Điểm xuất phát

Một phần của tài liệu Chuyển biến cơ cấu kinh tế vùng ven biển Nam Định (1986- 2006 (Trang 37)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.1. Điểm xuất phát

Cũng như các địa phương khác của cả nước, trong những năm 80 của thế kỷ XX, vùng ven biển tỉnh Nam Định ở trong tình trạng hết sức khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội kém phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Hậu quả của chiến tranh còn khá nặng nề, không dễ khắc phục trong một thời gian ngắn. Chỉ tính riêng ở huyện Nghĩa Hưng, trong kháng chiến chống Mỹ số thanh niên lên đường nhập ngũ đã là 13.500 người, thanh niên xung phong là 1.500 người [13, tr.46]. Cuộc chiến tranh đã làm cho nền kinh tế - xã hội của đất nước không phát triển bình thường như tự thân xu hướng của nó. Sau chiến tranh, mô hình phát triển kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng lại không phù hợp, đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Bên cạnh đó, cùng với điểm xuất phát thấp, các huyện ven biển Nam Định lại bắt đầu từ một nền kinh tế nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Trong chừng mực nào đó, nền kinh tế nông nghiệp cả nước nói chung và vùng ven biển Nam Định nói riêng, vào thập niên 80, thế kỉ XX còn mang tính manh mún hơn cả đầu thế kỉ. Ví dụ vào những năm 1930, trung bình một thửa ruộng ở đồng bằng châu thổ sông Hồng có khoảng 750m2, nhưng đến những năm cuối thập niên 80, thế kỷ XX, diện tích mỗi thửa ruộng ở vùng này chỉ còn khoảng 250m2

[59].

Trong truyền thống, hoạt động nông nghiệp ở vùng ven biển Nam Định là chủ đạo. Tuy có tiềm năng kinh tế biển nhưng ngư nghiệp chỉ là hoạt động nghề phụ và đánh bắt gần bờ. Bởi lẽ, nếu xét về nguồn gốc, cư

dân ven biển Nam Định có 2 bộ phận. Một bộ phận là những nông dân chuyên làm ruộng, do thiếu ruộng đất làm ăn đã tìm cách mở rộng đồng ruộng ra biển bằng phương pháp quai đê lấn biển. Một bộ phận khác, thường là những nông dân nghèo phải kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá. Trừ một bộ phận rất nhỏ là dân thuỷ cư, còn lại đa phần ngư dân mặc dù nguồn sống chính dựa vào nghề cá, nhưng vẫn hướng về nông nghiệp với tâm lý “dĩ nông vi bản” còn mang nặng. Mặt khác do điều kiện tự nhiên ở vùng ven biển Nam Định có nhiều cửa sông tạo ra nhiều vùng bồi bãi có thể cải tạo thành đồng ruộng cấy lúa. Do vậy, cư dân ven biển là những người nông dân “Đông tiến” (tiến ra biển Đông), chỉ nhằm mở rộng đất đai bằng cách khai hoang lấn biển và dừng lại trước biển (các địa danh, các vùng đất khai hoang lập thành các đơn vị hành chính như Hải Hậu đã chỉ rõ điều đó).

Một điểm khác nữa cũng có thể coi là điểm xuất phát cần phải tính đến, đó là vùng ven biển Nam Định còn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thường xuyên bị thiên tai đe doạ với nhiều trận bão lớn trong năm. Điều đó cũng đã làm hạn chế nhiều thành tựu kinh tế - xã hội .

Một vùng đất ven biển vốn có truyền thống nông nghiệp, lại vừa đi qua một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với bao tổn thất nặng nề, đồng thời lại phải gánh chịu hậu quả của mô hình hợp tác không phù hợp là đặc trưng cơ bản quyết định xu hướng và nhịp độ phát triển kinh tế của vùng ven biển Nam Định sau này.

Một phần của tài liệu Chuyển biến cơ cấu kinh tế vùng ven biển Nam Định (1986- 2006 (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)