Kiểu nhân vật lập trường tư tưởng hoặc tâm lý:

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn từ góc độ loại hình thể loại (qua việc khảo sát một số tác phẩm những năm gần đây (Trang 68)

6. KẾT CẤU LUẬN VĂN

3.1.1.1.Kiểu nhân vật lập trường tư tưởng hoặc tâm lý:

Nhân vật Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ có thể được coi là nhân vật tâm lý; còn tiêu biểu cho kiểu nhân vật lập trường, tư tưởng là hệ thống nhân vật chính trong Hồ Quý Ly.

Nguyễn Huệ là nhân vật đã định hình trong chính sử và tâm thức của người đọc là người dân Việt Nam. Khi xây dựng nhân vật này, Nguyễn Mộng Giác vẫn trung thành với hình tượng Nguyễn Huệ - người anh hùng áo vải. Ông không hề có ý định “lộn trái” nhân vật này như một số tác phẩm gần đây. Tuy nhiên, điều khiến cho nhân vật Nguyễn Huệ mới mẻ hơn, sinh động hơn và trở thành một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm chính là là việc “thế sự hóa” nhân vật lịch sử bằng bút pháp miêu tả tâm lý. Nguyễn Huệ xuất hiện không ồn ã, rất kiệm lời. Con người Nguyễn Huệ hiện lên dần dần và qua thời gian con người ấy càng rõ nét hơn. Nguyễn Huệ xuất hiện đầu tiên trong Sông Côn mùa lũ với tư cách là cậu em út trong gia đình ông Biện và là cậu học trò sáng dạ của ông giáo Hiến, sau đó là một vị thủ lĩnh trẻ của Tây Sơn thượng, rồi Long Nhương tướng quân, Bắc Bình Vương, và cuối cùng là Quang Trung hoàng đế. Tầm vóc lịch sử của Nguyễn Huệ ngày càng lớn. Cái con người lịch sử ấy của Nguyễn Huệ thì ai cũng biết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Nguyễn Mộng Giác còn cho chúng ta thấy một Nguyễn Huệ đời thường, với những tình cảm, suy tư và cả những nỗi đau hết sức con người. Cái con người “đời thường” ấy của Nguyễn Huệ luôn gắn liền với mối tình không thành với An, con gái ông giáo Hiến. Một con người đánh đông dẹp

bắc như Nguyễn Huệ nhưng lại lo sợ trước người con gái ấy: “Cậu cũng sợ gặp con gái thầy ở nhà bếp. Cái gì đã khiến Huệ dè dặt như vậy? Huệ đã nhiều lần tự hỏi và chưa tìm ra câu trả lời đích xác.” [52,tr.100] Những đoạn miêu tả tâm lý đó xuất hiện khá nhiều trong văn bản: “Suốt mấy tháng trọ học ở nhà thầy, Huệ chưa có lần nào nói chuyện tự nhiên với riêng An. Khám phá ra điểm yếu đuối của mình, cậu khổ sở. Lòng tự ái của người con trai bị âm thầm động chạm. Cậu ngại gặp An như ngại soi gương thấy vài vết mụn trên da mặt dậy thì của mình.” [52,tr.101] Cái tâm trạng rung động rất thật của một chàng trai trẻ trước người con gái mình thầm yêu thương được khắc họa hết sức sinh động. Nhưng giữa Huệ và An dường như luôn bị ngăn cách bởi một “hố sâu trang nghiêm” nên mối tình vẫn mãi chỉ là mối tình âm thầm mà thôi. Sự thông minh, nhanh nhẹn của Huệ, trong tình yêu dường như không có ích lợi gì, thậm chí nó lại trở thành rào cản khiến cho An không thể lại gần Huệ: “An nghĩ điểm đáng ghét của Huệ chính là sự thông minh chuẩn xác đó. Đứng trước mặt Huệ, nói chuyện với Huệ cô bé cảm thấy mình bị mất mát quá nhiều.” [52,tr.126]. Chính vì thế, đôi lúc Huệ so sánh mình với Lợi, cảm thấy ghen với Lợi: “Sao tôi thấy anh chàng Lợi ba hoa toàn những chuyện không đâu vào đâu hết, An lại thú vị cười khúc khích mãi.” [52, tr.128]. Nguyễn Huệ cũng như bất cứ người đàn ông nào khác, cũng có ghen tuông và sự ghen tuông ấy khiến cho con người nhỏ nhen hơn. Và đặc biệt, tác giả đã khắc họa rất chân thực tâm trạng của Huệ khi lần đầu tiên cảm nhận được tình cảm của An trong hoàn cảnh Huệ sắp chia tay gia đình ông giáo: “Huệ trở ra qua lối cửa sau nhà bếp, gặp An đang đứng ở đấy. Anh dừng lại. Bóng tối che giùm không cho hai người trông thấy vẻ bối rối của nhau. An run run nói:

