xây dựng Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC)
Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới, Đông Nam Á cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Cuộc đối đầu giữa các nước lớn đã tạm lắng xuống nhưng những vấn đề do lịch sử để lại vẫn còn tồn tại như tranh chấp lãnh thổ, vùng biển chồng lấn, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, nạn khủng bố… Thêm vào đó là những thách thức khi xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh trên toàn cầu. Toàn cầu hóa mang lại thuận lợi cho các dòng chảy tự do thương mại và đầu tư, nhưng đồng thời cùng với nó là sự di cư bất hợp pháp, việc buôn lậu hàng hóa, vũ khí, ma túy cũng tăng nhanh. An ninh của mỗi quốc gia sẽ đứng trước những bấp bênh, bất ổn. Để đối phó và giải quyết những đe dọa về an ninh, ASEAN đã đưa ra sáng kiến thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Từ thực tế trong khu vực, các nước nhận thấy cần thiết phải sớm tìm ra một cơ chế hợp tác an ninh đa phương và xúc tiến các hoạt động nhằm đạt tới mục tiêu ổn định, hòa bình ở Đông Nam Á. Trong bài phát biểu khai mạc AMM 26, Ngoại trưởng Inđônêxia - Ali Alatas nhấn mạnh “Chúng ta cần tiếp tục và tăng cường sự tham khảo của chúng ta với các nước trong khu vực và đặc biệt với các cường quốc để thuyết phục họ về sự thích hợp tiếp tục của ZOPFAN, thậm chí trong hoàn cảnh đã thay đổi, với tư cách là một khuôn khổ thích hợp cho hòa bình và an ninh nhiều hơn và thịnh vượng chung cũng như các mối quan hệ hài hòa, có lợi và tương hỗ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”
[17, 8]. Inđônêxia cũng như các thành viên khác đã nỗ lực để thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN. Ngày 25/7/1994, ARF được tuyên bố thành lập tại Băng Cốc với mục đích: khuyến khích và tham khảo có tính chất xây dựng về các vấn đề chính trị và an ninh thuộc những mối quan ngại và lợi ích chung; đóng góp một cách có ý nghĩa vào những cố gắng hướng tới việc xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với việc thiết lập ARF, các nước ASEAN đã khẳng định vai trò đầu tàu trong việc giải quyết các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Điều này là rất quan trọng trong việc tạo ra một trật tự khu vực cân bằng hơn trong vùng” [17, 13]. Có được thành quả này, các nước ASEAN nói chung và Inđônêxia nói riêng đã nỗ lực hết sức để thiết lập trật tự an ninh trong hoàn cảnh thế giới có nhiều biến đổi. Những hoạt động của ARF đã khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong việc gìn giữ ổn định an ninh trong khu vực và khẳng định vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Inđônêxia luôn nhấn mạnh sự hợp tác an ninh chính trị trong khu vực là điều cần thiết để có thể đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho các nước phát triển. Đồng thời cũng để nhấn mạnh ưu thế và vai trò chính trị của mình, Inđônêxia đã đề xuất sáng kiến thành lập Cộng đồng An ninh cùng Chương trình hành động của Cộng đồng này để củng cố sự gắn kết, vun đắp hòa bình trong khu vực cũng như phục hồi sức mạnh ngoại giao của ASEAN. Việc xây dựng Cộng đồng an ninh ASEAN là đưa sự hợp tác an ninh - chính trị của ASEAN lên tầm cao mới để các nước trong khu vực có một môi trường hòa bình ổn định, công bằng và dân chủ. Cùng với sáng kiến về ASC, Inđônêxia đã đưa ra Chương trình hành động của ASC (ASC PoA), bao gồm 6 điểm: (1) Phát triển chính trị; (2) Xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực; (3) Ngăn chặn xung đột; (4) Giải quyết xung đột; (5) Xây dựng hòa bình hậu xung đột; (6) Cơ chế thực hiện. Chương trình này thúc đẩy sự đoàn
kết và hợp tác khu vực, tôn trọng quyền tự chủ của mỗi quốc gia, tôn trọng nguyên tắc không can thiệp, đồng thuận, giải quyết hòa bình những khác biệt và tranh chấp, hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia [12, 14].
