Tình hình chính trị bất ổn

Một phần của tài liệu Vai trò của Inđônêxia trong quá trình phát triển của ASE (Trang 73)

Inđônêxia là một quốc gia với gần 400 tộc người sinh sống trên 17.500 hòn đảo, vì vậy việc đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu. Kể từ khi giành độc lập, Chính phủ Inđônêxia luôn cố gắng thực hiện những chủ trương đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển Inđônêxia theo khẩu hiệu “thống nhất trong đa dạng”. Tất cả những nỗ lực của Chính phủ đã phần nào đem lại sự bình ổn về chính trị cho Inđônêxia trong một thời gian dài bất chấp những nguy cơ bất ổn luôn tiềm ẩn. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Inđônêxia trên tất cả các phương diện, đặc biệt là trên phương diện chính trị. Những mâu thuẫn trước đây chỉ âm ỉ bây giờ có cơ hội bùng phát, làm cho tình hình an ninh của Inđônêxia trở nên bất ổn. Do phải đối phó với khủng hoảng, Chính phủ Inđônêxia đã không đủ sức kiểm soát được tình hình chính trị ở các địa phương, nhất là ở Đông Timo, tỉnh thứ 27 của Inđônêxia.

Đông Timo được sát nhập vào Inđônêxia từ tháng 7 - 1976, sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Bồ Đào Nha kéo dài hơn 100 năm. Người dân nơi đây luôn mong muốn xây dựng một quốc gia độc lập, và nuôi ý định tách Đông Timo ra khỏi Inđônêxia. Tuy nhiên những cuộc đấu tranh đòi độc lập của Đông Timo đã không có kết quả do vấp phải sự trấn áp của chính phủ. Khi Inđônêxia lâm vào khủng hoảng, những người chủ trương giành độc lập cho Đông Timo đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành độc lập của mình. Trong tình hình đó, Chính phủ Inđônêxia đã phải nhượng bộ. Ngày

30/9/1999, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức. Trong số các phiếu hợp lệ đã có 78,5% phiếu ủng hộ việc tách Đông Timo ra khỏi Inđônêxia, chỉ có 21,5% phiếu ủng hộ sự tự trị của Đông Timo trong khuôn khổ của Inđônêxia.

Đông Timo tách ra khỏi Inđônêxia là thất bại của Chính phủ Inđônêxia sau những cố gắng xây dựng một quốc gia thống nhất. Nhưng nghiêm trọng hơn nó lại tạo tiền lệ cho các vùng lãnh thổ khác của Inđônêxia đứng lên đấu tranh đòi độc lập. Điều đó làm cho tình hình chính trị của Inđônêxia luôn ở vào tình trạng báo động. “Hiệu ứng Đông Timo” lan rộng và kích thích khuynh hướng ly khai ở nhiều vùng khác của Inđônêxia. Một trong những tỉnh đang đòi ly khai mạnh nhất sau Đông Timo là Aceh. Aceh là một trong những tỉnh giàu có của Inđônêxia. Aceh chỉ chiếm 2% dân số Inđônêxia nhưng đóng góp tới 13% GDP của cả nước. Sau khi Hà Lan tuyên bố trao trả độc lập cho Inđônêxia, tỉnh này đã tự nguyện sát nhập thành một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Inđônêxia. Tổng thống đầu tiên của Inđônêxia, Sukarno, đã cam kết cho tỉnh này được hưởng quyền tự trị, tuy nhiên lời hứa trên đã không được thực hiện. Phong trào đòi tự do ở Aceh đã xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhưng đã bị thất bại. Trước sự thành công của người Đông Timo, phong trào ly khai ở Aceh lại bùng lên mạnh mẽ. Tổng thống Inđônêxia Wahid tuyên bố: “Tôi ủng hộ quan điểm của người dân Aceh có quyền có được một cuộc trưng cầu dân ý. Nếu chúng ta có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Đông Timo, thì tại sao lại không thể làm như vậy tại Aceh. Nhưng vấn đề còn lại là khi nào thôi” [22, 169]. Đứng trước tình hình đó, nửa triệu dân ở thủ phủ Banda Aceh đã xuống đường đòi độc lập vào ngày 8 - 11 - 1999. Làn sóng ly khai thật sự đã trở thành một thách thức đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của

Inđônêxia, đe dọa phân chia nước cộng hòa Hồi giáo này thành nhiều mảnh nhỏ.

