Đây cũng là các nhân tố từ bên ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
* Hội nhập kinh tế quốc tế : ngày càng mở rộng, đã có những tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Sau khi gia nhập tổ chức thương mại quốc tế, nước ta đang mở rộng quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Các tổ chức kinh tế quốc tế đã đầu tư nhiều vào Việt Nam. Điều này đã góp phần tạo điều kiện cho thị trường vốn và thị trường sản phẩm phát triển. Thông qua việc hợp tác kinh doanh với các quốc gia phát triển, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao được trình độ tổ chức quản lý, chuyển giao khoa học và công nghệ hiện đại, tăng năng suất
lao động góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
* Môi trường tự nhiên: bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên như khí hậu thời tiết, địa hình, địa chất … tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nguồn tài nguyên thiên nhiên là một yếu tố làm giảm chi phí vật liệu, góp phần tăng lợi nhuận. Các điều kiện khí hậu thời tiết, địa hình bất lợi sẽ làm tăng chi phí dẫn đến giảm lợi nhuận và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp sẽ thấp.
* Môi trường kinh tế: Các nhân tố về mặt kinh tế có vai trò rất quan trọng, quyết định đến việc hình thành và hoàn thiện môi trường kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Các nhân tố kinh tế gồm có:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế: Nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định sẽ làm cho thu nhập của tầng lớp dân cư tăng dẫn đến sức mua hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng tạo nên thành công trong kinh doanh. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định kéo theo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, khả năng tích tụ và tập trung sản xuất cao.
- Tỷ giá hối đoái: Đây là nhân tố tác động nhanh chóng và sâu sắc với từng quốc gia và từng doanh nghiệp nhất là trong điều kiện nền kinh tế mở cửa khi đồng nội tệ lên giá sẽ khuyến khích nhập khẩu và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp trong nước mất dần cơ hội mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngược lại, khi đồng nội tệ giảm giá dẫn đến xuất khẩu tăng cơ hội sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước tạo khả năng cạnh tranh cao hơn ở thị trường trong nước và quốc tế bởi khi đó giá bán hàng hóa trong nước giảm hơn so với đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
- Lãi suất cho vay của ngân hàng: Nếu lãi suất cho vay cao dẫn đến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cao, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhất là khi so với doanh nghiệp có tiềm lực vốn sở hữu mạnh.
- Lạm phát: nếu lạm phát cao các doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh đặc biệt là đầu tư tái sản xuất mở rộng và đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất.
Các doanh nghiệp sợ không đảm bảo về mặt hiện vật các tài sản, không có khả năng thu hồi vốn sản xuất, rủi ro kinh doanh khi xẩy ra lạm phát sẽ rất lớn.
* Hệ thống chính trị và pháp luật: sự ổn định về chính trị, sự nhất quán trong chủ trương, đường lối và chính sách của nhà nước luôn là yếu tố tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước hết sức quan trọng. Nhà nước tạo lập, thúc đẩy, điều chỉnh và duy trì tốc độ phát triển kinh tế. Sự can thiệp hợp lý của nhà nước vào hoạt động kinh doanh là cần thiết nhằm: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế, và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Hệ thống pháp luật quy định rõ doanh nghiệp được tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ nào, có các quyền và nghĩa vụ gì, những hoạt động nào được nhà nước bảo vệ, những hoạt động nào bị nhà nước ngăn cấm … Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch, nhất quán và có hiệu lực cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
* Các chính sách kinh tế của Nhà nước: có tác động đặc biệt quan trọng đến hoạt động sản suất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu tỷ lệ lạm phát cao, thì hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp khó có thể cao được do sự mất giá của đồng tiền và Nhà nước có xu hướng thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Chính sách lãi suất, tỷ giá của ngân hàng thì ảnh hưởng tới chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp. Chính sách thuế của chính phủ lại có tác động tới các quyết định đầu tư của doanh nghiệp…
* Các nhân tố văn hoá - xã hội: mỗi doanh nghiệp đều hoạt động trong một môi trường văn hoá - xã hội nhất định. Xã hội cung cấp nguồn lực mà doanh nghiệp cần và tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra. Các giá trị chung của xã hội, các tập tục truyền thống, lối sống, tư tưởng tôn giáo của nhân dân đều có ảnh hưởng đến nhiều mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
* Sự phát triển của khoa học và công nghệ: là một trong những nhân tố quyết định đến năng suất lao động và trình độ sản xuất của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ
giúp các doanh nghiệp tạo ra năng lực sản xuất cao hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu kỹ thuật sản phẩm ngày càng cao từ khách hàng và đặc biệt có điều kiện để giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian chế tạo sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
* Môi trường cạnh tranh: Hoạt động trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiêp luôn phải đối mặt với cạnh tranh, cạnh tranh cũng chính là động lực của sự phát triển, nó bắt các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng, đồng thời các doanh nghiệp phải có các biện pháp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phảm. Cạnh tranh cũng có mặt trái của nó, nếu cạnh tranh quá gay gắt sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp, làm giảm số lượng sản phẩm tiêu thụ, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy muốn tồn tại trong nền kinh tế thị trường buộc các doanh nghiệp phải nghiên cứu đầy đủ nhu cầu thị trường, từ đó chọn được những phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi cao nhất để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn
* Cung cầu thị trường: Hiện nay trong nền kinh tế thị trường luôn có sự cạnh tranh gay gắt thì cung cầu thị trường cũng là một nhân tố có tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp. Nếu nhu cầu về sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước cũng như trên thế giới tăng, doanh nghiệp có điều kiện tăng sản lượng hàng hóa tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm của mình, tạo điều kiện tăng doanh thu và lợi nhuận từ đó có thể tăng hiệu quả sử dụng vốn. Còn khi thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định như: khủng hoảng thừa, nhu cầu tiêu thụ giảm đột ngột, mất uy tín của các sản phẩm cùng loại…. làm cho sức mua trên thị trường ngày càng giảm dẫn đến khả năng rủi ro của doanh nghiệp tăng. Như vậy việc dự đoán chính xác nhu cầu thị trường là yếu tố rất quan trọng vì nó giúp doanh nghiệp xác định số lượng sản phẩm sản xuất ra.
Nhận thức rõ và chủ động nghiên cứu về các nhân tố khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp (cả về tích cực và tiêu cực) giúp cho các nhà quản lý có những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, khai
thác những cơ hội thuận lợi để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.