6. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Chuyển biến cơ cấu thành phần kinh tế
Giai đoạn 1986 - 1998 là giai đoạn 10 năm đầu của thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới. Chính vì vậy sự chuyển biến về cơ cấu thành phần kinh tế chưa thật sự được rõ nét. Trong thời gian đầu, các doanh nghiệp quốc doanh rất lúng túng khi tiếp cận với cơ chế mới, sản xuất kinh doanh chao đảo, nhiều doanh nghiệp bị đình đốn. Năm 1987, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 06 (ngày 30 -3-1987) và Nghị quyết 09 (ngày 25-5-1987):
“Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, sản xuất tư nhân làm nghề dịch
vụ và mở rộng lưu thông hàng hóa”. Giai đoạn này, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định cũng đề ra kế hoạch phát triển kinh tế nhiều thành phần ở vùng biển, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo với kinh tế hợp tác làm nền tảng vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN. Theo đó, xu hướng phát triển đối với các thành phần kinh tế sẽ là:
Đối với kinh tế nhà nước: Đầu tư cho quốc doanh đảm đương được
ở những mắt xích chủ yếu mà các thành phần khác không làm được hoặc làm không có hiệu quả. Kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, quốc doanh cần tổ chức theo hình thức liên hiệp hoặc công ty cổ phần giữ chủ đạo trong đầu tư phát triển và sản xuất kinh
doanh các lĩnh vực: cảng cá, thương cảng, các trung tâm dịch vụ, sửa chữa, dịch vụ hậu cần nghề khơi, các trung tâm du lịch, các xí nghiệp công ích, trại giống thuỷ hải sản, các trung tâm chế biến, nâng cấp hai nhà máy chế biến tôm đông lạnh, xây dựng thêm nhà máy chế biến của vùng ở Hải Hậu, xây dựng thu mua chế biến nông, thuỷ sản tại cảng Hải Thịnh, hình thành cụm công nghiệp của vùng.
Đối với kinh tế Hợp tác và HTX: Với kinh tế biển, tổ chức hợp tác
xã là một tất yếu; phải khuyến khích phát triển rộng rãi HTX và các hình thức kinh tế hợp tác, nhóm hộ, khuyến khích liên kết theo quy mô nhỏ và vừa. Chủ trương của vùng cũng nhằm đa dạng hoá các loại hình hợp tác trong nuôi trồng, đánh bắt hải sản, đóng và sửa chữa tàu thuyền vận tải, tàu thuyền đánh cá, chế biến thuỷ hải sản, dịch vụ sản xuất.
Đối với kinh tế cá thể tiểu chủ và kinh tế tư nhân: khuyến khích các hình thức kinh tế đầu tư phát triển sản xuất trong tất cả các lĩnh vực. Đồng thời vùng phải tiến hành tháo gỡ những trở ngại về thể chế, thủ tục đầu tư kinh doanh và đăng ký hành nghề của nhân dân, từ kinh tế hộ gia đình đến các loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Đối với kinh tế hộ: được chú trọng phát triển bằng cách tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, kiến thức kỹ thuật và kinh doanh để hộ gia đình tham gia các hình thức hợp tác từ thấp đến cao ở những nơi chưa thành lập HTX nhằm hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả. Khẩn trương giao đất mặt nước theo qui hoạch, kế hoạch thời gian đủ dài để làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và các hộ gia đình yên tâm bỏ vốn đầu tư thâm canh. Khuyến khích hộ lâm, ngư xây dựng nông trại theo chính sách kinh tế mới ngoài khuôn khổ mức hạn điền cho phép ở nơi có điều kiện. Phát triển kinh tế tư nhân và các hình thức liên kết, các công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ tầu, thuyền, chủ cửa hàng...đầu tư vào sản xuất, khai thác, chế biến, dịch vụ, tiêu thụ, khuyến nông, lâm, ngư, khuyến mại, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế.
