Cần có cái nhìn khách quan hơn về Nguyễn Văn Vĩnh

Một phần của tài liệu Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh với việc phê phán thói hư tật xấu trên báo chí (Trang 104)

Trong một thời gian dài, nhiều người đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh chỉ là “tay sai”, “bồi bút cho Tây”… Đến đầu năm 2005, trong cuốn Một nhận thức về văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc vẫn có những đánh giá phê phán Nguyễn Văn Vĩnh:

“Trong đời Vĩnh những năm 20, cũng như của nhóm “Phong hóa – Ngày nay” vào những năm 30, chưa hề có một câu ngờ vực nền văn hóa của Pháp; trái lại, thấy mọi cái của Pháp đều hay, đều tốt, và Việt Nam phải theo Pháp để đổi mới văn hóa của mình. Vĩnh hết lời chê bai văn hóa Việt Nam và viết một loạt bài “Xét lỗi mình” mà ông cho là tật xấu của người Việt Nam, như thấy gì cũng cười, học vấn hời hợt, tệ ăn trên ngồi trốc… Đặc biệt Vĩnh chống lại cách cai trị trong làng xã và chế độ quan lại Việt Nam mà Vĩnh thấy toàn là nhũng lạm. Vĩnh đòi bỏ chế độ cai trị theo lối Việt Nam để thay thế bằng chế độ người Pháp cai trị trực tiếp” [54,

tr.51 - 52].

Đánh giá của Phan Ngọc chính là đại diện cho số ít quan điểm phê phán chủ trương văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh còn sót lại. Nếu nhìn vào bề nổi, có thể còn rất nhiều người “suy nghĩ theo lối cũ” như Phan Ngọc, vẫn cho rằng Nguyễn Văn Vĩnh là “bán nước”, là “mật thám của thực dân”; rằng những bài viết phê phán thói hư tật xấu bản chất là việc nói xấu dân tộc, đua đòi học theo phương Tây. Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu nhìn nhận một cách toàn diện hơn, thì có thể thấy rằng, những ý kiến chỉ trích học giả này chưa có sở cứ và thực sự khách quan.

Trƣớc nhất, phải khẳng định rằng trên con đường chính trị, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có những sai lầm. Có giai đoạn, ông tích cực hô hào quảng bá văn hóa phương Tây mà trực tiếp là văn hóa Pháp, ủng hộ triệt để thuyết “trực trị”. Khi làm

ĐCTBĐDTC, ông vẫn cho đăng những bài diễn thuyết đề cao sự bảo hộ của Pháp, gây bất lợi không ít cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Tuy vậy, công tâm mà xét, những bài diễn thuyết đó là đề cao nền văn minh Tây phương và khuyên dân ta nên học theo những văn minh đó để nâng cao dân trí mà theo kịp người ta, chứ không phải đề cao chủ nghĩa thực dân. Trong các tư liệu tìm được, chúng tôi chưa thấy một bài viết nào của Nguyễn Văn Vĩnh cổ vũ cho chủ nghĩa thực dân ngoài việc cổ vũ cho nền văn minh tiên tiến phương Tây do người Pháp (chứ không phải thực dân Pháp) làm đại diện, với mong muốn dân ta noi theo mà tiến bộ. Vả lại, báo do người Pháp làm chủ, sống dưới sự đô hộ của Pháp thì viết như vậy hoàn toàn có thể hiểu được. Nhiều người có thể nói ông đã phạm sai lầm

nghiêm trọng, “nhưng đó là những sai lầm xuất phát từ nhận thức còn hữu hạn trong những điều kiện của cá nhân ông và thời đại ông sống, chứ dứt khoát không phải vì lụy chế độ thực dân để tìm bổng lộc” [18, tr. 139]. Bởi nếu chỉ nhăm nhe nghĩ đến công danh, Nguyễn Văn Vĩnh chắc không khi nào từ bỏ con đường công chức thuộc địa đang được “trải thảm đỏ” khi ông mới ngoài 20 tuổi. Và nếu thế, ông sẽ không hai lần từ chối Huân chương Bắc đẩu bội tinh mà Paris muốn trao tặng cho ông với “công lao” quảng bá văn hóa Pháp.

