4. Phƣơng pháp nghiên cứu
2.3.1. Những nạn nhân khốn khổ của cái đói
Hiện thực xã hội mà nhà văn phản ánh vô cùng đen tối. Ở đó có biết bao người là nạn nhân khốn khổ của cái đói. Cuộc đời họ luôn gặp những tai ương bất hạnh. Cuộc sống tối tăm, nghèo khổ đến nỗi miếng cơm manh áo đã trở thành nhu cầu bức thiết nhất và cũng khó khăn cực nhọc nhất mới kiếm được. Phần lớn họ ở trong tình trạnh kiệt quệ. Mỗi người một cảnh ngộ song tất cả họ đều rơi vào sự quẫn bách.
Đó là những người nông dân của những miền quê luôn bị lụt lội, hạn hán hay nạn đói và bệnh dịch tàn phá. Họ phải bỏ ruộng vườn ra thành thị kiếm miếng cơm manh áo, lao động vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. “Sau mấy năm lụt lội, đói khát dịch tễ liên tiếp họ hầu như đã bán nốt miếng đất cuối cùng để gỡ nợ, để chạy kiện,
để thoát vạ rượu, vạ cướp tiêu sưng, để khỏi nhìn những cảnh đau tủi uất ức mà đi
tha phương cầu thực”. Họ là nạn nhân của một xã hội mà công lý chỉ thuộc về bọn
nhà giàu và giai cấp thống trị. Cái xã hội kim tiền thời đó đã biến họ thành những thứ hàng hóa, ở nông thôn họ là những người có lí lịch dù là xấu, là khổ nhưng nay ra thành thị họ trở thành đám người không tên không tuổi. Hàng ngày họ phải lang thang đi kiếm ăn trong những điều kiện sống hết sức khắc nghiệt, vô tình của những thành phố tư sản. Trước hết họ là những người làm nghề phu phen, tạp dịch nặng nề như: phu bến tàu, đội than, đội đá, đào đất, bốc vác hàng hóa, đun goòng, làm đường xá….. Họ lao động suốt ngày mà vẫn đói rách, lam lũ. Cái đói cứ đeo đẳng họ từ ngày này qua tháng nọ khiến cho cuộc sống của họ trở nên tù túng. Họ không nghĩ được gì khác ngoài những chuyện vụn vặt, tầm thường về miếng cơm, manh áo.
Sự đói nghèo, lam lũ như một thứ tai hoạ đã bủa vây, bám riết vào cuộc đời của những con người nơi đây và đó cũng chính là nguyên nhân đẩy họ tới những thảm hoạ xót xa. Vì đàn con thơ nheo nhóc, vì những món tiền nợ chưa trả được mà chị Năng (Sông máu) đã phải giữa đêm khuya một mình vật lộn, đương đầu với sông nước trong cơn bão to, những cơn gió mạnh thổi gãy cột buồm và làn nước mưa dày đặc cứ quất thẳng vào mặt. Cảnh vật lộn kiếm miếng ăn bằng nghề chở hàng lậu trên sông giữa thời tiết khắc nghiệt, giữa sự kiểm soát gắt gao và tàn nhẫn của bọn Tây đoan, sẽ là mạo hiểm, liều lĩnh với số phận bởi cái chết liền kề. Dù biết sẽ gặp nguy hiểm nhưng không thể làm khác được, chị đành nhắm mắt đưa chân, đương đầu với sự rình rập của thần chết.
Biết bao nhân vật phụ nữ của Nguyên Hồng vì đói nghèo mà phải đầu tắt mặt tối, lúc nào cũng lam lũ, vất vả. Những thân hình khẳng khiu, gầy rạc của họ phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề, lớn lao: nuôi sống cả gia đình, chăm sóc đàn con thơ dại và cả những người chồng tật nguyền ốm yếu. Sự đói nghèo đã vùi dập mọi ước mơ xây dựng hạnh phúc lứa đôi thậm chí còn đẩy người phụ nữ tới những cái chết thương tâm.
