6. Kết cấu của luận văn
3.4.3. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hoá,
hoá, hiện đại hoá
Công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm và hàng tiêu dùng:
Với lợi thế là vùng nông nghiệp truyền thống, có sản lượng lúa cao nhất trong toàn tỉnh và bờ biển dài 72 km, trong chương trình kinh tế biển, chương trình nuôi trồng thuỷ sản, chương trình đánh bắt xa bờ, đòi hỏi vùng phải phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp chế biến. Chính vì vậy trong những năm từ 2000 - 2004, vùng ven biển Nam Định đã chú trọng phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp. Số cơ sở sản xuất công nghiệp tăng lên rất nhanh qua các năm, từ 17.047 cơ sở (năm 2000) lên 18.922 cơ sở (năm 2004). Trong số đó, Nghĩa Hưng là đơn vị có số lượng cơ sở lớn nhất là 6719 cơ sở (năm 2000), 6.947 cơ sở (năm 2002) và 6.986 cơ sở (năm 2004). Hải Hậu có số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp đứng thứ hai trong vùng với 5.209 cơ sở (năm 2000), 5.718 cơ sở (năm 2002) và 6.527 cơ sở (năm 2004). Giao Thuỷ có số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp thấp nhất trong cả vùng ven biển với 5.119 cơ sở (năm 2000) và 5.409 cơ sở (năm 2004) [106, tr.413 - 437].
Tuy số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp của vùng ven biển trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2004 tăng lên rất nhanh và số lượng lớn nhưng hầu hết đó đều là các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ, lẻ mang tính chất cá thể, tiểu chủ. Số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn hầu như chưa có. Một điều đáng chú ý trong số các cơ sở công nghiệp thì chiếm phần lớn là các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh. Số cơ sở sản xuất công nghiệp nhà nước chỉ có 1 đơn vị. Sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp vùng ven biển là mặt hàng chế biến nông, lâm thuỷ sản và hàng tiêu dùng, phục vụ trước mắt cho đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Trừ một số sản phẩm như thịt đông lạnh, may mặc; còn nhìn chung chế biến
công nghiệp của vùng còn chưa mang tính hướng về xuất khẩu. Bảng thống kê sau cho thấy rõ điều đó:
Bảng 3.22: Sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp vùng ven biển
Năm Sản phẩm 2000 2001 2002 2003 2004 Muối (nghìn tấn) 65 43 45 45 45 Thịt đông lạnh (tấn) 480 500 905 731 750 Lương thực xay xát (nghìn tấn) 227 251 229 232 287 Rượu trắng (nghìn lít) 380 390 375 395 345
Quần áo (nghìn cái) 858 917 1338 1433 1487
Nước mắm (nghìn lít) 2140 2174 2004 2600 2701 Bia (nghìn lít) 289 286 258 275 290 Chiếu cói (nghìn lá) 2565 2497 3263 3080 3510 Gạch (triệu viên) 94 51 66 74 80 Ngói (nghìn viên) 2150 2310 2280 1048 1909 Gỗ xẻ (m3 ) 610 721 820 850 1040 Nguồn:[106, tr.413 - 437] Trong những năm qua, nhìn chung các mặt hàng đều biến động tuỳ theo thị trường. Mặt hàng biến động rõ nhất phải kể đến là thịt đông lạnh. Trong khoảng thời gian trước năm 2002, mặt hàng này tăng nhanh do thị trường xuất khẩu được mở rộng. Nhưng bắt đầu từ thời điểm năm 2002, khi thị trường xuất khẩu yêu cầu cao hơn thì thị trường này giảm mạnh. Sau đó, do các doanh nghiệp ngày càng nắm bắt được yêu cầu của thị trường xuất khẩu nên sản phẩm chế biến lại được tăng lên.
