9. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Vài nét về lễ hội Pháo hoa truyền thống
Lễ hội Pháo hoa ở thị trấn Quảng Uyên - huyện Quảng Uyên là một trong những lễ hội đông vui nhất Tỉnh Cao Bằng, vì đây là một huyện trung tâm giữa các huyện khu vực miền Đông của Tỉnh Cao Bằng, đường giao thông đi lại dễ dàng và người ta cho rằng: Đầu pháo của Quảng Uyên được các vị thần ở Bách Linh Tự phù hộ cho nên linh ứng nhất. Bách Linh Tự là ngôi đền được dựng ngay ở đầu thị trấn huyện, được UBND tỉnh Cao Bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 2003. Miếu Bách Linh là một di tích lịch sử văn hóa thờ 100 vị thần thiêng mà đứng
đầu là con rồng, tuy không rõ thời gian khởi dựng nhưng miếu đã đi sâu vào tâm linh người dân địa phương. Ngoài ra di tích còn gắn với lễ hội Pháo hoa, một lễ hội lớn tiêu biểu của tỉnh, được tổ chức vào dịp đầu xuân, mang ý nghĩa mở đầu cho mọi hoạt động của một năm mới, lễ hội diễn ra với quy mô lớn, có tổ chức các trò chơi vui tươi lành mạnh, tạo cho người dân tâm trạng phấn chấn, bước vào mùa sản xuất mới với hứa hẹn nhiều điều tốt lành.
Tương truyền rằng, ngày xưa có một vị tướng tên là Nùng Trí Cao được Triều đình cử trọng trách về dẹp giặc đang xâm lấn biên ải nước nhà. Sau khi dẹp giặc xong và giữ yên cương vực, ông cùng dân làng tổ chức lễ khao quân và đốt pháo hoa ăn mừng chiến thắng. Trong Lễ hội đó, nhằm ghi lại những chiến công hiển hách, lòng dũng cảm của các chàng trai trong các bản làng, ông đã nghĩ ra tục cướp đầu pháo hoa nhưng thực chất là chiếc vòng. Làng, bản nào có người cướp được chiếc vòng ngọc sẽ được thưởng một con lợn quay và rước về tận làng, được làm chủ tế cho lễ hội năm sau. Đến kỳ lễ hội sau, làng đó sẽ rước một con lợn quay mang đến lễ hội để tế.
Khi mới ra đời lễ hội được đặt tên là Lồng Tồng, theo tiếng Tày - Nùng có nghĩa là xuống đồng, bởi mục đích của lễ hội là tổ chức ngày hội vui họp mặt mở đầu cho mùa làm mới của cộng đồng, để cầu phúc, cầu mùa cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng được bội thu và cho cả chăn nuôi sinh nở đàn đống.
Đến sau này, cùng với hình ảnh pháo hoa mạnh mẽ và màn tranh cướp pháo hoa vui nhộn mà đồng bào gọi tên là lễ hội Pháo hoa. Với những hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc gắn liền với đời sống và bản sắc văn hóa dân tộc Cao Bằng như: hát đối đáp giao duyên bằng các làn điệu sli lượn, hà lều, các trò vui chơi tung còn, kéo co, cờ người, các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng rổ và đặc biệt là múa rồng, múa lân, cướp pháo…mang ý nghĩa tâm linh, lễ hội Pháo hoa đã trở thành lễ hội đông vui nhất tỉnh Cao Bằng.
Đối với người dân lao động, lễ hội là dịp ăn mừng vụ thu hoạch ở quy mô lãnh thổ, mặt khác đây cũng là dịp tiếp đón một mùa sản xuất đầy ước vọng. Đối với thần thánh, đây là dịp để mừng thần địa phương, thành hoàng, tạ ơn thần nông đã phù hộ cho một mùa làm ăn tốt đẹp. Ngày hội chính là thời điểm cho họ hàng và bạn bè tới thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau. Hội Pháo hoa còn là mùa vui của tuổi trẻ, nơi họ tìm đến nhau để hát giao duyên, trao đổi tâm tình.
Được đắm mình vào không khí của lễ hội Pháo hoa mới thực sự cảm nhận được hết giá trị những mảng màu văn hoá của đồng bào dân tộc Tày - Nùng nơi đây. Gọi là Lễ hội Pháo hoa nhưng không nghe tiếng âm thanh của tiếng pháo nổ, những “đoá hoa” vút lên trời cao, mà pháo hoa ở đây là lịch sử truyền thống bản địa được hiện hữu trên những gương mặt hân hoan và những ước vọng cao đẹp của đồng bào dân tộc.
