Tranh luận về phụ nữ trong môi trường xã hội

Một phần của tài liệu Vấn đề phụ nữ trong trước tác của Phan Khôi (Trang 70)

7. Các chữ viết tắt

2.2.3. Tranh luận về phụ nữ trong môi trường xã hội

Với Hoàng Tăng Bí: Phụ nữ làm công việc xã hội

Trên PNTĐ [s4, 8/10/1933], tác giả Hoàng Tăng Bí56 với bài báo

Thiênchức của đàn bà đã nêu quan điểm bảo vệ “chế độ gia tộc của ta”, duy trì chức phận của đàn bà là chỉ trong phạm vi gia đình, tề gia nội trợ, nuôi dạy con cái để người đàn ông gánh vác công việc xã hội.

Theo Hoàng Tăng Bí, từ xưa đến nay, «nhờ cái chế độ gia tộc, mà đã sản xuất được biết bao nhiêu mẹ hiền vợ đảm, khiến cho chồng con được yên vui, gia môn được hưng vượng. Đó cũng là cái trách nhiệm quý báu và quan trọng của người đàn bà ở trong gia đình và đối với xã hội». Nhưng trước những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, quan niệm nam nữ bình quyền, người mình thấy choáng ngợp mà cho rằng hay, đua nhau bắt chước, và tự phá đi những lễ giáo và tập tục bao đời. Phụ nữ cũng quên mất chức phận trong gia đình, lao ra xã hội. Bởi lẽ đó, ông khẳng định: “người đàn bà đi làm công việc ở bên ngoài đã trái hẳn cái lẽ tự nhiên của trời đất”, không hoàn thành bổn phận đúng nghĩa của họ: “con cái không ai dạy nuôi, tỳ bộc không ai quản đốc, bếp nước và ruộng vườn không ai trông nom, sự hư hỏng ở trong gia đình, thật không biết đến đâu mà nói”. Và kéo theo là “những điều hư hại khác về tinh thần, lại càng dữ dội lắm nữa”. Theo ông, đó là những tổn thất lớn của nữ giới mà họ đánh đổi chỉ để lấy được “một tháng

độ dăm bảy chục và cái tiếng tự mình tìm cách mưu sinh, không phải ăn bám chồng”.

Một ý quan trọng được Hoàng Tăng Bí nhấn mạnh là cái nếp người đàn bà chỉ ở trong phạm vi gia đình của ta được nhiều người ngoại quốc ngợi khen bởi «nhờ đó gây dựng nên mối hạnh phúc cho gia đình, xây đắp được nền phong hóa cho xã hội». Từ đó, ông đi đến kết luận việc người phụ nữ hoạt động ngoài xã hội là một trào lưu nhất thời, ham mới chuộng lạ quá, không kịp suy xét sâu xa, và tiên liệu “họ sẽ lại thấy cái chế độ cũ của mình là phải là hay, rồi lại quay về lối cũ” với chế độ gia tộc. Lo ngại ý kiến của Hoàng Tăng Bí gây lệch lạc trong nhận thức của phụ nữ, Phan Khôi đã “ra mặt” “Phản đối bài Thiên chức của đàn bà” [PNTĐ, s5, 15/10/1933]. Nhà luận lý Phan Khôi đã nhìn thấy sự lỏng lẻo trong bài viết của Hoàng Tăng Bí khi tác giả này chỉ dựa trên cơ sở “người ngoại quốc khen ngợi phong hóa nước ta”, “khâm phục cách tổ chức gia đình và xã hội nước ta” để lập luận. Thêm vào đó, Phan Khôi coi lời khen ấy chỉ là “lời nói xằng” và bác lại hai nhẽ: nếu phong hóa của nước ta tốt, cách tổ chức gia đình xã hội của ta là tốt, thì đã phát triển hơn nhiều chứ không nghèo yếu như hiện tại. Và nếu họ nhận cho của ta là tốt thật, thì sao họ không làm theo ta,thay vì ca tụng tán dương? Lý lẽ của Phan Khôi đối lập với Hoàng Tăng Bí và hoàn toàn có sức thuyết phục: ở nhiều nước tiến bộ, đàn bà cũng đã, đang làm việc ngoài như đàn ông, đương nhiên họ không thể quay ra bắt chước ta, bắt đàn bà chỉ quanh quẩn trong xó bếp, mà ngược lại, để thích ứng với cuộc sống mới, chúng ta phải học theo họ, tức là khuyến khích phụ nữ hoạt động ngoài xã hội.

