Thói ham mê cờ bạc

Một phần của tài liệu Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh với việc phê phán thói hư tật xấu trên báo chí (Trang 62)

Cờ bạc có từ xa xưa trong lịch sử loài người và có lẽ không nước nào không có nạn cờ bạc. Và Việt Nam cũng là một trong những nước đau đầu về tệ nạn này.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cờ và bạc được hiểu là hai trò chơi khác nhau. Cờ khởi đầu là một trò chơi mang tính trí tuệ và được tổ chức tranh tài cùng với những môn thể thao như cờ vua, cờ tướng, cờ cá ngựa... Nhưng dần dà nó gắn

với những trận ăn thua đi liền với tiền bạc nên dân gian gọi là cờ bạc. Cờ bạc chỉ những trò chơi ăn tiền.

Khi đó, nó không đơn thuần là những trò chơi mang tính giải trí nữa. Khi đã ham mê cờ bạc rồi, người ta dễ làm những điều sai trái và gây ra những hậu quả đau lòng. Phản ánh về nạn cờ bạc là một đề tài không mới trong các sáng tác của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông đã đề cập tới chuyện này rất nhiều lần vì “trong các tật của An nam, thì còn tật nào là tật chung hơn tật đánh bạc nữa. Và nói đi nói lại hàng nghìn lần cũng không bao giờ hết được nhời. Nhất là ngày nay, bệnh cờ bạc truyền nhiễm trong khắp các bậc người ta, thì lại càng nên đả động lắm” [29, số 29].

Có lẽ nạn cờ bạc ở Hà Nội vào thời đó rất trầm trọng vì có rất nhiều bản tin về cờ bạc đã được đăng trên ĐCTB. Theo thông tin trong một số bản tin đó, bài tây trở thành một tệ nạn xâm nhập vào mọi ngóc ngách đời sống, với những hình thức rất tinh vi, ngay cả các quan cũng không có cách nào dẹp yên được.

Trong một bản tin đăng trên ĐCTB, Nguyễn Văn Vĩnh viết:

“Bài-tây – Ở các phố Hà-nội có một bọn, tuy hại nhỏ nhưng cũng là hại, là những đám bài-tây. Đầu ngã ba ngã bẩy, nhất là những đường có nhiều người nhà- quê ra kẻ chợ, cách một quãng lại có một đám, độ 6, 7 đứa vừa đàn ông, vừa đàn bà, hàng họ chỉ có một cái khăn mặt với 3 quân bài-tây, mà người nhà-quê ra mất khăn mất áo, đàn bà có người nhỡ một phút có ngứa mắt, phải đến bỏ chồng, bỏ con vào ở thổ. Những người ấy dại, kể thế thì cũng đáng kiếp lắm. Ai bảo tham? Thế nhưng mà có đứng nhìn những quân ấy nó gạn gùng, thì mới hiểu rằng những đàn bà nhà-quê dại giột (dột), mà nhiều người tử tế cũng mắc”.

Trên ĐDTC số 29, năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có bài viết rất dài về tệ này. Trong bài viết ông khẳng định, tật ham mê cờ bạc là phổ biến nhất trong muôn vàn cái tật của dân ta, ảnh hưởng tới nhiều người, từ thành thị đến thôn quê, miền xuôi, miền ngược, từ các quan cấp tỉnh huyện đến tổng lý, các thầy tham phán, kỷ lục, thừa phái, từ các phú gia đến các bậc trung lưu, đến cả người còn túng thiếu… Ông chia cờ bạc ra làm 3 loại: “Trên thì các quan lớn, ông nào nhã nhặn thì tài-bàn vô-hạn, hoặc tổ tôm góp trăm ù xuống lấy hai chục, lèo vát, thập hông bội

tam, bạch định hội tứ. Thứ hai là đám cờ bạc xoàng, trung đẳng đỏ-bác, là các ông thông ký, ăn cào ăn cấu của nhau. Mỗi người đặt độ răm bảy đồng đi rậy-hóa, được ra độ một vài chục, mà thua thì chịu lẫn nhau. Lúc sắp tàn canh, người được thì găm, người thua thì chịu, tài bàn đặt miệng, tổ-tôm úp chén… Thứ ba là hạng mạt- đẳng đổ - báo, những đồ láu-cá, cờ bạc kiếm ăn, đầu rắn dắt lưng, hòn son kẹp đít, cô chí được người…” [29, số 29].