Huệ cảm động, cả đời chưa được người con gái nào ân cần dặn dò như vậy nên cảm thấy hãnh diện ngây ngất. Anh muốn nói với An một câu gì thật âu yếm, thật đơn sơ mà chân thành như câu An vừa thốt ra, nhưng trong cơn lúng túng tìm mãi không ra lời. Huệ cố dằn xúc động nói:

- Cám ơn An.

Huệ ngước lên nhìn An, thấy tất cả vẻ đẹp quyến rũ của một nụ cười e ấp. Không tự chủ được mình, Huệ tiến tới định nắm bàn tay An. An rụt tay về, giọng hơi hốt hoảng:

- Đừng, anh Huệ!” [52, tr.173-174]

Đây là lần gần gũi nhất của hai người. Càng về sau, lịch sử càng khiến cho Huệ và An ngày một chia cắt. Cái rụt tay về của An khiến cho mối tình của hai người mãi là tình câm; khiến cho suốt cả cuộc đời, cả Huệ và An luôn phải tự hỏi về tình cảm của người kia đối với mình. Và có lẽ, chính vì đây mãi là mối tình câm nên nó đẹp và hoàn hảo đến vậy. Huệ vẫn luôn lưu giữ tình yêu đó cho riêng mình như một bí mật thiêng liêng không kể đến những thay đổi của con người và cuộc đời.

Khía cạnh tâm lý của nhân vật Nguyễn Huệ cũng được xây dựng thông qua mối quan hệ với nhân vật ông giáo Hiến. Ông giáo Hiến tiêu biểu cho những nhà nho thời loạn: hiểu biết nhưng cố cựu, sợ hành động, sợ sự đối mới. Ở ông có bi kịch của trí thức không hợp thời. Nguyễn Huệ tôn trọng sự hiểu biết của ông giáo nhưng lại không đồng tình với những định kiến cố hữu của ông giáo. Ông vừa yêu quý, kính trọng vừa thấy thương người thầy của mình. Nguyễn Huệ là hình ảnh mơ ước của ông giáo Hiến.

Hệ thống nhân vật chính trong Hồ Quý Ly là điển hình cho kiểu nhân vật lập trường tư tưởng. Đó là những ẩn dụ tư tưởng: những kẻ “bị quỷ ám” (Phạm Xuân Thạch) bị ám ảnh bởi những lý tưởng cuồng vọng (Nguyễn Cẩn,

Hồ Hán Thương, Trần Khát Chân); những lãnh tụ chính trị theo đuổi những lý tưởng công chính (nhân danh sự đổi mới) nhưng bị giằng xé giữa mục đích và phương tiện để rồi cuối cùng rơi vào một trạng thái phi nhân (kiểu Hồ Quý Ly) và kẻ sĩ, những người thao thức vì số phận cả dân tộc và nhân dân, lựa chọn con đường đi về phía nhân dân (đó là Phạm Sinh và phần nào là Hồ Nguyên Trừng).

