Tục đốt pháo du nhập vào nước ta từ rất sớm và được nhiều người yêu thích. Tuy vậy, với Nguyễn Văn Vĩnh, đốt pháo chỉ có hại mà không có lợi. Trong bài Đốt pháo đăng trên Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo số 824, ngày 31-10-1907, ông nêu thực trạng nhức nhối thông qua một câu chuyện rất sinh động là một đám cưới ở phố hàng Điếu. Câu chuyện ông kể thế này: “Hôm nọ ở phố hàng Điếu, có đám cưới. Lúc rước dâu về đến cửa, nhà giai sắm sửa đón hai họ vào thực là vui vẻ; giữa lối đi thì cũng giữ lệ đốt lò than để cô dâu bước qua cho sạch viá-van; mẹ chồng cũng theo thói trốn sang láng-giềng để dâu về được hưởng quyền vu-qui một chốc cho khỏi thất-hiếu; ngoài đường thì xe xe ngựa ngựa sắp hàng; các ông các bà hai họ, ông thì áo gấm bà thì áo vóc… Đám cưới thực ra một đám cưới duy-tân, và có ý bảo-nghiệp, duy có cái pháo vẫn còn giữ lối bắt chước các chú. Lạch-đạch trong nhà trán (chán) rồi lại treo thêm một bánh ra mái hiên cửa gọi là làm lệ để dâu vào được đi qua hỉ-khí.
Bất ngờ đương lạch-đạch tạch-đùng có một cái xe độc-mã đi qua: trên xe một vị thiếu-niên ngồi, chẳng biết ông phán sở nào. Như người ta thấy pháo thì hãng đứng lại xa xa một quãng xong rồi hãi (hãy) đi. Ông phán ta lại vội quá, vả nhân có đám các bà các cô lịch-sự, ta cũng làm ra mặt đánh xe rỏi lấy sĩ-diện chơi. Roi dây đánh đen-đét. Phải con ngựa cũng ác! Vừa tiếng pháo vừa tiếng roi, ngựa sợ lồng phách mãi lên, long mất hai cái tay xe với cái ván. Hai bên hàng-phố ai trông thấy cũng bảo: đáng kiếp, và cười ồ cả lên. Nhưng mà ông Phán ta có phải là người chịu hèn đâu, ngài đi tìm ngay một ông Tây đến, chẳng biết ngài nói với ông Tây thế nào,
ông Tây đến gọi chủ nhà ra đánh một hồi, rồi cho hai người đội-xếp đến bắt đem lên bóp Hàng-dậu. Lên đó rồi ông Cẩm bắt phải đền 50$, ông chủ nhà lậy van mãi phải đền 30$ mà thôi” [28, số 824].
Từ câu chuyện ở trên, ông đúc rút ra rằng, đốt pháo có rất nhiều tác hại. Tác hại đầu tiên là nó quá tốn kém, trong khi dân mình thì vẫn còn nghèo, mùa đông còn không có đủ áo ấm mặc, gạo cũng thiếu ăn… Ngoài ra, nó ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người như có thể gây ngạt mũi, cháy quần cháy áo, mà có khi cháy cả đến nhà hàng xóm, trẻ con thì sợ hãi đến phát ốm: “Tám hào bạc một bánh pháo Hạnh- hoa, vừa được nửa phút, vừa điếc cả tai, ngạt cả mũi, toét cả mắt, cháy quần cháy áo, cháy chân cháy tay, mà có lúc cháy cả đến cửa nhà hàng-sóm láng-giềng; trẻ con còn bé có đứa sợ hãi sinh sài sinh ốm; mất cả câu truyện, không còn được việc gì; nghĩ đến cái thứ ấy là thậm không có nghĩa-lý gì” [28, số 824].
Nguyễn Văn Vĩnh nhận thấy, tục đốt pháo cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nước mình đã nghèo thì càng nghèo, giúp cho các nước khác đã giàu lại càng giàu. Có hiện tượng đó là do dân mình không sản xuất ra pháo, phải mua từ nước ngoài, trong khi đó, những nước sản xuất ra loại này thì biết dân ta “chịu chơi”, mỗi ngày một tăng giá. Từ tính bằng su (xu), đến lúc dân phải bỏ ra một đồng để có 1 phút pháo nổ, như thế coi như biếu không cho các ông tầu, ông tây: “Khốn nhưng mà không có pháo thì những chú-khách sang đây tay mang dù rách, tay sách chăn-bông làm thế nào mà về Tầu có cửa có nhà có ruộng có nương được? Không có pháo, ai bảo mình rằng giầu có ngàn có vạn? Không có pháo thì sao thằng ăn-mày ba bữa không được hột cơm nó đến chực cửa, sao nó biết được rằng mình hơn nó nhiều? Sao nó biết được rằng bụng nó lép bao nhiêu mình có thừa tiền đốt ra khói bấy nhiêu?” [28, số 824].
Từ những tác hại đó, ông kết luận, đốt pháo là một việc thậm giã-man (dã), thậm hay sinh phiền, thậm vô-lý. Vì thế, ông hô hào mọi người “nên bỏ dứt hẳn đi”.
Tục đốt pháo ở nước ta đã bị chính phủ dẹp bỏ từ nhiều năm nay vì những tác hại của nó. Thế nên đọc lại tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh trong bối cảnh cách
đây hơn một thế kỉ mới thấy khả năng “nhìn thấy trước” vấn đề của ông thật đáng nể thế nào.