định thương mại tự do ASEAN (AFTA )
2.2.2.1. Hợp tác thương mại
Trong những năm đầu sau khi thành lập, hợp tác của các nước ASEAN về lĩnh vực kinh tế còn rất hạn chế, ý tưởng thành lập một khu vực mậu dịch tự do trong giai đoạn này đã không nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước thành viên. Tất cả các nước, trừ Xingapo đều là những nước nông nghiệp kém phát triển, mặt hàng sản xuất và cơ cấu xuất nhập khẩu khá giống nhau, vì thế các nước thành viên không thể bổ sung cho nhau mà ngược lại còn cạnh tranh với nhau quyết liệt về thị trường xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư. Thêm vào đó, trong giai đoạn này các nước ASEAN đều đang thực hiện chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu nhằm phát triển lực lượng sản xuất, mở rộng thị trường trong nước, điều đó đã hạn chế nhu cầu nhập khẩu từ bên ngoài.
Hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Inđônêxia đều không coi trọng việc mở rộng và phát triển thương mại nội khối. Các nước này đều tìm kiếm cho mình những bạn hàng từ các nước phát triển bên ngoài khu vực. Quyết định của Ngoại trưởng ASEAN về việc thành lập “Thỏa thuận thương mại ưu đãi ASEAN” (PTA) năm 1977 đã không đạt được sự thống nhất
cần thiết. Những nỗ lực nhằm mở cửa thị trường khổng lồ của Inđônêxia không được giới chính khách ở nước này quan tâm và ủng hộ. Họ cho rằng chỉ có thể thu được một nguồn lợi nhuận rất nhỏ so với thị trường đầy tiềm năng của đất nước. Họ không tin tưởng vào thị trường ASEAN bởi một số nguyên nhân: Thứ nhất, trong giai đoạn đầu hợp tác, Inđônêxia là một nước kém phát triển hơn so với các nước láng giềng. Vì vậy các nhà kinh tế của đất nước này nghĩ rằng nên có các chính sách bảo hộ để phát triển kinh tế đất nước. Thứ hai, Inđônêxia đã chủ trương tăng cường trao đổi thương mại với các nước thành viên không thuộc ASEAN, như Nhật Bản và Mỹ, những đất nước đã viện trợ nhiều cho Inđônêxia. Thứ ba, phần lớn các nhà doanh nghiệp người Inđônêxia không quan tâm đến việc thu hút thị trường ASEAN bởi Inđônêxia là quốc gia với hơn 100 triệu dân (năm 1980). Thứ tư, các nhà lãnh đạo Inđônêxia đánh giá thấp tiềm năng kinh tế của ASEAN. Cuối cùng, các nhà kinh tế Inđônêxia thấy rằng, nền kinh tế ASEAN là dựa trên sự canh tranh gay gắt các nguồn lợi tự nhiên. Kết quả là Inđônêxia luôn muốn điều hành nền kinh theo cách thức riêng trước khi đạt tới mức độ hợp tác cao hơn với các nước láng giềng [36].
Với những lý do đó PTA đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo số liệu điều tra về các dòng thương mại được hưởng khoảng 9000 ưu đãi vào năm 1981 thì chỉ có 2% nằm trong nền thương mại giữa các nước trong khu vực. Đến cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 buôn bán nội khối cũng chỉ đứng ở vị trí khiêm tốn, chiếm khoảng 17 - 18% tổng giá trị thương mại của Hiệp hội [50]. Tuy không thành công nhưng PTA cũng đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ thương mại của khu vực. Đây là bản thể nghiệm đầu tiên cho việc hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN sau này.
Trong những thập kỷ đầu mới thành lập, các kế hoạch hợp tác kinh tế đã không mang lại những kết quả như mong đợi do sự liên kết lỏng lẻo mang tính hình thức giữa các nước trong Hiệp hội. Đã đến lúc các thành viên thấy rõ sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế hợp tác mang tính thể chế, thống nhất và đồng nhất về các cơ chế hành động. AFTA ra đời như là kết quả của những cố gắng phát triển kinh tế trong bản thân mỗi nước thành viên và những tác động tất yếu của các nhân tố bên ngoài.
Sau mấy thập kỷ thực hiện công nghiệp hoá, quy mô buôn bán, trao đổi lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã tăng lên nhanh chóng. Đầu những năm 90, tỷ trọng xuất khẩu nội bộ ASEAN trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm các nước này đã đạt khoảng 20%. Chẳng hạn năm 1980 hàng chế tạo của Xingapo chỉ chiếm 15,3% trong tổng số hàng xuất khẩu nội bộ của ASEAN thì đến năm 1990 đã tăng lên 60,2%, Inđônêxia từ 13,3% lên 46,6%, Thái Lan từ 29,1% lên 48,3%, Philippin từ 31,3% lên 61,1%. Với đặc tính của nền kinh tế hướng ngoại dựa vào xuất khẩu, nhu cầu tìm kiếm và liên kết thị trường trở nên bức thiết đối với các nước thành viên khi nền kinh tế phát triển mạnh. Chính phủ của các nước đã nhận thức rằng muốn phát triển kinh tế trong giai đoạn mới phải thay đổi chính sách, xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, liên kết để hình thành một thị trường mậu dịch tự do của toàn khu vực.