Mặc dù ở hai phe đối đầu: Nguyễn Cẩn, Hồ Hán Thương (phe cải cách) và Trần Khát Chân (phe bảo thủ) giống nhau ở một điểm là họ đều điên cuồng với lý tưởng của mình. Để dành được sự tin cậy của Hồ Quý Ly, Nguyễn Cẩn – một công tử phong lưu sẵn sàng bỏ đi cái quý nhất của người đàn ông và trở thành công cụ đắc lực trong tay Hồ Quý Ly. Hồ Hán Thương cũng là một kẻ cuồng tín. Anh ta sùng kính cha mình. Hán Thương thích rồng “Bởi vì trong con rồng có hàm chứa con rắn. Mà con rắn thì vừa độc vừa hiểm.” [54,tr.94] Còn Trần Khát Chân mới đầu cũng có cảm tình với Hồ Quý Ly, nhưng càng ngày sự cải cách của Hồ Quý Ly càng quyết liệt thì thái độ đối đầu của thượng tướng càng tăng. Và ông đã dùng mọi thủ đoạn, mọi âm mưu để phá tan kế hoạch của Hồ Quý Ly: từ việc sử dụng cung nữ Ngọc Kiểm bên cạnh Thuận Tôn, đến ý định sử dụng Thanh Mai làm nội gián bên cạnh Hồ Nguyên Trừng và việc lôi kéo Phạm Sinh phục vụ âm mưu ám sát Hồ Quý Ly…Để đạt được mục đích, Trần Khát Chân cũng sử dụng đúng những thủ đoạn, những âm mưu, những bạo lực như chính đối thủ của mình. Lý tưởng cuồng vọng khiến cho những con người này điên đảo trong âm mưu, thủ đoạn, không còn nghĩ đến điều gì khác nữa.

Ở giữa những kẻ cuồng vọng ấy là những kẻ sĩ tỉnh táo, biết lựa chọn cho mình con đường đi về phía nhân dân, hợp với “hồn sông núi”. Trên phương diện nào đó, đó là Hồ Nguyên Trừng. Ngoài ra, còn có hai nhật vật

hoàn toàn hư cấu khác đại diện cho loại nhân vật tư tưởng này, là Phạm Sinh và Sử Văn Hoa. Hồ Nguyên Trừng là con trai cả của Hồ Quý Ly, là một lãng tử. Ý chí của nhân vật này thể hiện trong “giấc mộng bay”: “Vãn sinh thấy mình mọc cánh. Vâng đúng là đôi cánh chim (…) Thú thực là ý muốn bay rất cao. Nhưng không hiểu sao lại chỉ bay được là là trên đầu những ngọn tre, những ngôi nhà (…) một loại chim không biết bay cao” [54,tr.37]. Hồ Nguyên Trừng cũng là con người có chí lớn. Ông là người ủng hộ nhiệt tình tư tưởng cải cách, đổi mới của Hồ Quý Ly. Nhưng ông biết cân nhắc giữa mục đích và phương tiện. “Cái may” của Hồ Nguyên Trừng, theo Sử Văn Hoa là “lũy tre, nếp nhà, mặt đất còn níu kéo cậu lại, vì cậu gắn bó với chúng. Nếu không cậu sẽ bay vút lên trời cao, và biết đâu đấy…bầu trời thì to rộng, ai mà lường hết được cái kết cục” [54,tr.38]. Phương tiện để đạt được mục đích của Hồ Quý Ly càng ngày càng bạo lực hơn, để cho cái mới có cơ hội tồn tại, người ta phải đánh đổi bằng quá nhiều cái cũ, trong đó có những thứ dù cũ kĩ nhưng đã trở thành văn hóa, trở thành “hồn sông núi” mà trong cơn bão ấy cũng bị cuốn đi. Đó là lúc Hồ Nguyên Trừng nhận ra những bất cập trong chính sách của Hồ Quý Ly. Và ông có quyết định cho con đường đi của mình. Với Quỳnh Hoa, người vợ của cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị, ông lựa chọn giải pháp: “Nàng ơi! Ta với nàng, chúng mình cùng nhau họp làm một phái nhé” [54,tr.66]. Nếu như Hồ Hán Thương thích rồng vì trong con rồng có sự “vừa thâm vừa hiểm” của con rắn thì Hồ Nguyên Trừng lại thích phượng hoàng. Chàng là người có chí lớn, nhưng bên cạnh đó chàng cũng coi trọng những lẽ khác ở đời như tình yêu. Và khi chưa tìm được phương tiện thích hợp để thực hiện chí lớn của mình thì chàng tìm về với tình yêu. Và mối tình với Thanh Mai đã làm dịu bớt tâm hồn Nguyên Trừng giữa những kẻ cuồng khác. Tuy về mặt nhận thức, Hồ Nguyên Trừng rất rõ ràng, nhưng về mặt

