Nhân vật mang tính chất huyền ảo:

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn từ góc độ loại hình thể loại (qua việc khảo sát một số tác phẩm những năm gần đây (Trang 84)

6. KẾT CẤU LUẬN VĂN

3.1.2.2.Nhân vật mang tính chất huyền ảo:

Tức là những nhân vật khác với con người với quan niệm: “bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Ở những nhân vật này có nhiều yếu tố hoang đường và mang ý nghĩa biểu tượng cao.

Qua khảo sát chúng tôi thấy: trong các tác phẩm Bão táp triều Trần

Sông Côn mùa lũ không có loại nhân vật này. Trong Hồ Quý Ly xuất hiện rất

ít (đó là nhân vật con ma Ngọc Lan mà Hồ Nguyên Trừng hay gặp trong thời thơ ấu). Loại nhân vật này chủ yếu tập trung trong Mẫu thượng ngàn, và đặc biệt là Giàn thiêu.

Trong tác phẩm Mẫu thượng ngàn, nhân vật thuộc loại này là nhân vật ông Đùng bà Đà. Hai ông bà chỉ là những nhân vật trong truyền thuyết nhưng người dân làng Cổ Đình vẫn coi đây là những nhân vật có thật, là tổ tiên của họ và được nhớ đến hơn cả Thành hoàng làng. Nhân vật ông Đùng bà Đà được hiện thực hóa ở cấp độ hành động của tác phẩm (tức là trở thành nhân vật của câu chuyện) thông qua cặp hình nhân trong lễ hội Cổ Đình: “ Trước mắt cô, hiện ra hình ảnh người đàn bà vui thích đến mức chấn động. Toàn thân rung rinh; mồm há to và con mắt đảo đi đảo lại. Nhưng sau đó thì sao? Người đàn bà khổng lồ kia bỗng chìm trong khói lửa. Đến lúc ấy đôi con mắt trợn tròn, cái mồm bà há hốc…” [55,tr.760]. Đọc đoạn văn trên ai bảo là đang miêu tả một hình nhân vô hồn. Đó chỉ có thể là miêu tả một con người vì hình nhân ấy đã được thổi linh hồn. Nhân vật ông Đùng bà Đà tiêu biểu cho khát vọng về tình yêu, về sự sinh sôi nảy nở của con người.

Trong Giàn thiêu chúng ta có thể kể tên các nhân vật mang tính chất huyền ảo là: Dã nhân, chàng cá Bơn, hồn Từ Đạo Hạnh trước lúc đầu thai và hồn Đại điên. Võ Thị Hảo xây dựng các nhân vật mang nhiều dấu vết của loài vật như Dã nhân (đúng là một con đười ươi thật nhưng gắn tính chất của một người mẹ) và chàng cá Bơn (là người nhưng bị biến đổi gần giống như cá) với mục đích gì? Trên con đường tu luyện phép thuật, Từ Lộ được Dã nhân cứu bằng sữa của mình. Và dã nhân đã nuôi chàng như một người mẹ nuôi con trong vòng sáu năm để chàng tu luyện thành tài. Đến khi Từ Lộ tinh thông

phép thuật cũng là lúc Dã nhân bị chết do ăn phải quả độc do Từ luyện thành. Quả độc ấy như chính lòng hận thù của Từ Lộ, và một cách gián tiếp Từ đã giết chết Dã nhân, ân nhân của mình, người mẹ của mình bằng lòng hận thù. Sau này, khi sống ở kiếp vua Thần Tông, Từ vẫn luôn nhớ tới mùi sữa mà Dã nhân đã cho mình uống và chỉ có uống sữa của người mẹ thì Thần Tông mới khỏi cơn khát. Còn chàng cá Bơn là người đã cứu Nhuệ Anh khi cô gieo mình xuống thác Oán. Có thể nói, chàng cá Bơn đã sinh ra Nhuệ Anh – sư bà chùa Trầm. Sau này chàng đã đi tìm Nhuệ Anh khắp nơi, và chỉ được gặp nàng khi cái chết đến.

Dã nhân đã nuốt quả độc là lòng hận thù của Từ Lộ, để xóa đi căn nguyên trong bi kịch cuộc đời chàng. Nhưng sự hi sinh của Dã nhân đã vô ích, chàng vẫn đi theo con đường của mình. Giá như việc Dã nhân nuốt quả độc có thể hóa giải được thù hận trong lòng Từ Lộ thì số phận của Từ đã khác, đã bớt đi một bi kịch. Còn Nhuệ Anh, nàng từ bỏ chàng cá Bơn để quay về với cuộc sống con người, để dõi theo bước chân của Từ Lộ và nàng đã bị đọa đày. Cuối cùng nàng mới nhận ra rằng: “Đây rồi người đàn ông suốt đời không phản bội nàng. Người đàn ông suốt đời bị cầm tù trong thân phận cá. Nhưng cái chết đã đưa chàng vượt khỏi bến bờ của những dòng sông hẹp.” [51,tr.498] Những trang viết về cái chết của chàng cá Bơn là những trang văn gây xúc động lòng người.

Dã nhân và chàng cá Bơn như là những lựa chọn có thể trong số phận của Từ Lộ và Nhuệ Anh. Những lựa chọn sẽ đưa họ đến một thế giới từ thời hồng hoang: không lừa lọc, không hận thù, không dục vọng. Thế nhưng cả hai đã không chọn.

Còn hai nhân vật hồn sư Từ Đạo Hạnh và hồn Đại Điên chỉ xuất hiện rất ngắn ngủi trong ba trang văn bản (từ trang 455 đến 458). Nhân vật hồn Từ

Đạo Hạnh như là phái sinh của nhân vật này từ thời điểm Từ Đạo Hạnh thoát xác đến trước khi đầu thai thành Dương Hoán. Thường khi con người được thoát khỏi thân xác để nhìn tất cả từ trên cao, người ta sẽ ngộ được nhiều điều. Nhưng khi là hồn, dục vọng trong con người Từ Lộ vẫn không mất đi: “Và một mối ghen tức khủng khiếp đối với Sùng hầu khiến hồn của Từ run lên từng đợt, những muốn xé tan ông ta ra để nhào tới, giành giật lấy tấm thân của Sùng hầu phu nhân.” [51,tr.456]

Có thể nói, việc xây dựng những nhân vật mang tính chất huyền ảo thể hiện một sự tìm tòi trong nghệ thuật hư cấu của các tác giả TTLS, thể hiện một phần xu hướng huyền thoại hóa trong TTLS Việt Nam những năm gần đây. Đó là một cố gắng trong việc cách tân nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật để gần hơn với tiểu thuyết Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn từ góc độ loại hình thể loại (qua việc khảo sát một số tác phẩm những năm gần đây (Trang 84)