Trong những năm đầu đó, ta thấy nổi bật lên vai trò trụ cột của Inđônêxia trong việc giải quyết những tranh chấp giữa các nước thành viên đặc biệt là tìm ra phương pháp hòa giải giữa hai nhóm nước đối đầu trong khu vực, biến ASEAN thành một Hiệp hội chung của tất cả các nước ở Đông Nam Á.
2.1.3. Xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập. trung lập.
Cuối những năm 60, đến giữa những năm 70 tình hình khu vực có những biến chuyển lớn. Để đảm bảo an ninh cho khu vực, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa bá quyền nước lớn, Inđônêxia đã đưa ra khái niệm “dân tộc tự cường, tự đề kháng”. Ngày 27/11/1971 tại Kuala Lumpur các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra “Tuyên bố Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, tự do và trung lập” – gọi tắt là ZOPFAN, hay còn gọi là “Tuyên bố Kuala Lumpur”. Hiệp ước ZOPFAN sẽ hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài vào khu vực, trung lập hóa Đông Nam Á, củng cố quyền dân tộc tự quyết, khu vực tự cường. Chủ quyền của các quốc gia sẽ được đảm bảo hơn bằng sự cam kết của nền an ninh tập thể. Tuyên bố ZOPFAN chỉ rõ: Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Xingapo và Thái Lan quyết tâm có những cố gắng cần thiết đầu tiên để đảm bảo sự công nhận và tôn trọng Đông Nam Á như một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, thoát khỏi bất cứ hình thức và phương cách can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài [49]. Tuyên bố này là hành động hợp tác an ninh chính trị quan trọng đầu tiên của ASEAN với sự ủng hộ tích cực của các nước thành viên trong đó có Inđônêxia. Đối
với Inđônêxia, việc ổn định của các quốc gia láng giềng sẽ là vùng đệm hữu hiệu trước sự “đe dọa của chủ nghĩa cộng sản đến từ phương Bắc” [43].
Chiến thắng của ba nước Đông Dương năm 1975 trong cuộc đấu tranh chống sự can thiệp Mỹ đã làm thay đổi cục diện an ninh chính trị ở khu vực Đông Nam Á. Nhằm tìm kiếm những biện pháp để thích ứng với tình hình mới của khu vực, ngày 23 và 24/2/1976, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất đã được triệu tập tại Denpasa, thủ phủ đảo Bali, Inđônêxia. Với tư cách là nước chủ nhà, Inđônêxia đã tiến hành những công việc chuẩn bị chu đáo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Hiệp hội, những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên tiến hành Hội nghị thượng đỉnh. Các nhà lãnh đạo Inđônêxia cùng với lãnh đạo các nước thành viên khác đều nhất trí cho rằng ASEAN cần chung sống hòa bình với các nước Đông Dương, xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nước ASEAN đã thông qua hai văn kiện quan trọng là “Hiệp ước thân thiện và hợp tác” (hay còn gọi là Hiệp ước Bali) và “Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN”. Hai văn kiện này đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức về hợp tác an ninh chính trị của các nhà lãnh đạo ASEAN, khẳng định sự hợp tác, thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn ở khu vực. Hiệp ước Bali đã xác định những nguyên tắc ứng xử trong quan hệ giữa các nước thành viên, đồng thời cũng đề ra các nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa các nước này. Hiệp ước nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết những bất đồng bằng phương pháp hòa bình hợp tác có hiệu quả trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước ký kết. Hiệp ước đề ra sáu nguyên tắc cơ bản:
a. Cùng tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia (Mutual respect for the independence, sovereignty, equality, territorial integrity and national identity of all nations);
b. Quyền của mỗi quốc gia được tồn tại hòa bình, không có sự can thiệp từ bên ngoài (The right of every State to lead its national existence free from external interference, subversion or coersion);
c. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau (Non-interference in the internal affairs of one another);
d. Giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình (Settlement of differences or disputes by peaceful means);
e. Từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực (Renunciation of the threat or use of force);
f. Hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia (Effective cooperation among themselves) [48].
Hiệp ước Bali được xem là nền tảng cho sự hợp tác an ninh chính trị của ASEAN, đặt nền móng cho việc duy trì hòa bình và loại trừ xung đột giữa các quốc gia của Hiệp hội.
Trong những năm 80 – 90 của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, vấn đề vũ khí hạt nhân đang nổi lên gây bất ổn cho hòa bình thế giới và khu vực. Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 16 (AMM-16), Inđônêxia đã đề xuất sáng kiến về khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (1983). Tháng 12/1987, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ ba tại Manila, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định quyết tâm biến Đông Nam Á thành khu vực phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Sự kiện này thể hiện bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa tư tưởng ZOPFAN. Nó vừa đáp ứng được nguyện vọng của người dân trong khu vực yêu chuộng hòa bình, vừa nâng cao được uy tín của ASEAN về khả năng đề xuất và thực hiện các cam kết duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
Với những văn kiện và hiệp ước đã ký kết, Inđônêxia cùng với các thành viên ASEAN khác đã thành công trong việc xây dựng một khu vực hoà bình, trung lập không có vũ khí hạt nhân. Những bản hiệp ước này là nền tảng hợp tác và phát triển cho các nước thành viên và nó đã được minh chứng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của Hiệp hội.