0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

Kiểu nhân vật số phận – tính cách:

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LOẠI HÌNH THỂ LOẠI (QUA VIỆC KHẢO SÁT MỘT SỐ TÁC PHẨM NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY (Trang 76 -76 )

6. KẾT CẤU LUẬN VĂN

3.1.1.2. Kiểu nhân vật số phận – tính cách:

Tiêu biểu là hai nhân vật Từ Lộ - Từ Đạo Hạnh và Thần Tông Dương Hoán trong Giàn thiêu. Mặc dù, nói là hai nhưng thực chất chỉ là một nhân vật, với tính cách thống nhất qua hai kiếp người. Và một nhân vật khác, Nguyên Phi Ỷ Lan.

Đối với Võ Thị Hảo, lịch sử không phải là mục đích mà chỉ là “chất liệu để phản chiếu con người ở tầm phổ quát” [30]. Vì thế nhân vật trong

Giàn thiêu không được nhìn nhận ở khía cạnh lịch sử, ở vai trò lịch sử mà ở

khía cạnh là một số phận cá nhân với tính cách rất con người.

Võ Thị Hảo đã sử dụng những tư liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư

Thiền Uyển tập anh về nhân vật Từ Đạo Hạnh và Thần Tông để xây dựng nên

hình tượng nhân vật của mình.

Về mặt tiểu sử và sự phát triển các sự kiện chính trong cuộc đời, nhân vật của Võ Thị Hảo không khác mấy so với trong các sử sách. Từ Lộ là công tử con nhà quan, đàn hay sáo giỏi, thông minh lanh lợi nhưng vì mối thù của cha nên phải dứt bỏ mối tình thơ mộng với tiểu thư Nhuệ Anh để tìm đường tu luyện phép thuật trở về trả thù cho cha. Sau khi phải nếm mật nằm gai, Từ Lộ cũng tu được phép thuật. Chàng trở về giết Đại Điên trả thù cho cha. Sau khi định tự tử theo Nhuệ Anh không thành, Từ Lộ lên núi Phật Tích và trở thành đại sư Từ Đạo Hạnh. Sau đó, Từ Đạo Hạnh đầu thai thành Dương Hoán con của Sùng Hiền hầu và trở thành vua Thần Tông.

Tuy nhiên, để Từ Lộ/Từ Đạo Hạnh – Thần Tông trở thành một nhân vật trải qua hai kiếp với số phận và tính cách vô cùng hấp dẫn thì Võ Thị Hảo đã mất rất nhiều tâm sức. Số phận và tính cách của nhân vật được lấp đầy vào những “điểm trắng” của nhân vật trong sử sách. Từ Lộ/Từ Đạo Hạnh – Thần Tông trong sử sách như bộ xương khô cần tác giả đắp thêm da thịt, thổi linh hồn vào. Và thực sự Võ Thị Hảo đã rất thành công. Trong kiếp thứ nhất của

cuộc đời mình, Từ Lộ đã sống cho lòng hận thù. Chàng bị lòng hận thù che khuất không còn nhận ra được điều thực sự ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng lạ là khi trả được thù nhà rồi, Từ Lộ bỗng cảm thấy lòng trống rỗng: “Thù cha mẹ đã trả xong. Từ chợt nhận ra cuộc đời chàng hoàn toàn trống rỗng.” [51,tr.389]. Trước sự đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng của Đại Điên, từ cảm thấy cái giá mà mình phải trả cho kết cục này thật không đáng: “Từ Lộ bước qua xác Đại Điên, không khỏi thoáng một chút ghen tị.” [51,tr.387]. Phải chăng Từ Lộ ghen tị vì Đại Điên đã được nếm đủ hương vị của cuộc đời, trong khi vì mục đích trả thù mà Từ chưa thật sự sống cho bản thân như một con người. Vì vậy, khi đã trả thù xong chàng lại cảm thấy tiếc cuộc đời. Chính ham muốn được sống lại cuộc đời ấy đã khiến Từ Lộ không thể nhảy xuống dòng Thác Oán để theo Nhuệ Anh. Việc Từ Lộ nhìn thấy hình bóng Nhuệ Anh trong cô gái hái măng đã khơi dậy dục vọng trong Từ. Và Từ đã quyết định trở lại để sống nốt cuộc đời của mình. Nhưng những gì đã qua không thể lấy lại được. Từ giờ đây không thể sống cuộc đời của chàng công tử Từ Lộ trong đêm nguyên tiêu đứng chờ người yêu được nữa. Từ chỉ có thể sống cuộc đời tu hành của một đại sư. Và chàng Từ Lộ trở thành đại sư Từ Đạo Hạnh. Từ Lộ đạt đến tột cùng quyền lực trong vai trò là một đại sư. Ông có hàng trăm chúng sinh nhất nhất nghe lời. Nhưng từ thâm tâm, một sự thèm khát cuộc sống trần tục mà mình mới được nhấm nháp một chút trên dòng thác Oán luôn dày vò con người đại sư: “Ta có thật lòng tin rằng có Niết Bàn? Dường như càng đi đường đến Niết Bàn càng xa. Ta nay đã ngoài tứ thập. “Tứ thập nhi bất hoặc”. Vậy mà đôi lần ngẫm thân phận mình, trong lòng sao bỗng xa xót như chưa kịp sống, chưa được sinh ra trên cõi đời này” [51,tr.427]. Những cảnh của cuộc sống đời thường như cánh đồng lúa, cảnh xóm làng ẩn hiện luôn khiến Từ xao động. Ông cảm thấy ghen tị với niềm tin

