Nhóm nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Công ty TNHH một thành viên Thăng Long GTC (Trang 33)

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi những nhân tố khách quan, bản thân nội tại doanh nghiệp cũng tồn tại các nhân tố chủ quan có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng vốn. Nhân tố chủ quan bao gồm tập hợp nhiều yếu tố tác động đến cả trong quá trình sản xuất lẫn kết quả cuối cùng của hoạt động SXKD. Khi đánh giá ảnh hưởng của nhóm nhân tố này người ta thường xem xét các nhân tố sau:

* Ngành nghề, lĩnh vực hoạt động kinh doanh và chu kỳ sản xuất

Khi bắt đầu tiến hành hoạt động SXKD ban đầu doanh nghiệp nào cũng phải lựa chọn cho mình ngành nghề phù hợp nhất đồng thời cũng vạch ra một chiến lược kinh doanh để tồn tại phát triển.

Sau khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải đi giải quyết các vấn đề chủ yếu như: Cần huy động bao nhiêu vốn và huy động từ nguồn nào, có đảm bảo lâu dài và an toàn không; chi phí huy động vốn là bao nhiêu và doanh nghiệp phải lường tính trước một đồng vốn huy động sẽ tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

Sau khi huy động được vốn doanh nghiệp cần phải xây dựng cơ cấu vốn hợp lý phù hợp với đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, sản xuất thì cơ cấu vốn đòi hỏi phải đầu tư nhiều vào tài sản cố định, còn nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại thì cơ cấu vốn lại nghiêng về TSLĐ. Xây dựng cơ cấu vốn hợp lý ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp đồng thời nó là nhân tố cơ bản giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài và bền vững.

Chu kỳ sản xuất là một đặc điểm quan trọng gắn trực tiếp tới hiệu quả sử dụng vốn. Nếu chu kỳ ngắn, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn nhanh nhằm tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngược lại nếu chu kỳ dài, doanh nghiệp sẽ có một gánh nặng là ứ đọng vốn và lãi trả các khoản vay hay các khoản phải trả.

* Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp: bao gồm tổng thể các mục tiêu nhiệm vụ, chính sách trên các mặt thị trường, giá cả, ... chiến lược kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược kinh doanh tốt sẽ là

kim chỉ nam dẫn đường cho doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược cũng là cách giúp doanh nghiệp chủ động trước mọi biến cố của thị trường cả đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm, nó giúp doanh nghiệp định hướng thị trường mục tiêu của mình, đồng thời nó còn là cơ sở quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp có kế hoạch vốn hợp lý

* Nhân tố con người:

Con người là chủ thể tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, do vậy nhân tố con người được thể hiện qua vai trò quản lý và người lao động.

Vai trò của người quản lý thể hiện thông qua khả năng kết hợp một cách tối ưu các yếu tố sản xuất để tạo lợi nhuận kinh doanh cao, giảm thiểu những chi phí cho doanh nghiệp. Vai trò của người quản lý còn được thể hiện qua khả năng nắm bắt được các cơ hội kinh doanh và tận dụng nó sao cho có hiệu quả nhất.

Vai trò người lao động được thể hiện ở trình độ kinh tế cao, ý thức trách nghiệm, khả năng tìm tòi sáng tạo và lòng nhiệt tình công việc. Nếu hội tụ đủ yếu tố này, người lao động sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh phát triển, hạn chế hao phí nguyên vật liệu, giữ gìn và bảo quản tốt tài sản, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đó chính là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

* Quan hệ của doanh nghiệp: bao gồm quan hệ với khách hàng và quan hệ với nhà cung cấp

Quan hệ với khách hàng : Khách hàng là đối tượng mà doanh nghiệp phục vụ và là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Bởi vì khách hàng tạo nên thị trường, quy mô của khách hàng tạo nên quy mô thị trường. Những biến động tâm lý khách hàng thể hiện qua sự thay đổi sở thích, thị hiếu, thói quen làm cho số lượng sản phẩm được tiêu thụ tăng lên hay giảm đi. Việc định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh hướng vào nhu cầu của khách hàng sẽ đem lại kết quả khả quan cho doanh nghiệp tạo thói quen và tổ chức các dịch vụ phục vụ khách hàng, đánh đúng vào tâm lý tiêu dùng là biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả của hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Một nhân tố đặc biệt quan trọng là mức thu nhập và khả năng thanh toán của khách hàng có tính quyết định đến lượng hàng hóa tiêu thụ của doanh nghiệp. Khi thu

nhập tăng thì nhu cầu tăng và khi thu nhập giảm thì nhu cầu giảm, do vậy doanh nghiệp cần có những chính sách giá, chính sách sản phẩm hợp lý.

Quan hệ với nhà cung cấp: cũng ảnh hưởng lớn đến nhịp độ sản xuất của doanh nghiệp, khi nguyên vật liệu được cung cấp đúng chất lượng và đầy đủ sẽ giúp quá trình sản xuất không bị gián đoạn. Nếu vật tư được cung cấp thừa sẽ phải có chi phí lưu kho, bến bãi, bảo quản vật tư hàng hóa, dự trữ lâu ngày sẽ gây ra tình trạng hao hụt, mất mát kém phẩm chất. Còn nếu vật tư không được cung cấp đủ thì lại gây khó khăn trong sản xuất. Vì vậy doanh nghiệp cần phải có mối quan hệ tốt và lâu dài với các nhà cung cấp.

* Chiến lược phát triển và tình hình tài chính của doanh nghiệp: là nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược phát triển riêng, một chiến lược đúng đắn phải được xây dựng trên cơ sở các điều kiện hiện tại của của doanh nghiệp như: nguồn nhân lực, trình độ quản lý, khả năng về vốn… và dự đoán được tương lai của doanh nghiệp, của ngành và của cả nền kinh tế.

Cơ cấu tài sản, cơ cấu vốn, khả năng thanh toán, khả năng đảm bảo vốn, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ quyết định đến chi phí huy động vốn, đến khả năng đảm bảo vốn để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách liên tục và bình thường. Một chính sách huy động vốn hợp lý, đáp ứng được các nhu cầu về vốn, không để xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu vốn thì sẽ đảm bảo ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí vốn, do đó sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

* Tổ chức quản trị doanh nghiệp: bao gồm cơ cấu tổ chức quản lý và cơ chế hoạt động của các bộ phận trong doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu chung của doanh nghiệp. Tổ chức quản trị hợp lý là cơ sở để truyền đạt và thực hiện các quyết định sản xuất kinh doanh, nó khắc phục được sự chồng chéo, tạo ra sự phối hợp đồng bộ trong hoạt động của các bộ phận góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm nhân lực, rút ngắn thời gian sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng vòng quay của vốn. Từ đó giảm các chi phí bất hợp lý, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

* Uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp: cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn. Doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu mạnh thì khả năng huy

động vốn và khả năng tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, nên có điều kiện để đẩy nhanh vòng quay của vốn doanh nghiệp.

* Hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp: được thực hiện nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng thông qua việc cải tiến và ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất. Hoạt động này giúp cho doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật đáp ứng được sự phát triển của thị trường, theo kịp sự phát triển về khoa học công nghệ của thế giới, nâng cao sức cạnh tranh, tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Công ty TNHH một thành viên Thăng Long GTC (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w