Nhân vật Mũn trong Đây, bóng tối là một người phụ nữ như thế. Từ thưở ấu thơ Mũn đã phải sống cảnh cơ cực, côi cút: “Mồ côi cha mẹ, phải đi dắt thuê cho
một bà lão ăn mày, chẳng bao giờ biết được một miếng ngon” [30,130]. Vì thế khi được ăn những “miếng thịt lẫn lộn cơm và nước dãi” của Nhân – người bạn nghèo thì Mũn đã rất cảm động và sung sướng. Cho đến khi làm vợ, làm mẹ Mũn vẫn tiếp tục phải sống cuộc đời nghèo túng ấy. Nhưng Mũn không hề kêu ca, nàng một lòng nhẫn nhịn, cắn răng chịu đựng mọi vất vả, khổ cực, ức hiếp gặp phải ở chợ đời để khi về nhà lại hết lòng an ủi vỗ về để chồng quên hẳn sự đau đớn đui mù. Nàng dồn hết sức lực để kiếm sống, gồng mình lên “như một tấm lá chắn đỡ lấy trăm nghìn
mũi tên sắc nhọn để che chở cho chồng con được toàn vẹn” [30,138]. Thế nhưng
cuộc đời tàn nhẫn, lắm thói ức hiếp, lắm cảnh xô bồ, để tồn tại nàng phải trốn vé, phải chịu phạt, phải tranh cướp khách với người ta. Và vì miếng ăn cho chồng con mà Mũn đã phải chết: “Tàu đã súp-lê lần thứ ba, đã kéo neo, gần chạy rồi mà Mũn còn tranh nhau bán bánh. Người bán cao lâu ở tàu thấy thế bèn ẩy Mũn ra ngoài. Giữa lúc đó một bọn soát vé chợ đương hò hét gọi những người bán hàng khác. Mũn giùng giằng, không muốn lên bờ. Người bán hàng ở tàu cáu tiết, cầm cả mâm bánh liệng xuống phà, Mũn phải vội nhảy theo, trượt chân nàng ngã nhào xuống
sông. Nước chảy mạnh, người ta tốn công tìm để vớt mà chưa thấy xác” [30,138]..
Một cái chết đầy đau đớn, xót xa, tủi cực trong cuộc vật lộn kiếm cơm quá nhọc nhằn. Giờ đây tấm lá chắn duy nhất của cái gia đình nhỏ bé kia đã không còn, đẩy người chồng đui mù và những đứa con nheo nhóc tội nghiệp của nàng ra đường. Tác phẩm kết thúc đã để lại bao xót xa, cay đắng trong lòng người đọc. Số phận con người trong thời buổi đói kém thật là thê thảm.
Cái đói dẫn đến cái chết, biết bao nhân vật của Nguyên Hồng chết vì đói. Truyện ngắn Đi để lại cho người đọc một cảm nhận ghê rợn về cái đói. Truyện viết về một đám đông những người dân quê bị nạn đói xua đuổi ra khỏi quê hương. Họ kéo nhau đi tới các thành phố hi vọng kiếm được việc làm và miếng ăn. Dọc đường họ đi qua bao xác chết: “Họ chết ngay bên vệ đường, ngay bờ cỏ, ngay mé ruộng, ngay trước các quán, chẳng thấy ai chôn cất, khóc lóc. Họ chết như rạ ấy” [30,597].. Nhưng thương tâm nhất có lẽ là cái chết của một người đàn bà nằm ưỡn ngực: “Ngực đã khô cứng đen cóc đen cáy. Ở cái đầu vú to thây lẩy một đứa bé vẫn
cứ rúc vào bú, miệng nó nhay nhay, một tay nó luồn vào nách, một tay nó vân vê cái bên vú lép hơn. Cái núm thịt chết khô căng lên ấy đã được đứa bé tưởng là còn sữa, như người mẹ đã lại được no, nên đứa bé lại cố nún ụt ịt một cách hăm hở và lại
vân vê một cách sung sướng như thế” [30,599]. Cái đói khủng khiếp đã cướp đi sinh
mệnh của người mẹ. Rồi đây số phận của đứa bé sẽ ra sao khi nguồn nuôi dưỡng đã không còn, miệng nó cứ nhay nhay vào vú mẹ, nó tìm gì đây ở cái xác chết khô cứng ấy của mẹ nó? Cái chết của người mẹ là sự mở đầu cho cái chết thương tâm tiếp theo của đứa bé. Khi viết về những cái chết do cái đói gây ra Nguyên Hồng đã bộc lộ một niềm xót thương vô hạn và hơn thế, một nỗi phẫn uất mạnh mẽ đòi quyền sống cho những sinh mệnh đáng thương vô tội.
