2.3.4.1. Điểm mạnh - Nguồn nhân lực
Một trong những điểm mạnh đầu tiên của Công ty đó là nguồn nhân lực, điểm mạnh này thể hiện qua rất nhiều yếu tố và nó tạo ra một lợi thế lớn cho việc xây dựng chiến lược kinh doanh của Công ty. Cụ thể về nguồn nhân lực của khách sạn như sau:
Thứ nhất là về trình độ của đội ngũ nhân lực. Công ty có 156 nhân viên, trong đó 30% là trình độ đại học, cao đẳng, còn lại là trung cấp hoặc các lớp nghiệp vụ ngắn hạn. Điều này cho thấy nhân viên của Công ty có đủ trình độ nghiệp vụ để phục vụ khách hàng được tốt.
Thứ hai là đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, gắn bó lâu dài với Công ty. Vì đặc điểm du lịch ở Nghệ An là mang tính chất mùa vụ nên Công ty có nguồn nhân viên thời vụ khá dồi dào, luôn đảm bảo đủ số lượng nhân viên phục vụ trong mùa cao điểm và tiết kiệm được chi phí trong mùa thấp điểm. Mặt khác, nhân viên quản lý của Công ty giàu kinh nghiệm, đặc biệt là nhân viên quản lý cấp trung, giỏi nghiệp vụ, có trình độ ngoại ngữ tốt, luôn quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên, tạo được sự ngưỡng mộ và thân thiện trong nhân viên.
- Cơ sở vật chất và trang thiết bị
Trang thiết bị, vật chất của Công ty được trang bị rất đầy đủ và hiện đại, đạt theo tiêu chuẩn của một Công ty Du lịch chuyên nghiệp. Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách Công ty cũng đã đầu tư thêm một số thiết bị để phục vụ cho nhu cầu giải trí và tìm kiếm thông tin của khách hàng. Như lắp đặt hệ thống truyền hình cáp (kênh quốc tế) và hệ thống mạng wifi cáp quang tốc độ nhanh để khách có thể truy cập Internet miễn phí tại mọi nơi trong công ty.
- Phương pháp quản lý
Mỗi nhân viên của Công ty được phân công một công việc riêng và phải chịu trách nhiệm trước công việc của mình, điều này đã tạo ra được tính chuyên môn hóa cao trong công việc.
Đồng thời để tránh sự nhàm chán cho nhân viên thì Công ty có sự luân phiên công việc giữa các nhân viên phục vụ. Phương pháp này đã giúp cho Công ty có thể nâng cao được chất lượng của đội ngũ lao động với chi phí thấp.
- Môi trường làm việc
Với xu hướng hiện nay khách thích không khí trong lành của cây xanh. Công ty trồng nhiều cây xanh trong những không gian có thể tận dụng như hành lang, đại sảnh,… để tạo môi trường trong lành.
Nhân viên của Công ty luôn cởi mở, thân thiện với khách hàng tạo môi trường gần gũi, thân mật, giúp khách hàng có cảm giác như đang ở giữa những người thân của mình.
2.3.4.2. Điểm yếu - Nguồn nhân lực
Mặc dù đội ngũ nhân viên của khách sạn được đào tạo bài bản với chất lượng không ngừng được nâng cao nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số tồn tại:
Đội ngũ nhân viên bộ phận F&B có trình độ tay nghề không đồng bộ, trình độ tiếng anh còn hạn chế. Đây là một vấn đề quan trọng mà công ty cần khắc phục nhanh vì với xu thế hội nhập như hiện nay thì tất cả các nhân viên cần phải có khả năng ngoại ngữ tốt mới phục vụ tốt cho khách nước ngoài được.
Đặc điểm du lịch ở Nghệ An là theo mùa vụ nên đội ngũ nhân viên của Công ty cũng có một số là theo mùa vụ. Số lượng nhân viên thời vụ này tay nghề còn hạn chế, kinh nghiệm không cao và sự gắn bó với khách sạn rất thấp. Với trang thiết bị hiện đại được đổi mới liên tục vì vậy nên nhân viên ở một số bộ phận vẫn chưa thích ứng kịp với côn nghệ mới. Điều này dẫn đến hiệu suất sử dụng thiết bị của Công ty còn kém và chưa đồng bộ
- Cơ sở vật chất và trang thiết bị
Trang thiết bị của Công ty về cơ bản là đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên vẫn còn một số mặt hạn chế như:
Còn thiếu sự đồng bộ và cân đối trong việc bày trí bàn ghế và các thiết bị khác trong Công ty, cách bày trí còn thiếu tính chuyên nghiệp và chưa đảm bảo tính thẩm mỹ.
Một số thiết bị trong Công ty theo thời gian đã lỗi thời, cũ kĩ không đảm bảo chất lượng, điều này vừa làm giảm tính thẩm mỹ vừa làm xấu hình ảnh của Công ty.
Một yếu điểm nữa của Công ty đó là không có chỗ để xe cho khách và nhân viên, gây khó khăn cho khách hàng khi đến làm việc với Công ty.
