĐNGV của trường phát triển về số nhưng thiếu về chất.

Trong quá trình tuyển dụng mới cần đánh giá tổng thể hài hòa giữa trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm. Công khai tiêu chuẩn tuyển chọn và kết quả đánh giá nhằm làm cho mọi người đều được bình đẳng, khách quan trong việc thể hiện năng lực của mình theo tiêu chí đề ra. Kiên quyết chống hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng giảng viên, bởi nếu tuyển dụng những GV không đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp thì sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo kém, có nguy cơ làm hỏng cả nhiều thế hệ.

Tuyển chọn giảng viên trẻ, sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của trường và phải đạt từ loại khá, giỏi trở lên. Tuyển chọn giảng viên từ nơi khác đến cần chú ý tới tuổi đời và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu sau đại học, phải có biện pháp tổ chức cán bộ xác định phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực giảng dạy nơi công tác cũ.

Quá trình tuyển dụng được tiến hành theo phương thức sau:

+ Xác định các vị trí, tiêu chuẩn, số lượng cần tuyển dụng và lập kế hoạch tuyển dụng, báo cáo trình Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt.

+ Thông báo tuyển dụng công khai tại trường và các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Sơ tuyển hồ sơ của các ứng viên và năng lực sư phạm qua một tiết giảng theo chuyên môn tuyển dụng; được thông qua sự thẩm định của Hội đồng tuyển dụng nhà trường về chuyên môn nghiệp vụ.

+ Thi tuyển chính thức 4 môn: chuyên môn, hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học.

+ Có thời gian tập sự ít nhất 2 năm để thử thách, rèn luyện khả năng công tác giảng dạy thực tế.

+ Đánh giá quá trình tập sự và ra Quyết định tuyển dụng.

Trong quá trình quy hoạch phát triển ĐNGV của nhà trường cần phải đảm bảo sự hợp lý, cân đối về cơ cấu chuyên ngành đào tạo giữa các khoa, giữa các môn học.

Việc cải thiện cơ cấu ĐNGV phải bắt đầu từ từng bộ môn, từng khoa, đặc biệt chú ý tới các lớp nhân sự trong khoa hoặc trong bộ môn (cân đối những bộ môn không có GV đầu ngành, những bộ môn có nhiều GV mới vào nghề, những bộ môn có GV tuổi cao hoặc là những CBQL kiêm nhiệm giảng dạy).

Ở những đơn vị, bộ phận có cơ cấu nhân sự chưa hợp lý thì việc điều động nội bộ, tuyển chọn thêm GV phải luôn chú ý đến các vấn đề cơ cấu (tuổi đời, giới tính, trình độ,…), ngăn chặn nguy cơ làm mất cân đối về cơ cấu nhân sự.

Số cán bộ quản lý các khoa, tổ bộ môn phải sớm được đưa vào quy hoạch để việc đề đạt, bổ nhiệm kịp thời nhằm tránh tình trạng để một số khoa, tổ bộ môn bị hẫng hụt đội ngũ CBQL. Nhưng phải quy hoạch được đội ngũ quản lý ở các khoa chuyên môn phải là „tài‟ thực sự và phải có „tâm‟ để chỉ đạo mọi hoạt động chuyên môn cũng như các hoạt động khác của nhà trường. Tránh tình trạng đặt “ngồi nhầm chỗ” hoặc tư tưởng “sống lâu lên lão làng”. CBQL ở các khoa, tổ bộ môn phải là những GV có năng lực chuyên môn vững vàng, có uy tín với đồng nghiệp đồng chí, có như vậy mới có tác dụng tới tập thể ĐNGV, thúc đẩy tập thể phát triển.

Phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm làm CBQL trên cơ sở ĐNGV hiện có là biện pháp quan trọng để sử dụng hợp lý ĐNGV. Biện pháp này vừa giúp tạo ra được đội ngũ CBQL đủ năng lực, đủ đức, đủ tài phục vụ yêu cầu QL của nhà trường cả trước mắt và lâu dài, vừa thể hiện tính liên tục, tính kế thừa phát triển trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Về quy hoạch ĐNGV có thể đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn, từng khoảng thời gian nhất định nào đó (có thể là 1- 2 năm, 3- 5 năm, 5-10 năm). Việc quy hoạch này phải phù hợp với quy mô đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường; với các chuyên ngành đào tạo mới hoặc đào tạo lại đáp ứng kịp thời nhu cầu giáo dục của hệ thống Hội Nông dân các cấp, của xã hội.