Điểm mấu chốt mà Phan Khôi phản biện lại Hoàng Tăng Bí là từ khái niệm “thiên chức của đàn bà”. Phan Khôi định nghĩa: “Thiên chức” là để chỉ những việc trời sinh đàn bà ra để mà phó thác, việc mà đàn ông không làm

được: đẻ con và cho con bú. Theo đó, việc Hoàng Tăng Bí cho rằng: “thiên chức của đàn bà là ở trong bếp, trong buồng, trong nhà trong” là vô căn cứ: “câu ấy chẳng qua do người ta đặt ra, làm sao lại gọi là “thiên chức” được?”. Phan Khôi chủ trương không thể bắt phụ nữ giữ cái nền nếp cũ, cái phong thể xưa, bởi nó không phù hợp với hiện trạng bấy giờ:

Bao nhiêu những nghề của đàn bà ta vốn làm từ xưa, bây giờ họ còn làm được chăng?...Nuôi tằm, ươm tơ, đặt rượu cho đến những là may vá v.v., cứ hễ mỗi một nghề của đàn bà làm bằng tay thuở trước là ngày nay có một thứ máy choán lấy. Có nhiều nơi phụ nữ chẳng những thất nghiệp mà lại tuyệt nghiệp nữa. Trong nhà không có việc làm mà ở ngoài thì càng ngày càng dựng thêm các hãng các sở cần dùng đàn bà làm việc: như nhà máy sợi, còn có những nhà diêm, ty rượu, nhà máy ươm, các hãng buôn bán,…

Ông đã chỉ ra rằng trong bối cảnh hiện đại hóa xã hội, tư bản hóa kinh tế, ở một đất nước nông nghiệp, phần đông phụ nữ phải thoát khỏi khuôn khổ gia đình để trực tiếp tham gia các công việc ngoài xã hội, đó là một thực tế khách quan. Và không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà với giáo dục, văn hóa, ở đâu cũng cần đến phụ nữ. Ông khẳng định: “Khi xã hội cần đến đàn bà ra làm việc là đàn bà phải “đạp tiêu phòng mà ra”, chẳng còn nói lôi thôi gì hết, dù muốn hay không muốn là cũng phải ra, cũng phải dự việc ngoài”. Khi đã bước ra hoạt động ngoài xã hội, ganh đua thị trường, phụ nữ vẫn có thể sắp đặt việc nhà một cách linh hoạt.

Phan Khôi cũng lưu ý rằng tùy người, tùy theo hoàn cảnh mà đàn bà tham gia công việc ngoài xã hội, “còn ai không cần như thế thì cứ ở trong nhà mà lo việc bếp nước, lo việc tề gia nội trợ, nuôi dạy con cái, kiểm đốc tỳ độc, coi ngó ruộng vườn, chứ nào ai có cấm?”. Ông kết lại bài tranh luận bằng lời cổ xúy giới nữ:“Theo lý thuyết của tôi trên đó, tôi dám khuyên phụ nữ ta chớ nên lấy ý riêng mà chống lại hoàn cảnh; hễ người nào thấy mình bị

hoàn cảnh xô đẩy là phải sớm liệu ra khỏi cửa buồng đi mà mưu cầu sự sinh hoạt để khỏi thiệt cái đời của mình”. Có thể nói với ý tưởng này, Phan Khôi chứng tỏ ông là một nhà báo canh tân quyết liệt về vấn đề nữ giới nhưng cũng đủ độ mềm dẻo và thực tiễn.

