Nghệ thuật ẩn dụ

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh (Trang 94)

5. Cấu trúc luận văn

3.4.2. Nghệ thuật ẩn dụ

Ẩn dụ là biện pháp nghệ thuật quan trọng, là thế mạnh của thơ đặc biệt là trơ trữ tình. Ẩn dụ không gọi thẳng tên đối tượng mà để cho người đọc tự tìm đến đối tượng đó trong văn cảnh theo quy luật của lôgich, của tâm lý. Ẩn dụ thực tế là so sánh ngầm mà ở đó “cái được nói tới thì giấu đi một cách kín đáo”[16,11]. Nó đòi hỏi người đọc phải dùng năng lực liên tưởng cao độ để quy chiếu và tìm ra yếu tố không có mặt trên văn bản thơ. Ngôn ngữ thơ trở nên giàu hình ảnh và biểu cảm hơn khi ẩn dụ phát huy tác dụng. Cũng như so sánh, ẩn dụ bao giờ cũng gắn với cách nhìn, cách đánh giá của tác giả đối với sự vật, biểu thị đặc trưng của phong cách thời đại, phong cách dân tộc và phong cách tác giả. Để tái hiện bức tranh hiện thực và thể hiện chiều sâu bức tranh nội tâm con người, thơ Hữu Thỉnh có một tần suất ẩn dụ rất lớn. Phát huy thế mạnh của một hồn thơ giàu vốn sống, giàu khả năng liên tưởng và tưởng tượng nhà thơ đã tạo ra những ẩn dụ táo bạo. Nghĩa của phép ẩn dụ trong thơ Hữu Thỉnh không chỉ giới hạn trong phạm vi từ ngữ, câu mà còn mở rộng ra phạm vi của chương, khúc (trong trường ca) và cả bài thơ (trong thơ trữ tình).

Những cụm từ ẩn dụ của Hữu Thỉnh làm cho sự vật được miêu tả trở nên cụ thể hoá hơn gần sát lại với người đọc, kích thích mạnh vào giác quan và trí tưởng tượng: sông xanh màu áo, trăng non núi bưởi, con đường mòn

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

nung đỏ những chiều hôm trước, chiến trường giông bão, cuống rạ bơ vơ, cánh diều nhỏ cô đơn, những chiếc cốc vô danh, thế kỷ sóng to, tiếng chim tan vỡ, cây cỏ cũng ra tù, những ban mai giang dở, những nụ cười vành mũ sáng trưng ….

Với hồn thơ nhiều trăn trở khi đứng trước hiện thực bề bộn và thế giới nội cảm phong phú của con người thì Hữu Thỉnh đã sử dụng ẩn dụ chủ yếu ở cấp độ câu. Hữu Thỉnh thường có khuynh hướng dùng đối tượng cụ thể biểu thị đối tượng trừu tượng nhằm cụ thể hoá cái trừu tượng vừa tạo hình ảnh độc đáo, vừa thể hiện sự bóng bẩy, ý nhị trong cách nói. Nhờ ngữ cảnh liên tưởng người đọc có thể nghĩ đến đối tượng được giữ kín cùng với những đặc điểm của nó, từ đó mà nảy sinh cảm xúc: đó là hạnh phúc của nhân dân khi được hồi sinh “Những cuộc đời ở bên kia mặt lá/Rưng rưng bước lên cầu thang”; đó là khát khao tiến xuống đồng bằng của người lính Trường Sơn “Lòng cứ đầy những Bình Định, Nha Trang”; đó là sự hy sinh bền bỉ “Suối cứ thế âm thầm nuôi biển lớn”; đó là niềm tin vào ngày mai hạnh phúc sẽ đền bù cho khổ đau “Chị vẫn tin có mùa thu đền cho cuốc kêu tháng sáu/Vẫn tin ngày hái quả cho anh”; đó là sự thay đổi chóng vánh của con người “Vừa trong mơ cùng tôi/Cây ra đường đã bụi”; đó là hiện thực cuộc sống đi ngược với dự định ước mơ “Tôi đã gặp những dòng sông hùng dũng đẩy băng đi/Nhưng rốt cuộc cầm tù trong rét buốt” …