“Hiệu ứng Đông Timo” không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị của Inđônêxia mà còn làm cho phong trào ly khai của các nước khác trong ASEAN có nguy cơ bùng phát, đe dọa đến an ninh chính trị của khu vực. Làm thế nào để ngăn chặn khả năng lây lan của hiệu ứng này đã trở thành mối quan tâm của nhiều nước ASEAN. Các nước ASEAN cần có những biện pháp thích hợp để giữ gìn và duy trì sự ổn định cho khu vực như những mục tiêu đã đề ra.

3.1.1 3.1.2. Vấn đề dân tộc, tôn giáo

Inđônêxia là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo nên những vấn đề dân tộc, tôn giáo ở đây vô cùng phức tạp, có mối quan hệ sâu sắc đến sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành quả lao động của các thế hệ trong tiến trình lịch sử, các Chính phủ Inđônêxia đều hướng tới việc có những giải pháp tốt cho những vấn đề này, tạo sự ổn định để phát triển đất nước. Kể từ khi giành được độc lập, Inđônêxia luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết, xây dựng một quốc gia, dân tộc thống nhất. Nhưng trong quá trình phát triển những mâu thuẫn nảy sinh giữa các dân tộc đã làm suy yếu quá trình thống nhất dân tộc này.

Là một quốc gia đảo, sự giao lưu giữa các vùng thực sự gặp khó khăn, sự khác biệt về văn hóa, trình độ phát triển giữa các dân tộc đã làm nảy sinh mâu thuẫn, cản trở sự thống nhất của Inđônêxia.

Ở Inđônêxia cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc được thể hiện ở khía cạnh kinh tế ,văn hoá, xã hội… trong đó có sự chênh lệch về dân số. Cư dân Inđônêxia tập trung chủ yếu ở một số đảo, đáng kể nhất là đảo Java. Một số đảo khác, như

Tây Irian, Kalimantan diện tích lớn nhưng dân số lại chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn. Nhà nước đã có chính sách di dân từ đảo Java đến các đảo ít dân như Sumatra, Kaliamanta, Sulawesi. Chính sách này, một mặt giúp cho việc điều chỉnh dân cư ở các vùng khác nhau, mặt khác, lực lượng di dân này sẽ góp phần cho sự phát triển kinh tế ở các vùng xưa kia biệt lập với các vùng khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoà nhập. Về phương diện tộc người, chính việc điều chỉnh cư dân đã làm thay đổi thành phần tộc người trong một khu vực. Di dân từ các vùng khác làm xáo trộn về dân cư, do sống xen kẽ làm tăng lên quá trình giao lưu văn hoá giữa các thành viên tộc người. Nhờ quá trình giao lưu văn hoá tộc người diễn ra liên tục dẫn đến sự hoà nhập để hình thành một cộng đồng dân tộc thống nhất, mở rộng và củng cố ý thức dân tộc. Nhưng bên cạnh đó, việc di dân này cũng có những mặt trái cần phải giải quyết. Cuộc sống xen kẽ giữa các tộc người dẫn đến việc nảy sinh mâu thuẫn do những khác biệt về văn hóa và lối sống. Những người dân ngụ cư thường có trình độ cao hơn so với người bản địa, ở một số nơi người bản địa cảm thấy mình bị cô lập, lạc lõng trên chính quê hương mình. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997, những mâu thuẫn âm ỉ giữa các tộc người sống xen kẽ có nguy cơ bùng phát. Tình hình bạo loạn, xung đột xảy ra tại nhiều nơi trên lãnh thổ Inđônêxia.

Tại đảo Borneo, xung đột giữa người dân bản địa Dayak và người Madura ngụ cư đã làm nhiều người thiệt mạng và nhiều người phải bỏ nhà cửa ra đi. Trong một cuộc đụng độ ngày 25/2/2001, những người Dayak đã giết chết 118 người Madura [54]. Thời kỳ Tổng thống Suharto còn cầm quyền, mâu thuẫn giữa dân bản địa và dân ngụ cư chỉ âm ỉ do cựu Tổng thống cho phép lực lượng an ninh dùng vũ lực trấn áp mọi hành động bạo loạn. Từ sau khi ông Suharto bị lật đổ (1998), mâu thuẫn sắc tộc bắt đầu bùng nổ trở lại.

