Học giả Nguyễn Văn Vĩnh (SN 1882, tại phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Phú Xuyên, Hà Nội). Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ, ông Vĩnh đã phải làm nghề kéo quạt thuê ở trường Thông Ngôn (College des Interprètes) đóng tại đền Yên Phụ, nay nằm trong khuôn viên trường THCS Mạc
Đĩnh Chi - Hà Nội. Vừa kéo quạt, vừa học lỏm qua bài giảng, Nguyễn Văn Vĩnh đã học giỏi, thậm chí học trội hơn cả học sinh là những con nhà gia thế lúc bấy giờ.
Được biết, trong một lần các con nhà giàu ở lớp còn đang lúng túng, không kịp trả lời thầy, Vĩnh đã nhanh nhảu trả lời đúng các câu hỏi. Ông giáo người Pháp quá ấn tượng với cậu bé nhà nghèo nên xin cho Nguyễn Văn Vĩnh được học chính thức ở trường. Sau thời gian học tập, ông Vĩnh đã đỗ đầu khóa thông ngôn 1893 - 1896 (ở tuổi 14). Một năm sau, ông được đặc cách nhận làm phiên dịch trên Tòa xứ Lào Cai. [18, tr. 39]
Sau thời gian ở tòa sứ Lào Cai, Nguyễn Văn Vĩnh được thuyên chuyển làm thông ngôn ở tòa sứ Kiến An (giáp Hải Phòng). Từ 1902 đến 1905, ông làm thông ngôn ở tòa sứ Bắc Ninh. Viên công sứ Bắc Ninh Hauser là một trí thức Pháp đỗ cử nhân luật, đi học ngạch quan cai trị thuộc địa. Thấy Nguyễn Văn Vĩnh nói tiếng Pháp thành thạo, am hiểu công việc văn thư, tự mình thảo được công văn và báo cáo đủ các loại cho tòa sứ, lại viết được báo tiếng Pháp (khi đó Nguyễn Văn Vĩnh đã là cộng tác viên của tờ “Courrer d’ Haiphong” và tờ “Tribune Indochinoise” của Paul Schneider), Hauser đề bạt ông làm chánh văn phòng tòa sứ, nâng lương vượt ngoài khung lương thông ngôn; giao cho các công việc đáng lẽ phó sứ phải làm (phó sứ Eckert nguyên là nhân viên của Sở Mật thám, không có trình độ văn hóa, không đảm đương được các công việc này). Năm 1905 khi được điều về làm đốc lý thành phố Hà Nội, Hauser đã thuyên chuyển Nguyễn Văn Vĩnh về cùng [18, tr. 40].
Đây là thời gian Toàn quyền Beau sang thay Doumer ở Đông Dương, chủ trương đổi mới các chính sách văn hóa thuộc địa với việc mở mang học hành, lập các tổ chức y tế và hội thiện. Đốc lý Hauser được giao nhiệm vụ vận động và giúp đỡ người Việt làm đơn và thảo điều lệ xin phép lập các trường, các hội, đệ lên phủ thống sứ để duyệt. Hauser giao toàn bộ công việc này cho Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Năm 1906, Chính phủ Pháp mở ở Hội chợ Thuộc địa ở Marseille (Exposition colonial de Marseille). Đốc lý Hà Nội được Phủ Thống sứ giao việc tổ chức và quản lý gian hàng Bắc kỳ sẽ tham gia hội chợ. Hauser ủy quyền hết cho ông Vĩnh, từ việc lập đề án thu thập sản phẩm hàng hóa để trưng bày đến việc tuyển thợ đi sang
Marseille dựng gian hàng. Nguyễn Văn Vĩnh đã tuyển Trần Trọng Kim sang Pháp với danh nghĩa là thợ khảm, nhờ đó Trần Trọng Kim có điều kiện ở lại Pháp học đại học sư phạm [18, tr. 41].