- Phương pháp quản lý
Trong quá trình quản lý một số bộ phân chưa phân công vị trí làm việc cho từng nhân viên, gây hiện tượng chồng chéo vị trí và lộn xộn trong công việc. Đồng thời chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhân viên văn phòng của công ty với nhân viên của các khách sạn trực thuộc.
- Môi trường làm việc
Một thiếu sót rất lớn của Công ty về môi trường làm việc của nhân viên đó là không đảm bảo chỗ nghỉ ngơi và chỗ ăn uống để nhân viên đảm bảo đủ sức khỏe làm việc.
2.3.4.3. Cơ hội
Với xu hướng đi du lịch của người dân ngày càng tăng. Theo thống kê của Tổng Cục Du Lịch, 9 tháng đầu năm 2013 đã có đến 31 triệu lượt khách trong nước đi du lịch, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng khách quốc tế đến Việt Nam trong chín tháng năm 2013 đạt gần 5,5 triệu lượt khách, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 152.800 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là một cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và Công ty Du lịch Trường Sơn nói riêng vì xu hướng này cũng vẫn được duy trì.
Nền kinh tế - chính trị ổn định và phát triển. Đây cũng là một điều kiện vĩ mô để phát triển ngành du lịch của Việt Nam nói chung và của Nghệ An nói riêng. Với một thị xã biển thân thiện mến khách, Cửa Lò được đánh giá là một điểm đến lý tưởng cho du khách.
Trong vấn đề quản lý thì hiện nay có rất nhiều các phần mềm quản lý như: phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý khách sạn, phần mềm quản lý đặt hàng,… tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty trong quá trình kinh doanh.
2.3.4.4. Nguy cơ
Công ty Du lịch Trường Sơn nằm trên trục đường chính của Thành phố Vinh, Nghệ An; nơi có nhiều công ty du lịch lớn, do đó sự cạnh tranh giữa các công ty trong tỉnh là tương đối lớn. Đặc biệt là sự cạnh tranh với các công ty có tiêu chuẩn và quy mô lớn hơn.
Bên cạnh việc phải cạnh tranh với các Công ty du lịch lớn hơn trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì hiện nay, có rất nhiều Công ty du lịch mới nổi với những hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn, đây cũng là những đối thủ tiềm ẩn là rất lớn.
Nhận xét: Qua phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ ta thấy Công ty cần có những chiến lược phù hợp, sử dụng những điểm mạnh, tăng cường khắc phục những điểm yếu để tận dụng những cơ hội, vượt qua được những nguy cơ.
CHƯƠNG 3: XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CHO CÔNG TY DU LỊCH TRƯỜNG SƠN GIAI ĐOẠN 2013 - 2020 3.1. Căn cứ xây dựng chiến lược kinh doanh của Công ty Du lịch trường Sơn giai đoạn 2013 – 2020.
3.1.1 Xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian tới
Cùng với sự phát triển chung của thế giới và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam luôn chú trọng xây dựng, phát triển nền kinh tế thực sự vững mạnh thông qua việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn - các ngành kinh tế được phát triển dựa vào tiềm lực sẵn có của đất nước.
Ngày nay, du lịch trở thành một hiện tượng phổ biến và quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Nó là một ngành kinh tế được Đảng và Nhà nước đánh giá cao trong nền kinh tế với mục tiêu chiến lược là "phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống, văn hoá lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực" [9]. Đây thực sự là một cơ hội nhưng cũng là những thách thức lớn đối với ngành du lịch.
Để du lịch nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công, Việt Nam đã không ngừng mở rộng thị trường trọng điểm và tạo lập những ấn tượng tốt đối với du khách quốc tế. Một bộ phận không nhỏ khách du lịch quốc tế đã có nhiều thông tin và biết đến Việt Nam là một đất nước hoà bình, ổn định chính trị, an toàn xã hội, người dân mến khách, tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn chú trọng đến vai trò chủ đạo của Nhà nước trong chiến lược phát triển du lịch như: tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đổi mới cơ chế, chính sách, xoá bao cấp, giảm dần hàng rào bảo hộ, chủ động đổi mới công nghệ và quản lý, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch... Qua đó góp phần tạo hành lang thông thoáng cho ngành du lịch phát triển.
Năm 2013, Việt Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các khu du lịch trong cả nước. Hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, phương tiện vận
chuyển khách được các doanh nghiệp tích cực đầu tư mới với chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Du lịch Việt Nam là ngành kinh tế mũi nhọn nên sẽ được Chính phủ quan tâm và đầu tư nhiều hơn.