Trong hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, Inđônêxia tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác khu vực về việc hỗ trợ pháp lý lẫn nhau (MLA) và cam kết dẫn độ tội phạm. Inđônêxia mong muốn tất cả các nước thành viên sẽ ký Hiệp định Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến tội phạm và hy vọng cam kết dẫn độ sẽ được thực hiện trên toàn khu vực.
Để chống chủ nghĩa đơn phương trong các vấn đề quốc tế, Inđônêxia kêu gọi ASEAN củng cố hơn nữa sự hợp tác để nâng cao năng lực ngoại giao ngăn ngừa và giải quyết xung đột. ASEAN cần hội nhập chính trị đến mức xây dựng được “ý thức chúng ta” giữa các thành viên và nuôi dưỡng ý thức này đủ mạnh để có thể giải quyết một cách hòa bình và thân thiện các tranh chấp hiện đang tồn tại. Trên cơ sở Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Inđônêxia cũng đề xuất khả năng thành lập một Tòa án Tối cao (khu vực) làm cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực chứ không cần đến quyền tài phán quốc tế [12, 14].
Bên cạnh đó Inđônêxia cũng hoạt động tích cực, góp phần trong việc xây dựng cộng đồng Đông Á, liên kết với các nước trên thế giới và châu lục thông qua cơ chế ASEAN + 1, ASEAN + 3.
Trong xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, tiến trình hợp tác ASEAN + 3 (APT) giữa các nước ASEAN và ba nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những bước phát triển. Inđônêxia luôn tích cực tham gia vào mọi hoạt động của ASEAN, tham gia tất cả các cuộc đàm phán, thương lượng, đối thoại của APT và luôn cố gắng có những đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường sự hợp tác, phát triển của APT. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia Ali Alatas cho
rằng hiện tại đang là thời điểm của APT. Ông cũng đề cập đến những điểm mấu chốt, mang tính chiến lược, có thể đảm bảo cho sự hợp tác này lớn mạnh.
Thứ nhất, giai đoạn đầu APT chỉ nên tập trung hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ. Sự hợp tác về các vấn đề an ninh - chính trị là không thực tế bởi sự đa dạng của khu vực Đông Á và những tranh chấp vùng lãnh thổ chồng chéo chưa được giải quyết.
Thứ hai, thêm vào đó khi việc mở rộng thành viên APT có thể là vấn đề nhạy cảm thì diễn đàn nên theo nguyên tắc mở. Quy mô cộng đồng Đông Á không nên chỉ giới hạn trong mười thành viên ASEAN và ba nước đối tác, mà nên mở rộng quy mô hợp tác bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan, Ôxtralia và Niudilân. Nên lấy “Chủ nghĩa khu vực mở” làm nguyên tắc chỉ đạo của hợp tác APT. Cần làm rõ được sự kết nối giữa APT và APEC và nhấn mạnh rằng cơ chế APT bổ sung cho APEC, chứ không làm giảm giá trị hay hiệu quả của APEC.
Thứ ba, ngoài việc phát triển và theo đuổi những dự án cụ thể, cũng cần xác định rõ ngay từ đầu tầm nhìn, các mục tiêu, nguyên tắc của hợp tác khu vực Đông Á. Ông Alatas cũng cho rằng trong giai đoạn đầu, APT phải tiếp tục lấy ASEAN làm trụ cột. ASEAN là tổ chức đa phương và có thể chế đầy đủ nhất trong khu vực, và trong giai đoạn này, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nắm vai trò chi phối đều không được hoan nghênh. Vì thế, ASEAN bắt đầu cuộc đối thoại đầu tiên với Trung Quốc, rồi đến Hàn Quốc, sau đó là Nhật Bản, thành ASEAN +1, +1 và +1 [13, 31].
Mặc dù trong lĩnh vực kinh tế, Inđônêxia chưa có nhiều sáng kiến cho APT, nhưng không thể phủ nhận được vai trò và sự tích cực của Inđônêxia trong quá trình hợp tác APT. Là một thành viên trụ cột trong ASEAN,
Inđônêxia hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng Đông Á.
Trong suốt quá trình thành lập, tồn tại và phát triển của Hiệp hội, Inđônêxia luôn thể hiện vai trò tiên phong của mình, cùng với các thành viên khác đã xây dựng ASEAN thành một tổ chức vững mạnh được thế giới công nhận. Những đóng góp của Inđônêxia trong lĩnh vực an ninh chính trị đã giúp ASEAN khẳng định được uy tín và vị trí của mình trên trường quốc tế.