Với vị trí địa lí thuận lợi, nằm án ngữ trên tuyến đường giao thông quốc tế huyết mạch và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Đông Nam Á luôn thu hút được sự quan tâm của các nước trên thế giới. Ý thức được những thuận lợi và khó khăn của mình, ASEAN luôn đề cao việc hợp tác kinh tế ngoại khối, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các nhóm nước trên thế giới. Là một thành viên trụ cột của ASEAN, Inđônêxia luôn ủng hộ và tích cực hoạt động để nâng cao vai trò của ASEAN trên
trường quốc tế. Bộ trưởng thương mại Inđônêxia – Sumitro Djojahadikusumo nhiệm kỳ 1968 – 1973 là một trong những người đầu tiên ủng hộ sự hợp tác kinh tế ngoại khối của ASEAN. Ông cùng với chính phủ Inđônêxia đóng vai trò then chốt trong việc tạo lập mối quan hệ với EEC, thu hút sự quan tâm của tổ chức này đối với thị trường ASEAN. Tháng 4 năm 1972, AMM công bố thông tin về ủy ban phối hợp đặc biệt của các quốc gia ASEAN (SCCAN), nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng mối quan hệ giữa ASEAN và EEC, Chủ tịch đầu tiên của ủy ban này là Sumitro Djojahadikusumo. Cộng đồng kinh tế châu Âu là đối tác đầu tiên thiết lập mối quan hệ chính thức với ASEAN.
Inđônêxia đánh giá sự hợp tác thương mại ngoại khối là phương tiện thúc đẩy nền kinh tế ASEAN phát triển, bởi vì nền kinh tế của các nước ASEAN phụ thuộc vào một số ít mặt hàng xuất khẩu. Trong bài phát biểu của Tổng thống Suharto trước cuộc họp thượng đỉnh năm 1976, ông nhấn mạnh cần thiết phải đối mặt với những thách thức kinh tế bên ngoài trong khi vẫn phải duy trì việc mở rộng thương mại nội khối. Các thành viên trong ASEAN đều muốn tăng cường vai trò của của mình trong các diễn đàn kinh tế với các nước EEC và các nước công nghiệp Thái Bình Dương (bao gồm Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc, Niu Di Lân và các nước NICs). Họ mong muốn mở rộng quan hệ kinh tế với các nước này đặc biệt sau sự phát triển thần kỳ của các nước công nghiệp mới (NICs). Giữa những năm 1980, Inđônêxia và các nước ASEAN đã tạo được mối quan hệ gần gũi với các nước Thái Bình Dương. Việc mở rộng quan hệ và hợp tác kinh tế với các nước này đã đem lại lợi nhuận cho các nước ASEAN. Một diễn đàn không chính thức đã diễn ra giữa ASEAN và các bên đối thoại gồm Úc, Canada, Nhật, Niu Di Lân, và Mỹ tại AMM lần thứ 17 tháng 7/1984 tại Jakarta. Sự kiện đó mở ra một sự hợp tác mới giữa ASEAN và các nước đối thoại. [35, 110].
Trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thế giới, ASEAN và các nước đối thoại vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp, là những bạn hàng lớn của nhau. Đối với EU, một bạn hàng truyền thống của ASEAN, giữa hai bên đã có sự hợp tác mở rộng kinh tế thương mại, xúc tiến xây dựng Hiệp định tự do thương mại (FTA). Kim ngạch buôn bán của hai bên đã tăng lên liên tục kể từ khi ký Hiệp định khung hợp tác năm 1980. Năm 2003 thương mại ASEAN – EU đạt 5,8% tổng kim ngạch của EU và EU chiếm 14% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN. Xuất khẩu của EU vào ASEAN đạt 39 tỷ EURO, trong khi nhập khẩu của EU từ ASEAN là 66 tỷ EURO. Năm 2005 EU xuất khẩu vào thị trường ASEAN là 45 tỷ EURO và nhập khẩu từ các nước ASEAN là 71 tỷ [30, 353]. Đối với Inđônêxia, thương mại giữa Inđônêxia và các nước thành viên EU năm 2003 đạt 11,4 tỷ USD. Xuất khẩu của Inđônêxia sang EU năm 2003 là 7,9 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng xuất khẩu của Inđônêxia; nhập khẩu của Inđônêxia từ EU đạt 3,5 tỷ USD. EU cũng là một trong những nhà đầu tư lớn của Inđônêxia [52].
Đối với Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, ASEAN cũng luôn chú trọng đến việc mở rộng mối quan hệ hợp tác. Cuối năm 1993, khi phái đoàn của ASEAN đến thăm Trung Quốc, hai bên đã quyết định thành lập Ủy ban hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và thương mại. Mối quan hệ hợp tác giữa hai bên phát triển khá nhanh. Năm 1995, Trung Quốc đã trở thành đối tác đối thoại của Hiệp hội. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển với tốc độ cao. Theo số liệu của Cục hải quan Trung Quốc, từ năm 1990 - 2004, tốc độ tăng trưởng bình quân về thương mại giữa hai bên là 20,82%. Năm 2006, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa ASEAN - Trung Quốc đạt khoảng 140 tỷ
USD, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc và Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ASEAN. Đến năm 2007, kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đạt 202,6 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2006 [54].
Riêng với Inđônêxia, xuất khẩu của Trung Quốc tới nước này cũng tăng đột biến từ 471 triệu USD năm 1992 lên 4482 triệu USD năm 2003; nhập khẩu của Trung Quốc từ Inđônêxia cũng tăng lên nhanh chóng, từ 1154 triệu USD năm 1992 lên 5747 triệu USD năm 2003 [31, 409]. Năm 2005, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Inđônêxia với Trung Quốc là 13 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Thương mại Inđônêxia, Mari Pangestu, thương mại giữa hai bên dự kiến sẽ tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2010 [57]. Các số liệu trên cho thấy Inđônêxia nói riêng và các nước ASEAN nói chung đã có mối quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng phát triển với đất nước láng giềng Trung Quốc.
Với Nhật Bản, một đối tác truyền thống của ASEAN, Inđônêxia cũng có những quan hệ thương mại phát triển. Tháng 11/2006, hai bên đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) song phương. Inđônêxia sẽ từng bước bãi bỏ thuế quan đối với 96% mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản, trong đó có các sản phẩm thép cao cấp. Dự kiến, Inđônêxia sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với ôtô cỡ lớn của Nhật Bản vào năm 2012, ôtô cỡ trung bình và nhỏ vào năm 2016, các mặt hàng điện và điện tử vào năm 2010. Đổi lại, Nhật Bản sẽ từng bước dỡ bỏ thuế đối với 93% mặt hàng xuất khẩu của Inđônêxia, trong đó bãi bỏ ngay lập tức thuế nhập khẩu đối với lâm sản, tôm và hầu hết các mặt hàng công nghiệp. Inđônêxia hiện là nước cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Nhật Bản, đồng thời là nước xuất khẩu than đứng thứ ba và xuất khẩu dầu thô đứng thứ sáu cho quốc gia Đông Bắc Á này.
Có thể thấy Inđônêxia nói riêng, ASEAN nói chung luôn quan tâm đến việc hợp tác ngoại khối, mở rộng quan hệ kinh tế với các nước ngoài khu vực, khai thác tối đa những thuận lợi về vị trí địa lý cũng như sự bình ổn về an ninh chính trị của khu vực. ASEAN đang là môi trường thuận lợi và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Trước sự biến đổi của nền kinh tế thế giới, Inđônêxia tin rằng ASEAN là nhân tố quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng cán cân kinh tế thế giới.