hành động thì ông không làm được điều đó. Mặc dù nhận thấy chính sách của Hồ Quý Ly bất ổn (“quá nhanh”), quá bạo liệt nhưng ông vẫn phải tham gia, vẫn phải là một phần của nó. Ông phải tham gia vì bổn phận của một người con, mà cũng một phần do chưa tìm được phương tiện nào tốt hơn. Mặc dù, tất cả những hành động của Nguyên Trừng đều ở chừng mực, điều cố gắng hạn chế tối đa bạo lực (ví dụ như trong việc giam giữ Sử Văn Hoa). Bị mâu thuẫn, day dứt giữa tư tưởng và hành động, nhưng Nguyên Trừng có quá nhiều ràng buộc để không thể lựa chọn con đường đi một cách dứt khoát như Phạm Sinh hay Sử Văn Hoa. Để cuối cùng, lịch sử đã không cho phép ông là kẻ đứng bên lề. Lịch sử tước bỏ những chốn ẩn náu của Nguyên Trừng và đẩy ông ra giữa sân khấu lịch sử. Cuối cùng ông đã phải từ bỏ Thanh Mai (trước lựa chọn hoặc từ bỏ hoặc Thanh Mai sẽ chết) để dấn thân vào thời cuộc: “Ở phía xa xa, tiếng trống ngũ liên mỗi lúc một gấp gáp. Con thuyền đã nhổ neo. Thanh Mai nâng vạt áo lên, hai bàn tay ngọc ôm lấy mặt. Tôi vẫy tay cho đến lúc con đò lẫn vào màn sương đêm trên sông. Tôi lặng lẽ đi về phía tiếng trống” [54,tr.834]. Hồ Nguyên Trừng đã buộc phải đi về phía tiếng trống, mà không thể quay lưng bỏ đi như Phạm Sinh, dù biết nơi đó mình sẽ là một kẻ “độc hành”. Chính vì mâu thuẫn giữa một Hồ Nguyên Trừng tư tưởng và một Nguyên Trừng hành động nên chúng tôi coi nhân vật này thuộc loại nhân vật – kẻ sĩ lựa chọn con đường đi về phía nhân dân chỉ trên một phương diện nhất định (đó là con người tư tưởng), chứ không hoàn toàn như Phạm Sinh và Sử Văn Hoa. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhân vật Hồ Nguyên Trừng chỉ được nhắc đến bởi một câu: “Cả tướng quốc Trừng nói: Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không thôi.” (câu nói khi Hồ Quý Ly cho bàn về việc đánh quân Minh [35,tr.681]. Và sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “Mệnh trời ở lòng dân, lời nói của Trừng đúng ở chỗ chủ yếu” [35,tr.681]. Có thể nói, Nguyễn

Xuân Khánh đã dựa vào chỉ rất ít tư liệu nhưng đã xây dựng một nhân vật Hồ Nguyên Trừng đa chiều rất hấp dẫn.

Từ góc độ ngữ nghĩa, nếu chia nhân vật trong các TTLS Việt Nam những năm gần đây thành ba dạng nhân vật : nhân vật – chủ thể của tiến trình

lịch sử, nhân vật - nạn nhân của lịch sử nhân vật – kẻ quan sát lịch sử

(Phạm Xuân Thạch trong Tiểu thuyết Việt Nam đương đại – suy nghĩ từ

những tác phẩm về chủ đề lịch sử) thì Hồ Nguyên Trừng là nhân vật mang cả

ba phương diện này. Ông là chủ thể của tiến trình lịch sử (là một nhân vật

quan trọng trong hệ thống chính trị của Hồ Quý Ly), cũng là nạn nhân của lịch sử (lịch sử đã cướp đi của ông tình yêu, nơi ẩn náu an toàn của tâm hồn), đồng thời trên một khía cạnh nào đó là kẻ quan sát của lịch sử (mặc dù tham gia vào hành động lịch sử nhưng với tâm thế của một con người ngoài cuộc, đứng từ xa qua sát và đưa ra những nhận xét của mình).

