Trong vấn đề môi trường

Một phần của tài liệu Vai trò của Inđônêxia trong quá trình phát triển của ASE (Trang 68)

Bên cạnh hợp tác về an ninh - chính trị và kinh tế, trong những năm qua ASEAN cũng luôn chú ý đến việc hợp tác chuyên ngành giữa các quốc gia thành viên. Trước các thảm hoạ về môi trường, các nước ASEAN đã có những thông điệp và hợp tác, giúp đỡ nhau bảo vệ môi trường chung của khu vực. Trong Hội nghị thượng đỉnh môi trường ASEAN diễn ra vào tháng 10/2004, các Bộ trưởng môi trường và các quan chức khác của 10 nước ASEAN đã cân nhắc biện pháp làm sạch các thành phố của mình và giáo dục cho 500 triệu người trong khu vực về kiến thức bảo vệ môi trường. Chính phủ các nước Đông Nam Á đã kêu gọi thông qua thỏa thuận để đưa ra luật chống ô nhiễm sương mù và nhất trí thông qua quỹ ủng hộ các dự án môi trường trong khu vực và các nước lân cận với Inđônêxia, nơi thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng. Chỉ trong hai năm 1997 - 1998, những đám cháy ở các trang trại và nông trường trồng cọ lấy dầu ở các tỉnh Sumatra và Kalimantan đã phá hủy 10 triệu hecta đất canh tác. Xingapo và một số khu vực của Malayxia và Inđônêxia bị bao phủ bởi lớp khói mù dày đặc. Những thiệt hại về kinh tế do các đám cháy này gây ra lên tới 9,3 tỷ USD. Năm

2002, ASEAN đã kêu gọi các nước thành viên thoả thuận đấu tranh chống ô nhiễm do cháy rừng. Thoả thuận này đã có hiệu lực vào năm 2003. [51]

Hiện nay, vấn đề môi trường đang trở thành điểm nóng được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nguy cơ về thảm hoạ môi trường đang đe doạ đến sinh thái của nhiều nước. Trước tình hình chung của thế giới, ASEAN cũng đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa và cải thiện tình hình môi trường trong khu vực. Từ ngày 28/2 cho đến 1/3/2007, Bộ trưởng Môi trường của các nước ASEAN đã nhóm họp tại Bandar Seri Begawan, Vương Quốc Brunây, để thảo luận về các vấn đề liên quan đến đất, cháy rừng và ô nhiễm khói xuyên biên giới. Những bất thường về khí hậu xảy ra trong thời gian hiện nay đã đặt các quốc gia trong khu vực phải quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Những nỗ lực của Inđônêxia nhằm ngăn ngừa thảm họa và giảm thiểu thiệt hại trong thời gian qua đã được các nước ghi nhận. Inđônêxia đã xây dựng Kế hoạch hành động tổng thể nhằm giải quyết vấn đề đất và cháy rừng, trong đó bao gồm các hành động ở cấp quốc gia và địa phương.

Năm 2007, Inđônêxia đã đặt ra mục tiêu giảm 50% điểm nóng tại các khu vực có rừng. Ngoài ra, nước này cũng đã huy động khoảng 700 tỷ Rupi để thực hiện kế hoạch hành động của mình nhất là cho công tác phòng ngừa và ngăn chặn hỏa hoạn.

Ngoài việc thực hiện các hành động quốc gia nhằm giải quyết vấn đề đất và cháy rừng trong vùng lãnh thổ của mỗi nước, các Bộ trưởng đã cam kết hỗ trợ Inđônêxia thực hiện Kế hoạch hành động. Do vấn đề về đất và cháy rừng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường toàn cầu nên các Bộ trưởng kêu gọi các thành viên đánh giá lại và tăng cường đóng góp cho ASEAN, nhất là hỗ trợ Kế hoạch Hành động của Inđônêxia và Quỹ khắc phục khói ASEAN.

