Phải khẳng định rằng, ở một khía cạnh nào đó, trong chúng ta ai cũng ít nhiều chuộng hư danh, thích được người khác ngợi khen. Nhưng thói hư danh - coi trọng danh hão, xem thường lao động chân tay, không biết coi trọng công việc hiện tại của mình thì lại là điều không nên.
Thói chuộng hư danh là một căn bệnh khá phổ biến thời đó và đã được nhiều tác giả phản ánh trong các sáng tác của mình. Phạm Quỳnh trong bài Danh dự luận đăng trên Nam phong 1919 đã từng nói về thói hư danh như này: “Dân ta là dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội mình cũng đủ biết. Từ trên xuống dưới từ thấp chí cao, từ anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được người ta khỏi gọi là bố đĩ, bố cu cho đến bậc phú thương nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội, cậu cả cậu hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được gọi là thầy thông thầy phán, hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện”.
Là một ngòi bút đa dạng, Nguyễn Văn Vĩnh không thể bỏ qua đề tài này. Trên
ĐDTC số 11 năm 1913, ông có bài viết khá cụ thể, sâu sắc phân tích về thói xấu này của người Việt.
Theo ông, dân An Nam ta rất cần mẫn chăm chỉ, thể hiện rõ nhất là việc ở nông thôn, không một mảnh đất nhỏ nào để hoang. Tuy vậy, dân ta lại không biết tự
hào về sự cần mẫn này, không thấy sản phẩm do lao động mình làm ra quyết định sự tồn tại của xã hội. Họ không hiểu rằng, dù là vua quan, những kẻ làm sĩ, những người buôn bán, những người làm thợ thuyền… Không ai có thể sống nổi nếu không có lương thực, thực phẩm do nhà nông sản xuất. Tất cả các nghề khác đều như vậy, mỗi nghề đều góp phần tạo điều kiện cho xã hội tồn tại và phát triển, đều vinh quang nếu họ biết vì lợi ích của xã hội trong đó có lợi ích của chính mình mà lao động.
Ông viết: “Xem như ở xứ Bắc kỳ ta, trừ ra những nơi lam sơn trướng khí quá, còn thì đi khắp mọi nơi không hề thấy một tấc đất bỏ không… Chỉ hiềm một điều, làm ăn thì biết cần mẫn, nhưng cái cần mẫn ấy không biết là cái vinh hiển, tựa hồ cho như một điều bất đắc dĩ phải làm thì làm, chớ không có vẻ vang gì ở cái tay kéo cầy cầm cuốc. Hô có nhờ được cái cày cái cuốc mà có dư ra, thì nào lo ngay danh mệnh. Đến lúc lên được ông nọ ông kia, mà ai có nhắc tới phận cầy cuốc khi xưa, thì hình như người xỉ vả” [29, số 11].
Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra nguyên nhân của tư tưởng ấy, một phần là do một số người ở tầng lớp thượng lưu sống trong giàu sang nhung lụa nhưng không biết suy nghĩ, lại có ý khinh người chân lấm tay bùn.
Ông khẳng định, dù làm nghề gì, nếu không phục vụ tốt cho xã hội thì không được tôn trọng. Ông nêu ra ví dụ, dù làm quan, một nghề nói chung được trọng vọng, nhưng nếu ông quan lại buôn quyền, bán chức, đàn áp nhân dân để kiếm lợi riêng thì chắc chắn sẽ bị khinh ghét. Làm thợ mà biết tính toán khéo léo, làm ra những sản phẩm hoặc công cụ có ích cho đời, vừa bền vừa đẹp thì sẽ được yêu quý. Những người làm nghề buôn bán, làm nghề vận chuyển, hàng trăm nghìn nghề mà xã hội cần, không có nghề nào hèn. Mà chỉ cần ai làm nghề gì biết tự hào và lo học tập rút kinh nghiệm để phục vụ xã hội tốt mãi lên. Đó là con đường tiến bộ của cá nhân gắn liền với sự tiến bộ của xã hội, nghề nào cũng dẫn đến giàu có, vinh quang.
Ông viết: “Làm quan mà buôn quyền bán thế mình thì không bằng người đi buôn. Buôn biết khiến cho công nghệ của người khác được tăng sảo, cho đồ khéo có người dùng, cho hoa lợi trong nước không bỏ phí, cho cái gì đáng đắt thì đắt, cái gì đáng rẻ thì rẻ, đi buôn vượt sông qua biển, thì danh giá hơn là ông quan. Chớ buôn bán mà không biết nghề, thấy người ta dọn hàng cũng dọn hàng, thấy người ta mở
hiệu cũng mở hiệu, tính toán không biết, lợi hại chẳng hay, thì sao bằng người làm thợ. Làm thợ mà tay khéo trí khôn, biết thế nào là tiện, thế nào là đẹp, thế nào là nhã; làm cái cầu phải tính đến trăm nghìn năm cầu chớ đó chết ai, không những là làm lấy tiền, mà lại cho việc mình làm là một phán góp vào cái công nghiệp chung của xã hội, cố gắng cho cái phần ấy sứng (xứng) đáng hơn phần người ta. Làm thợ như thế thì danh giá không kém gì ông quan cả, chẳng ở dưới gì người đi buôn hảo phú” [29, số 11].
Sau một thời gian dài quan sát và tìm hiểu, ông nhận thấy, trong nước Nam ta, cần mẫn nhất chỉ có người làm ruộng, nhưng mà sự cần mẫn ấy, người làm ruộng không biết lấy làm vinh hạnh: “Tay cầm cày mà mắt vẫn trông bọn dài lưng tốn vải, lúc nào quăng được cái cày có ích, mà cầm lấy cái bút lông thỏ vẽ hươu vẽ vượn, tả cảnh trên giời dưới biển, thì cũng quăng đi ngay” [29, số 11].
Người đi buôn, người làm thợ thì lúc nào bất đắc dĩ phải vất vả thì vất vả. Đến khi giàu rồi họ lại phụ nghề, đem tiền của do nghề làm ra đi mua chức vị nọ kia và giao ngay nghề cho lũ đầy tớ không thèm làm nữa. Còn nhà nho thì gia công đèn sách, cũng chỉ vì “cố lấy đôi hia cái lọng, khi đã được rồi như người được câu thần chú mở cái cửa công đường. Làm đến quan chữ nghĩa xưa không dùng đâu đến nữa, thì cái cần lao đó có gọi là cần lao hữu dụng được không?” [29, số 11].
Ông kết lại, sự cần mẫn phải gắn liền với lòng yêu nghề, với tinh thần vì cộng đồng trong xã hội, không ngừng rèn luyện để thạo nghề. Ông hô hào mọi người cùng phục vụ xã hội vừa để làm giàu, nhằm thúc đẩy nhau tiến lên: “Vậy thì nên kết rằng người An-nam thực có nết xiêng (siêng) năng chịu khó nhưng cái nết ấy nên khiến cho nó có nghĩa lý, có ích lợi cho đời, mà phải biết quý cái siêng năng chứ đừng cho nó là cái tội để rành (dành) cho kẻ kém đức mà thôi”.