7. Các chữ viết tắt
1.3.2. Hoạt động báo chí của Phan Khôi
20
Năm 1928, trong bài “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương” [ĐPTB, 27/9/1928; 2/10/1928], Phan Khôi đã làm rõ sự khác biệt căn bản giữa tính chất “thống thuộc”, gò trong nghĩa vụ ở con người phương Đông và tính tự chủ của con người cá nhân phương Tây. Chủ nghĩa cá nhân trong lí giải của Phan Khôi chính là một quan niệm trong các xã hội phương Tây về quyền, lợi ích và tính chất (tự chủ, tự do, bình đẳng) của con người trong tổ chức cộng đồng đó. Tiếp đó, trong bài báo“Cá nhơn chủ nghĩa” [Trung lập, 28/11/1931], Phan Khôi trực tiếp nói rõ hơn đến từ chủ nghĩa cá nhân và sự liên hệ của nó với tư tưởng dân chủ ở con người và xã hội Việt Nam đương thời. Theo Phan Khôi, chủ nghĩa cá nhân là khi mỗi người tự độc lập về tinh thần (tự suy nghĩ, phán đoán, chủ động) và vật chất (tự nuôi sống mình).
Phan Khôi “xông” vào báo chí một cách rất tự nhiên. Năm 1907, hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, ông ra Bắc học tiếng Pháp, viết bài cho tờ Đăng cổ tùng báo (cơ quan ngôn luận cổ động tư tưởng cải cách của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục). Khi trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tờ Đăng Cổ tùng báo bị cấm, ông về Nam Định học chữ Pháp với Nguyễn Bá Học rồi sau đó về quê do bị mật thám Pháp theo dõi.
Ông chính thức bước vào nghề báo vào năm 1918, khi được giới thiệu làm cho NPTC tại Hà Nội. Thời gian này, ông chuyên tâm nghiên cứu về khoa lí luận học và đã bộc lộ là một trong những nhà báo đầu tiên có lối viết gãy gọn, trình bày tư tưởng dễ hiểu, dễ thuyết phục độc giả. Trong giai đoạn Phan Khôi cộng tác với NPTC, văn học Trung Quốc nổi lên những cuộc vận động đổi mới. Một lối văn gần với quốc dân - văn bạch thoại - được cổ vũ và văn ngôn có tính bác học bị kiêng dè hơn. Không khí đó ít nhiều ảnh hưởng đến văn giới nước ta và Phan Khôi là người đón nhận tinh thần ấy đầy say mê. Ông tìm hiểu về Hồ Thích, Lỗ Tấn. Hơn một năm sau, do những bất đồng ý kiến với chủ bút Phạm Quỳnh, Phan Khôi đã bỏ vào Nam làm cho tờ
Lục tỉnh tân văn. Ông tiếp xúc nhiều với sách báo Trung Quốc. Lục tỉnh tân văn là một tờ báo ra đời sớm, theo khuynh hướng cấp tiến gây chú ý ở Nam Kỳ. Báo ra đời trong phong trào vận động Minh tân ở Nam Kỳ (số đầu ra ngày 14/11/1907), chủ bút là Trần Chánh Chiếu. Phan Khôi đã làm việc ở đây một thời gian, vì bài báo Giải đại ý bài diễn thuyết của quan toàn quyền Sarraut về cuộc Đông Dương tự trị, ông bị cho nghỉ việc. Năm 1920, ông trở ra Hà Nội viết cho Thực nghiệp dân báo. Năm 1921, tạp chí Hữu Thanh ra mắt do Nguyễn Khắc Hiếu làm chủ bút đã mời Phan Khôi tham gia. Tuy nhiên, do báo chí miền Bắc hạn chế việc bộc lộ những quan điểm có tính cách tân của Phan Khôi, ông lại trở vào Nam. Vì lí do chính trị, Phan Khôi không ở Sài Gòn mà xuống Cà Mau ẩn náu ở đồn điền của một người bạn,
đọc sách, viết bài, cộng tác với các báo và rèn luyện tiếng Pháp, thông qua thư từ qua lại với Djean de la Bâtie, một nhà báo tự do ở Sài Gòn. Khi Diệp Văn Kì, Nguyễn Văn Bá tiến hành những thay đổi mạnh mẽ trên tờ ĐPTB
mà họ vừa tiếp quản, đầu năm 1928 Phan Khôi được mời làm cộng tác viên đặc biệt bên cạnh bộ biên tập gồm những kẻ sĩ đất Bắc như: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Ngô Tất Tố. Đây là dấu mốc ghi nhận thời kì thứ hai Phan Khôi góp mặt với báo chương Sài Gòn, kéo dài đến năm 1933, gắn với các tờ
ĐPTB (1928), Thần chung (1929-1930), PNTV (1929-1933), Trung lập
(1930-1933), và cũng chính là thời kỳ “làm nên thương hiệu Phan Khôi”. Ông đồng thời gửi bài cộng tác với Đông Tây ở Hà Nội (1930-1932). Đặc biệt, từ 1929, Phan Khôi trở thành cây bút trụ cột trong tờ tuần báo PNTV - một gương mặt đặc biệt trong dòng báo chí công khai. Phan Khôi là một cây bút sung sức trên tuần báo này với hàng trăm bài báo trong 5 năm, từ 1929- 1933, (và một thời gian rất ngắn cuối năm 1934). Ông viết trên nhiều mục: xã thuyết, nghiên cứu, khảo luận, lí luận phê bình văn học, sáng tác, tranh luận, và đề tài nổi bật là về giới nữ. Qua PNTV, Phan Khôi đã ghi dấu một giai đoạn cầm bút “thăng hoa” của mình. Ngoài chuyện bài vở đăng báo, Phan Khôi cũng tham gia chấm thi để trao "học bổng phụ nữ" cho học sinh đi du học tại Pháp do PNTV tổ chức. Đó cũng có thể xem là hoạt động xã hội nổi bật ở một tác gia chủ yếu tác động đến xã hội bằng ngôn luận như Phan Khôi. Tháng 4 năm 1933, Phan Khôi lại trở ra Hà Nội, hợp tác với “cố nhân” là Thực nghiệp dân báo trong khoảng thời gian ngắn (đến tháng 8/1933). Từ 17/9/1933 đến 11/2/1934, Phan Khôi nhận lời ông bà Nguyễn Văn Đa, làm chủ bút của PNTĐ. Ông đã biến đổi PNTĐ từ khuynh hướng bảo thủ chuyển sang cấp tiến, nhất là trên vấn đề giới nữ. Đầu năm 1935, Phan Khôi vào Huế, làm chủ bút nhật báo Tràng An. Hoạt động cho đến 7/1/1936, với bài báo Nên bài xích lối văn không thành thực đụng chạm đến
việc nội cung triều đình Nguyễn, ông buộc phải rời vị trí chủ bút. Đầu tháng 8 năm 1936, ông cho ra mắt tuần báo Sông Hương, tờ báo duy nhất trong đời mình ông là người sáng lập, là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Ông tạm ngừng sau số ra ngày 27/3/1937 và bán lại tờ báo cho nhóm cộng sản Phan Đăng Lưu.