Trong tất cả các sản phẩm của ngành công nghiệp, chỉ có ngành may mặc là có chiều hướng tăng đều qua các năm. Điều này không chỉ bởi may mặc vốn là một ngành truyền thống của vùng mà căn bản là trong thời gian từ năm 1998, các doanh nghiệp đã nhanh nhạy tiếp cận được với thị trường xuất khẩu với những đơn đặt hàng lớn.
Tuy vậy, sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp vẫn chỉ là những ngành phục vụ cho đời sống của nhân dân trong vùng, mang tính chất tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm có giá trị cao hướng về xuất khẩu. Các sản phẩm chế biến chủ yếu là chế biến thô, do đó giá trị sản xuất không cao. Tuy là vùng có thế mạnh về sản xuất lương thực, đặc biệt có gạo tám thơm là một đặc sản của vùng nhưng sản phẩm chế biến lương thực lại chủ yếu là xay xát. Chính vì sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm sơ chế, nên giá trị sản xuất công nghiệp không cao, mặc dù tăng nhanh qua các năm.
Bảng 3.23: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế Đơn vị: triệu đồng
Năm Vùng ven biển
2000 215.163 2001 261.960 2002 340.009 2003 430.021 2004 507.017 2006 825.868 Nguồn:[106, tr.413 - 437 và 33, tr.106]
Trong vùng ven biển, Hải Hậu là đơn vị có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất và có tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất, từ 85.733 triệu đồng (năm 2000) tăng lên đến 224.624 triệu đồng vào năm 2004 và 382.618 triệu đồng (năm 2006).
Ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến xuất khẩu có một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của vùng ven biển tỉnh Nam Định. Trong vùng có một số nhà máy chế biến thuỷ sản được xây từ những năm trước, hiện trạng máy móc, thiết bị lạc hậu, không đáp ứng đủ yêu cầu. Tổng công suất của 2 đơn vị chế biến xuất khẩu là Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Định và Công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Xuân Thuỷ, chỉ có năng lực cấp nước đạt 40tấn/ngày, sản xuất thành phẩm đạt 700 - 800 tấn/năm. Hai xí nghiệp chế biến đông lạnh xuất khẩu đã thu hút hàng nghìn tấn nguyên liệu, chủ yếu là tôm. Năm 2000, chế biến được 495 tấn tôm thành phẩm, xuất khẩu đạt giá trị 3,5 triệu USD. Đến năm 2002, Xí nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu Xuân Thuỷ đã đầu tư 15 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất IQF và một số thiết bị khác như máy đá vảy, tủ cấp đông nhanh 1 tấn/mẻ, đưa công suất chế biến từ 3 tấn lên 10 tấn/ngày. Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Định đầu tư 5 tỉ đồng lắp đặt dây chuyền 2 tại cảng Hải Thịnh, đưa công suất chế biến từ 1,5 tấn lên 5 tấn/ngày. Năm 2003, các cơ sở chế biến này đã đi vào hoạt động và chế biến được 645 tấn thuỷ sản xuất khẩu, trong đó xuất khẩu tôm 560 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,06 triệu USD.
Trong thời kỳ này đã có một số tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản đông lạnh như: Công ty TNHH Thịnh Long. Công ty đã đầu tư 2 tỷ đồng xây lắp 2 tủ cấp đông với công suất 3 tấn/mẻ, làm hàng hải sản đông lạnh nguyên con để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch.
Chế biến tiêu thụ nội địa đang được phát triển mạnh, chủ yếu là ở khu vực dân doanh. Nhiều cơ sở chế biến cá khô, nước mắm, cá ăn tươi, bột cá ra đời và tiêu thụ một phần các sản phẩm của khai thác xa bờ. Năm 2000, có 5 cơ sở chế biến nước mắm, với công suất 400 - 500 nghìn lít/năm là:
- Hợp tác xã Đại Thành, huyện Hải Hậu - Hợp tác xã Nam Hải, huyện Hải Hậu - Hợp tác xã Tân Hải, huyện Hải Hậu
- Hợp tác xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng
Các cơ sở này chế biến và tiêu thụ được xấp xỉ 3 triệu lít nước mắm, ngoài ra còn hàng trăm tấn mắm tôm và tôm, cá khô...tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Chế biến hàng nội địa đến năm 2002 là 7.000 tấn, năm 2003 đạt 9.700 tấn, trong đó sản lượng nước mắm đạt 3,5 triệu lít, mắm tôm 1.000 tấn, cá khô 3.500 tấn, bột cá 500 tấn [122].