đơn giản và quá dễ dàng của đám chúng sinh. Bởi ông là kẻ “hay xét đoán và nghi hoặc” nên có lẽ Đức Phật không chìa tay đón. Ông thấy có lỗi khi thuyết giảng chúng sinh phải diệt dục trong khi ông “bao đêm ta từng nghiến chặt răng trên giường đá của tăng viện, cắn nát cả một bên tay để diệt ngọn lửa dục…” [51,tr.429]. Kể về những day dứt của nhân vật, tác giả sử dụng rất nhiều độc thoại nội tâm. Đây là đoạn văn bản có nhiều độc thoại nội tâm nhất trong tác phẩm.

Cuộc đời của đại sư Từ Đạo Hạnh dù có quyền lực nhưng cuộc sống tu hành khổ hạnh không cho phép Từ thỏa mãn khao khát được sống lại cuộc đời đã không được sống. Và dục vọng về vinh hoa phú quý là lý do mà Từ Đạo Hạnh đầu thai thành Thần Tông – Dương Hoán. Trong việc giải thích nguyên nhân của sự đầu thai này, Võ Thị Hảo đã có kiến giải rất hay và mới mẻ. Sách

Thiền Uyển tập anh kể: Vua Nhân Tông lúc bấy giờ đã già mà không có con,

nghe nói vùng bờ biển Sa Đinh có một đứa trẻ con linh dị, mới lên ba tuổi mà nói năng biện giải như người lớn, xưng là con đích của vua, tự đặt hiệu là Giác Hoàng (tương truyền chính là Đại Điên). Vua đem lòng yêu mến và có ý định lập làm hoàng thái tử. Vua cho mở hội lớn bẩy ngày đêm để làm phép thác thai. Từ Đạo Hạnh nghe chuyện nghĩ: Đứa bé này dùng phép yêu dị để mê hoặc mọi người, làm loạn chính pháp. Sư Đạo Hạnh làm bùa chú khiến Giác Hoàng không thác thai được. Sư bị vua khép tội, nhưng được Sùng Hiền hầu xin vua cứu mạng và xin cho thác sinh. Sư đã đầu thai làm con Sùng Hiền hầu để trả ơn và để “tạm giữ ngôi vua” .

Như vậy theo Thiền Uyển tập anh thì lý do Từ đầu thai thành Thần Tông là vì muốn trả ơn Sùng Hiền Hầu cứu mình và tạm giữ ngôi vua. Còn Võ Thị Hảo lại cho rằng dục vọng mới là nguyên nhân. Trong sách, Giác Hoàng (Đại Điên) là người có ý định chiếm ngôi vua trước, và để giữ không

cho ngôi vua rơi vào tay Giác Hoàng, Từ Đạo Hạnh mới làm bùa chú phá Giác Hoàng và sau đó mới quyết định đầu thai. Võ Thị Hảo lại lật ngược trật tự này. Tác giả giải thích: Từ vì muốn có được quyền lực và vinh hoa của kẻ đứng đầu thiên hạ nên khi Sùng Hiền hầu đến cầu tự, ông đã quyết định và lên kế hoạch đầu thai làm vua. Trong khi chờ thực hiện kế hoạch này, thì Từ vẫn thuyết giảng cho chúng sinh như một đại sư. Chỉ khi Từ thoát xác biến thành một linh hồn, nhập vào bụng của Sùng phu nhân thì lúc đó hồn Từ mới biết Đại Điên cũng có ý định giống mình và đã ở sẵn trong bụng của Sùng phu nhân. Hồn Từ đuổi hồn Đại Điên đi và thác thai thành Dương Hoán. Như vậy, Từ đầu thai thành vua hoàn toàn do dục vọng cá của bản thân chứ không vì bất một tác động bên ngoài nào. Lúc đó Từ đã trở thành con người như chính kẻ thù của mình.