Trong thơ năng lực mã hoá các đơn vị ngôn ngữ của ẩn dụ là to lớn đến mức cho phép nhà thơ dễ dàng vượt qua giới hạn câu ngữ pháp, tiến tới khổ thơ, chương thơ và toàn bộ tác phẩm thơ. Ở các trường ca ông thường thể hiện ẩn dụ cho toàn chương, toàn bài. Toàn bộ chương ba “Điệp khúc những cây cầu” trong trường ca Đường tới thành phố là một ẩn dụ lớn với hàm ý sự hy sinh của đồng chí thông qua ba tấm gương tiêu biểu: người cộng sản nằm vùng, bộc phá viên và người lính tăng chính là những cây cầu trên con đường

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

tới đích toàn thắng. Cả chương năm của Trường ca Biển nhà thơ tạo hình tượng ẩn dụ bao trùm mang màu sắc triết lý về thân phận người lính và nhân dân. Như những người dân hoá thạch người lính và nhân dân âm thầm dâng tặng hết mình trong chiến tranh và thường thua thiệt khi đất nước hoà bình:

Ta bới sóng đi tìm các dòng sông Như người đào than tìm lại cánh rừng Những dòng sông hoá thạch

... Sông tan vỡ trách thầm trăng lỡ hẹn

(Trường ca biển)

Tập thơ Thư mùa đông gồm 36 bài thì đến 9 bài (Mưa đá, Tạp cảm,

Trước tượng Bay – on, Mười hai câu, Những kẻ chặt cây, Tìm người, Nghe tiếng cuốc kêu, Hạnh phúc, Chiếc vó bè) mà hình tượng toàn bài mang tính ẩn dụ. Cụ thể: Bài Mưa đá là sự thất vọng của nhà thơ trước giá trị của cuộc đời đang bị đảo lộn; Bài Tạp cảm là sự mong manh bất lực của văn chương trước sự đổi thay của thế thái nhân tình; Bài Mười hai câu là sự bất lực của văn nghệ sĩ trước cuộc đời; Bài Những kẻ chặt cây lại là những lo âu của nhà thơ khi giá trị cuộc sống đang bị huỷ hoại; Bài Chiếc vó bè chính là niềm hy vọng không tắt của con người…Trong nhiều bài thơ khác, những hình ảnh ẩn dụ xuất hiện dầy đặc khiến ta có cảm giác cả tập thơ này cũng là một ẩn dụ lớn bao trùm. Thủ pháp ẩn dụ đã giúp nhà thơ nói được những vẫn đề bức xúc của đời sống hiện tại và những nỗi niềm muôn thuở của con người một cách ý nhị, sâu sắc.

Trong tập thơ Thương lượng với thời gian Hữu Thỉnh cũng phát huy năng lực ẩn dụ ở nhiều bài như Thương lượng với thời gian là sự tính toán bon chen trong đời sống của con người; Lọc là tình yêu vượt qua những thứ

Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh

tầm thường; Một thoáng làm người lại nói về cuộc sống con người nhiều phức tạp sóng gió… Thông qua ẩn dụ, nhà thơ bày tỏ được những suy tư, trăn trở trước cuộc đời một cách hàm súc, biểu cảm và sâu sắc.

Theo Lại Nguyên Ân: “Ở thơ ca thế kỷ XX, ẩn dụ trở thành phương thức tăng cường nỗ lực và tự do sáng tạo của nghệ sĩ”[5,12]. Nhìn vào khả năng tạo nghĩa và giá trị biểu cảm độc đáo của những ẩn dụ do Hữu Thỉnh tạo nên ta mới thấy được những tìm tòi sáng tạo, năng lực lựa chọn, tiếp thu để nhà thơ phát huy cao độ khả năng nhạy cảm của trực giác và ảo giác đem lại tính hiện đại cho các hình ảnh thơ.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh (Trang 94)