Nhờ những chủ trương và các chính sách đúng đắn đó, thời kỳ này, cơ cấu thành phần kinh tế của vùng ven biển cũng có những biến đổi ban đầu với sự có mặt của các thành phần: kinh tế nhà nước, tập thể, tư nhân, cá thể, hỗn hợp. Tuy vậy đây là thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, mở cửa thị trường và bắt đầu thực hiện cơ chế khoán sản phẩm nên các cơ sở quốc doanh hoạt động vẫn chưa được hiệu quả. Chỉ tính riêng trong ngành kinh tế biển, toàn vùng chỉ có một đơn vị quốc doanh hoạt động trong ngành kinh tế biển là xí nghiệp quốc doanh cá biển Nam Định. Về các hợp tác xã, trong 5 năm đầu (1986 - 1990), toàn vùng có 2 hợp tác xã còn sản xuất: HTX Tân Hải và HTX Tiền Hải (huyện Hải Hậu). Trong đó, HTX Tân Hải có 240 lao động với chức năng chính là khai thác hải sản ở cửa lạch và vùng khơi, mỗi năm khai thác được 600 tấn cá, chế biến 200 - 250 tấn sản phẩm, nuôi 10 ha tôm, giao thương 25 tấn sản phẩm, trồng được 40 ha rừng. Đây là hợp tác xã có số vốn lớn nhất trong khối HTX nghề cá [69]. Với HTX Tiền Hải là một HTX bãi ngang kiêm nghề muối. Tuy vậy, do hoạt động không hiệu quả nên hợp tác xã đã bị giải thể. Tính đến năm 1997, toàn vùng chỉ có hợp tác xã Tân Hải còn tồn tại và hoạt động. Các hợp tác xã trước đây đã bị tan rã hoặc tồn tại trên danh nghĩa.
Như vậy, trong các thành phần kinh tế, chỉ có kinh tế ngoài quốc doanh, hộ gia đình là hoạt động hiệu quả nhất. Trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế và tình trạng ngừng trệ của khối kinh tế quốc doanh và tập thể thì vai trò của kinh tế gia đình - cá thể lại khẳng định vị trí của mình trong cơ cấu thành phần kinh tế. Kinh tế hộ gia đình và cá thể góp phần không nhỏ vào việc bù đắp sản lượng hàng hóa mà các đơn vị quốc doanh tập thể giảm sút hàng năm. Đồng thời, thành phần kinh tế này cũng đi đầu trong phong trào phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Việc Nhà nước cho phép tự do phát triển, mua sắm phương tiện đầu tư sản xuất, tham gia thu mua chế biến hàng xuất khẩu... đã tạo đà cho kinh tế hộ gia đình phát triển hơn. Nhiều gia đình nhận thầu nuôi trồng thủy hải sản đã đem về nguồn thu
nhập lớn. Thành phần kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng chiếm vị trí quan trọng và là nhân tố thúc đẩy sự năng động, khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Tính riêng về giá trị sản lượng công nghiệp thì thành phần kinh tế ngoài quốc doanh cũng chiếm tỷ trọng khá lớn. Bình quân trong giai đoạn này mỗi năm giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng tăng 8,2%. Giai đoạn 1990 – 1995, tốc độ tăng công nghiệp toàn vùng là 5,86%, năm 1995 – 1998 tăng 10,5%. Trong đó công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 95%, còn công nghiệp quốc doanh (cả trung ương và địa phương) chỉ có khoảng 5% [74]. Giá trị sản lượng công nghiệp ngoài quốc doanh của vùng ven biển cũng chiếm tỷ lệ khá lớn so với toàn tỉnh Nam Định. Năm 1996, giá trị tổng sản lượng công nghiệp ngoài quốc doanh vùng ven biển (tính theo giá cố định năm 1994) đạt 123.606 triệu đồng, so với mức của toàn tỉnh là 349.183 triệu đồng [30, tr.110]. Như vậy, giá trị tổng sản lượng công nghiệp ngoài quốc doanh của vùng ven biển đến năm 1996 đã chiếm tới 35,4% so với toàn tỉnh Nam Định. Kết quả sau 10 năm đổi mới, tính đến cuối năm 1996, vùng ven biển Nam Định đã có nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào hoạt động sản xuất tại địa bàn. Mặc dù sự tham gia của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh bước đầu còn chưa thực sự tạo ra bước đột phá lớn nhưng nó cũng làm cho bức tranh kinh tế vùng ven biển đa dạng và khởi sắc hơn trước.