Và sang kiếp thứ hai, Từ Lộ - Thần Tông sống sa đọa trong vinh hoa phú quý và dục vọng như để trả nợ cho kiếp trước. Trong con người ông vua trẻ này luôn có một Từ Lộ/Từ Đạo Hạnh khát khao dục vọng. Dục vọng đã biến Thần Tông thành ông vua hổ. Nhưng khi được đại sư Minh Không chữa khỏi bệnh thì cũng vì dục vọng mà Từ dù đã định siêu thoát nhưng hồn Từ lại không từ bỏ được thân xác của ông vua: “ Đại sư bỏ tay ra, nhìn lên, thấy luồng khí xanh mang hình người đàn ông cầm tích trượng lúc nãy đã lại nhập rất nhanh vào thân xác đức vua.” [51,tr.473] Đại sư Minh Không than rằng: “Ta chỉ chữa được bệnh, chứ không cắt được căn.” [51,tr.473]

Quả thật cuộc đời Từ Lộ - Thần Tông đã bị cương tỏa của dục vọng. Ở kiếp đầu, chàng Từ Lộ đã bỏ phí cả cuộc đời để theo đuổi dục vọng thù hận. Ở kiếp thứ hai, ông vua Thần Tông hối hả sống trong dục vọng quyền lực và nhục vọng để trả nợ cho bản thân ở kiếp trước. Nhưng Thần Tông càng sống gấp thì cái nợ của kiếp trước càng lớn hơn và cuối cùng ông đã chết trong dục

vọng mãi mãi không được thỏa mãn. Thân xác của đại sư vẫn không hư nát có nghĩa ông vẫn chưa siêu thoát, vẫn ở trong bể trầm luân của dục vọng, cái dục vọng mà Từ đã dùng cả hai kiếp của mình theo đuổi mà chưa thỏa mãn.

Từ Lộ/Từ Đạo Hạnh – Thần Tông thực sự là một nhân vật của tiểu thuyết với số phận và tính cách đạt tới tầm “Con Người ở nghĩa phổ quát”

Bên cạnh nhân vật chính là Từ Lộ - Thần Tông, Nguyên phi Ỷ Lan cũng là một nhân vật lịch sử được dựng lại hấp dẫn. Nguyên phi Ỷ Lan trong chính sử đã được “lộn trái”. Trái với hình ảnh một bà Nguyên phi nhân hậu, hiền lành, sùng đạo Phật vẫn tồn tại trong tâm thức người Việt, Võ Thị Hảo dựa vào một câu trong Đại Việt sử ký toàn thư: “ Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không dự chính sự, mới kể với vua rằng: “Mẹ già này khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, toan để mẹ già này vào đâu?”” [35,tr.301]) để xây dựng một bà Linh Nhân hoàng thái hậu quyền bính, và là nguồn gốc của tục lệ dã man thiêu phi tần, cung nữ theo vua khi vua chết. Bà đã bức tử Dương Thái hậu và 76 cung nữ để chiếm vị trí hoàng thái hậu. Sau đó để gột rửa tội lỗi, bà ta đã cho xây rất nhiều chùa chiền dưới vỏ bọc của một bà hoàng sùng đạo. Khi Lý Đạo Thành có ý đụng đến “vết nhơ lương tâm” này của bà thì bà đã ra tay trừng trị. Tuy nhiên, chùa chiền không xóa được tội lỗi của Ỷ Lan. Linh Nhân thái hậu đã phải chịu quả báo hằng đêm cho đến lúc chết và cả sau khi chết. Qua cuộc đối thoại mang màu sắc huyền ảo giữa Ỷ Lan và Dương Thái hậu dưới hầm mộ trước sự chứng kiến của Ngạn La đã đem đến cho người đọc một cái nhìn khá đầy dủ về nhân vật này theo quan điểm của tác giả ([51,tr.232-240]). Đó là một Ỷ Lan quyền bính nhưng cũng vô cùng tàn nhẫn. Ỷ Lan cũng làmột con người bị dày vò bởi dục vọng - dục vọng quyền lực.

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LOẠI HÌNH THỂ LOẠI (QUA VIỆC KHẢO SÁT MỘT SỐ TÁC PHẨM NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY (Trang 76 -76 )

×