Nhà trường cần phải luôn cập nhật thông tin, liên hệ chặt chẽ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, với Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp các tỉnh, thành nắm bắt được nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và mở những chuyên ngành đào tạo mới, những lớp bồi dưỡng phù hợp, sát thực tế; tránh hiện tượng đào tạo „thừa‟ vẫn „thiếu‟ so với yêu cầu của các tỉnh, thành Hội và các ngành có liên quan, trên cơ sở đó có lập quy hoạch phát triển ĐNGV của nhà trường cho hợp lý.

Công tác quy hoạch ĐNGV có thể tiến hành theo phương thức:

+ Căn cứ vào các chủ trương, định hướng của Thường trực T.Ư Hội NDVN, chiến lược phát triển của trường trong hiện tại và tương lai, Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo, hướng dẫn các bộ môn, khoa, phòng chức năng lập quy hoạch phát triển ĐNGV của đơn vị mình.

+ Các tổ bộ môn, các khoa, phòng chức năng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm,; sau đó đề xuất phương án trình Đảng ủy, Ban Giám hiệu thông qua thành văn bản chính thức để tổ chức thực hiện.

+ Cử giảng viên đi học nâng cao trình độ trong nước, việc cử đi học phải có sự lựa chọn ngay từ đầu, theo đúng quy hoạch để đào tạo những giảng viên giỏi thực sự, tránh tình trạng trình độ không tương xứng với năng lực chuyên môn. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Lập quy hoạch phát triển ĐNGV phải gắn liền với thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã lập, trong quá trình thực hiện cần có sự kiểm chứng với thực tiễn để có sự điều chỉnh kịp thời.

- Sử dụng:

+ Sử dụng đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn đảm bảo môi trường tích cực để họ ra sức giảng dạy tốt. Phân công giảng viên theo đúng chuyên môn và năng lực nhằm phát huy được các điểm mạnh của giảng viên đó; đồng thời phải chú ý đến khối lượng công việc sao cho ít nhất 2 giảng viên cùng dạy một chuyên ngành, môn học đó để có thể thay thế, hỗ trợ nhau trong giảng dạy.

+ Ngoài ra trong quá trình công tác, nếu phát hiện giảng viên có những năng lực và sở trường khác, trường có thể khuyến khích, đào tạo và bồi dưỡng để giảng viên có thể phát triển năng lực, sở trường đó.

+ Trong quá trình sử dụng cán bộ, phải trân trọng những “nhân tài”, bố trí họ vào những vị trí xứng đáng, có như vậy mới phát huy được sức mạnh, tài năng của họ. Ngược lại không sử dụng đúng “nhân tài” sẽ dẫn đến hiện tượng mặc cảm thậm chí bất mãn, chây ì, không muốn phấn đấu, điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới tập thể ĐNGV.

+ Cử giảng viên có trình độ, năng lực, uy tín để giúp đỡ, tạo điều kiện cho những giảng viên năng lực còn hạn chế. Sử dụng giảng viên phải gắn với việc đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên để người giảng viên luôn được cập nhật kiến thức mới, bổ sung cho việc giảng dạy.

+ Trong điều kiện ĐNGV của trường vẫn còn thiếu, nhà trường cần xây dựng chế độ, chính sách khuyến khích giảng viên nào có khả năng đảm nhiệm được 2-3 môn học khác nhau có chuyên môn gần nhau để khai thác triệt để năng lực ĐNGV hiện có. Nhưng đồng thời phải tạo điều kiện đảm bảo họ có thời gian tham gia học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng dưỡng nâng cao trình độ.

+ Để đáp ứng yêu cầu liên tục đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục của nhà trường, việc sử dụng cán bộ phải tiến hành bằng biện pháp sàng lọc và lựa chọn. Trong quá trình giảng dạy nếu xét thấy có giảng viên không đáp ứng được yêu cầu, giảng dạy không đạt hiệu quả thì cho họ đi đào tạo lại hoặc chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp hơn. Đối với GV sa sút về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn yếu, không cố gắng học tập, rèn luyện để vươn lên; nhà trường nhiều lần nhắc nhở, góp ý mà không chuyển biến thì cần có biện pháp xử lý cương quyết theo đúng các quy định hiện hành. Có như vậy mới tạo ra động lực nhằm thúc đẩy các giảng viên khác của nhà trường phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chất lượng ĐNGV ngày càng được củng cố, nâng cao.

Tóm lại, nhà trường phải đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng ĐNGV để mỗi giảng viên có đủ phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức trong sáng, năng lực chuyên môn vững vàng, để có một đội ngũ người thầy thực sự “thầy ra thầy” để có những người “trò ra trò”.

Một phần của tài liệu Các biện pháp phát triển đội ngũ giảng viên trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 88)