Trong xã hội thực dân phong kiến người phụ nữ phải làm việc cật lực, vắt kiệt sức mình ra để kiếm tiền nuôi gia đình, nuôi đàn con. Cuộc sống lam lũ kéo dài đã bòn rút sức lực của họ, đã làm cạn kiệt dòng sữa của họ nên họ phải nuôi con mà không có sữa cho con bú. Những đứa trẻ khát sữa từ giã cõi đời trong sự đau đớn xé lòng của những người mẹ nghèo, bất lực như Cúc trong truyện ngắn “Trước xác chết”. Hình ảnh những đứa trẻ chết vì đói là những hình ảnh trăn trở, nhói buốt tận tim gan nhà văn. Về cái hiện thực đau xót này, Nguyên Hồng đã có những trang văn thống thiết lên tiếng kêu gọi cấp sữa cho những trẻ thơ đói sữa. Ông đã từng gào lên, thét lên trong tác phẩm của mình những lời đau đớn: “Phải đem sữa lại cho những bà mẹ nhiều con dại ở các nước chiến tranh tàn phá…. Phải trả sữa lại cho những cái miệng bé nhỏ hà rộng, lưỡi gần cứng đó, dưới những bầu vú lép….”
“ Kìa! Những bàn tay bé nhỏ đang vẫy các bạn, những con mắt lờ đờ ướt át đương van lơn các bạn, những cặp môi đỏ mọng đã héo quắt lại”.
“Sữa! Sữa!
Người ta đang chờ đợi ở một thi sĩ một bài thơ, ở một nhà văn một trang truyện kêu đòi sữa cho trẻ con” [30,342].
Đây là lời kêu gọi góp phần thức tỉnh những tấm lòng nhân ái, thức tỉnh tinh thần đấu tranh cho cuộc sống của những trẻ em nghèo. Đồng thời đó còn là một tiếng kêu thống thiết cho kiếp người cùng khổ trong đó có số phận của trẻ em; là lời
tố cáo đanh thép xã hội thực dân phong kiến đã cướp đi quyền được sống, được chăm sóc của trẻ em.
Xuất phát từ tuổi thơ nhiều bất hạnh nhà văn đồng cảm sâu sắc với những thân phận bé nhỏ đó, ông lên tiếng: phải cứu lấy tuổi thơ, cứu lấy những sinh linh vô tội. Tất cả mọi người trong xã hội đều phải có trách nhiệm với trẻ em bởi trẻ em chính là tương lai của dân tộc. Tiếng gọi khẩn khiết ấy vang lên qua từng tác phẩm của nhà văn. Đây cũng là một đóng góp đáng quý của Nguyên Hồng trong việc kêu gọi xóa đói cho trẻ em nghèo.
Cái đói chính là một thảm họa mà con người trong xã hội đương thời đang phải gánh chịu. Trong số những nhân vật đau khổ của Nguyên Hồng bị cái đói giày vò thì còn có cả những cô gái quê phải gánh chịu nỗi khổ đó. Tuy không trực tiếp bị cái đói đe dọa đến tính mạng nhưng vì không muốn sống cuộc đời đói khát mà biết bao cô gái đã nhắm mắt đưa chân lấy những ông chồng mà họ không yêu để có cơ may đổi đời. Chẳng hạn như cô Tý trong truyện ngắn Nhà bố Nấu. Cô muốn tìm một cảnh nhàn hạ sung sướng “lấy ai cũng là chồng... Tý không muốn ước ao mãi cái ao ước chỉ được ngày hai bữa ăn chắc bụng, chỉ được khỏi rách rưới, rét mướt”
[30,272].
Mỗi số phận trong truyện ngắn của Nguyên Hồng là một kiếp người khổ sở, một kẻ chịu nạn. Những con người trở nên điên dại như mẹ Bồng (Ngòi lửa) hoặc trở nên hung dữ thú vật, hung dữ như Mão Chột (Người mẹ không con), lão Đen
(Bố con lão Đen)…. đều có căn nguyên từ thực trạng xã hội tù đọng, bế tắc, quẩn
quanh. Bởi cuộc sống quá nghèo đói nên hạnh phúc của con người cũng chỉ là “một cái chăn hẹp” mà thôi. Hạnh phúc hẹp thì lòng người làm sao mà rộng mở? Đói khát sẽ làm cho cuộc sống của họ trở nên quẫn bách, tù túng nên họ trở thành những kẻ hẹp hòi, ích kỉ, điên dại. Họ đối xử tàn nhẫn với người khác để mình có cơ hội được tồn tại.
