Trường liên tưởng, tưởng tượng

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh (Trang 26)

5. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Trường liên tưởng, tưởng tượng

Liên tưởng được coi là một trong những hoạt động tâm lí thông thường ở con người. Theo các nhà tâm lí học “liên tưởng là mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lí, trong đó có sự tích cực hoá của một biểu tượng này kéo theo sự xuất hiện một hay nhiều biểu tượng khác”[2,140]. Ví dụ như nghe tiếng trống gióng nơi đây mà liên tưởng tới ngày lễ hội làng truyền thống, ngửi mùi hương trầm mà nhớ tới ngày Tết cổ truyền, nhìn thấy cánh đồng lúa chín mà hình dung ra cuộc sống no ấm, thanh bình của làng quê. Theo Từ điển tiếng Việt khái niệm liên tưởng được giải thích là “nhân sự việc hiện tượng nào đó mà nghĩ tới sự việc, hiện tượng khác có liên quan”[49,548]. Một cách cụ thể hơn, giáo sư Nguyễn Lân mô tả liên tưởng là “hiện tượng tâm lí khiến người ta nghĩ đến một sự vật lại nghĩ đến những sự vật liên quan hoặc vì gần nhau hoặc vì giống nhau hoặc vì trái ngược nhau”[36,374].

Thuyết liên tưởng coi sự liên tưởng là nguyên tắc quan trọng nhất của sự hình thành trí nhớ nói riêng và sự hình thành tất cả các hiện tượng tâm lí nói chung. Aritxtôt cho rằng những hình ảnh nảy sinh vô cớ chẳng qua là kết quả của liên tưởng. Liên tưởng là hoạt động tâm lí rất tự nhiên của con người.

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

Thứ nhất là do trong thực tế các sự vật hiện tượng không tách rời mà quan hệ với nhau theo nhiều mức độ giống nhau, gần gũi, tương đồng hoặc trái ngược nhau. Thứ hai là do tư duy của con người biết kết nối những sự vật, hiện tượng trong cùng một dòng suy nghĩ. Hoạt động liên tưởng này gắn bó khá chặt chẽ với năng lực bẩm sinh, trí nhớ, hồi ức, vốn văn hoá, kinh nghiệm, sự từng trải và nhạy cảm riêng của từng cá nhân. Nhìn nương dâu xanh ngút tầm mắt, có người liên tưởng tới cảnh nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của một làng quê thanh bình nhưng có người lại nghĩ đến nỗi sầu chia li trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn. Không thể khám phá thế giới nghệ thuật nếu thiếu năng lực của liên tưởng. Những nghệ sĩ nghèo khả năng này sẽ sao chép một cách vụng về hiện thực Người nghệ sĩ tài hoa bao giờ cũng qua liên tưởng của mình mà sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật sống động. Từ màu áo đỏ của một cô gái, Vũ Quần Phương nghĩ tới ngọn lửa của tình yêu cháy bỏng. Một lùm cây xấu hổ bên đường khiến Anh Ngọc nhớ tới dáng điệu e thẹn của người trinh nữ.

Vậy có thể nói liên tưởng là một thao tác của tư duy sáng tạo, nó vừa thuộc về ý thức, vừa thuộc về tiềm thức mà thao tác chủ đạo của nó là sự liên kết về mĩ cảm của chủ thể khi cảm nhận và thể hiện một đối tượng nào đó.

Không có liên tưởng, nghệ thuật chỉ là sự sao chép hiện thực một cách máy móc, vụng về, khô cứng và nhạt nhẽo. Chức năng của liên tưởng trước hết là giúp cho dòng cảm xúc được khai phóng, thăng hoa, vượt qua những giới hạn thông thường, chật chội về thời gian, không gian. Có thể từ hạt mưa bụi mà Trịnh Công Sơn thấy cả quá vãng thân thương, thậm chí cả tương lai xa tắp cùng bâng khuâng hiện hữu:“Nghe mưa nơi này lại nhớ nơi kia/Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ/Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ/Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”. Và điều quan trọng nhất là liên tưởng giúp các nhà thơ phát triển được ý thơ, hình thành được tứ thơ, gây bất ngờ và ám ảnh cho

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

người đọc như “Núi đôi” (Vũ Cao), “Cuộc chia li màu đỏ” (Nguyễn Mỹ),

“Màu tím hoa sim” (Hữu Loan).