Những dẫn giải trên cho thấy sự đối lập giữa hai luồng tư tưởng: thủ cựu - canh tân của Hoàng Tăng Bí và Phan Khôi về vị trí của người phụ nữ. Thực chất, đây là câu chuyện nên hay không nên ủng hộ người phụ nữ bước ra môi trường xã hội. Và Phan Khôi vẫn cho thấy sự thống nhất của ông trong khuynh hướng thức thời, hiện đại như những bài báo trước đó.

Với Thế Phụng: Phụ nữ với văn học

Như trên đã nói, khi bàn về nữ học, Phan Khôi chú trọng đến phương diện phát triển nền văn học nữ lưu. Sau ba bài báo của Phan Khôi trên ba số liên tiếp của PNTV [s1, s2, s3 năm 1929], tác giả Thế Phụng đã lên tiếng phủ định địa vị của người phụ nữ trong văn học. Thế Phụng vẫn ủng hộ quan điểm nam nữ bình quyền, đề cao nữ học, nhưng bác bỏ luận điểm của Phan Khôi về mối quan hệ của nữ tính và văn học. Nếu Phan Khôi cho rằng “nữ tánh có nhiều chỗ thích hợp với văn học, đàn bà chuyên về văn học có lẽ hay

hơn đàn ông” thì Thế Phụng lại quan niệm trái ngược. Thế Phụng phân tích:

Ông nói đàn bà có nhiều tình cảm để thành văn, song ta phải nên phân biệt. Đàn bà hay sợ hãi mà đến thất kinh, hay thương xót mà đến rơi lụy, dễ vui, dễ buồn, song đó là cái nhu cảm tầm thường, nông nổi, yếu đuối, không thể sản sinh ra văn chương được. Nhà thi văn phải có những cảm giác thâm trầm, thanh nhã, cao thượng mới làm ra được thi văn… Ông nói đàn bà có tính nhẫn nại, ý chừng nghĩa là hay chăm chỉ tìm kiếm, làm nhà khoa học khảo cứu được… song học cứu cần phải chịu khó tìm kiếm, ghi nhớ nhiều mà còn phải biết so sánh, suy xét đến nơi đến chốn, đàn bà vốn tánh tình nông nổi vị tất đã làm được. Còn như cái tánh tỉ mỉ dùng vào

việc mài dũa thi văn, thì thi văn không phải vì mài dũa nhiều mà nên

hay57.

Tiếp đó, Thế Phụng đánh giá việc Phan Khôi viện dẫn “trong văn chương Tàu có nhiều chỗ nói về đàn bà” để chứng minh “nữ tánh thích hợp với văn học” là chưa thuyết phục, phần vì đó chỉ mới là văn chương Tàu, phần vì các nhà thơ viết nhiều về đàn bà thì đàn bà cũng chỉ là một phương tiện để gửi gắm tình ý mà thôi “giống như tả hoa”, hoặc thi văn mà tự nói về mình thì “trơ trẽn”… Trung tâm địa vị trong văn học vẫn là của đàn ông - những con người “tao nhã, lại sâu sắc, có ý khí, lại có ý bảo phụ” - điều mà đàn bà không có được.

Ông đi đến điểm chốt bác lại ý mà Phan Khôi đưa ra: “Đàn ông mà nói chuyện đàn bà làm sao cho tinh tế bằng đàn bà nói lấy chuyện của mình?”. Theo Thế Phụng cái hay của văn chương nghệ thuật là truyền tải được tinh thần của đối tượng “không đúng mà như hệt”, toát lên được cả “cái ý kí thác của tác giả nữa”.

Sau ý kiến của Thế Phụng, trên PNTV số 6 (6/6/1929), Phan Khôi đã xin “thương xác” lại bằng một tinh thần cởi mở. Phan Khôi ghi nhận việc Thế Phụng phê ông chỉ lấy văn học Tàu mà “khái luận hết thảy” cho nền văn học nữ lưu: “Hiện nay tôi chỉ biết được quán xuyến về văn học Tàu mà thôi, nên tôi dạn nói ra cái điều tôi biết. Sau nầy tôi biết rộng thêm nữa, tôi sẽ phô diễn thêm để cho vững cái giả thuyết của tôi”. Phan Khôi bắt bẻ lại luận điểm mà Thế Phụng đưa ra: phê đàn bà ủy mị, nhưng lại bao biện rằng các tác giả đàn ông vốn không muốn làm mất cái vẻ trượng phu hào kiệt của mình nên ký thác vào người đàn bà để thở than khóc lóc cho người ta thương xót. Như vậy chính là Thế Phụng đang tự “thổ lộ cái tâm sự của bọn đàn