Để đánh giá thực sự về “con người chính trị” của Nguyễn Văn Vĩnh, phải nhìn nhận trong cả mối quan hệ của ông với cụ Phan Châu Trinh. Sau thời gian bị thực dân lợi dụng, ru ngủ tinh thần, đến khi kết giao với nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh đã hăng hái tham gia ĐKNT – phong trào cải cách xuất phát từ tư tưởng duy tân của Phan Châu Trinh với tôn chỉ: Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh. Sau này, chính Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt duy nhất dám ký đơn cùng 4 người Pháp phản đối việc chính phủ Nam triều kết án tử hình cụ Phan, dẫn tới việc thực dân bắn tin đe dọa bỏ tù ông.

Cần nói thêm rằng trong quá trình thu thập tài liệu phục vụ luận văn, chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi về mối liên hệ giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Châu Trinh cùng những thông tin về việc Nguyễn Văn Vĩnh tham gia ĐKNT, bởi trong tài liệu chính thống của chúng ta không thấy nói đến. Mãi khoảng 10 năm trở lại đây, mối quan hệ này mới được một số nhà nghiên cứu như Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Đỗ Lai Thúy… đề cập. Tuy vậy, những thông tin được nhắc đến còn khá mơ hồ và chúng tôi cũng chưa xác thực được. Phải đến khi chúng tôi đọc được bức thư của Nguyễn Văn Vĩnh viết ngày 11/12/1907 gửi ngài Hauser – Đốc lý Hà Nội lúc bấy giờ (bức thư này do ông Nguyễn Lân Bình – hậu duệ của Nguyễn Văn Vĩnh - chụp tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp – CAOM), bày tỏ sự phẫn nộ đối với việc đàn áp ĐKNT của chính quyền thuộc địa, chúng tôi mới thấy chắc chắn hơn về những lập luận của mình:

Ông Phan Chu Trinh đã ủng hộ tôi bởi cái tình bằng hữu của ông đối với tôi và sự ủng hộ của ông cho các nguyên tắc của tôi, đã củng cố thêm sự tin tưởng vào

sự vô tư của tôi… Kẻ thù của chúng tôi khá đông đảo. Các hội giảng của chúng tôi về việc ăn hối lộ, về các hủ tục trong các làng quê đã khiến nhiều quan lại, thông ngôn và kỳ hào chống lại chúng tôi… Tôi đã dẫn dắt họ tới các nguyện vọng lành mạnh hơn. Từ một công cuộc với một mục đích không rõ ràng, tôi đã cố gắng biến cải thành một sự nghiệp giáo dục kiểu Pháp và hơn thế nữa sự nghiệp Pháp hóa mà tôi nghĩ rằng đã thành công. Vì làm điều đó họ đã kết tội tôi có chủ trương phản loạn. Họ vu khống tôi, cho rằng tôi bất nhân tới mức xúi bẩy đồng bào của tôi lao vào cảnh đầu rơi máu chảy để làm gì? Cái thú tìm lại mái nhà tranh xưa, bỏ qua bao nhiêu điều tốt đẹp mà tôi cũng là người được hưởng. Không! Với lương tri họ không thể kết tội tôi như vậy. Việc này, cũng như việc đóng cửa Nghĩa thục là một sự trả thù hèn hạ… Tôi xin phép được nói là biện pháp vừa thi hành là vô chính trị”.

Bức thư này chắc chưa thể phá bỏ hoàn toàn sự quy chụp bấy lâu về Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng ít nhất nó cũng chứng minh rõ nét cho tư tưởng chính trị bất bạo động của Nguyễn Văn Vĩnh và là sự lý giải cho con đường vận động văn hóa mà ông lựa chọn.

Thêm nữa, trong bài điếu văn viếng Nguyễn Văn Vĩnh năm 1936, ông M. Delmas – Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp, Chi Hà Nội – còn cho biết nhiều hơn về quan điểm chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh cũng như sự liên hệ mật thiết giữa ông với Phan Chu Trinh mà không phải ai cũng rõ: “… Cuộc vận động của ông trong năm 1908 đã dẫn tới kết quả giải thoát được cho nhà trí thức nho học vĩ đại Phan Chu Trinh, đã bị tòa án triều đình Huế kết án tử hình, chỉ vì ông đã viết trong một bài kêu gọi nhân dân tố cáo những sự lũng đoạn và lạm quyền của bọn quan lại và bộ trưởng thời bấy giờ, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đứng ra và phổ biến rộng rãi tài liệu kết tội đó cho quần chúng nhân dân biết…” [27].

Nói những điều đó để thấy rằng, trong một vài giai đoạn, có thể có những sai lầm về quan điểm trong đường lối chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng nếu quy chụp ông không phải là người yêu nước và không có tinh thần dân tộc thì chưa công bằng.