Toàn vùng ven biển có 6 cơ sở chế biến nông sản, thuỷ - hải sản tại các xã: Đông Nam Điền có một cơ sở, Nghĩa Thắng có một cơ sở, Thịnh Long có hai cơ sở, Yên Định có một cơ sở, Giao Long có một cơ sở.
Việc phát triển công nghiệp chế biến tạo điều kiện chuyển dịch nhanh cơ cấu nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong thời kỳ 1998 - 2006, ngành chế biến xuất khẩu thuỷ sản đã có bước phát triển nhanh cả về cơ sở vật chất - kỹ thuật, mặt hàng và kim ngạch xuất khẩu. Do công nghiệp chế biến được đẩy mạnh hơn nên khối lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu cũng tăng, giá trị xuất khẩu ngày một cao. Năm 2001 giá trị xuất khẩu đạt 14,2 triệu USD, năm 2002 đạt 20 triệu USD và năm 2003 đạt 27 triệu USD. Tuy vậy, mặt hàng xuất khẩu thuỷ sản của vùng vẫn chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, chất lượng chưa cao. Do vậy, mặc dù nguyên liệu thủy sản của vùng nhiều và đa dạng nhưng mới chỉ xuất khẩu được một phần. Các huyện ven biển Nam Định vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản mới có thể tận dụng được lợi thế về biển và đem lại giá trị xuất khẩu cao hơn.
Công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ nghề
Với 72 km đường bờ biển, trong những năm gần đây vùng bắt đầu đẩy mạnh ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ nghề cá. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhà máy đóng tàu sông Đào có công suất đóng mới và sửa chữa từ 15 đến 20 chiếc/năm với các loại tàu thuyền khai thác, kiểm ngư vận tải vỏ thép, lắp các loại máy từ 90 đến 1.000 CV. Năm 1998, doanh thu của nhà máy đạt 38,5 tỷ đồng, số lượng sản phẩm nhiều và đa dạng hơn so với năm 1997, trong đó:
- Tàu đánh cá xa bờ: 13 chiếc - Tàu kiểm ngư: 5 chiếc
- Tàu vận tải pha sông: 2 chiếc [120, tr.504]
Ngoài nhà máy đóng tàu sông Đào, vùng còn có nhiều xưởng đóng tàu của các gia đình. Bên cạnh các nhà máy đóng tàu, vùng còn đầu tư xây dựng các cảng cá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn bán. Bến cá Biên Phòng, Tân Hải, huyện Hải Hậu có thể neo đậu 30 - 35 chiếc tàu dưới 60 CV trong một ngày đêm. Ngoài ra huyện Hải Hậu còn có bến cá cống Doanh Châu cũng có thể tiếp nhận 150 - 300 tàu thuyền nhỏ. Bến cá Hải Tiến cửa sông Sò, huyện Giao Thủy có khả năng tiếp nhận 100 - 200 tàu thuyền cỡ nhỏ. Bến cá Quần Vinh 1 và 2 huyện Nghĩa Hưng có thể neo đậu 200 - 300 tàu thuyền. Đây không chỉ là bến cá mà còn là nơi thuyền neo đậu tránh bão rất tốt.