ông, khinh miệt đàn bà, hay đổ thừa cho đàn bà… nhưng họ lại vừa đê hèn, vừa giảo quyệt, vừa nhút nhát”. Phan Khôi lưu ý Thế Phụng điều quan trọng ông đã đề cập: “chủ ý của tôi là khuyên đàn bà phải học, phải lập cái nền văn học của họ lên trên sự tri thức… những cái nhu cảm của đàn bà, những cái tầm thường, yếu đuối, nông nổi của họ… có thể nhờ học mà biến đổi được”. Thêm vào đó, đàn bà sở dĩ yếu đuối không phải chỉ do “thiên tính” mà còn bởi “xưa nay vẫn ở dưới quyền áp chế, vẫn làm đồ chơi cho đàn ông. Bị áp chế thì dưỡng thành cái thói đê hèn, làm đồ chơi thì tập quen cái trò ẻo lả”. Như vậy, Phan Khôi đưa ra những nguyên do mang tính khách quan để lí giải những hạn chế của phụ nữ trong văn học. Ông tin rằng phụ nữ sẽ khắc phục được những đặc tính đó và phát huy tiềm năng nếu được giải phóng và học tập. Sau cuộc bút chiến của Phan Khôi - Thế Phụng, bà Nguyễn Đức Nhuận trong bài Văn học của phụ nữ Việt Nam [PNTV, s25, 1929] đã có ý kiến ủng hộ Phan Khôi: “Văn học là biểu hiện của tính tình loài người thì làm sao có thể lảng tránh phụ nữ là nhân quần xã hội được? Phụ nữ dẫu có nhu cảm mà phát ra ở văn chương thì đó cũng là cái biểu hiện của người nhu cảm và văn chương nhu cảm có hề chi? Vị tất đã dở.”

Qua những trao đổi này, có thể thấy Thế Phụng mặc dù đã chủ trương đổi mới cái nhìn về người phụ nữ nhưng nó vẫn bó hẹp trong con mắt đầy phân biệt về giới của quan điểm truyền thống. Ở một vài điểm, Thế Phụng có lí khi phê Phan Khôi, đặc biệt là ở những kết luận với giọng điệu quả quyết, cố tình đẩy lên đến mức cực đoan như: “nếu một người đàn bà chồng để thiệt, mà kể sự mình chắc hẳn hay hơn ông Khuất Nguyên, ông Đỗ Phủ” nhưng ý hướng chung toát lên trong lập luận của Phan Khôi là việc xóa bỏ hoàn toàn những định kiến xem thường năng lực người phụ nữ, chỉ ra những ưu thế của họ phù hợp trên một vài lĩnh vực của khoa học và cũng là nghề

nghiệp (văn học - nhà văn, y học - thầy thuốc). Và chính điểm này cho thấy mặt tiến bộ, triệt để của ông.

Qua những cuộc tranh luận về vấn đề phụ nữ trên đây, Phan Khôi đã thể hiện lối bảo vệ đến cùng quan điểm của ông (mà đôi khi mang tính chất bao biện). Không phải chi tiết nào Phan Khôi cũng đúng nhưng nổi lên là một tinh thần “khải phóng”58 riết ráo, triệt để cho phụ nữ. Ông không có bất kỳ sự cầm chừng, thỏa hiệp nào trước những mặt bảo thủ, “phản tiến hóa” với đối tượng phụ nữ. Đồng thời, các tranh luận cũng cho thấy phụ nữ thực sự là một trong những vấn đề được xã hội đương thời hết sức quan tâm.

Một phần của tài liệu Vấn đề phụ nữ trong trước tác của Phan Khôi (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)