Quan hệ việ t trung từ năm 1950 đến năm
3.2.3. Quan hệ giao thông vận tải, thông tin liên lạc
Về giao thông vận tải và thông tin liên lạc, sau khi miền Bắc giải phóng, Trung Quốc có nhiều giúp đỡ và hợp tác thiết thực với nước ta. Ngày 16-11-1954, đoàn đại biểu giao thông công chính nước Việt Nam DCCH do ông Nguyễn Văn Trân, Thứ trưởng Bộ giao thông công chính làm trưởng đoàn sang thăm Trung Quốc. Đoàn đã thảo luận với các đại biểu Chính phủ Trung Quốc về việc Trung Quốc sẽ giúp đỡ Việt Nam phục hồi các đường giao thông, vận tải và mở rộng mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Sau một thời gian dài bàn bạc, đàm phán, ngày 28-12-1954, Chính phủ nước Việt Nam DCCH và Chính phủ nước CHND Trung Hoa đã ra thông cáo cuộc hội đàm về giao thông và thuỷ lợi với nội dung:
Về đường sắt: Công trình sửa chữa đoạn đường sắt từ Hà Nội đến Đồng Đăng và thông liền đến Mục Nam Quan của Trung Quốc do Tổng đội công trình đường sắt của Công ty công trình giao thông Trung Quốc nhận làm giúp. Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam đầu máy, toa xe và các thứ máy móc, vật liệu có liên quan mà Việt Nam cần.
Về đường bộ: Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam những thứ cần thiết như máy móc làm đường, vật liệu, dầu mỡ, thiết bị cho các xưởng sửa chữa và các xưởng làm lại xăm lốp.
Về hàng không dân dụng và khí tượng: Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam những thiết bị và đồ dùng cần thiết cho các trạm hàng không và trạm khí tượng.
Về thủy lợi: Trung Quốc cung cấp các thứ máy móc, vật liệu mà Việt Nam cần cho việc khôi phục 5 công trình thuỷ lợi bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh.
Nhằm thi hành những hiệp nghị trên, Trung Quốc phái chuyên gia kỹ thuật và nhân viên kỹ thuật sang Việt Nam để giúp đỡ khôi phục giao thông, bưu chính, điện tín và thuỷ lợi.
Ngày 24-12-1954, tại Bắc Kinh, hai nước đã ký “Nghị định thư về Trung Quốc viện trợ Việt Nam sửa chữa đường sắt”. Theo hiệp định đã ký, cuối tháng 12-1954, hơn 2000 công nhân xe lửa Trung Quốc và 13 nhà chuyên môn Trung Quốc đã tới công trường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan để cùng với công nhân Việt Nam sửa chữa đường sắt, đường quốc lộ và cầu. Đồng thời Trung Quốc còn giúp Việt Nam xây dựng nhà máy săm lốp ô tô, nhà máy chế tạo, nhà máy sửa chữa cơ khí hàng không dân dụng, cung cấp cho Bộ Giao thông nước ta phòng thí nghiệm và thiết bị cho trường học.
Ngày 11-6-1952, tại Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định trao đổi bưu kiện giữa hai nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc của đoàn đại biểu Giao thông công chính, đại diện ngành bưu điện hai nước là Vương Tử Cương và Nguyễn Văn Trân đã ký “Hiệp định bưu chính” và “Hiệp định điện tín” Việt - Trung. Ngày 29-12-1954, Bộ giao thông công chính nước ta ra Nghị định số 237-NĐ về việc định thêm các loại bưu phẩm được gửi đi Trung Quốc và các nước có liên hệ bưu điện với Trung Quốc. Các loại bưu phẩm được gửi thêm là bưu thiếp đơn, bưu thiếp có trả lời, bưu thiếp có in ảnh; giấy tờ giao dịch; mẫu hàng và ấn phẩm cho người mù. Hợp tác về bưu chính đã giúp cho nước ta trao đổi với nước ngoài thuận tiện hơn.