Khi khái quát tính dân tộc của người Trung Quốc, trong cuốn Ẩm băng thất văn tập (1904), nhà tư tưởng cận đại Lương Khải Siêu đã nhấn mạnh nhiều nhược điểm của người Trung Quốc, trong đó ông nhận xét rằng, đồng bào mình thường võ đoán, giả dối, đã ngu muội nhút nhát song lại thích lừa đảo. Nói như vậy để thấy
rằng, người Việt Nam không nên sốc khi nhiều người nhận xét, nước ta cũng là một trong số những dân tộc có thói xấu này.
Nhà nghiên cứu, phê bình Văn học Vương Trí Nhàn từng phát biểu: Chúng ta không việc gì phải khó chịu khi nghe nói rằng thói giả dối đổ bóng lên mọi mối quan hệ giữa người với người trong xã hội Việt Nam. Giả dối, điêu ngoa, phỉnh phờ, bịa đặt, lường gạt, bố vờ, điêu xảo, gian lận, lừa lọc, bịp bợm, xạo, xảo trá, man trá, trí trá… những từ ngữ đó đã miêu tả đầy đủ mọi cung bậc của một căn bệnh vốn có sức lây lan rất nhanh và hàng ngày trình ra muôn vàn bộ mặt kỳ lạ trong cuộc sống quanh ta.
Trong một bài phỏng vấn trên báo, ông cũng giải thích nguyên nhân của thói giả dối của người Việt: “Từ tham nên người Việt dối trá, muốn đạt được mục đích muốn thỏa mãn lòng tham thì người ta phải dối trá, lừa gạt nhau. Hai thói xấu đó nó có logic biện giải cho nhau trở thành thói xấu người Việt từ bao lâu nay. Để giải thích cho việc làm sai, giải thích cho thói xấu của mình người Việt thường quanh co bịa ra lý do để chống chế vì thế càng khiến sai lầm, thói xấu đó nhiễm sâu hơn vào đời sống người Việt… Hơn nữa như tôi nói ở trên người Việt thường biện ra những lý do để giải thích cho cái sai của mình…” [71].
Tính nói dối thật ra đã hiện hữu từ rất lâu trong xã hội Việt Nam. Ngay thời Nguyễn Văn Vĩnh sống, thói ăn gian nói dối là một trong những tính xấu đáng phê phán nhất, vì nó hiện hữu trong đời sống hàng ngày và nó ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội.
Trên ĐDTC số 9, năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh có bài viết về đề tài này. Ông chỉ ra rằng, người dân An Nam có tính nói dối xuất phát từ việc tự vệ trước các quan, xuất phát từ sự phân biệt đối xử của bản thân các quan mà ra. Đối với các quan, ai có tiền thì quan bênh, đứng về phía người đó. Vì thế, lên đến quan, thì người có nói không, người không nói có, thi nhau ai có tài nói dối người ấy được: “Các quan tự nêu hư danh là phụ mẫu của dân, vì dân mà cầm cán cân công lý. Sự thật đâu có thế! Quan chỉ vì tiền, ai đưa cho quan nhiều bổng lộc thì quan ra sức bênh, đè nén áp bức là việc hàng ngày của quan. Vì vậy đã tới cửa quan thì người
đi kiện cố nhiên cũng phải nói dối để quan xử cho có lợi, người bị kiện tất nhiên cũng phải nói dối để mong đỡ bị hại, gặp quan: sợ quan nên nói dối mà nịnh quan cũng nói dối. Thế là với quan ta, ai cũng nói dối cả thì tránh sao khỏi nói dối với quan Tây, là quan của quan, nói thật sao được!” [29, số 9].
Theo Nguyễn Văn Vĩnh, bản chất của đại đa số người dân là chân thật, hướng thiện. Như vậy, cái tính nói dối là xuất phát nguyên nhân từ các quan mà ra, vì sự không công bằng nơi công đường mà ra, chứ đó không phải là bản chất của người An Nam: “Dân An Nam, thì thực thà có một. Cái thực thà của người An Nam ít có, vì không những là nói thực, mà thường ăn ở cũng phải thực, trong dân thôn hàng xóm mới là người thực thà. Theo cái luân lý riêng của An Nam, thì không những là điều gì có can dự đến kẻ khác mới phải thực. Việc ăn ở riêng của mình cũng phải thực với nhau. Nhà quê ta nhiều người ở nhà vách thủy tinh được” [29, số 9].
Từ câu chuyện của người nông dân nơi công đường, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra một thực tại xã hội bất công thời bấy giờ. Đó là câu chuyện quan lại thì cầm cán cân công lý, cốt giữ việc cho dân nhưng chuyên đè nén dân mà hưởng lợi; dân ta thì vẫn còn ngu muội, tới công đường kiện việc công thì ít mà chỉ có bọn nhà giàu dư tiền đi kiện việc mất trâu mất bò để thỏa thù riêng là nhiều, quan lại thì xử kiện nhảm để hưởng lợi, vì thế, đứng trước quan, người dân nào đến cửa quan cũng đều có tính gian cả.
Chính vì thế nên trong Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 803, ngày 6–6–1907, Nguyễn Văn Vĩnh viết một bài vạch trần bộ mặt giả dối, ăn tiền của bọn quan lại, cường hào: “Dân chưa vào đến huyện, đã mấy thằng lệ đón từ cổng, nằn–nằn nì–nì, cho thằng này thì thằng kia đòi, không có thì dân nhục với nó, mà không vào được đến thềm công đường. Vào đến trước mặt quan, quan nhăn mặt một tí là vài hào, quan hét một tiếng là năm hào. Lạ chưa! quan sai đánh mười roi cũng là năm hào. (Nếu Nhà–nước tưởng là thông sức một lần cấm được quan đánh dân thì nhầm to). Hơi có việc gì quan đòi đến, bất cứ điều hay điều giở, cậu lệ mang trát thế nào cũng kẻ nhè lấy bữa cơm, bữa thuốc lại đèo thêm vài hào mấy cho về, không có thì đến mất mặt mấy nó ở chỗ làng nước” [28, số 803].
Ông kết luận rằng, để người dân không phải nói dối nữa mà có thể sống ngay thực, thì chính các quan phải là người sửa mình trước. Nếu các quan thanh liêm, biết thương dân, luôn đứng ở phía công bằng, lẽ phải thì dân mới tin vào các quan mà không phải nói dối nữa: “Cho nên những ông quan thực thanh liêm, biết thương dân, là những ông biết, cứ mỗi lần có đứa đi kiện nhau, đét cho mỗi đứa vài roi đuổi nó về. Quan An-nam, không sử (xử) những kiện nhảm, không mất thì giờ mà hỏi làm chi những cái lý sự vụn của mấy anh thầy-kiện-vườn mới thực là biết làm cha mẹ dân. Những ông hay soi mói, thường không phải là soi mói tìm công lý” [28, số 803].