6. Kết cấu của luận văn
2.2.3.3. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
* Tiểu thủ công nghiệp
Đồng bằng sông Hồng vốn là khu vực có số lượng các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống nhiều nhất cả nước. Từ khi đất nước tiến hành đổi mới, nhờ có các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Đảng và Nhà nước, các làng nghề cũ được khôi phục và mở rộng, các ngành nghề mới xuất hiện và phát triển, thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn, tạo ra sự phân công lao động mới ở những vùng đất hẹp, người đông.
Vùng ven biển tỉnh Nam Định cũng là nơi có truyền thống về các làng nghề. Nơi đây vốn đã nổi tiếng với các nghề làm nón ở Nghĩa Châu, dệt chiếu ở Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng), dệt lụa ở vùng Quần Anh (Hải Hậu)....Với phương châm: “người người tìm nghề, nhà nhà tìm nghề”, các nghề truyền thống dần được khôi phục và tạo điều kiện phát triển, đồng thời duy trì, củng cố và mở rộng các làng nghề hiện có, từng bước hình thành các làng nghề thủ công nghiệp mới.
Trong huyện Giao Thuỷ có 22 xã thì có tới 16 xã, thị trấn có nghề thủ công, thu hút khoảng 40.000 lao động lúc nông nhàn, chủ yếu là các nghề thủ công truyền thống như: mộc mỹ nghệ, mây tre đan, thêu, rèn đúc...với một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng cơ khí Xuân
Tiến, làng vận tải Xuân Trung, làng trồng dâu nuôi tằm ươm tơ Xuân Hồng.
Huyện Nghĩa Hưng có các làng nghề: dệt chiếu xã Nghĩa Sơn, sản xuất miến ở Nghĩa Lâm, đan lát hàng tre, nứa lá ở Nghĩa Hoà...Trong thời kỳ từ 1991 - 1995, bình quân mỗi năm huyện Nghĩa Hưng có 2200 lao động tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Nhìn chung, trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1998, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở vùng ven biển đã bắt đầu được đa dạng hoá, tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người dân trong lúc nông nhàn. Tiểu thủ công nghiệp vẫn chỉ đóng một vai trò phụ trong cơ cấu kinh tế vùng ven biển.
* Công nghiệp
Trong thời gian từ năm 1986 đến năm 1998, vùng ven biển đã bắt đầu phát triển các loại hình công nghiệp khác nhau, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế biển. Đối với vùng ven biển, ngành công nghiệp chế biến có một vị trí quan trọng. Ngoài ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ hải sản, vùng còn có công nghiệp cơ khí đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp sản xuất chế biến muối.
Đối với ngành công nghiệp chế biến nông - thuỷ sản:
Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn của cả vùng nên thường được chú trọng tập trung đầu tư. Đến năm 1997 vùng bắt đầu triển khai dự án đổi mới, nâng cấp thiệt bị sản xuất thuỷ sản xuất khẩu của Công ty xuất khẩu thuỷ sản Nam Định với số vốn đầu tư lên tới 1.089.200 USD. Đồng thời công ty cũng đang chuẩn bị đầu tư xưởng sản xuất nước đá công suất 14 - 20 tấn/ngày và sơ chế hải sản tại Thịnh Long với số vốn đầu tư 4.400 triệu đồng nhằm cung cấp nước đá cho tàu đánh cá xa bờ và sơ chế nguyên liệu phục vụ dây chuyền sản xuất thuỷ sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, vùng ven biển tỉnh Nam Định đã cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 7 cơ sở chế biến nước mắm với công suất 2,4 triệu lít và vốn đầu tư 3.380 triệu đồng, trong đó vốn tín dụng đầu tư kế hoạch 2.760 triệu đồng, vốn tự có của các cơ sở 620 triệu đồng. Cho đến năm 1998 các cơ sở đã sản xuất được 1,2 - 1,4 triệu lít nước mắm [113].
Đối với công nghiệp cơ khí đóng mới sửa chữa tàu thuyền:
Thời kỳ từ năm 1991 đến năm 1995, nhà máy đóng tàu sông Đào đã đầu tư 3.500 triệu đồng để cải tạo nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sửa chữa, đóng mới tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó vốn tín dụng đầu tư kế hoạch 3 tỷ đồng. Trong 3 năm (1991 - 1995) thực hiện chương trình đóng tàu phát triển đánh cá xa bờ, nhà máy đã đóng mới 24 tàu đánh cá công suất 300 - 320 CV/tàu, 14 tàu kiểm ngư, sửa chữa 18 tàu thuyền đánh cá khác với giá trị sản xuất năm 1998 là 42 tỷ đồng. Nhà máy đóng tàu sông Đào đã trở thành một trong những đơn vị xuất sắc trong ngành cơ khí đóng tài thuyền thuỷ sản cả nước.
Đối với công nghiệp sản xuất - chế biến muối:
Tuy trong điều kiện tiêu thụ muối còn nhiều khó khăn nhưng các hợp tác xã sản xuất muối đã tập trung cải tạo kênh mương, trang bị dụng cụ sản xuất. Năm 1998 sản xuất được 105.000 tấn muối tinh. Bên cạnh đó, vùng đã đầu tư được 4 điểm sản xuất muối Iốt với sản lượng sản xuất năm 1998 đạt 15.650 tấn, đáp ứng được một phần muối ăn cho chương trình chống bướu cổ. Công nghiệp sản xuất - chế biến muối đã góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp vùng ven biển trong chặng đường đầu của tiến trình đổi mới.
Với sự phát triển của ngành công nghiệp vùng ven biển như vậy, tính đến năm 1995, giá trị sản lượng công nghiệp toàn vùng cũng có bước tăng nhưng không đáng kể. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp bình quân
giai đoạn 1991 – 1995 của huyện Nghĩa Hưng là 33.954 triệu đồng, huyện Hải Hậu có mức lớn hơn rất nhiều với 82.491 triệu đồng [127, 130]. Nhìn chung, thời kỳ 1986 - 1998, ngành công nghiệp vùng ven biển mới chỉ có những bước tiến ban đầu, đặt nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Công nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh, nhất là công nghiệp chế biến thuỷ hải sản, để có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu và khai thác lợi thế của vùng.