Theo dự báo của Tổng cục du lịch Việt Nam, dự kiến năm 2014 số lượng khách quốc tế đạt 7,2 triệu lượt, (tăng 5,15% so với năm 2012), phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa (tăng 7,69% so với năm 2012); tổng thu từ khách du lịch đạt 190.000 tỷ đồng (tăng 18,75% so với năm 2012 và năm 2015 ngành du lịch Việt Nam sẽ thu hút 7-8 triệu lượt khách quốc tế, 32-35 triệu khách nội địa, con số tương ứng năm 2020 là 11-12 triệu khách quốc tế; 45-48 triệu khách nội địa. Doanh thu từ du lịch dự kiến sẽ đạt 18-19 tỷ USD năm 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch Việt Nam đã đề ra phương hướng hoạt động của khách sạn trong thời gian tới như sau:
- Khai thác có hiệu quả các khách sạn hiện có và sẽ có, phấn đấu công suất sử dụng phòng ngày càng tăng.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, hệ thống các khách sạn thực sự phát triển, nâng cao hiệu quả kinh doanh tổng hợp của toàn ngành trong điều kiện cạnh tranh của cơ chế thị trường và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tăng cường công tác quản lý khách sạn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý để tổ chức kinh doanh có hiệu quả cao.
- Đổi mới, tăng cường công tác tiếp thị, đảm bảo nguồn khách ổn định cho mỗi khách sạn.
3.1.2 Tình hình phát triển du lịch tại Nghệ An
Hiện nay đến với Nghệ An, quý khách có thể đi bằng đường bộ,đường sắt, đường thủy, đường hàng không đều rất thuận lợi. Từ thành phố Vinh, tham gia vào một trong các tour du lịch hấp dẫn trong tỉnh như: Kim Liên (Nam Đàn), bãi biển Cửa Lò, rừng nguyên sinh Pù Mát (Con Cuông), Lạc Xao (Lào) và Thái Lan. Với những giá trị vốn có và cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, Cửa Lò có thể phát triển nhiều loại hình du lịch với sắc thái ý nghĩa riêng.
Du lịch sinh thái: Quý khách có thể đến thăm Đảo Ngư, Đảo Mắt, khu du lịch sinh thái Cửa Hội, Hang Bua, nước khoáng Kim Sơn. Lộ trình du lịch này đã được xây dựng, quý khách có thể đến thăm các điểm du lịch đem lại cho du khách sự thoải mái khi hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên ở Nghệ An.
Du lịch tâm linh: Du khách có thể đến thăm chùa Song Ngư, chùa Lô Sơn, đền Vạn Lộc, đền Thu Lũng, các khu di tích, khu lưu niệm. Qua đó du khách sẽ cảm nhận được các giá trị văn hóa của Nghệ An được vun đắp qua hàng trăm năm qua.
Ngoài ra, các loại hình như: Du lịch thể thao, du lịch du thuyền, du lịch làng nghề sẽ giúp du khách hiểu thêm về đất và người Nghệ An.
Đến với Nghệ An, du khách không thể bỏ qua việc thưởng thức các món ẩm thực mang hương sắc vùng biển Miền Trung. Đó là các món được chế biến từ hải sản: Nước mắm hạ thổ, mọc cua bể, các món mực, cá giò 7 món, ghẹ hấp me, cháo nghêu, cháo lươn và đặc biệt hơn là món ăn rất dân dã, rất riêng của người xứ Nghệ: Kẹo Cu đơ. Du lịch Cửa Lò, với 100 năm hình thành và phát triển đang trở thành điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là ngành quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Cửa Lò nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Năm 2013, mặc dù kinh tế có nhiều biến động, lạm phát và giá cả tăng cao. Người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu về hưởng thụ các dịch vụ giải trí theo đó cũng hạn chế. Người tiêu dùng cân nhắc hơn trong việc lựa chọn những địa điểm và những loại hình giải trí, nghỉ dưỡng thích hợp. Chính vì vậy, Nghệ An vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu chung; Ngoài các hoạt động vui chơi giải trí, tham quan các điểm tâm linh trên địa bàn, ngành du lịch tỉnh còn thiết lập được 16 tuyến du lịch đến các điểm tham quan trong tỉnh và nước ngoài; Công tác bảo đảm an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn và vệ sinh môi trường được triển khai xuyên suốt mùa du lịch, đảm bảo an toàn khi du khách về tham quan và nghỉ dưỡng.
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nghệ An luôn xem du lịch là một thế mạnh và giành nhiều ưu tiên cho ngành công nghiệp không khói
này. Để phát huy được tiềm năng đó, những năm qua, tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn, nhất là quản lý giá. Chăm lo xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội...
Bên cạnh đó, số lượng công ty du lịch cũng tăng lên đáng kể phục vụ được tốt nhất nhu cầu khách du lịch. Như vậy, cùng với sự gia tăng của lượng khách du lịch là sự phát triển của số lượng công ty du lịch. Để tồn tại, phát triển và đáp ứng được với số lượng khách ngày càng tăng cùng với nhu cầu ngày càng cao, đa dạng và phong phú, các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật và văn minh phục vụ.
3.1.3 Phương hướng mục tiêu kinh doanh của công ty du lịch Trường Sơn giai đoạn 2013 - 2020 giai đoạn 2013 - 2020
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An, sự góp mặt của các loại hình du lịch đã dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu, thị trường kinh doanh du lịch vốn đã cạnh tranh gay gắt giờ lại càng trở lên khốc liệt hơn. Một vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành có liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nói chung và công ty du lịch nói riêng là làm sao để doanh nghiệp mình phát triển một cách