4. Phƣơng pháp nghiên cứu
1.3.1. Những ngày thơ ấu không bình yên của Nguyên Hồng
Nguyên Hồng sinh ngày mồng 5 tháng 11 năm 1918 tại quê gốc phố Hàng Cau, thành phố Nam Định trong một gia đình tiểu tư sản theo đạo thiên chúa từ nhiều đời. Người cha có một thời gian làm cai đề lao, sau mất việc, gia đình sa sút
nhanh chóng. Ông sa vào nghiện ngập, sống vô hồn bàng quan với mọi chuyện kể cả với con cái. Người mẹ Nguyên Hồng là một người đàn bà có nhan sắc tính tình dịu hiền, chịu thương chịu khó, giàu đức hy sinh, có lòng thương con thiết tha. Người mẹ dù vô cùng thương con cũng đành phải xa con, phải xa quê, phải đi buôn bán nơi xứ người hòng cứu vãn gia cảnh sa sút, tàn tạ của gia đình. Vậy là ngay từ nhỏ cậu bé Nguyên Hồng đã sống thiếu tình thương yêu chăm sóc, không tìm thấy sự che chở quan tâm của bất cứ ai kể cả những người ruột thịt. Mười hai tuổi mồ côi cha, mẹ thì vào Vinh ở vú rồi đi bước nữa, Nguyên Hồng phải sống nhờ bà cô cay nghiệt. Cảnh ngộ ấy đã ném Nguyên Hồng vào môi trường những người cùng khổ trong xã hội cũ. Đứa bé hay tủi thân vì thiếu ăn thiếu mặc, thiếu tình thương yêu chăm sóc đã lang thang nơi đầu đường xó chợ, vườn hoa, bến tầu, bến ô tô hay bãi đá bóng… chung đụng với đủ loại trẻ con đói khổ, lêu lổng phải tự bán báo, xôi chè, bánh kẹo, hoa quả, ăn mày, ăn cắp… để tự lăn lộn, tự kiếm sống bằng những nghề nhỏ mọn. Đã thế, năm mười lăm tuổi, Nguyên Hồng lại bị đày đọa trong các nhà lao Nam Định, Hà Nội rồi bị giam ở trại “Tù trẻ con” ở Trí Cụ (Phúc Yên). Cậu bé ốm yếu, đa cảm, sống giữa một bọn thú dữ đã nhiều lần bưng mặt khóc nức nở ngay dưới gốc cây, bên cạnh xe bò rác mỗi khi nghĩ đến tuổi ấu thơ và thành phố quê hương mình.
Năm 1934, đời sống gia đình lúc này rất khó khăn lại bị họ hàng làng xóm dị nghị hắt hủi, Nguyên Hồng phải thôi học từ giã quê hương và bà nội cùng mẹ bà bố dượng ra sinh sống ở xóm Cấm, Hải Phòng như tìm một lối thoát về sinh kế và tinh thần.
Tại Hải Phòng, dù muốn hay không mẹ con Nguyên Hồng cũng phải gia nhập vào cái xã hội dưới đáy của thành phố Cảng. Chính vì thế mà ông được kết nạp vào cái phần cơ cực nhất của Hải Phòng: Hải Phòng của thợ thuyền, của phu bến tàu, của những người buôn thúng bán mẹt, vất vả lam lũ, sống chen chúc ở những xóm lao động tối tăm. Cuộc đời của một thanh niên thất nghiệp, dáng người nhỏ bé lom khom, gương mặt xanh xao mất máu, ngày ngày lang thang khắp nơi chầu chực ở bến tàu, nhà máy, các kho hàng cửa hiệu hoặc lân la ở các xóm ngõ đầu đường nơi
đi về của phu phen thợ thuyền để nghe ngóng thăm dò xin việc. Vườn hoa là chặng nghỉ cuối cùng sau cả ngày đi rạc cẳng, chầu chực xin xỏ khắp nơi mà không được việc gì cả, là nơi sau những buổi cơm chiều không có, đèn nhà hết dầu Nguyên Hồng đến đứng lặng lẽ, thẫn thờ, trong lòng buồn bã, tái tê vô cùng. Người thanh niên thất nghiệp lê đôi guốc mòn vẹt gần hết gót nhẫn nhục đi xin việc ngày này qua ngày khác mà không được. Nguyên Hồng hiểu rằng đối với một người thanh niên thời đó, địa vị không có, gia đình suy tàn, học thức tầm thường nhỏ nhoi thì chỉ còn một cách tồn tại trong cuộc sống bằng cái cao quý trong sạch là văn chương. Và Nguyên Hồng bắt đầu viết, viết suốt ngày đêm, viết một cách say mê, bất chấp “cái đói ê ẩm thấm thía vô cùng trong đêm mưa lạnh, hoang vắng”.
Khi viết về những người dân nghèo khổ, nhà văn có một vốn sống rất phong phú dường như viết về chính cuộc đời mình. Cuộc sống thiếu thốn lầm than trong tầng lớp cặn bã đã giúp Nguyên Hồng trải nghiệm bản thân trong thế giới của những người cùng khổ. Vì vậy, trong sáng tác của mình ông rất dễ cảm thông, chia sẻ những nỗi đau, bất hạnh của con người.