Bên cạnh đó, khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường như Trung Quốc, các nước Đông Âu… ASEAN ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực về thu hút đầu tư nước ngoài và thương mại. Thêm vào đó là việc các nước Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu sẽ không còn những ưu đãi đối với ASEAN như trước. Nếu như trước đây, do những nhu cầu về hợp tác an ninh chính trị, lôi kéo đồng minh nên các nước này đã nhượng bộ ASEAN về kinh tế, tạo điều kiện
để hàng hóa của ASEAN nhập khẩu vào đất nước họ, thì giờ đây họ sẵn sàng cạnh tranh gay gắt với các nước ASEAN.
Trước bối cảnh đó, những sáng kiến và kiến nghị được đưa ra nhằm thiết lập thị trường chung ASEAN như đề nghị “thành lập nhóm Đông Á” (EAEG) của Malaixia, “Thỏa thuận về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung” (CEPT) do Inđônêxia đề xướng, “Khu vực mậu dịch tự do ASEAN” (AFTA) do Thái Lan khởi xướng và “Hiệp ước kinh tế ASEAN” (AET) do Philippin đưa ra. Sau khi xem xét các đề án, các nước ASEAN đã chọn đề nghị thiết lập AFTA và sử dụng CEPT làm công cụ để thực hiện.
Kết quả là tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ tư (tháng 1/1992) ở Xingapo, các nước thành viên đã nhất trí thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN - AFTA. AFTA ra đời với 3 mục tiêu cơ bản: thứ nhất, tự do hóa thương mại nội khối ASEAN bằng cách loại bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, thúc đẩy hoạt động buôn bán giữa các nước thành viên; thứ hai, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực bằng việc tạo dựng một khối thị trường thống nhất; thứ ba là làm cho ASEAN thích ứng với các xu hướng và các điều kiện quốc tế thường xuyên biến đổi.
Để AFTA trở thành hiện thực, các nước ASEAN đã ký Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT). CEPT quy định tất cả các nước thành viên phải tiến hành giảm thuế quan đối với các mặt hàng buôn bán trong nội bộ theo hoạch định. Theo lộ trình đang được ASEAN thực hiện, mức thuế quan sẽ bằng 0 trước năm 2010 đối với các nước ASEAN - 6 và trước năm 2015 đối với các nước ASEAN mới (CLVM), trong đó một số sản phẩm nhạy cảm sẽ được gia hạn giảm thuế tới trước 2018.
Việc thực hiện AFTA đã đưa lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên. Dưới tác động của việc cắt giảm thuế theo quy định của CEPT, buôn bán trong nội bộ ASEAN đã thay đổi rõ rệt.
Tình hình xuất nhập khẩu nội khối trong ASEAN năm 2006
Nước
Xuất khẩu Nhập Khẩu Tổng thương mại Trị giá (triệu USD) Tỷ trọng (%) Trị giá (triệu USD) Tỷ trọng (%) Trị giá (triệu USD) Tỷ trọng (%) Brunêi 1,887.3 24.8 745.8 50.1 2,633.2 28.9 Cămpuchia 235.4 6.7 991.2 33.9 1,226.5 19.1 Inđônêxia 18,483.1 18.3 19,379.2 31.7 37,862.3 23.4 Lào 289.8 72.0 500.7 85.2 790.5 79.8 Malaixia 40,979.6 26.1 32,290.7 25.2 73,270.2 25.7 Myanma 2,149.7 61.2 1,174.7 55.5 3,324.4 59.0 Philippin 8,192.2 17.3 10,218.3 19.7 18,410.5 18.6 Xingapo 83,801.6 30.9 62,300.4 26.1 146,102.0 28.6 Thái Lan 26,944.2 22.2 23,539.8 18.5 50,484.0 20.3 Việt Nam 6,214.0 16.8 12,453.7 31.0 18,667.7 24.2 ASEAN 189,176.8 25.2 163,594. 5 25.0 352,771. 4 25.1
Nguån: Ban th- ký ASEAN
Kết quả thực hiện trong những năm đầu tiên đã cho thấy khả năng phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu của AFTA. Trong những năm tiếp theo, kết quả thu được cũng rất khả quan. Thương mại giữa các nước ASEAN tăng từ 44,2 tỷ USD năm 1993 lên 95,2 tỷ USD năm 2000. Xuất khẩu nội khối chiếm 23,3% trong tổng số xuất khẩu của ASEAN. Trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 1997, xuất khẩu nội khối của ASEAN là 29,6%. Các thành viên ASEAN, trong đó có Inđônêxia, đã có những tiến bộ
đáng kể trong việc cắt giảm thuế quan nội khối theo chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT). Hơn 99% sản phẩm trong danh mục tính (IL) đối với ASEAN - 6 đã giảm xuống 0 - 5%; thuế quan trung bình cho ASEAN - 6 theo chương trình CEPT xuống đến 1,5% (năm 1993 là 12,76%); 64,12% sản phẩm trong IL của ASEAN - 6 đã giảm đến 0 [50].