Thứ hai, ngoài đóng góp trên phương diện một dịch giả, một nhà báo… Nguyễn Văn Vĩnh là người có những tư tưởng đi trước thời đại mà không phải ai cũng có. Thông qua hai tờ ĐCTBĐDTC, Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương truyền bá tư tưởng canh tân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới thông qua việc kêu gọi, khuyến khích học chữ quốc ngữ, đề cao nhân phẩm phụ nữ, giới thiệu nền dân chủ và những kỹ thuật tân tiến của Tây phương cho dân ta. Đây là điều những chí sĩ yêu nước đương thời như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh… đã từng làm, nhưng không ai ảnh hưởng sâu rộng được như Nguyễn Văn Vĩnh.

Nguyễn Văn Vĩnh cũng là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng, chính những hủ lậu và thói hư tật xấu trong xã hội là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của xã hội và muốn phát triển đất nước, nhất thiết phải có những cải cách xã hội. Chính vì có tư tưởng này mà những bài viết nghị luận của ông giai đoạn này phần nhiều dành để nói về việc bài trừ hủ tục, tệ đoan xã hội, kêu gọi duy tân, đổi mới (trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi chỉ xét đến hai mảng lớn trong những bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh là Xét tật mìnhNhời đàn bà). Chính vì những bài viết ấy mà có một thời có nhiều quan điểm cho rằng Nguyễn Văn Vĩnh “phỉ báng người Việt” bởi ông nhìn đâu cũng thấy hủ tục, lạc hậu với những cái xấu, cái tệ tồn tại đầy rẫy trong xã hội.

Rõ ràng, những nhận xét đó có phần phiến diện. Như chúng tôi đã phân tích ở trên, những thói hư tật xấu trong xã hội thời đó mà Nguyễn Văn Vĩnh thẳng thắn chỉ ra như thói cờ bạc, thói trả nợ miệng, thói mê tín dị đoan… đều là nguyên nhân làm phương hại, suy yếu nước nhà, khiến nước nhà mãi rơi vào vòng xoáy của trì trệ, lạc hậu, với nguyên nhân căn bản làm nảy sinh các hủ tục “là cái cách đoàn thể, cách lập hương thôn, sinh ra một cách giáo dục riêng, làm cho người ta lớn lên, hội một cái ý thắt buộc về phận làm người, về xã hội” [29, số 6]. Chính điều này đã phần nào làm kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam, vì vậy muốn xã hội tiến bộ trước hết phải loại trừ các thói hủ, đấu tranh bài trừ những mặt trái đó. Cần phải nói rõ thêm rằng, ông không chỉ ra các thói hư tật xấu với mục đích chê cười, nhạo báng người dân mà với một tinh thần hết sức xây dựng, ông đã đi tìm căn nguyên,

gốc rễ của bệnh, vạch rõ cái dở, đưa ra cái hay, từ đó “kê đơn” – đưa ra những lời khuyên hay hô hào, cổ vũ, vạch ra những hướng đi đúng đắn – để người dân chủ động từ bỏ điều xấu. Quan điểm của ông là phải “nói hết, để biết hết, để chữa hết”.

Cái ngu, cái dốt mà cứ đem giấu nhẹm thì càng chất thêm vào cái ngu cái dốt. Chỉ có những người dám nhìn thẳng nhìn thật, những người thực sự cầu tiến mới mong sự tiến bộ đến được với mình.

Một người Pháp – ông M. Delmas, Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp, Chi Hà Nội – cũng phải thừa nhận điều này trong bài điếu văn viếng Nguyễn Văn Vĩnh: “Người An nam gắn bó chặt chẽ với luân lý thờ phụng tổ tiên với những phong tục Á Đông, ông đã không từ bỏ những phong tục đó để tạo thành một nhân cách vững mạnh của ông được nâng cao lên một trình độ mà những nhân cách và nền văn minh Âu Tây khó mà đạt được. Hơn hẳn bất cứ người nào, ông có đủ tư cách để hoàn thành hai nhiệm vụ là làm cho người Pháp hiểu rõ được tâm hồn An Nam, nổi tiếng là kín đáo, chỉ nhờ có những cách đó mới đẩy lùi được đầu óc bảo thủ…” [27].

Nhìn lại xã hội Việt Nam gần 100 năm sau ngày Nguyễn Văn Vĩnh mất, nhiều quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh đối với văn hóa nước nhà ngày nay có những mặt còn nguyên tính thời sự.

