Bước phát triển mới của du lịch, dịch vụ

Một phần của tài liệu Chuyển biến cơ cấu kinh tế vùng ven biển Nam Định (1986- 2006 (Trang 104)

6. Kết cấu của luận văn

3.4.4. Bước phát triển mới của du lịch, dịch vụ

Trong thời kỳ 1986 - 1997 du lịch, dịch vụ chỉ mới là một ngành ở dạng tiềm năng, đến thời kỳ này, du lịch dịch vụ đã được chú trọng phát triển. Số lượng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch tại các bãi biển được tăng nhanh. Trong thời kỳ từ năm 1996 đến năm 2000, tổng số vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các bãi biển là 41.300 triệu đồng. Trong đó, đầu tư cho Khu du lịch Thịnh Long là 16.200 triệu đồng và Khu du lịch Quất Lâm là 25.100 triệu đồng. Trong khu du lịch Thịnh Long, số vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng là 4.800 triệu đồng, cho phát triển các khách sạn là 11.400 triệu đồng. Còn đối với Khu du lịch Quất Lâm, số vốn đầu tư cho hạ tầng là 2.600 triệu đồng, cho khách sạn là 22.500 triệu đồng. Như vậy, trong giai đoạn này, số vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các bãi biển chủ yếu tập trung cho việc xây dựng các khách sạn là chủ yếu.

Sang đến giai đoạn năm 2001 - 2002, số vốn đầu tư đã có sự đổi khác. Tổng số vốn đầu tư nhiều hơn so với giai đoạn trước, đạt 53.540 triệu đồng. Trong đó Khu du lịch Thịnh Long chiếm đa số với 40.940 triệu đồng và khu du lịch Quất Lâm là 12.600 triệu đồng. Trong cả hai khu du lịch, số vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn so với giai đoạn trước. Vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng Khu du lịch Thịnh Long là 10.600 triệu đồng, khu du lịch Quất Lâm là 4.400 triệu đồng. Vốn đầu tư còn lại vẫn

dành cho việc phát triển các khách sạn với 30.340 triệu đồng cho Khu du lịch Thịnh Long và 8.200 triệu đồng cho khu du lịch Quất Lâm [117].

Tổng số vốn đầu tư tại 2 khu du lịch đạt khoảng 114,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trên 25 tỷ đồng chiếm 21,5%, vốn của các doanh nghiệp 89,8 tỷ đồng chiếm 78,5%. Với nguồn vốn đầu tư mạnh như vậy, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch và dịch vụ của vùng ven biển đã được cải thiện. Năm 1995, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành du lịch tại hai khu du lịch biển Thịnh Long và Quất Lâm hầu như chưa có nhiều, chỉ có 2 khách sạn, nhà nghỉ với 64 buồng phòng và 179 giường loại thường, không có loại đủ tiêu chuẩn. Đến năm 2000, với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành du lịch tại hai khu du lịch biển đã được cải thiện đáng kể. Tổng số khách sạn, nhà nghỉ của hai khu du lịch đã tăng lên 11 cơ sở với 201 buồng phòng và 444 giường. Trong đó, loại thường là 125 buồng phòng và 311 giường. Loại đủ tiêu chuẩn từ chỗ không hề có trong năm 1995 đã có tới 76 buồng phòng và 133 giường trong năm 2000. Đến năm 2002, tổng số khách sạn, nhà nghỉ của hai khu du lịch biển đã tăng lên 25 cơ sở với 467 buồng phòng và 1.011 giường. Trong đó chiếm phần lớn là loại đủ tiêu chuẩn với 394 buồng phòng và 686 giường, loại thường giảm xuống còn 73 buồng phòng và 325 giường [122].

Với cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch tại hai khu du lịch biển Thịnh Long và Quất Lâm được phát triển nhanh như vậy đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ. Ngoài ra, vùng ven biển còn là địa điểm đến của các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh Nam Định gồm:

Cụm du lịch Ngô Đồng (Giao Thủy) và phụ cận: Du khách được tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thủy, các bãi biển Hải Thịnh, Quất Lâm, các điểm di tích lịch sử văn hóa như Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chùa Keo Hành Thiện, nhà thời Phú Nhai, cầu Ngói, chợ Lương (Hải Hậu). Các sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm:

- Du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học;

- Du lịch tham quan nghiên cứu di tích lịch sử - văn hóa; - Du lịch biển;

- Du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ mát;

- Du lịch thể thao (lướt sóng, bơi, lặn, bóng chuyền bãi biển…)