Cũng để duy trì sự tồn tại con người phải tìm kiếm, phải giành dật nhau từng miếng ăn cho dù chỉ là những vỏ chuối, những lá bánh, lá gói cơm… Họ phải ăn những cái ăn không phải dành cho con người “Họ cứ lăn xả vào các hàng, đè sấn
lên nhau mà nhặt những hạt rơi rụng. họ móc cả mồm nhau mà giật những lá bánh, lá gói cơm, gói cá. Lắm người vứt cả con đi để cướp cái vỏ chuối giằng từ mồm người ăn xuống và tranh nhau đến nỗi vỏ chuối đã dí bét với đất mà vẫn cứ quào lấy mà ăn” [30,.597]. Cảnh đói khổ trên được nhà văn thể hiện hết sức cụ thể. Những trang văn như những thước phim quay cận cảnh, người quay phim không bỏ qua một chi tiết nào. Cái ăn cho con người chính là miếng ăn cho con vật. Đó chính là hiện thực phản ánh đặc biệt rõ nét vấn đề cái đói và miếng ăn của con người.
Miếng ăn trong thời buổi đói kém thật quý hơn vàng nhưng kì lạ thay giữa năm đói kém người chết đầy đường đầy chợ vậy mà có một người đói không chịu xin ăn. Đó là người đàn ông trong truyện ngắn Tiếng nói. Con người đó cứ lặng lẽ ngồi bên hè phố, mọi người “lấy làm lạ cho cái người đói ấy bị bệnh gì hành mà lại
ngồi như thế, không ăn gì, không xin ai” [30,690]. Có người tốt bụng đã bưng đến
cho anh ta một bát cháo nhưng anh ta vẫn kiên quyết từ chối. “Hai hố mắt kia cứ nhìn, nhìn không hiểu để làm gì mà chẳng thấy ngước lên, lạy van ai một tiếng” [30,690]. Dường như anh đã nhìn thấy trước kết cục bi thảm của cuộc đời mình và để chốn chạy khỏi cái đói anh ta tự nguyện ngồi đợi cái chết đến dần.
Không chỉ những người nhà quê dốt nát, tăm tối mà ngay cả những người được coi là trí thức trong truyện ngắn Nguyên Hồng cũng bị đe doạ bởi cái đói. Cái đói cứ cận kề, bám riết lấy họ khiến họ không thể nghĩ gì khác hơn ngoài những lo lắng, toan tính vụn vặt về miếng cơm manh áo, nhiều khi họ bị cái đói khuất phục một cách thảm hại như Hưng trong Miếng bánh. Vốn là một thầy giáo nghèo lại thất nghiệp đã lâu, vợ chồng anh đã tiêu hết đồng xu cuối cùng và họ đã phải nhịn đói. Vì đói nên vợ anh đã phải ra tiệm cầm đồ vay một đồng bạc để Hưng có tiền xe, tiền ăn đường lên tỉnh kiếm việc. Trên đường ra bến xe, cái đói cồn cào đã giày vò Hưng. Anh nhìn vào quán bánh đa và cảm nhận thấy: “Bát canh bánh đa mới ngon làm sao (….) Bánh đa mỏng như thạch, nước canh loáng màu gạch cua và cà chua.
Rau rút xanh non, nhai vào miệng phải biết là sồn sột” [30,429]. Nhưng Hưng phải
cố rảo bước nhanh và tính toán nên đi xe ca hay xe buýt để tiết kiệm tiền hơn. Anh đã quyết định dậy sớm để đi xe buýt tiết kiệm ba hào cho vợ. Nhưng cuối cùng cái
đói đã khuất phục anh. Anh đã lấy hai hào để mua tấm bánh dẻo. Hưng không về nhà mà vòng ra sau chợ vắng để ăn nhồm nhoàm, nghiến ngấu miếng bánh. Hưng ăn vụng vợ anh, một người đàn bà tần tảo nhịn đói, nhịn khát vì chồng vì con. Những chi tiết này đặt dưới ngòi bút Nam Cao hẳn không tránh khỏi tiếng cười chua chát. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyên Hồng người đọc lại cảm thấy xót xa, thương cho cái nhếch nhác, tội nghiệp của một kẻ quá khổ vì đói.
Biết bao con người trong xã hội ấy là nạn nhân của cái đói. Đó là một thực trạng Nguyên Hồng đau đớn vạch trần.