các yếu tố bên ngoài EFE:
2.4.2.1. Môi trường quốc tế và khu vực:
Tình hình kinh tế chính trị thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng dự báo chiều hướng chung về cơ bản sẽ theo hướng có tác động tích cực đến nền kinh tế - xã hội nước ta nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Xu thế hợp tác để phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới và khu vực. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhất. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, khu vực này có khả năng tăng trưởng với tốc độ 5-5,5%/năm trong giai đoạn đến năm 2020, cao gấp đôi so với mức dự báo cho toàn thế giới (2,5-2,7%/năm). Cộng đồng ASEAN hình thành vào năm 2015 tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Tình hình chính trị thế giới còn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp và khó lường. Khủng hoảng kinh tế thế giới (lạm phát, suy thoái, khủng hoảng nợ công…) tác động rất lớn đến nước ta, nhất là trong thu hút nguồn lực những năm tới. Những xung đột
cục bộ, khủng bố và những bất ổn khác vẫn có thể xảy ra đối với một số khu vực, ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu. An ninh biển Đông có tác động đến Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng. Các nước lớn vẫn tăng cường áp đặt thế lực của mình tới các nước đang phát triển và thâu tóm vùng ảnh hưởng thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương và khu vực, đặc biệt giữa các nước phát triển với nhau cũng là một thách thức lớn cho các nước chậm phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Xu thế này sẽ càng làm cho các nước nghèo và kém phát triển có nguy cơ bị đẩy ra xa sự phát triển chung. Các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại sẽ tiếp tục gây ra những bất lợi cho hàng nông sản, hàng công nghiệp của Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng.
2.4.2.2. Môi trường trong nước: a- Các yếu tố kinh tế:
Suy thoái trong khu vực đồng Euro cùng với khủng hoảng tín dụng và tình trạng thất nghiệp gia tăng tại các nước thuộc khu vực này vẫn đang tiếp diễn. Hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu bị tác động mạnh, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp. Tăng trưởng của các nền kinh tế đầu tàu suy giảm kéo theo sự sụt giảm của các nền kinh tế khác.
Bảng 2.12: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2012
Năm Chỉ tiêu 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 Tốc độ tăng trưởng GDP 8,23% 8,46% 6,31% 5,32% 6,78% 5,89% 5,30% (Nguồn từ Tổng Cục thống kê)
Nền kinh tế nước ta trong những năm qua bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế ở Mỹ, lan sang các nước Chấu Á, đã làm thay đổi tổng cung và tổng cầu hàng hóa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân và làm tăng áp lực cạnh tranh trong phạm vi của những ngành riêng biệt, gây không ít khó khăn cho sự phát triển đồng đều các ngành kinh tế và toàn bộ nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ năm 2006-2012 bình quân giảm, tỉ lệ tăng trưởng năm 2006 là 8,23%; năm 2007 là 8,46%, cao nhất từ năm 1997 đến nay. Tuy nhiên, năm 2008 nền kinh tế Việt Nam bị chững lại do khủng hoảng tài chính, dấu hiệu lạm phát tăng lên rất cao, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,31%, lạm phát tăng tốc ở mức 10-20%. Năm 2009 Chính phủ tung ra gói kích cầu dẫn đến GDP tăng năm 2010 là 6,78%. Tuy nhiên cũng để lại nhiều hệ lụy như thị trường chứng khoáng và bất động sản bị đóng băng, thậm chí là suy thoái, lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách nặng dẫn tới nợ nhà nước
tăng cao gây bất ổn định tỷ giá và bất ổn định kinh tế vĩ mô. Những năm 2011 - 2012 lạm phát tăng rất cao (20%), Ngân hàng nhà nước đã áp dụng biện pháp phá giá đồng tiền, Chính phủ đã đưa ra thắt chặt tiền tệ nhằm mục đích giảm thiểu lạm phát. Theo đó, lãi suất ngân hàng tăng cao, các doanh nghiệp bị hạn chế cho vay. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến thua lỗ, một số lượng lớn các doanh nghiệp phá sản, tốc độ nợ tăng nhanh đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế.