Các nhà ngôn ngữ học cho rằng mỗi yếu tố ngôn ngữ đều chứa đựng một phiến đoạn của tư duy. Mỗi tập hợp ngôn ngữ đều dựa trên những mối quan hệ nhất định, trong đó có quan hệ liên tưởng. Từ thực tế nghiên cứu ngôn ngữ tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng:“Sự tồn tại của các trường liên tưởng là có thật đối với các ngôn ngữ và đối với từng người”[45,47]. Cơ chế hoạt động của trường liên tưởng trong ngôn ngữ rất đa dạng và phức tạp, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm sống của từng người. Trường liên tưởng nói chung mang tính thời đại, tính dân tộc và tính cá nhân. Vì vậy các nhà ngôn ngữ học đánh giá rất cao vai trò của lí trí, của vốn sống trong việc hình thành trường liên tưởng.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng: Trường liên tưởng là phạm vi hoạt động của liên tưởng, là giới hạn thẩm mĩ của một chủ thể sáng tạo. Khi những liên tưởng của một chủ thể nối kết với nhau theo một cách thức nào đấy, tạo thành một chỉnh thể, khi ấy ta có trường liên tưởng. Điều gì đã làm cho những liên tưởng cụ thể, thậm chí tự do và có vẻ rời rạc gắn kết lại với nhau. Đó chính là sức mạnh bí ẩn, vô hình của cả ý thức, tiềm thức lẫn vô thức. Trường liên tưởng của một chủ thể sáng tạo được quy định bởi vốn sống, vốn văn hoá và mĩ cảm của chủ thể ấy. Khi xem xét trường liên tưởng của một nhà thơ cần phải khảo sát chỉnh thể tính lặp lại của những liên tưởng cụ thể. Hình ảnh “bầu trời” trong thơ Nguyễn Đình Thi, “cái yếm” trong thơ Hoàng Cầm. Có những liên tưởng mới nhìn tưởng như tự do rời rạc, thậm chí lạ lùng, vô lí nhưng nhìn từ nguyên nhân sâu xa nó lại được kết nối bởi một mạch ngần, nhiều khi nằm trong tầng vô thức của người nghệ sĩ. Có người cho rằng những hang, động, khe, giếng, sừng, chày, giã gạo, đánh đu … thực

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

chất là con đường giải thoát những uẩn ức tình dục bị ý thức chính thống dồn nén ở Hồ Xuân Hương.

Liên tưởng là một năng lực thiết yếu trong tư duy sáng tạo nghệ thuật, nó góp phần quan trọng tạo nên gương mặt riêng của người nghệ sĩ. Tìm hiểu đường đi của mạch liên tưởng trong thơ là một điều không dễ nhưng lại có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi nếu phát hiện ra quy luật trong trường liên tưởng của một nhà thơ cũng có nghĩa là khám phá được con người và văn hoá, con người nhân bản và cá tính sáng tạo của anh ta. Có thể khẳng định trường liên tưởng là một trong những yếu tố nền móng, cội rễ hình thành nên phong cách nghệ thuật và tư tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Nếu liên tưởng là một thao tác của tư duy sáng tạo, nó vừa thuộc về ý thức, vừa thuộc về tiềm thức mà thao tác chủ đạo của nó là sự liên kết về mĩ cảm của chủ thể khi cảm nhận và thể hiện một đối tượng nào đó thì tưởng tượng “là hoạt động tâm lí nhằm tạo ra trong trí óc hình ảnh những cái không có ở trước mắt hoặc chưa hề có” [49,145]. Giáo sư Nguyễn Lân lại dùng một cách mô tả cụ thể hơn về tưởng tượng là “quá trình tâm lí xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sở kinh nghiệm của cá nhân và thực tiễn đời sống”[36,75]. Trong quan niệm của Mác: “Trí tưởng tượng là một năng khiếu vĩ đại, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhân loại”. Lênin từng khẳng định một cách quả quyết rằng: thật là sai lầm khi nghĩ rằng tưởng tượng chỉ cần cho nhà thơ. Đây là một định kiến ngu xuẩn. Ngay cả trong toán học, tưởng tượng cũng cần, nếu không có tưởng tượng thì ngay sự phát minh ra những phép tính vi phân và tích phân cũng không thể có được. Pauxtôpxki với những trải nghiệm trong cuộc sống và trong văn chương cũng đã đánh giá rất cao sức mạnh kì diệu của trí tưởng tượng: “Trí tưởng tượng tạo ra định luật hấp dẫn nhị thức Niutơn, câu chuyện buồn thảm về về chàng Trixtăng và nàng Ydơ, sự phá vỡ nguyên tử, toà nhà của Bộ Hải quân ở Lêningrat, bức