Ngoài những tờ báo chính trong hoạt động báo chí của Phan Khôi giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám trên đây, ông còn góp bài trên một số báo như: Hà Nội báo (1936-1937), Đông Dương tạp chí (1937-1938), Dư luận
(1938), Thời vụ (1938), Tao đàn (1939), Phổ thông bán nguyệt san (1939). Cuốn tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra được in trên Phổ thông bán nguyệt san (s41, 16/8/1939) của nhà xuất bản Tân dân.
Qua trước tác của Phan Khôi, người ta thấy rõ nét chân dung một tác gia nhập cuộc say sưa, một Phan Khôi uyên bác, thẳng thắn, lập luận gai góc, phản biện xã hội bằng trí tuệ sắc bén và tư duy cấp tiến, kiên quyết bài trừ Hán học, cổ xúy cho tân học, trong đó có vấn đề phụ nữ. Đó là “hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại. Ngay trong cái cõi nhân sinh ta bà bụi bặm, ông đã chọn thái độ sống như một cây thông. Ông đứng sừng sững, không bè phái, băng nhóm dù đơn độc nhưng lại dám “gây sự” từ Nam chí Bắc trên trường văn trận bút” [38,19].
Tiểu kết
Trong xã hội Việt Nam, dưới ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đậm chất nam quyền, phụ nữ phải chịu nhiều áp chế, bị khinh miệt và tước mất quyền lợi. Điều đó cũ ng được thể hiện trong các diễn ngôn truyền thống. Đầu thế kỷ XX, chương trình khai thác thuộc địa của Pháp đã gây những biến chuyển lớn cho xã hội Việt Nam. Sự biến chuyển đó đã tác động đến cuộc sống của phụ nữ trên mọi phương diện. Từ chỗ chỉ quanh quẩn với trong phạm vi gia đình, nhiều phụ nữ đã vươn tới hòa nhập với xã hội, chứng
minh khả năng của mình với nam giới. Với sự thay đổi và phát triển ý thức về giới, họ đã có thể bước đầu kề vai sát cánh cùng người nam để hít thở chung không khí của thời đại. Tình hình trong nước và những ảnh hưởng của phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên thế giới đã hình thành nên vấn đề phụ nữ. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, báo chí xuất hiện và với sự xuất hiện của báo chí, hết những vấn đề của phụ nữ được các học giả đề cập: vai trò và vị trí của phụ nữ, bình quyền nam nữ, phụ nữ giáo dục, phụ nữ chức nghiệp, phụ nữ với chính trị… Xuất hiện trên báo chí thời kỳ này, một số tác phẩm văn học với đề tài về phụ nữ trong cuộc sống, tình yêu, hôn nhân... cũng cho thấy cái nhìn nhân bản và những quan niệm tiến bộ về nữ quyền, giải phóng phụ nữ.
Vốn là một đại diện cho lớp nhà nho cuối cùng, nhưng trước những yêu cầu của lịch sử, Phan Khôi đã chủ động tiếp thu Tây học, hưởng ứng con đường cải cách văn hóa, thực thi dân chủ. Phan Khôi hăng hái nhập cuộc, nắm bắt những vấn đề mới “trên bước đường tấn hóa”, đặc biệt là vấn đề phụ nữ. Hai chương tiếp theo đây sẽ là sự khảo sát cụ thể trước tác báo chí và văn chương của Phan Khôi để hiểu hơn mức độ quan tâm và đóng góp của ông với vấn đề phụ nữ.
Chương 2
Nhà báo Phan Khôi và vấn đề phụ nữ
Theo thống kê bước đầu, danh mục các bài báo liên quan đến phụ nữ của Phan Khôi trong vòng 5 năm (từ 1928 đến 1935) gồm 77 bài (xin xem phụ lục). Dựa trên thống kê này, chúng tôi nhận thấy Phan Khôi đề cập đến nhiều phương diện của vấn đề phụ nữ. Tuy nhiên, trong phạm vi luận văn, chúng tôi chỉ tập trung vào một số nội dung chính - cũng là những vấn đề trọng yếu được Phan Khôi bàn luận.