Cùng với thành tựu kiềm chế lạm phát, kinh tế Việt nam vẫn tăng trưởng khoảng 5% trong khó khăn của kinh tế thế giới. Đó là mức tăng trưởng phù hợp, thích ứng với khó khăn chung, cả xuất nhập khẩu, sức cạnh tranh kém v.v... trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm mạnh đó, kinh tế nước ta tuy có giảm sút, cao hơn mức thấp nhất 20 năm qua là năm 1999 (GDP tăng 4,77%) khi bị tác động bởi khủng hoảng tài chính Đông Á..
Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 xác định Kiên Giang là tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có vị trí trọng yếu đối với sự phát triển kinh tế xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu lương thực, đáp ứng linh hoạt với những biến đổi của thị trường và những thay đổi vi khí hậu của hệ sinh thái mang tính toàn cầu. Mục tiêu phát triển trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm Quốc gia: trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản; trung tâm năng lượng lớn; trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước và là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực, giữ vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tình hình KTXH của tỉnh Kiên Giang tiếp tục ổn định và tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 11,81% và đạt khá so với cả nước và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Thu nhập bình quân đầu người là 42,6 triệu đồng. [11]
Bảng 2.13: Tốc độ tăng trưởng GDP của Kiên Giang giai đoạn 2008 – 2012
Năm Chỉ tiêu
2008 2009 2010 2011 2012 Tốc độ tăng trưởng GDP 12,60% 10,52% 12,05% 9,90% 11,81%
(Nguồn : Cục thống kê tỉnh Kiên Giang)
b- Các yếu tố chính trị - chính phủ:
Trong điều kiện môi trường quốc tế hiện nay, tình hình thế giới đã và đang diễn ra mất ổn định về an ninh và chính trị ở nhiều nước, nhiều khu vực như: Khu vực Trung
Đông, khu vực Trung Á,… Sự bất ổn chính trị và chủ nghĩa khủng bố diễn ra khắp các châu lục trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia có môi trường an ninh và chính trị ổn định, được các nước trên thế giới bình chọn Việt Nam là quốc gia an toàn, có môi trường chính trị ổn định và an toàn về an ninh, tạo được môi trường hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam.
Hệ thống pháp luật tiếp tục được xây dựng và sửa đổi hoàn chỉnh. Đặc biệt từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã tiếp tục ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ về nhà ở, đất ở cho nhân dân, cũng như cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, mở cửa, khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhà ở. Cụ thể như: Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg năm 2002 về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm tuyến dân cư ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người nghèo tại khu vực nông thôn có nhà ở; các đạo luật quan trọng như Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2001 và được thay thế vào năm 2003, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Nhà ở năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, Nghị quyết số 19/2009/NQ-QH12 về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và một loạt các văn bản dưới luật được ban hành, như Nghị định số 153/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 51/2009/NĐ-CP năm 2009 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 19/2009/NQ-QH12, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP năm 2010 về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Nghị quyết số 18/NQ-CP năm 2009 của Chính phủ và các Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho các đối tượng là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.... Các chính sách này đã từng bước tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có khả năng cải thiện chỗ ở, đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh hợp tác kinh tế quốc tế, làm tăng quỹ nhà ở trong cả nước.
Để chính sách đi vào cuộc sống, với ý nghĩa nhân văn rộng lớn, cùng một tầm nhìn dài hạn Bộ Xây dựng đã dồn khá nhiều tâm sức vào việc xây dựng dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011. Việc ban hành quyết định có ý nghĩa sâu sắc về nhà ở này được đông đảo nhân dân nồng nhiệt đón chờ, bởi đây không chỉ là chiến lược quốc gia mà là giải pháp nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó cơ chế, chính sách chưa đồng bộ giữa pháp luật về nhà ở với các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là pháp luật về đất đai và đầu tư, thủ tục hành chính còn rườm rà và tốn nhiều thời gian ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch thực hiện. Còn thiếu các chính sách tài chính và thuế liên quan đến thị trường nhà ở để mở rộng khả năng huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và của xã hội tham gia phát triển nhà ở
c- Các yếu tố văn hoá - xã hội:
Tính đến thời điểm 01/4/2009, dân số đô thị cả tỉnh đạt 26,9% tổng dân số, khoảng 455.020 người/1.688.248 người. Theo dự báo, đến năm 2015 tổng dân số toàn tỉnh khoảng 1.825.000 người, dân số đô thị khoảng 693.500 người chiếm 38% tổng dân số; năm 2020 tổng dân số toàn tỉnh khoảng 1.976.400 người, dân số đô thị khoảng 889.200 người chiếm 45% tổng dân số; từ số liệu này cho thấy nhu cầu về nhà ở là rất lớn.