Hội chợ Thuộc địa (thời đó gọi là hội đấu xảo) diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1906. Sau khi kết thúc hội chợ, Nguyễn Văn Vĩnh ở lại Pháp một thời gian. Hauser đưa ông lên Paris. Tại đây ông đã đến thăm nhà in và báo "Revue de Paris", nhà xuất bản Hachette, nhà soạn và in từ điển Larousse, tìm hiểu phong trào báo chí Pháp và nền dân chủ Pháp. Cũng tại đây, ông đã gặp những người bạn Pháp có tư tưởng dân chủ tiến bộ như Pierre Vierge, L‟hermite, Paul Schneider (Schneider là một nhà kinh doanh về ngành in ở Đông Dương, chủ 2 tờ báo tiếng Pháp “Courrer d’ Haiphong” và “Tribune Indochinoise” mà Nguyễn Văn Vĩnh đã cộng tác khi còn làm ở tòa công sứ Bắc Ninh và sau này đã hợp tác làm tờ ĐDTC, Trung Bắc Tân Văn và cùng lập nhà in Trung Bắc Tân Văn)… Qua những người bạn Pháp mới đó, Nguyễn Văn Vĩnh được giới thiệu với Hội Nhân quyền Pháp và là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp 1906. Tiếp thu tư tưởng tiến bộ của nền dân chủ tự do Pháp với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái, ông đã nhận ra chính sách 2 mặt của thực dân Pháp và những gì diễn ra ở thuộc địa khác hẳn với những tư tưởng tiến bộ vốn có của người Pháp. Nói cách khác, chính sách thuộc địa mà thực Pháp áp dụng ở Đông Đương lúc đó đã hoàn toàn mâu thuẫn với nền văn minh Pháp, cái nôi của văn hóa châu Âu [10]. Đó cũng là điều mà sau này, chính Nguyễn Ái Quốc đã đặt ra.
Tận mắt chứng kiến sự văn minh hiện đại của xã hội phương Tây, trở về nước, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định từ bỏ cuộc đời làm công chức đang rất hanh thông để trở thành một nhà hoạt động xã hội. Con đường ông lựa chọn bước đầu là trở thành một nhà báo tự do, với hoài bão đổi mới xã hội và canh tân đất nước [18, tr. 40]. Năm đó, Nguyễn Văn Vĩnh mới 24 tuổi.
Bỏ cái “nghề” truyền thống của trí thức Việt Nam cả ngàn năm qua là làm quan hay viên chức để theo đuổi một nghề mới xuất hiện trong xã hội, nghề làm báo độc lập, cho thấy tư tưởng Nguyễn Văn Vĩnh thật sự “mới” và “liều” đối với phần
đông người dân trong nước lúc bấy giờ. Nhưng với ông, đó là con đường duy nhất để thực hiện hoài bão và lý tưởng canh tân cải cách của mình. Quan điểm về sự đổi mới của ông rất rõ ràng: đổi mới không gì bằng học ngay người Pháp, vươn lên bằng người Pháp. Muốn một nước Nam mới, phải xây dựng được một thế hệ người Việt mới với những tư duy mới. Nguyễn Văn Vĩnh tự nhận cho mình vai trò tiên phong là làm một người Nam mới. Bút hiệu Tân Nam Tử (Người Nam mới) được Nguyễn Văn Vĩnh chọn sử dụng ngay sau chuyến Tây du này [18, tr. 41].
Thiên về lý luận và truyền bá tư tưởng suông không phải là cách làm của Nguyễn Văn Vĩnh - một con người của các hoạt động xã hội. Làm một nhà báo, một ông chủ báo đương nhiên đã là một nhà hoạt động xã hội. Nhưng thực tế cho thấy hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh còn rộng hơn rất nhiều. Ngay sau khi về nước, năm 1906, ông tham gia thành lập ĐKNT do Lương Văn Can làm thục trưởng, cùng với người bạn chí cốt là Phạm Duy Tốn “tự đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường và tức thì thảo đơn gửi Phủ Thống Sứ...”; đồng thời trực tiếp tham gia giảng dạy bằng chữ quốc ngữ trong trường [50, tr. 121].
Đối với lĩnh vực dịch thuật của văn học nước nhà, Nguyễn Văn Vĩnh cũng ghi đậm dấu ấn trong giai đoạn sơ khai. Ông là người vận động thành lập Hội dịch sách đầu tiên ở Việt Nam và ngày 26/6/1907, tại Hội Trí Tri Hà Nội, ông đã trực tiếp đọc diễn thuyết tuyên bố thành lập Hội dịch sách với hơn 300 hội viên. Bản thân ông có một số lượng đồ sộ bản dịch với rất nhiều thể loại khác nhau. Có nhiều nhà nghiên cứu qua các thời kỳ ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh vào lĩnh vực dịch thuật. Gần đây nhất, lời giới thiệu của cuốn “Truyện cổ Nhật Bản” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2007 cũng ghi rõ: “Việc giới thiệu truyện Cổ tích Thế giới ở Việt Nam đã được làm cách đây cả trăm năm, một trong những người tiên phong là học giả Nguyễn Văn Vĩnh”.
