Hình tượng con đường

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh (Trang 36)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Hình tượng con đường

Hình tượng con đường là hình ảnh tiêu biểu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Con đường là sự thống nhất không gian và thời gian, là không gian vận động, không gian của con người đi tới. Đọc thơ Hữu Thỉnh chúng ta dễ nhận thấy những hình ảnh thơ từ cuộc sống hết sức chân thực được nhà thơ nâng lên ở một tầm cao khái quát trở thành những hình tượng độc đáo có sức biểu cảm.

Cuộc chiến tranh hiện ra rõ nét hơn thông qua sự hiện diện của các con đường khác nhau. Đó là con đường cụ thể của người lính ra trận. Con đường đó cũng mang tâm hồn tươi trẻ của người lính với những âm thanh và sắc màu rộn rã nhưng cũng có lúc là con đường với những chông gai và đầy khó khăn gian khổ. Đường tới thành phố đã viết lại chặng đường lịch sử: từ Trường Sơn xuống đồng bằng, tiến về thành phố Sài Gòn. Con đường trong trường ca

Đường tới thành phố viết về chiến tranh của Hữu Thỉnh là con đường vận động có hướng đi của tập thể người lính. Dõi theo bước chân của các binh đoàn, sư đoàn bộ đội chúng ta có thể hình dung được hướng đi, điểm bắt đầu và kết thúc của con đường. Bắt đầu là con đường chiến lược được mở ra sau

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

hiệp định Pari, xuyên qua những khu đồi tranh chấp giữa ta và địch, xuyên qua bãi mìn phòng thủ vành đai. Người lính muốn đi tới, bước qua hiểm nguy, bước qua những trở ngại của tư tưởng còn tồn tại trong chính bản thân mình để tự mở cửa con đường:

Để có được con đường

Mở vào lúc chiến trường vơi tiếng súng Anh xa lạ với cầu an nghe ngóng

Đường với anh là cách hiểu kẻ thù

Hữu Thỉnh cảm nhận con đường với điểm nhìn của một người lính đang đi trên con đường ấy. Khi hành quân trên những nẻo đường Trường Sơn hay khi ngồi trên xe tăng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn hay đi tới giải phóng các đảo xa, dù ở đâu người lính đều có chung một cảm giác kiêu hãnh, tự hào và điều đó đã đem lại cho con đường tính tạo hình cao:

Võng ta nằm thao thức bên nhau

Giấc ngủ sâu tắm đoạn đường nóng bỏng

Chính trên con đường ấy người lính cảm nhận đất mẹ quê hương đang nhân lên sức mạnh cho chính mình. Họ đang đi trên đất đai, núi sông của Tổ quốc với tư thế tầm vóc của người làm chủ, của người ra đi vì sự sống còn của dân tộc cho nên mỗi bước chân trở nên bồn chồn, xao động, mỗi tâm hồn trở nên xao xuyến, bâng khuâng:

Đã khắc vào cây để nhớ một ngày Để nhớ một người để thương đất nước Đã để ít đời mình nơi ngã ba khốc liệt Đã bông đùa xen kẽ với bom rơi

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

Trong hành trình chiến đấu gian khổ và lâu dài mà người lính đã trải qua, đã có biết bao con đường như thế. Con đường ấy đi qua tháng năm, trải qua bao bão dông lửa đạn của chiến trường. Chính những con đường khắc nghiệt ấy làm nền tảng nổi bật lên hình tượng người lính:

Con đường qua tháng, qua năm Núi đau lở đá, rừng bầm tận cây Vai gùi bước xốp trong mây

Ta đi làm những mặt trời của nhau

Toàn bộ chương ba Điệp khúc những cây cầu trong trường ca Đường tới thành phố đã tập trung diễn tả sự hy sinh của người lính và của cả dân tộc. Các anh chính là những cây cầu thầm lặng đưa con đường của dân tộc đi đến đích cuối cùng. Những con đường mà các anh đã đi qua cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho cả chặng đường lớn lên và chiến đấu. Từ tuổi thơ đến khi lớn lên cầm súng chiến đấu, từ quê nhà miền Bắc đến tiền tuyến miền Nam, từ đồng bằng đến miền núi, tất cả đều in dấu các anh:

Qua thành phố vội vàng lau mặt lấm … Đất nước mình, dài rộng của mình đây Bao nhiêu thành phố đã đi qua

Bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu khuôn mặt Bao nhiêu cuộc đời gọi ta về kịp

Để có thể giành được chiến thắng đi đến đích cuối cùng của con đường biết bao người đã ngã xuống. Con đường trong thơ Hữu Thỉnh đã trở thành biểu tượng khái quát cho quá trình đi lên của đội quân cách mạng. Mỗi địa danh trên con đường ấy như những cột mốc trên chặng đường giải phóng

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

nhân dân, gợi lên chiều sâu lịch sử, phương hướng phát triển của lịch sử, của thời gian:

Dốc Pha Đin là cái dốc cuối cùng Các anh qua để tiến về Hà Nội

…Đường chúng tôi ra trận lại dài thêm

Hình tượng con đường không chỉ góp phần khắc họa hình ảnh người chiến sĩ mà còn là yếu tố quan trọng cấu thành kết cấu của trường ca – tự sự - trữ tình, khi nhà thơ có tham vọng tổng kết diễn biến của chiến tranh bằng hình thức thơ ca. Đây thực sự là con đường trưởng thành và lớn mạnh của quân đội ta qua hình ảnh các thế hệ chiến sĩ, con đường trải qua gian khổ hy sinh của dân tộc để tới đích vinh quang, con đường nối liền hậu phương với tiền tuyến, con đường từ lòng mẹ đến trái tim người chiến sĩ trên mặt trận, giữa chiến hào. Con đường vận động cùng chiều với sự phát triển của lịch sử, của thời gian. Rất nhiều trường ca được viết sau năm 1975 như Đường tới những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đều dùng hình tượng con đường làm phương thức tổ chức và kết cấu tác phẩm. Có thể nói hình tượng con đường đã trở thành một thành tố của nội dung hiện thực. Nó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các sự kiện được mô tả trong tác phẩm, là định hướng triển khai ý đồ sáng tạo của tác giả. Trên con đường ấy bao nhân vật được xuất hiện cùng với bao cảnh ngộ, tâm tư, chịu đựng khổ đau, khát vọng, niềm vui, hạnh phúc. Những nhân vật ấy là người lính thuộc nhiều thế hệ, từ vị chỉ huy cho đến người chiến sĩ, từ người cộng sản nằm vùng đến người mẹ, người chị miền Nam và nhân dân rộng lớn. Nhà thơ vừa là người tham dự, vừa là người trực tiếp quan sát đã bộc lộ đầy đủ, trọn vẹn tâm tư, cảm xúc, nghĩ suy triết lý của mình về cuộc sống.

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

Đó còn là con đường tuổi thơ trôi qua đầy kỷ niệm, con đường nơi ông làm người lính ngoài đảo khơi. Trong Trường ca Biển có con đường từ đất liền tới các đảo xa, nơi tận cùng của Tổ quốc. Con đường mà người lính đã trải qua đầy kỷ niệm qua những năm tháng ở chiến trường chống Mỹ đến khi làm người lính đảo. Trong tập thơ Thư mùa đông Thương lượng với thời gian không phải là con đường ra trận, hướng về phía trước theo mục tiêu của cách mạng mà là đường đời, con đường của nhà thơ với tư cách là một cá nhân đi tìm người tri âm, tri kỷ, tìm cái đẹp và cái thiện như mơ ước và quan niệm của mình. So với con đường trong thơ viết về chiến tranh con đường trong thơ viết về cuộc sống thời bình tính chất cụ thể ít đi mà tính tượng trưng ước lệ tăng lên gắn liền với cảm xúc của cái tôi trữ tình và tư duy của nhà thơ. Cuộc đời nhà thơ là con đường còn đầy chông gai gian khó:

Gập ghềnh đường tôi đi Không một ai ngó tới

(Tôi bước vào thành phố)

Và trên chính con đường này nhà thơ đã bộc lộ biết bao trăn trở, day dứt. Đó là đường đi vô định của người chưa biết được điểm dừng cuối cùng. Nhưng cao hơn thế, hình tượng con đường là biểu trưng cho hành trình đi tìm lẽ sống cao đẹp một thời con người tình nghĩa ấy đã tin yêu. Nhà thơ thực sự dấn bước trên con đường mà cái đích là nhận thức cho được về phẩm giá con người, về một hạnh phúc không tô vẽ, một hạnh phúc có thật. Hữu Thỉnh đã trở thành người bộ hành lặng lẽ đi tìm nhân nghĩa và hạnh phúc ở đời:

Những ngôi nhà chật ánh đèn buổi tối Hạnh phúc của người này là ngăn cách

của người kia

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

Nhưng chính nhà thơ lại đau đớn nhận ra rằng “Đường nhân nghĩa chừng nào còn lắm bụi” thì con đường mình đang đi vẫn còn xa vời, mù mịt “Tôi nhớn nhác đi tìm người/ Bước chân thì ngắn đường đời thì xa”. Hành trình cuộc sống và hành trình thơ của một thi sĩ là một cuộc đi trên con đường lớn lao vô cùng, con đường tình yêu cuộc sống, nó lớn hơn bản thân nhà thơ rất nhiều lần. Hữu Thỉnh vẫn tiếp tục đi trên con đường của số phận mình. Và chắc chắn ông còn nhiều thơ nữa khi đã có một bản lĩnh sống, một bản lĩnh sáng tạo. Chỉ cần một trái tim đêm đêm còn thổn thức và nó đòi hỏi nhà thơ ngồi vào bàn viết. Đôi khi chỉ cần một câu thôi cũng chất chứa giá trị nhân bản như chính Hữu Thỉnh đã từng viết “Sống một ngày lội qua cả kiếp người”.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh (Trang 36)