Ngoài ra, đối với những việc hô hào sửa đổi cái xấu, cái cổ hủ lạc hậu cản trở sự tiến bộ, học tập cái hay cái đẹp của văn minh bên ngoài đưa đất nước tiến lên của Nguyễn Văn Vĩnh, ngày nay cũng là quan điểm lãnh đạo đổi mới của Đảng trong xây dựng kinh tế và văn hóa nước nhà. Chủ trương của Đảng ta trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” chính là sự cụ thể hóa rõ nét của quan điểm đổi mới này. Không thể nói chúng ta kế thừa quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh mà đó là những bước đi tất yếu cho sự phát triển mà từ 100 năm trước Nguyễn Văn Vĩnh đã nhìn thấy. Nói ông là người đi trước thời đại là ở đó. Sự đi trước thời đại còn thể hiện ở việc ông đã sớm nhìn ra sự trái ngược của một nền văn minh châu Âu giàu truyền thống với những trò tác oai tác quái của các nhà cai trị thực dân ở Đông Dương và linh cảm thấy sự yếu thế tất dẫn tới lụi tàn không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân cũ. Trước sự thất vọng của cái gọi là “văn minh

Đại Pháp”, ông đã đặt cho cậu con trai sinh năm 1914 (năm thế chiến thứ nhất bùng nổ ở châu Âu) của mình cái tên Nhược Pháp, tức là nước Pháp yếu [8].

Thứ ba, không chỉ viết loạt bài đả kích lạc hậu, hô hào đổi mới hướng theo văn minh “suông”, sự mới đã được thể hiện ngay trong lối sống, phong cách sống của Nguyễn Văn Vĩnh. Trong khi đa số những người được cho là có học lúc bấy giờ đi ra ngoài là diện khăn đóng áo dài, như các cụ Nguyễn Văn Luận, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc…; trong khi những người theo Tây học vẫn còn mặc “quốc phục”, ăn nói nhỏ nhẹ, đi lại bằng xe nhà kéo gọng đồng, tiêu biểu như Phạm Quỳnh, thì Nguyễn Văn Vĩnh “chỉ có vài bộ quần áo Tây hoặc bằng tussor hoặc bằng kaki, một cái “cát co lo nhần và một cái xe “bình bịch” hiệu Terrot mỗi khi đi thì máy nổ làm cho người hai bên hàng phố muốn mắc binh “”thiên đầu thống” [8] và chưa thấy ai nói to, cười to như thế. Bất cứ chuyện làm ăn hay đùa rỡn, ông cứ bô bô lên, gặp ai cũng cười, nói một câu chuyện hay bắt tay” [7, tr.77].

Nếu trong xã hội hiện đại, hình ảnh của Nguyễn Văn Vĩnh là phổ biến thì với xã hội lạc hậu của xứ An Nam ta trăm năm trước đây, lối sống của Nguyễn Văn Vĩnh thực sự rất mới, nên không ngạc nhiên khi lại có người trách ông “mới” quá và hỏi rằng có phải “cái chương trình trực trị của ông chỉ có những người biết đọc văn Tây mới đủ tài thưởng thức”, nên ông đã bỏ báo quốc văn để chủ trương báo chữ Tây [8].

Những tư tưởng canh tân của Nguyễn Văn Vĩnh rõ ràng là quá bạo đối với phần đông người dân lúc bấy giờ, thành ra không tránh khỏi có những sự hiểu nhầm về tư tưởng canh tân của ông. Nhất là bên cạnh việc canh tân, ông lại ra sức giới thiệu với quốc dân và nhất là với Tây phương về những cái đặc sắc của văn hóa Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung (như các bài viết của ông trên L’Annam nouveau). Về điều này, có lẽ nhận xét của Dương Quảng Hàm trong cuốn “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” ấn hành năm 1941, nghĩa là 5 năm sau khi Nguyễn Văn Vĩnh qua đời, là đầy đủ và xúc tích nhất: “Ông là người học rộng, biết nhiều, lại có lịch duyệt, thiệp-liệp tư-tưởng học thuật của Âu-tây, nhưng cũng am hiểu tín-ngưỡng phong tục của dân ta, muốn đem những quan-niệm phương-pháp mới nào hợp thời để

truyền-bá trong dân-chúng, nhưng cũng chịu khó tìm-tòi và biểu-lộ cái dở, cái xấu cũng như cái hay, cái ý nghĩa của các chế độ, tục lệ xưa của các mối mê tín, dị- đoan cũ; vì thế, có người hiểu lầm mà trách ông muốn đem những điều tin nhảm”.

Một phần của tài liệu Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh với việc phê phán thói hư tật xấu trên báo chí (Trang 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)