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế so với các nước ASEAN khác như Xingapo, Thái Lan, Malaixia… nhưng Inđônêxia cũng đã cố gắng thực hiện việc cắt giảm thuế quan theo đúng thời hạn đã đề ra. Nhằm triển khai AFTA, Inđônêxia đã đệ trình một danh mục bao gồm 2001 mặt hàng để giảm thuế trong đợt đầu tiên. Tháng 5/1995, chính phủ Inđônêxia đã hạ thuế 6.030 mặt hàng, tức là 64% trong tổng số 9.398 mặt hàng chịu thuế của chính phủ [18, 32].
Bên cạnh đó, Inđônêxia còn cải cách một số điều luật để tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài, lập kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp. Các luật mới đã nới lỏng và hấp dẫn các nhà đầu tư, thời hạn yêu cầu để xin lập một doanh nghiệp có thể giảm từ 80 - 110 ngày xuống còn 30 ngày, 69 lĩnh vực đầu tư mở hơn trước. Những cải cách về thuế cũng đã được đưa ra để thúc đẩy đầu tư, theo dự tính thuế kinh doanh trung bình của Inđônêxia sẽ được hạ thấp xuống đến 28% trong năm 2007 và 25% trong 2010, các nhà máy lọc dầu mới được xem xét miễn thuế…[12, 16] Tất cả những cải cách của Inđônêxia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, tại Inđônêxia cũng có một số quan điểm không ủng hộ việc hình thành khu vực mậu dịch tự do AFTA. Một số tổ chức phi chính phủ và một số nhà kinh tế Inđônêxia hoài nghi về ý tưởng hợp tác thương mại khu vực. Họ cho rằng các lĩnh vực kinh tế trong nước hiện thời không thể nâng đỡ cho AFTA, mặc dù hầu hết các lĩnh vực đã sẵn sàng cho việc thực thi
AFTA nhưng lĩnh vực bán lẻ vẫn chưa sẵn sàng. Một năm sau khi thực hiện, AFTA nhận được rất ít sự ủng hộ từ cộng đồng thương mại địa phương. Phải đối mặt với việc tăng giá điện thoại, năng lượng và giá dầu đầu năm 2003, các tổ chức lao động Inđônêxia và các thành viên của hiệp hội thương mại Inđônêxia (APINDO) cho rằng những vị lãnh đạo đất nước quan tâm đến vị thế của đất nước trên toàn cầu nhiều hơn quan tâm đến hạnh phúc của người dân. Các nhân vật chống AFTA ở Inđônêxia cho rằng chính phủ nên quan tâm đến những vấn đề nội bộ nhiều hơn đến những vấn đề hợp tác thương mại khu vực. Nói chung, phần lớn các tổ chức phi chính phủ Inđônêxia không quan tâm đến sự phát triển của AFTA bởi 3 lý do: Thứ nhất, nhiều tổ chức phi chính phủ Inđônêxia bị thuyết phục rằng AFTA sẽ có khả năng giống với những hoạt động hợp tác kinh tế trong quá khứ. Phần lớn trong số họ tin rằng AFTA là một vấn đề đàm phán và thảo luận giữa những người hoạch định chính sách của ASEAN, ASEAN khó có thể quản lý bất cứ hợp tác kinh tế khu vực nào. Do đó, không có chuyện AFTA sẽ mang lại bất cứ sự thay đổi nào cho sự phát triển kinh tế của Inđônêxia. Trong tương lai gần, Inđônêxia vẫn sẽ bị phụ thuộc vào thương mại với các nước ngoài ASEAN. Thứ hai, AFTA chỉ mang lại lợi nhuận cho khối liên kết nội bộ. Thứ ba, phần lớn các doanh nghiệp ở Inđônêxia không tin rằng AFTA sẽ là mối đe dọa tới nền kinh tế Inđônêxia [36].
Mặc dù chính phủ Inđônêxia đã có nhiều cố gắng và nỗ lực, nhưng cho đến nay kết quả thu được trong việc thực hiện AFTA ở đất nước đông dân nhất khu vực này chưa đạt được nhiều thành quả như mong muốn.