Nguyễn Văn Vĩnh phân tích, bản chất thực chất của cờ bạc chẳng qua là việc làm đủ mọi cách để làm sao tiền bạc ở lưng người này, vào lưng người kia mà thôi. Mà muốn như thế, thì chỉ có gian lận mới có thể thắng bạc, nên nhiều khi “không chú tâm gian mà hóa ra gian”.

Ông cho rằng, nguyên nhân chính của thói ham mê cờ bạc là lòng tham. Bỏ ra 1 đồng có thể được 7 đồng, mà không nặng nhọc gì, không phải tốn thời gian, không phải đợi lâu như nuôi một lứa lợn hay trồng một vụ rau hoặc đóng một cái tủ gỗ. Chính lòng tham chính là “thức ăn” nuôi tệ nạn này ngày càng phát triển: “Từ bậc thượng lưu, trung lưu đến người hạ đẳng, giàu nghèo đều giống nhau, có khác chăng là ở bề ngoài ăn nói, ở cách che dấu (giấu) lòng tham” [29, số 29].

Trong xã hội, nạn cờ bạc đã làm tan nát nhiều gia đình: Cha mẹ phải ly hôn, con cái bơ vơ, lang thang trộm cắp, cướp giật, hư hỏng, anh em ruột thịt ngồi với nhau trong đám bạc cũng chỉ cố bóc lột nhau… Trong bài viết của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã chỉ ra cái hại to lớn của việc đánh cờ bạc rất chi tiết và sinh động đối với từng đối tượng khác nhau: “Quan phụ mẫu trị dân thì quên mất dân đang mong chờ quan dạy dỗ bảo vệ mà chỉ nhớ đến việc đục khoét dân để có tiền đánh bạc. Người có tài cao học rộng mà đã ham mê cờ bạc thì tài cao cũng bằng thừa, vùi đầu vào đánh bạc rồi thì còn đâu thì giờ mà nghĩ đến việc, mà thi thố tài năng. Cái hại thứ hai là sinh ra một nghề chỉ làm hại xã hội, đó là nghề gá bạc lấy hồ, sống bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho tệ cờ bạc ngày càng mở rộng khắp nơi, khắp chốn”.

Nguyễn Văn Vĩnh đánh giá, cờ bạc không chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân, một gia đình mà còn ảnh hưởng tới sự phồn thịnh của cả một quốc gia, vì “trên ra

gương xấu, thì dưới cũng theo, đua nhau lây quân bài, bỏ buôn bỏ bán, bỏ làm bỏ ăn, quanh năm chí tối, chỉ hết đến đám này, lại đến đám nọ, tỉnh này không có thì phải chạy đi tỉnh kia, chăm cờ bạc hơn chăm công việc làm ăn. Được thì cho làm của giời (trời), tiêu hoang xài phí, thua thì căn rốn lộn ruột, sinh ra lừa đảo gian dối, quá thua mới lại sinh ra tạ dĩ vì nghĩa mà đi trốn nợ ra ngoài, vào bọn với những đồ gây loạn” [29, số 29].

Phòng bệnh bao giờ cũng tốt và dễ hơn chữa bệnh. Muốn khỏi sa vào tệ nạn cờ bạc thì phải tránh xa nó. Nhận thấy sự cần thiết phải loại trừ tệ nạn này ra khỏi cuộc sống, Nguyễn Văn Vĩnh đã hô hào mọi người cùng bảo nhau bỏ thói đánh bạc, cần tố cáo để nhà nước nghiêm trị cả người đánh bạc lẫn “tụi gá bạc đổ hồ”.

Một phần của tài liệu Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh với việc phê phán thói hư tật xấu trên báo chí (Trang 62)