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

Mùa thu vàng của Lêvitan, bài Macxâye, vô tuyến điện, Hoàng tử Hămlét, tương đối luận và bộ phim Bembi” [42,144]. Trong hoạt động sáng tạo văn học, có thể nói nếu không có tưởng tượng thì không có văn học. Nếu không có tưởng tượng văn học sẽ trở nên một kiểu sao chép, chụp ảnh bề ngoài hiện thực, sáng tác của nhà văn sẽ trở nên hời hợt, buồn tẻ. Trong tưởng tượng có hai loại: tưởng tượng tái tạo và tưởng tượng sáng tạo. Loại thứ hai vô cùng quan trọng đối với nghệ sĩ. Là người hay ngẫm nghĩ về nghề viết Nguyễn Minh Châu cho rằng: quan sát, suy nghĩ và tưởng tượng là việc làn thường ngày của người cầm bút. Trí tưởng tượng càng phong phú, mãnh liệt cành chứng tỏ nhà văn dồi dào khả năng sáng tạo. Vai trò của tưởng tượng đối với nghệ thuật đã được khẳng định: “Trí tưởng tượng chắp cánh bay ngàn dặm”

(Lưu Hiệp). Còn Goorki lại cho rằng: nghệ thuật dựa vào trí tưởng tượng mà tồn tại. Chỉ có tưởng tượng người ta mới có được con sông “rộng một gang”, chiếc cầu bằng “dải yếm”. Bằng tưởng tượng chúng ta có đôi hài bảy dặm, tấm thảm bay, viên ngọc ước, thuốc trường sinh bất tử. Có thể thấy tưởng tượng là món quà mà thượng đế đã ban tặng cho con người, nó trở thành thiên tính của nhân loại. Không có tưởng tượng sẽ không thể có sáng tạo, không có nghệ thuật, không có văn xuôi và sẽ chẳng bao giờ có thơ. Chính đôi cánh của trí tưởng tượng đã giúp Anđecxen bay vào xứ sở của thần tiên, tìm được niềm an ủi dịu dàng cho mình và những người xung quanh. Với cô bé bán diêm, chú lính chì dũng cảm, nàng tiên cá … nhà văn đã làm say mê bao thế hệ độc giả và trở thành người kể chuyện cổ tích hay nhất thế giới. Cũng nhờ trí tưởng tượng mà Anđecxen mãi giữ được tâm hồn trong trắng, tinh khôi và thánh thiện của tuổi ngây thơ. Như vậy tưởng tượng làm phong phú tâm hồn con người, giúp ta khắc phục những giới hạn về thời gian, không gian.

Như vậy liên tưởng và tưởng tượng đều là những năng lực tư duy vô cùng thiết yếu đối với người nghệ sĩ, giúp họ thoát khỏi các giới hạn chật chội

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

của sự việc, hiện tượng trước mắt, đi vào khám phá những bí ẩn sâu thẳm và rộng lớn vô biên của vũ trụ cũng như tâm hồn con người. Nhờ vậy người nghệ sĩ mới sáng tạo ra những hình tượng mới mẻ, độc đáo, không có sự lặp lại. Tuy nhiên khái niệm tưởng tượng rộng hơn liên tưởng. Tưởng tượng là thao tác tâm lí khá tự do, phóng túng. Ở thế giới của tưởng tượng, các sự vật, hiện tượng được huy động có thể rất xa lạ với nhau, thậm chí chưa và không thể có thật trên đời mà chỉ tồn tại trong mơ ước của chúng ta. Tưởng tượng là nền móng, là cơ sở thúc đẩy sự hình thành liên tưởng

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)