Trước khi là người sáng lập Hội dịch sách, Nguyễn Văn Vĩnh còn là một trong những thành viên chủ chốt thành lập ra Hội Trí Tri (cũng là trường Trí Tri), giữ chân diễn thuyết và cùng các ông Phạm Duy Tốn, Trần Văn Hùng mỗi người dạy một lớp [18, tr. 42]. Các trí thức đương thời đã ghi nhận Nguyễn Văn Vĩnh là
người chủ xướng hay ít ra cũng là “người lính tiền phong hăng hái” (chữ dùng của nhà văn Vũ Bằng) ở nhiều lĩnh vực: xuất xướng lên phong trào diễn thuyết, phong trào viết báo Nam, báo Pháp; phong trào phổ biến chữ quốc ngữ và truyền bá văn minh Âu Tây; phong trào đem cái hay cái đẹp của văn minh, văn hóa Việt Nam, diễn ra cho người Tây hiểu biết; phong trào mở rộng giúp những người thanh niên đi Tây du học; phong trào Phật giáo; phong trào thể thao... Về hoạt động chính trị, ông là hội viên Hội Đồng thành phố Hà Nội (năm 1908). Từ năm 1913, trong nhiều khóa liên tiếp, ông được tín nhiệm làm hội viên Hội Đồng Tư Vấn Bắc Kỳ (tức Viện Dân Biểu thời đó) đồng thời có chân trong Đại Hội Nghị Kinh Tài Đông Dương (một cơ quan tư vấn tối cao của chính phủ Đông Pháp), nhiều lần lên tiếng bênh vực cho quyền lợi đồng bào trong đó có quyền lợi của mình. Tất cả những hoạt động đó đều hướng vào một mục tiêu duy nhất: mong muốn quốc dân tiến bộ để dần dần, theo từng giai đoạn, giành lấy tự do độc lập, một khi đã “mạnh bằng người Pháp”. Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người Việt Nam duy nhất đã hai lần từ chối huân chương
Bắc đẩu Bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng. Ông đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Châu Trinh. Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh cũng từ chối chức Thượng thư trong triều đình Huế [18].
Là một người thực tế với quan điểm chính trị mềm dẻo, Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương không đuổi Pháp về nước ngay mà đấu tranh đòi hỏi người Pháp phải công bằng thành thực với người Việt Nam; đồng thời ra sức quảng bá văn minh Âu châu và khai trí cho quốc dân tiến bộ. Đó chính là thuyết “trực trị” (đối lập với thuyết “quân chủ lập hiến” của Phạm Quỳnh) mà sau này nhiều người đã phê phán Nguyễn Văn Vĩnh là thân với Pháp, bồi bút cho Pháp, cổ vũ chế độ thực dân. Tuy vậy, hẳn Nguyễn Văn Vĩnh có quan điểm riêng của mình khi cho rằng một khi đã học được người Pháp để mạnh bằng người Pháp, tất yếu sẽ có được tự do độc lập. Chủ trương trực trị của Nguyễn Văn Vĩnh phát sinh từ tinh thần này. Đấy cũng là lý do ông ra mặt chống chính phủ Nam triều và cực lực phản đối chủ trương lập hiến bảo hoàng của Phạm Quỳnh. Nguyễn Văn Vĩnh đã viết hàng trăm bài báo về vấn đề này trên các tờ báo của mình. Viết bằng tiếng Việt để đấu tranh chưa đủ, ông thấy
còn phải viết bằng tiếng Pháp để người Pháp nói riêng và thế giới nói chung hiểu được chủ trương trực trị của ông. Vậy nên năm 1931, ông đã lập nên tờ Annam Nouveau (An Nam mới), tờ báo tiếng Pháp đầu tiên ở Đông Dương do một người Việt làm chủ.