Lễ hội Pháo hoa mỗi năm được tổ chức 1 lần từ ngày 30-2/2 Âm lịch hằng năm. Trong cuộc điều tra khảo sát “ Đánh giá về công tác tổ chức và quản lý lễ hội
Pháo hoa” của tác giả được thực hiện vào 3/2013 thì có 48,6% số người được hỏi
đã tham dự lễ hội Pháo hoa trên 10 lần, có 18,7 % là lần đầu tiên được tham gia lễ hội, còn lại là đã tham gia lễ hội từ 2 -10 lần. Qua số liệu trên ta có thể thấy được rằng lễ hội Pháo hoa thực sự là lễ hội lớn, thu hút được đông đảo du khách tới tham dự. Sự đa dạng, phong phú và đặc biệt là nét văn hóa truyền thống của lễ hội vẫn luôn được ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương chú trọng gìn giữ và phát huy. Bởi vậy, mặc dù lễ hội đã có từ lâu đời nhưng vẫn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Đã thành thông lệ hàng năm cứ đến ngày 30/2 âm lịch ông bà, bố mẹ lại cùng con cháu nô nức rủ nhau đi chơi hội. Những người trẻ tuổi họ tìm đến lễ hội để hát giao duyên và trao đổi tâm tình. Lễ hội Pháo hoa được biết đến từ ông bà, bố mẹ, rồi bố mẹ lại truyền lại cho con cháu, lễ hội đã được truyền tai nhau qua bao nhiêu đời như vậy cho đến ngày nay. Do đó việc nhận thức, đánh giá đúng lễ hội truyền thống, việc bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống là vô cùng cần thiết, để giá trị của lễ hội luôn là một biểu trưng hình thái xã hội mang đậm giá trị văn hóa dân tộc.
Lễ hội Pháo hoa với những giá trị lịch sử văn hoá đặc sắc đó đã góp phần làm nên hình thức sinh hoạt văn hoá lành mạnh, đồng thời là dịp để cho các đồng bào dân tộc có dịp được trổ tài, được khoe sức. Những trò chơi dân gian đậm màu sắc dân tộc, những điệu múa, âm thanh đàn tính do hàng trăm nam thanh, nữ tú tham dự lễ hội trình diễn đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng sâu sắc. Nghi thức đoàn múa rồng chạy qua các khu phố, từng ngôi nhà để được chủ nhân nơi đó thưởng rượu và cầu chúc cho những điều tốt lành là hình ảnh gây nên ấn tượng nhất. Khi đội múa rồng dừng lại nhà nào lâu nhất, được uống rượu nhiều nhất thì nhà đó năm tới mùa màng bội thu, ăn nên làm ra, thóc ngô đầy bồ. Còn nhà nào đội
múa rồng dừng lại ít thì cũng có nghĩa nhà đó năm qua làm ăn chưa được như mong muốn. Theo lý giải của ông Vi Hồng Khanh, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Quảng Uyên: “ Đây là một nghi lễ quan trọng của lễ hội. Bởi thông qua đó,
chủ nhân những ngôi nhà và đội múa rồng trao cho nhau những lời chúc mùa màng tốt tươi, gia đình ấm no hạnh phúc”. [42]
Tựu trung, lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên là một trong những di sản văn hóa phi vật thể, là một sinh hoạt văn hóa đặc biệt chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội được hình thành và phát triển cùng với lịch sử lâu đời của dân tộc. Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được của nhân dân địa phương, nhằm thỏa mãn khát vọng về nguồn, nhu cầu văn hóa tâm linh. Với sự đa dạng về văn hóa lễ hội Pháo hoa đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch to lớn phục vụ cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm tiềm năng phát triển du lịch ở Cao Bằng.
Để bảo tồn những giá trị văn hóa của lễ hội Pháo hoa nhất là trong quá trình phát triển du lịch gắn với lễ hội rất cần thiết phải giữ những nghi lễ quan trọng, đó là nghi lễ truyền thống – linh hồn của lễ hội. Hiện nay, lễ hội Pháo hoa đang được bảo tồn và khôi phục lại, nhân dân chính là người làm chủ, dưới sự chỉ đạo của sở VHTT&DL chính quyền địa phương là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lễ hội thật văn minh, tiết kiệm nhưng trang trọng và ý nghĩa. Góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói riêng, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.