Cụm du lịch xuất phát từ thành phố Nam Định - Cổ Lễ - Ngô Đồng. Hành trình theo tuyến đường bộ hoặc theo tuyến sông Đào - sông Hồng - cửa Ba Lạt. Điểm tham quan chính có:

- Đền Trần - Chùa Tháp - Đền Cố Trạch - Bảo tàng Cổ vật, Cột cờ Nam Định - Làng hoa Điền Xá

- Chùa Cổ Lễ

- Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh - Đền thánh Phú Nhai

- Khu bảo tồn chim di cư Cồn Lu, Cồn Ngạn - Khu nghỉ mát tắm biển Quất Lâm

Ngoài hai tuyến tham quan trên, vùng ven biển còn nằm trong tuyến du lịch Nam Định - Cổ Lễ - Yên Định - Thịnh Long với các điểm tham quan:

- Đền Trần - Chùa Tháp - Đền Cố Trạch - Bảo tàng Cổ vật, Cột cờ Nam Định - Chùa Cổ Lễ

- Cầu Ngói - chợ Lương - Khu nghỉ mát Thịnh Long - Cồn Mờ

Đây là các tuyến du lịch hấp dẫn nhất của cả tỉnh Nam Định, có khả năng khai thác quanh năm vì có sức thu hút lớn đối với khách trong nước

và khách quốc tế, đặc biệt là khách du lịch châu Âu, Trung Quốc đi nghỉ đông.

Sự phát triển của ngành du lịch biển đã làm số lượng đơn vị kinh doanh thương mại, du lịch và khách sạn, nhà hàng trên địa bàn qua các năm cũng được tăng lên: từ 3.680 cơ sở (vào năm 1997) đến năm 2000 là 4.171 cơ sở, năm 2003 là 8.377 cơ sở và tăng lên 9.742 cơ sở (năm 2006) [31, tr.175 và 33, tr.131] . Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất như vậy vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu phát triển của ngành du lịch, dịch vụ của vùng ven biển tỉnh Nam Định. Nhìn một cách tổng thể, từ một vùng du lịch và dịch vụ mới chỉ ở dạng tiềm năng trong những năm trước thì số lượng tăng lên trong thời kỳ từ năm 1997 đến năm 2006 như vậy đã là rất đáng kể.

Số lượng người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ cũng tăng, nhưng chủ yếu là lao động theo mùa vụ vì hoạt động du lịch chủ yếu phát triển mạnh vào mùa hè.

Bảng 3.24: Số người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, du lịch và khách sạn, nhà hàng. Đơn vị tính: người Năm Số ngƣời 1997 4568 1999 4795 2000 5220 2003 12069 2005 13968 2006 14765 Nguồn: [31, tr.176 và 33, tr.132]

Số người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, du lịch và khách sạn, nhà hàng của vùng ven biển Nam Định tăng đều qua các năm. Từ một số lượng rất ít, chỉ có 4.568 người (năm 1997), tăng lên 5.220 người (năm 2000) và tăng mạnh trong những năm gần đây, lên đến 14.765

người (vào năm 2006). Sự tăng lên nhanh chóng của số lượng người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, du lịch và khách sạn, nhà hàng vùng ven biển Nam Định đã giải quyết được một lượng lớn lao động cho vùng, góp phần giải quyết bài toán khó về việc làm cho lao động vùng nông thôn ven biển.

Với một ưu thế lớn về du lịch, trong thời kỳ 1998 - 2006, vùng ven biển Nam Định cũng đã thu hút được một số lượng du khách, tạo tiền đề phát triển mạnh hơn nữa ngành này trong tương lai. Số lượng khách du lịch lưu trú trong năm lên đến hàng nghìn người. Doanh thu du lịch tăng nhanh. Năm 2001, chỉ tính riêng tại hai khu du lịch biển đã đạt trên 10 tỷ đồng tăng hơn 20 lần so với năm 1996. Đến năm 2002, doanh thu ngành du lịch tăng lên 13,5 tỷ đồng và năm 2003 là 30 tỷ đồng, tăng 122% so với năm 2002 [122]. Sự phát triển của ngành du lịch và dịch vụ cũng đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của toàn vùng ven biển theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành này trong cơ cấu GDP. Tuy vậy, điều đó cũng còn phải đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Một phần của tài liệu Chuyển biến cơ cấu kinh tế vùng ven biển Nam Định (1986- 2006 (Trang 104)