Đối với vấn đề tôn giáo, mặc dù Inđônêxia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, đa số dân Inđônêxia theo đạo Hồi nhưng ở một số khu vực vẫn có những người theo đạo Công giáo, Tin Lành. Tại quần đảo Maluca, số người theo đạo Thiên chúa và số người theo đạo Hồi có tỉ lệ tương đương nhau. Mâu thuẫn giữa hai nhóm người thuộc hai tôn giáo này đã tồn tại từ rất lâu do di sản của chế độ thực dân để lại. Khi người phương Tây xuất hiện tại quần đảo này họ mang theo đạo Thiên chúa và trong suốt thời gian cai trị của họ ở đây những người theo đạo Thiên chúa đã được chính phủ thực dân ưu ái. Họ được tham gia vào bộ máy chính quyền dân sự, quân sự của thực dân và được hưởng nhiều ưu đãi. Trong con mắt của người Hồi giáo thì người dân Maluca theo đạo Thiên chúa là “tay sai của Hà Lan”. Nỗi ác cảm đó đã hằn sâu trong tâm thức những người Hồi giáo và những mâu thuẫn giữa hai cộng đồng này là điều không thể tránh khỏi. Sau ngày độc lập, mặc dù không có chính sách thành văn nhưng sự phân biệt giữa người Hồi giáo và người Cơ đốc là một thực tế hiện hữu. Hầu hết bộ máy chính quyền địa phương là người Hồi giáo, phong trào người Hồi giáo di cư đến nơi đây đã đẩy những người theo đạo Cơ đốc vào tình cảnh khó kiếm việc làm, mất đất đai. Người theo đạo Cơ đốc bị đẩy vào các khu vực đất xấu, nằm sâu trong đất liền. Mâu thuẫn giữa hai cộng đồng này vốn đã sẵn có nay lại càng tăng thêm và chỉ chờ có cơ hội bùng phát. Khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 1997 đã tạo cơ hội cho cuộc xung đột xảy ra. Chỉ trong gần 3 năm xung đột, từ năm 1999, đã có gần 5000 người thiệt mạng, trước khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết vào đầu năm 2002. [53]

Với tình hình chủ nghĩa khủng bố đang phát triển mạnh trên toàn thế giới, Inđônêxia trở thành điểm ngắm của những phần tử khủng bố bởi đây là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới. Những vụ đánh bom liều chết liên tục xảy ra tại Inđônêxia sau sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ. Năm 2002, vụ đánh bom

ở Bali, nơi được coi là thiên đường du lịch của Inđônêxia đã làm hơn 200 người thiệt mạng. Tiếp đó là các vụ đánh bom vào khách sạn Marriott năm 2003, Đại sứ quán Australia năm 2004 gây ra nhiều thương vong và thiệt hại. Mặc dù có nhiều biện pháp ngặn chặn, thành lập cơ quan chống khủng bố, tiến hành hàng trăm vụ bắt giữ, xét xử và đưa ra các bản án với một số nhân vật lãnh đạo nhóm Jemaah Islamiah (nhóm Hồi giáo cực đoan tại Đông Nam Á)… nhưng đến ngày 1/10/2005 một vụ đánh bom liều chết nữa lại tiếp tục xảy ra tại Bali. Điều đó cho thấy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn đang âm ỉ trong lòng xã hội, các nhóm khủng bố và mạng lưới Jemaah Islamiah trong khu vực Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục lên kế hoạch tấn công phá hoại. Vấn nạn an ninh nghiêm trọng này vẫn đang là thách thức và trở ngại lớn đối với sự ổn định và công cuộc cải cách trong nước.

Vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Inđônêxia không phải là một ngoại lệ trong thế giới hiện đại. Giống như ở các nơi khác, khi vấn đề dân tộc, tôn giáo không được quan tâm giải quyết thoả đáng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì thế chính phủ Inđônêxia cần có những biện pháp hiệu quả hơn nữa để giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo, tạo được sự thống nhất, đoàn kết trong toàn quốc gia, làm lực đẩy để phát triển đất nước.

Một phần của tài liệu Vai trò của Inđônêxia trong quá trình phát triển của ASE (Trang 73)