Từ những hoạt động này, có thể nói lý thuyết “trực trị” với mong muốn đưa chế độ thuộc địa có phần tiến bộ hơn ở Nam kỳ vào thay thế chính sách bảo hộ hà khắc ở Bắc và Trung kỳ, loại bỏ ảnh hưởng của Nam triều (ngược hoàn toàn với lý thuyết “bảo hộ” mà Phạm Quỳnh chủ trương bảo vệ chính phủ phong kiến Nam triều) của Nguyễn Văn Vĩnh là sự đẩy lên một cách quá mức và có phần ngây thơ những tư tưởng duy tân, tư tưởng Phan Châu Trinh, của một nhà báo muốn cải cách xã hội, một dịch giả nhiệt thành muốn làm cầu nối cho hai nền văn chương Pháp - Việt, hay nền văn hóa Đông – Tây. Đó cũng là bi kịch của cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh, cuộc đời của một nhà hoạt động và luôn dấn thân với quá nhiều tư tưởng đi trước thời đại, nói đúng hơn là đi trước xã hội đương đại – xã hội An Nam ông đang sống, dưới sự kìm kẹp của thực dân Pháp và sự hủ lậu của chính quyền Nam triều – mà thiếu hẳn một chủ nghĩa đúng đắn soi đường. Vì dấn thân với tư tưởng dám nghĩ dám làm, ông trở thành một nhà buôn dù không hề được trang bị những kiến thức về thương mại. Có điều, Nguyễn Văn Vĩnh đi vào thương mại không phải chỉ để làm giàu cho bản thân, cho đất nước, phá vỡ những quan niệm Nho giáo và tiểu nông cổ truyền chật hẹp, mà còn để bảo vệ được sự độc lập của nghề báo, nhất là độc lập về chính trị.
Làm thương mại mà không có kiến thức về thương mại, lại bị chính quyền o ép đủ điều, đương nhiên Nguyễn Văn Vĩnh không tránh khỏi thất bại. Năm 1932, tòa án Hà Nội đưa trát đòi tịch biên gia sản của Nguyễn Văn Vĩnh vì ông thiếu nợ. Không nản trí, ông tiếp tục vay tiền nhà băng để kinh doanh, dựng tòa soạn báo
L’Annam nouveau, mở nhà xuất bản mới (thư viện Âu Tây tư tưởng) [61].
Đầu năm 1936, khi việc làm ăn của ông lại rơi vào thua lỗ, chính quyền Đông Dương vừa tìm cách lôi kéo Nguyễn Văn Vĩnh vừa ép buộc ông hoặc hợp tác, hoặc phải từ bỏ tờ L’Annam Nouveau [7, tr. 261-262]. Nguyễn Văn Vĩnh khước từ
cả hai ép buộc đó. Để có tiền cứu tờ báo (và cứu cả mình), ông lặn lội qua Lào tìm vàng, một nghề ông chưa hề được chuẩn bị và đầy hiểm nguy. Vậy nên sau khi chỉ gửi về được một vài bài phóng sự, ông đã nhiễm bệnh và qua đời trên một chiếc thuyền độc mộc bên dòng sông Sêpôn (Tchépone, Lào) ngày 2-5-1936, với một chiếc quản bút trong tay và một bản thảo dang dở của thiên ký sự bằng Pháp văn (đã đăng tải được vài kỳ trên báo L’Annam Nouveau): "Một tháng với những người tìm vàng" (Un mois avec des chercheurs d’or).
Nhà văn Vũ Bằng đã viết về sự kiện này:
“... cái tang đó không phải là cái tang riêng của gia đình họ Nguyễn hay là của ĐDTC, Trung Bắc tân văn, Annam Nouveau, nhưng là cái tang chung cho các giới quốc dân. Linh cữu đưa về Hà Nội. Cuộc hội họp của các nhà báo bàn định về tang lễ. Việc túc trực bên linh cữu tại hội quán Tam Điểm ở gần ga Hàng Cỏ. Hai vạn người đi đưa đám. Điếu văn. Câu đối. Truy điệu. Còn nhớ ngày đó cái cảm tình của làng văn, làng báo ba kỳ đối với Nguyễn Văn Vĩnh thật là đôn hậu, sự thương tiếc của quốc dân thật là chan chứa; già có trẻ có, không quản đường xa trời nắng thành tâm đưa Nguyễn Văn Vĩnh về nơi an nghỉ cuối cùng. Thật là một cái đám tang lớn, giản dị mà trọng thể, ít thấy trên đất Đông Dương vậy” [8].
Chỉ có nhà cầm quyền Pháp và chính phủ phong kiến Nam triều là thở phào nhẹ nhõm vì đã “nhổ” được một cái “gai” trong mắt.