2.4. Tiểu kết

Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã giành được những thành công trong hợp tác an ninh chính trị, kinh tế và hợp tác chuyên ngành. Sự thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của Inđônêxia, quốc gia lớn nhất trong khu vực. Là một thành viên tích cực trong việc sáng lập ASEAN, Inđônêxia cùng với các nước khác trong Hiệp hội đã đưa khu vực Đông Nam Á bắt kịp với dòng chảy của thời đại, khẳng định vị thế của khu vực trên trường quốc tế.

Trong quá trình phát triển của ASEAN, Inđônêxia đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và ổn định tình hình an ninh chính trị tại khu vực. Những mâu thuẫn về lợi ích dân tộc giữa các nước thành viên đã liên tiếp xảy ra trong giai đoạn đầu mới thành lập làm cho ASEAN đứng trước nguy cơ tan rã. Inđônêxia đã tích cực trong công tác hòa giải, gạt bỏ những mâu thuẫn vì sự ổn định, tồn tại của ASEAN, đưa ASEAN bước vào giai đoạn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Để góp phần ổn định, hòa bình cho khu vực, Inđônêxia đã đứng ra làm trung gian hòa giải mâu thuẫn giữa hai nhóm nước ASEAN và Đông Dương, đưa Đông Nam Á quy về một mối, một tổ chức chung của tất cả các nước trong khu vực. Cùng với các thành viên khác trong ASEAN, Inđônêxia đã đưa ASEAN thoát ra khỏi những bất ổn về an ninh chính trị đang diễn ra trên thế giới, xây dựng được diễn đàn khu vực ARF với sự tham gia của nhiều cường quốc lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc…. nâng vị thế của ASEAN lên một tầm cao mới. ASEAN trở thành đầu tầu trong việc đảm bảo nền hòa bình, thịnh vượng, tránh nguy cơ xung đột vũ trang cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Inđônêxia có nhiều sáng kiến đóng góp cho việc đảm bảo an ninh trong khu vực. Sáng kiến về Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC) và Chương

trình hành động của ASC (ASC PoA) của Inđônêxia đã được các nước trong khu vực đánh giá cao. Thêm vào đó, Inđônêxia cũng đã thành công trong việc tổ chức các hội nghị quan trọng của ASEAN, đặc biệt là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất năm 1976 và Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 năm 2003. Cả hai hội nghị này đều đưa ra những hiệp ước và tuyên bố quan trọng làm nền tảng cho sự hợp tác và phát triển của ASEAN.

Trong lĩnh vực kinh tế, vai trò của Inđônêxia kém nổi bật hơn so với các thành viên khác như Xingapo, nhưng Inđônêxia đã nỗ lực hết mình vì sự phát triển chung của tổ chức. Sự thành công của các hợp tác tiểu khu và hợp tác song phương với các nước trong và ngoài khu vực là một minh chứng cho những cố gắng của Inđônêxia. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn so với các nước thành viên khác trong Hiệp hội, Inđônêxia cũng đã cắt giảm thuế quan những mặt hàng trong hạn ngạch để AFTA có thể thực hiện đúng lộ trình, tích cực ủng hộ việc thành lập cộng đồng kinh tế AEC. Những quyết tâm của Inđônêxia để xây dựng cộng đồng kinh tế AEC đã được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, được các nước công nhận. Với dân số lớn nhất trong khu vực, Inđônêxia là một thị trường đầy tiềm năng cho phát triển thương mại nội khối và thu hút đầu tư nước ngoài. Inđônêxia vẫn luôn hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của nền kinh tế trong khu vực.

Khi thành lập ASEAN, hợp tác chuyên ngành không phải là mục tiêu chính, nhưng ASEAN vẫn luôn coi trọng đến lĩnh vực này. Các vấn đề chung của khu vực về môi trường, y tế, cứu nạn, giúp đỡ nhau cùng phát triển… được đưa ra thảo luận sôi nổi tại các Hội nghị của ASEAN. Việc xây dựng Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) đã khẳng định quyết tâm xây dựng một khu vực Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng của các nước ASEAN. Cùng với sự phát triển của các thành viên khác, Inđônêxia đang cố

gắng hòa mình vào dòng chảy chung đó, góp phần cho sự thành công hơn nữa của ASEAN.

Một phần của tài liệu Vai trò của Inđônêxia trong quá trình phát triển của ASE (Trang 68)