Cùng với việc duy trì các cầu cảng, bến cá, vùng ven biển cũng từng bước xây dựng hệ thống kho tàng, bến bãi với quy mô khác nhau, mở rộng hệ thống sản xuất nước đá để bảo quản sản phẩm đánh bắt, duy trì bảo dưỡng các thiết bị trong quá trình sử dụng. Cho đến năm 2000, hợp tác xã Tân Hải (Hải Hậu) đã được trang bị máy vẩy đá cho các tàu đánh bắt cá xa bờ. Mỗi máy đá vẩy công suất 1.950 kg/24 giờ, trị giá 22.350 USD.
Cùng với việc phát triển các cơ sở sản xuất, dịch vụ, hệ thống thương mại thu mua, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp con giống, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học... cũng bước đầu đủ đáp ứng cho phát triển nuôi
trồng thuỷ hải sản. Trong khi các doanh nghiệp quốc doanh còn chưa được đầu tư nhiều và hoạt động chưa hiệu quả thì công tác dịch vụ hậu cần nghề cá chủ yếu phát triển ở khu vực kinh tế tư nhân. Đến năm 2000, cũng với các doanh nghiệp nhà nước còn có 10 doanh nghiệp tư nhân và 5.060 hộ đã được cấp giấy phép kinh các loại mặt hàng. Các thị trấn, thị tứ trở thành các trung tâm thương mại bán buôn, bán lẻ của vùng, đưa mức lưu chuyển hàng hoá tăng khá nhanh với mức năm 1991 chỉ có 286,7 tỷ đồng, năm 1995 là 705,8 tỷ đồng đến năm 1997 là 105,8 tỷ đồng và đến năm 2000 đã tăng lên 142,1 tỷ đồng [109]. Tuy vậy, muốn phát triển mạnh hơn nữa kinh tế biển, ngành sửa chữa đóng mới tàu thuyền và dịch vụ nghề cá cần phải được đầu tư và có bước quy hoạch phát triển cụ thể.
Công nghiệp sản xuất chế biến muối:
Nghề sản xuất và chế biến muối đã có trong vùng từ lâu. Tính đến năm 1999, vùng có 1.087 ha muối, bảo đảm việc làm cho 22.015 lao động và 47.189 nhân khẩu [120, tr.507]. Trong đó, huyện Hải Hậu có 13 hợp tác xã, huyện Giao Thủy có 5 hợp tác xã, huyện Nghĩa Hưng có 1 hợp tác xã. Tổng giá trị sản xuất muối năm 2000 toàn vùng đạt 40.950 triệu đồng, tăng 18.700 triệu đồng so với năm 1999, bình quân thu nhập trên 1 ha là 39,5 triệu [120, tr.509]. Tuy vậy nhìn chung cơ sở hạ tầng nghề muối còn nghèo nàn, lạc hậu, nhiều ruộng bãi, nhà kho xuống cấp, sản phẩm không được giá. Chính điều đó đã làm cho đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, vùng đã thực hiện một số giải pháp nhằm tạo bước phát triển mới trong sản xuất. Vùng triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi đồng muối, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng sản xuất muối. Năm 2000, toàn vùng đã nạo vét kênh dẫn nước được 316.711m3. Đặc biệt, dự án sản xuất sản phẩm muối sạch ở xã Bạch Long (Giao Thuỷ) với gần 25 tỉ đồng vốn đầu tư đã hoàn thành. Nếu như năm 2004, mới có 5 hợp tác xã ở vùng ven biển thử làm muối sạch trên diện tích 3 ha thì đến năm 2005 diện tích làm muối sạch đã được mở rộng đến 30 ha.
Sản xuất muối sạch có thời gian thu hồi vốn trong vòng 2 năm, thời gian khai thác từ 5 - 7 năm, năng suất đạt từ 100 đến 120 tấn/năm, giá trị thu nhập đạt trên 80 triệu đồng/ha [89]. Ngành sản xuất chế biến muối đang nỗ lực vươn lên cùng các ngành kinh tế khác nâng cao hiệu quả kinh tế của toàn vùng ven biển.