Bên cạnh Hồ Nguyên Trừng, Hồ Quý Ly cũng được Nguyễn Xuân Khánh dụng công xây dựng. Có thể nói, Hồ Quý Ly là sự tổng hợp giữa kiểu nhân vật Hồ Nguyên Trừng và các nhân vật như Hồ Hán Thương và Nguyễn Cẩn. Ông là người đã đề xuất chính sách cải cách với mục đích vô cùng chính đáng là mong muốn chấn hưng đất nước. Ông thật lòng với mục đích này, tuy nhiên cái mục nát, nhu nhược của nhà Trần đã cản trở mục đích ấy. Để cho cái mới có thể phát triển ông đã phải dùng phương tiện là bạo lực. Và càng ngày càng bạo lực hơn. Hồ Quý Ly không lãng mạn như Nguyên Trừng nhưng cũng không cuồng vọng như Hồ Hán Thương. Với tư cách là một thủ lĩnh chính trị, ông phải quyết liệt thực hiện tư tưởng và chính sách của mình. Nhưng ông cũng nhận thấy sự bất ổn trong cách làm ấy, sự bất ổn của việc dụng cương quá mà thiếu sự mềm mại. Và mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện luôn day dứt ông. Ông thực sự muốn đổi mới, muốn xây dựng

một cái mới và muốn tất cả mọi người đều ủng hộ mình. Những kẻ bảo thủ như Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh chống đối ông, ông biết và không ngạc nhiên. Nhưng những kẻ sĩ (Sử Văn Hoa, Phạm Sinh), những kẻ có tài, có thể giúp rất nhiều cho đất nước cũng rời bỏ ông (mặc dù không chống đối) dù ông hết lòng thu phục họ, khiến ông đau đớn hơn cả. Giấc mộng quay lưng của “kẻ mặt trắng” là câu trả lời dứt khoát của kẻ sĩ trong thiên hạ đối với ông và nó luôn ám ảnh ông. Qua đó ông nhận thấy được điểm yếu trong cách làm của mình, phần nào dự cảm được kết cục. Tuy nhiên, là thủ lĩnh chính trị, ông không thể thoái bước và không thể tỏ ra do dự. Ông vẫn phải kiên định đi con đường gian nan mà cô độc của mình. Để rồi, mỗi khi trong lòng bị dày vò thì ông lại tìm đến bức tượng bà công chúa Huy Ninh mong nhận được sự che chở và gột rửa. Đó là lúc con người “thủ lĩnh chính trị” hùng mạnh nhường chỗ cho con người cá nhân yếu đuối: “Đêm nay, nhìn pho tượng trắng ngần hai tay giơ ra phía trước như muốn can ngăn ấy, nhìn vào khuôn mặt đá trắng buồn héo hắt và thương xót ấy…ông mới thấy hết nỗi cô đơn của mình mênh mông đến nhường nào!(…) “Ngủ đi!Ngủ đi!Cứ nhắm mắt lại!Hãy quên hết, quên hết đi…” Giọng thì thầm của bà bỗng vang trong lòng ông…như nhiều đêm ông đã gặp. Và người đàn ông hùng mạnh ấy đã gối đầu lên chân pho tượng đá.” [54,tr.572]

Hồ Quý Ly rõ ràng là kiểu nhân vật – chủ thể của tiến trình lịch sử nhưng cũng có một khía cạnh khiến ông giống kiểu nhân vật – nạn nhân của

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn từ góc độ loại hình thể loại (qua việc khảo sát một số tác phẩm những năm gần đây (Trang 68)