Giọng điệu mang tính nhân đạo sâu sắc:

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn từ góc độ loại hình thể loại (qua việc khảo sát một số tác phẩm những năm gần đây (Trang 54)

6. KẾT CẤU LUẬN VĂN

2.2.3. Giọng điệu mang tính nhân đạo sâu sắc:

Khác với Bão táp triều Trần, Sông Côn mùa lũ hay Hồ Quý Ly hai cuốn tiểu thuyết Giàn thiêu Mẫu thượng ngàn lại không đặt lịch sử làm vấn đề trung tâm của tác phẩm, mà hướng trọng tâm vào vấn đề số phận của những con người cá nhân, khát vọng tự do và tình yêu của con người hay vấn đề sức mạnh của văn hóa dân tộc trong bối cảnh lịch sử.

Trong bối cảnh lịch sử mà các tác phẩm văn học cách mạng thường gọị là “đêm trường nô lệ” hay “thời kì đau thương” thì số phận của con người thật mong manh và đau khổ. Nguyễn Xuân Khánh cũng viết về số phận người dân, đặc biệt là người phụ nữ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam với cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Nhưng khác với các nhà văn cách mạng, tác giả của Mẫu thượng ngàn tập trung khai thác sức mạnh trường tồn từ trong gốc rễ văn hóa của nhân dân. Cũng viết về những cuộc đời éo le, oan trái của người phụ nữ nhưng giọng điệu của tác giả không phải là “giọng ngùn ngụt lửa căm hờn” đối với kẻ thù, mà giọng cảm thương đi vào chiều sâu, lắng đọng và vô cùng da diết. Tác phẩm mang nhiều ảnh hưởng của văn hóa phồn thực. Trong khi chưa đủ sức đứng lên tiêu diệt kẻ thù thì người dân Việt chống chọi lại với kẻ thù bằng văn hóa dân tộc. Họ tìm về với cội nguồn văn hóa như tìm về với người mẹ của mình để được chở che, để được làm lành những vết thương. Và chính văn hóa dân tộc là thứ khiến kẻ thù sợ hãi nhất. Tư tưởng nhân đạo của tác giả chính là ở đó. Mặc dù, giọng điệu mang tính nhân đạo không thể hiện một cách dồn dập nhưng nó ẩn hiện và vẫn là chủ âm trong tác phẩm này. Có những lúc sự cảm thương cho số phận con người của tác giả được gửi gắm trực tiếp qua giọng kể của NKC: “Có ai đã nhìn thấy một đám ma trên cánh đồng chiêm vào mùa mưa tầm tã

chưa? Có ai đã trông thấy một đoàn thuyền thúng chở đầy ắp những người khăn trắng như cò, nối đuôi nhau trên những cánh đồng mênh mông trắng xóa chưa? Có ai đã mục kích những con người sống ngâm da chết ngâm xương, khóc than rầu rĩ, tiễn đưa nhau đến chỗ thiên thu cách biệt chưa?” [55, tr.19]. Dường như tác giả đã hóa thân thành NKC để kêu lên những tiếng than thương xót đó.

Cũng nói về số phận của những cá nhân, nhưng Võ Thị Hảo không đặt nhân vật trong bối cảnh lịch sử tang thương mà đặt trong bối cảnh một thời hòa bình. Con người không bị đày đọa bởi kẻ thù mà bị đày đọa bởi chính những cuồng vọng của mình. Lòng hận thù, giấc mơ quyền lực đã đẩy con người vào hết bi kịch này đến bi kịch khác. Đó là một chàng Từ Lộ dù đã trải hai kiếp vẫn chưa trả hết nợ. Lòng hận thù và những dục vọng cường quyền của chàng đã không những tạo nên bi kịch cho chàng mà còn khiến cho những người yêu thương chàng cũng bị đày đọa (Nhuệ Anh, Ngạn La). Giọng điệu mang tính nhân đạo được ẩn dưới những câu văn dữ dội, bỏng rát: “ Dưới ánh mặt trời gay gắt, chen giữa màu đỏ những chiếc áo chết của các cung nữ, màu đỏ của hình tam giác vẽ bằng máu uyên ương trên trán họ, màu đỏ của những súc gỗ làm sạn đạo, cái màu đen sẫm như cánh quạ của những chiếc áo choàng đao phủ gợi những bữa tiệc máu âm phủ…”[51,tr.35]. Ẩn đằng sau những câu văn chói nhức ấy, người đọc cảm nhận được lòng xót thương cho thân phận của những cung nữ bị chết thiêu. Có những lúc, lời tác giả, lời NKC, lời nhân vật hòa vào nhau khi nỗi đau lên đến tột cùng: “Đọa xứ! Bến Đá sông Gâm. Bè nứa và chiếc nón lá của người tỳ kheo. Cơn giông sầm đổ. Rồi trời quanh tạnh và hoa gạo như những bụm máu qua vai một người con trai. Thác Oán. Túp lều lau sậy le lói bếp lửa. Người đàn ông Cá Bơn..Ta những tưởng dứt bỏ lòng trần, đường tu trọn kiếp. Nào ngờ…” [51,tr.284].

Hầu hết các câu trong đoạn văn trên đều là câu đặc biệt. Đoạn văn như một đoạn phim hồi tưởng. Mỗi câu văn là một hình ảnh cận cảnh và ghép lại thành đoạn phim cuộc đời sư bà chùa Trầm (Nhuệ Anh). Nỗi đau đớn của Nhuệ Anh khi gặp lại Từ Lộ trong hình hài vua Thần Tông với cuộc sống dục vọng vô độ dường như không lời tả được. Và đoạn văn trên không rõ đâu là giọng NKC, đâu là giọng nhân vật. NKC đã giấu mình sau nhân vật để cảm nhận trực tiếp nỗi đau khổ của nhân vật. Chúng ta thấy đâu đó trong những câu văn cũng có cả nỗi đau của một người phụ nữ có thực thương xót cho những người phụ nữ (những nhân vật của mình).

Tính chất nhân đạo sâu sắc là đặc trưng trong giọng điệu xét trên cấp

độ ngoài văn bản của hai tác phẩm này. Cảm hứng nhân đạo là cảm hứng

truyền thống nhưng không bao giờ cũ của văn học nhân loại. Xét cho cùng văn học là vì con người. Nguyễn Xuân Khanh và Võ Thị Hảo đã tiếp cận lịch sử từ khía cạnh đó. Và cảm hứng nhân đạo (sự thương xót, yêu thương với những số phận con người) tạo nên giọng điệu chủ yếu của hai tác phẩm này.

Tuy nhiên, nếu xét trên cấp độ thuộc văn bản, thì giọng điệu trong Mẫu

thượng ngàn Giàn thiêu còn có một đặc tính khác, đó là tính huyền ảo mê

hoặc. Dường như thuộc tính này là phương tiện để cho hai tác giả làm mới giọng điệu nhân đạo truyền thống. Võ Thị Hảo và Nguyễn Xuân Khánh đã sử dụng rất nhiều chất liệu dã sử, truyền thuyết dân gian và những chi tiết phi hiện thực để khiến tác phẩm của mình mang màu sắc huyền ảo mê hoặc người đọc. Về vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập cụ thể hơn trong phần sau của luận văn.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn từ góc độ loại hình thể loại (qua việc khảo sát một số tác phẩm những năm gần đây (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)