7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Nghệ thuật khắc hoạ nhân vật
Văn học sau 1975 đã có sự đổi mới về nghệ thuật xây dựng nhân vật. Hiện thực xã hội thay đổi tạo điều kiện để con người tự do phát triển. Nằm trong quỹ đạo ấy, văn xuôi viết về nông thôn sau đổi mới cũng có những đổi mới trong nghệ thuật khắc họa nhân vật. Có thể khẳng định rằng: nhân vật trong văn xuôi sau 1975 đã được các nhà văn nhìn nhận lại ở nhiều chiều hơn, đa diện hơn. Những vấn đề trước đây các nhà văn thường tránh né hoặc cố tình che đậy thì giờ đây chúng được phanh phui, mổ xẻ, phơi bầy ra ánh sáng. Chính vì vậy, nhân vật trong văn xuôi giai đoạn này cũng được miêu tả sống động hơn trên những phương diện: ngoại hình, nội tâm, hành động, ngôn ngữ…
Nhân vật trong văn học là phương tiện cơ bản nhất để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. L. Tônxtôi đã khuyên một nhà văn trẻ : Hãy sống cuộc sống của các nhân vật được miêu tả, hãy miêu tả trong các hình
tượng cảm giác nội tâm của chúng, và tự các nhân vật sẽ làm những gì mà họ phải làm do tính cách của họ…Trong quá trình hình thành tác phẩm mỗi văn nhà với tất cả kinh nghiệm sống, qua quá trình ấp ủ, thai nghén đã xây dựng và khắc họa những chân dung nhân vật của mình. Và trong mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật xây dựng nhân vật sẽ đưa nhà văn tới những thành công. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma và Dòng sông mía, nhân vật được khắc họa chủ yếu là số phận con người ở nông thôn Việt Nam. Nếu như trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường đã miêu tả số phận con người ở nhiều thời điểm, vị trí, địa vị khác nhau thì ở Dòng sông mía, Đào Thắng lại miêu tả số phận con người qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Nhân vật trong Mảnh đất lắm người nhiều ma và Dòng sông mía được làm nổi bật qua các phe đối nghịch, những con người đại diện cho cái thiện – cái ác, cái tốt – cái xấu, những con người trong sáng và những con người đầy mưu mô, tính toán, nham hiểm.