9. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Bảo tồn và phát huy
- Bảo tồn là “hoạt động giữ gìn một cách an toàn khỏi sự tổn hại, sự xuống
cấp hoặc phá hoại” hay nói cách khác “bảo tồn có nghĩa là bảo quản kết cấu một địa điểm ở hiện trạng và hãm sự xuống cấp của kết cấu đó” [20]
Ashworth, một học giả có uy tín hiện nay đã tổng kết từ thực tế bảo tồn di sản ở nhiều nước trên thế giới thành ba quan điểm và tương ứng với nó là ba mô hình bảo tồn di sản: Bảo tồn y nguyên, bảo tồn trên cơ sở kế thừa, bảo tồn - phát triển.
Như vậy, bảo tồn là tất cả những nỗ lực nhằm hiểu biết về lịch sử hình thành, ý nghĩa của di sản văn hóa nhằm bảo đảm sự an toàn, phát triển lâu dài về vật chất cho di sản văn hóa và khi cần đến phải đảm bảo việc giới thiệu, trưng bày, khôi phục và tôn tạo lại để khai thác khả năng phục vụ cho hoạt động tiến bộ của xã hội.
Bảo tồn văn hóa không phải là hoạt động cản trở sự phát triển văn hóa, mà trong một chừng mực nào đó còn là cơ sở cho sự phát triển văn hóa theo đúng hướng. Bản thân quá trình phát triển văn hóa có sự đào thải yếu tố văn hóa lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với hiện thực khách quan. Sẽ là sai lầm khi coi bảo tồn văn hóa triệt tiêu sự phát triển văn hóa và ngược lại phát triển văn hóa sẽ triệt tiêu bảo tồn văn hóa.
Bảo tồn và phát triển văn hóa có thể được coi là thúc đẩy nhau; bảo tồn văn hóa giữ vai trò là cơ sở góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, thông qua phát triển văn hóa, con người nhận thức và thực hiện hoạt động bảo tồn văn hóa nhằm thể hiện bản sắc riêng của mình. Cũng bởi tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa mà trong quá trình phát triển chứa đựng sự đánh giá, xác lập vị thế của yếu tố văn hóa mới dựa trên nền tảng giá trị đã được bảo tồn.
- Phát huy được hiểu là những tác động làm cho cái hay, cái đẹp, cái tốt tỏa
tác dụng và tiếp tục nảy nở từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, từ cao đến thấp, từ đơn giản đến phức tạp [20]
Cách thức phát huy của mỗi di sản, mỗi thời điểm có khác nhau, điều đó tùy thuộc vào văn hóa của mỗi vùng, vào nhận thức của từng người. Nhưng tất cả các hoạt động này đều phải dựa vào giá trị sẵn có của di sản, làm tôn vinh vẻ đẹp và phát triển các giá trị văn hóa đó. Hình thức chủ đạo của phát huy là quảng bá hình ảnh của di sản trên mọi phương diện nhằm khai thác, thu hút khách đến tham quan, đầu tư. Trong công tác phát huy , vấn đề đặt ra là tuyên truyền , giáo dục trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết về lễ hội truyền thống với những giá trị văn hóa của nó. Đây chính là cây cầu để chúng ta đưa lễ hội truyền thống về với cộng đồng. Cộng đồng chính là môi trường không chỉ sản sinh ra lễ hội, mà còn là nơi tốt nhất bảo tồn, làm giàu thêm, phát huy nó trong đời sống xã hội.
Như vậy, phát huy chính là việc khai thác, sử dụng sản phẩm một cách có hiệu quả. Phát huy giá trị di sản văn hóa là một hoạt động có tính liên ngành, có tiêu chí chung, mục đích là phục vụ cho sự tiến bộ của xã hội, cho việc phát triển du lịch bền vững và góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời là nhịp cầu nối với bạn bè năm châu.
Từ hai khái niệm trên, quan điểm của tác giả về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như sau: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là
việc bảo vệ, gìn giữ những nét riêng, coi trọng tính đặc thù, độc đáo gắn với truyền thống của mỗi vùng, miền. Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được chọn lọc, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu, xây dựng thêm các tiêu chí văn hóa mới phù hợp với thời đại, để nó có thể tiếp tục song hành cùng xu hướng đi lên của cuộc sống.
- Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy: Bảo tồn và phát huy luôn gắn liền
với nhau như một cặp phạm trù trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Bởi lẽ, văn hóa là cái thể hiện sức sống của dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nếu chỉ bảo tồn mà tồn tại, không đem ra sử dụng thì không phát huy được giá trị ẩn chứa trong di sản, rồi thời gian sẽ làm di sản phai mờ và nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Chỉ khi giá trị các di sản được phát huy thì mới có cơ sở, có căn cứ và làm điều kiện để bảo tồn di sản. Do vậy, phát huy sẽ tạo ra hướng tiếp nhận, ảnh hưởng mới làm cho các giá trị văn hóa không bị lãng quên mà còn lan rộng và giữ vững được bản sắc của mình. Bảo tồn là căn bản, làm cơ sở cho sáng tạo, phục vụ phát huy và ngược lại phát huy giúp cho bảo tồn di sản văn hóa được tốt hơn, tỏa sáng hơn.
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nên được coi là một hoạt động khoa học, đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu, sự phối hợp liên ngành và phải tuân thủ những nguyên tắc cao nhất của bảo tồn là giữ được tính nguyên gốc của di sản gắn với những điều kiện lịch sử, kinh tế – xã hội cụ thể của từng thời kỳ.
Trên nguyên tắc đó khi giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa cần có sự hiểu biết đầy đủ về nội dung chứa đựng trong di sản, cũng như các thuộc tính của di sản văn hóa đó. Đồng thời đánh giá toàn diện, từ đó có sự lựa chọn hình thức bảo tồn cho phù hợp. Trong trường hợp nào cần ưu tiên cho sự phát triển, còn khi nào lại phải chọn phương án bảo tồn. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức coi di sản văn hóa không những là cội rễ của bản sắc văn hóa, mà việc bảo tồn và phát huy nó là giải pháp để xây dựng bản sắc văn hóa của dân tộc.