Tính ỷ lại có thể hiểu là làm việc gì cũng dựa vào người khác, thiếu tự lập. Người có tính ỷ lại thường thiếu tính độc lập, quyết đoán, tự giác, không kiên trì, dễ bị người khác dụ dỗ.
Thói ỷ lại là một trong những căn bệnh phổ biến thời bấy giờ. Trong bài viết nhan đề Nặng về rên rỉ than vãn trong tài liệu Quốc dân độc bản do Đông kinh nghĩa thục soạn năm 1907 có nói về căn bệnh ỷ lại này: “Những kẻ chơi bời lười biếng, vô công rồi nghề, sống dựa vào người khác, hưởng lợi mà không sinh lợi, thật chẳng khác gì giống ký sinh trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước... Quen thói ỷ lại vào người thì dù có tâm có lực cũng không dùng được mà dùng cũng chẳng được lâu, tâm tư tài lực ắt sẽ nhụt dần. Hơi khó khăn gian khổ là rên rỉ, than vãn, uất ức bó tay chịu chết. Hỏi vì sao không cải lương, nói lệnh trên chưa thay đổi. Hỏi vì sao không học tập, nói không có tài năng. Như thế thì xã hội ngày một suy, nước làm sao mạnh được?” [71].
Nhận ra ỷ lại cũng là một trong những tính xấu điển hình của người Việt, Nguyễn Văn Vĩnh đã mạnh dạn kê đơn, bắt bệnh. Ông đánh giá rằng, người Việt Nam có sự nhận thức khác hẳn với các nước tiến bộ trên thế giới. Ở các nước văn minh, người ta đề cao tính tự chủ, tự do, ở Việt Nam thì ngược lại, coi việc sống ỷ lại là vinh dự, thích thú với việc sống dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Trên ĐDTC số
8, năm 1913, ông có bài viết phê phán thói xấu này của người Việt. Ông nhận xét: “Dân ta có một nết xấu mà hầu như mọi người đều cho là hay đó là tính ỷ lại trong cuộc sống, sung sướng mà ỷ lại vào người, vui vẻ và hãnh diện mà cho người khác ỷ lại vào mình. Các nước văn minh người ta khinh ghét nhất sự ỷ lại. Trong cuộc sống, tự hào nhất là bằng lao động của đôi tay, khối óc mà tự mưu sinh, không nhờ vả vào ai” [29, số 8].
Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra rằng, chính vì có cái tính ỷ lại nên trong xã hội xuất hiện lắm kẻ không chịu làm lụng, học hỏi, chỉ trông chờ vào người khác bố thí cho ít nào hay ít ấy và lấy thế làm sung sướng lắm: “Ai có được anh em chú bác hoặc con cháu làm nên mà nương nhờ, thì lấy làm vinh hạnh. Người làm nên cho họ được nhờ cậy, thì lấy làm một nghĩa vụ danh giá. Vì một lí tưởng ỷ lại ấy, cho nên trong nước thực lắm kẻ ăn không. Trong một họ, có người làm quan, hoặc có người giàu có, thì từ ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em, ai cũng trông vào đấy cả” [29, số 8].
Bằng việc nhìn ra nước phương Tây tiên tiến, so sánh với nước Nam mình, ông nhận thấy, không thể trách được người ta văn minh tiến bộ, mà nước mình cứ giật lùi. Ông chỉ ra rằng, ở nước ngoài, người ta một người làm nên, như giúp sức cho cả họ thêm cần mẫn. Trong nhà có một người giàu, ai cũng muốn làm để giàu bằng. Vì thành công của một người sẽ tạo động lực cho những người khác cố gắng phấn đấu. Trong khi đó nước mình thì một người làm lên đến vua quan lại “làm hại cho cả gia tộc, mất nghề nghiệp, mất làm ăn để mà trông cậy vào mình” [29, số 8].
Nguyễn Văn Vĩnh phân tích, những tư duy kiểu như “một người làm quan cả họ được nhờ” hay “thấy người sang bắt quàng làm họ” đã ăn sâu vào suy nghĩ và tư tưởng của người dân, đến nỗi nó như một căn bệnh, mà nếu không chữa chạy kịp thời thì sẽ ảnh hưởng tới toàn xã hội. Ông lấy dẫn chứng sinh động để chứng minh cho lời mình nói. Ông kể, có mấy cụ nhà quê có người em, cháu ngồi làm quan, thỉnh thoảng nhủ (rủ) nhau đến phá một lần, cơm, rượu, anh phiện, rèn cho mấy bữa, về nhà khoe mới ra chơi quan phủ nọ, quan huyện kia đã về đây, lấy làm danh giá lắm.
Tuy vậy, theo ông, những câu chuyện nhỏ nhỏ như vậy chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nếu suy nghĩ sâu xa hơn, từ tính ỷ lại, một tật khác nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn sẽ nảy sinh – đó là thói đưa và nhận hối lộ. Ông lấy dẫn chứng, một ông quan lớn, ít ra lúc nào cũng có mươi người nhờ vả, ăn hại, trong nhà tấp nập, còn những lần các cụ đến chơi hỏi thăm, hoặc xin việc không kể, thì như thế không thể trách được việc ăn hối lộ: “Làm nên một ông huyện, dấu quan có trọng tài mà cứ cho, lúc đi nhậm cũng tốn kém ít là răm trăm, lễ mừng mỗi nơi một tí, sắm sửa cái tư thất cho nó coi được. Thế mà xong rồi, lại còn nỗi cung ứng đám họ hàng thân thích, ít ra mỗi tháng cũng vài ba trăm. Người nào chái (trái) tục đời mà không noi lệ, thiên hạ lại cho là bẩn, mà làm ông quan phụ mẫu dân, cái tiếng ấy cũng không thể để được, như thế thì làm thế nào giữ cho thực thanh-liêm. Cho nên việc ăn thì có phân ra ăn hay, ăn dở, nhưng mà không sao khỏi được cái ăn. Cứ thói thường lấy tiền được việc, tác thành danh mệnh cho người ta, cứu kẻ oan ức thì được gọi là ăn hay. Bới lông tìm vết, sử (xử) trắng ra đen, thì gọi là ăn dở. Thế nào cũng phải ăn, hễ kém lộc một độ thì phải đến ngay vay nợ” [29, số 8].
Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra rằng, vì cái tính này, người nghèo càng nghèo mà chính người giàu cũng chẳng hay, phải tìm cách bất lương để có thêm tiền, làm quan thì phải ra sức ức hiếp dân mà ăn của đút… Cứ một vòng quanh quẩn như vậy sẽ khiến đất nước thêm nghèo, dân ta lún sâu trong lạc hậu. Vì thế, ông khuyên: “Mỗi người giời sinh ra ở trong thế gian, phải đem chân tay hoặc kiến thức mà làm nên việc hữu dụng với đời, mới có quyền ăn sung mặc sướng, là cái lý tưởng giúp nhau cho mà làm ăn, giúp nhau cho mà học hành, giúp nhau cho mà buôn bán, chớ không giúp nhau mà ăn không được” [29, số 8].