Thêm vào đó, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Nhà nước tiếp tục chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đô thị hóa nông thôn, làm cho đời sống người dân được cải thiện.
Xã hội Việt Nam với nền tảng văn hóa Á – Đông đang chuyển biến theo hướng kết hợp hài hòa giữa hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Sự giao lưu học hỏi với thế giới bên ngoài ngày càng được rộng mở làm trình độ dân trí ngày càng cao. Tuy nhiên nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân về phát triển nhà ở chưa cao.
Cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện đáng kể (năm 2009 thu nhập bình quân đầu người ở Kiên Giang là 802USD, tương đương 15,2 triệu đồng/người/năm, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người 2.961USD, tương đương 42,6 triệu đồng/người/năm). Tuy nhiên theo một số chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường nhà ở hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với mức thu nhập của người lao động bình thường. Hiện tại, giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập trung bình năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các
nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Do vậy nếu như người dân tiết kiệm được 30% thu nhập để mua nhà ở, thì sau 60 - 70 năm làm việc họ mới dám nghĩ tới mua nhà ở cho mình. Bên cạnh đó nhu cầu hộ gia đình thuộc diện chính sách xã hội và có thu nhập thấp tại Kiên Giang khá lớn. Nhu cầu về nhà ở đảm bảo thẩm mỹ, chất lượng, điều kiện ở ngày càng được quan tâm. Chính xu hướng này đòi hỏi Nhà nước củng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng củng phải luôn đổi mới, nắm bắt nhạy bén thị hiếu để xây dựng chiến lược phát triển bền vững.
d- Các yếu tố môi trường tự nhiên:
Trên bình diện thế giới, Việt Nam được xác định là một trong các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu bởi mực nước biển dâng. Phần lớn những tác động này sẽ xảy ra những vùng ven biển như tỉnh Kiên Giang.
Thế kỷ XXI được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”, các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Việt nam có hơn 3.200km bờ biển chạy qua 28 tỉnh, thành phố gồm biển Đông và biển Tây (vịnh thái lan). Là một trong hai tỉnh của Việt nam thuộc Vịnh Thái Lan, Kiên Giang có tiềm năng rất lớn về khai thác du lịch, kinh tế biển, kinh tế công nghiệp, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp và là cửa ngõ quan trọng trong việc giao lưu kinh tế với các nước trong khối Asian đặc biệt là với Campuchia, Thái Lan, là tiền đồn bảo vệ phía Nam và Tây Nam của Tổ quốc.
Kiên Giang có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng và biển đảo. Trong đó, phần đất liền có địa hình tương đối bằng phẳng, kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu, thấp dần từ đông bắc xuống tây nam. Do nằm ở vĩ độ thấp và giáp biển nên Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 27 – 27,50C. Kiên Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng ảnh hưởng lũ do lượng nước mưa của bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa, gây ra tình trạng sạt lỡ trên diện rộng.
Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản dồi dào nổi tiếng với trữ lượng đá vôi lớn nhất Miền Nam và trữ lượng đất sét lớn, là vùng nguyên liệu khoảng sản lớn, chủ yếu là khoáng sản không kim loại dùng cho ngành sản suất vật liệu xây dựng gồm xi măng, vôi, gạch, đá xây dựng. Chính từ các tiềm năng này mà các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, các khu công nghiệp được hình thành ảnh hưởng nghiêm trọng đến ô nhiểm môi trường.
e- Các yếu tố công nghệ và kỹ thuật:
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng nhà ở là công cụ hửu hiệu, đặc biệt giảm giá thành đầu tư xây dựng các loại hình nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; tăng cường công tác quản lý chất lượng xây dựng nhà ở.