Từ những năm 20 đến năm 1945 của thế kỷ

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 30 - 36)

1.2.2.1. Hoạt động của những nhà cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc

Nổi bật trong quan hệ Việt - Trung thời kỳ này là tình hữu nghị giữa những nhà cách mạng Việt Nam đi theo chủ nghĩa Mác và sau này là ĐCS Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quảng Châu là "đất thánh" của những người yêu nước Việt Nam. Năm 1923, tổ chức đầu tiên lấy chủ nghĩa Mác làm tư tưởng chỉ đạo của Việt Nam, Tâm Tâm xã, đã ra đời ở đây. Đầu tháng 11-1924, Nguyễn ái Quốc đến Quảng Châu. Tại đây, Người mở lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, trong thời gian 1925-1927 đã đào tạo được 3 khoá với tổng số gần 100 học viên. Các đồng chí Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi, Trần Diên Niên, Lý Phú Xuân, Bành Bái và một số đồng chí trong Ban lãnh đạo cuộc tổng bãi công Hương Cảng - Quảng Châu cũng giảng bài cho lớp huấn luyện. Tờ

Thanh niên, cơ quan ngôn luận của hội ra đời tại đây và các số báo được bí mật đưa về Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của Công đoàn thuỷ thủ do ĐCS Trung Quốc lãnh đạo, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác và động viên nhân dân ta đấu tranh chống Pháp.

Trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc từ năm 1924 đến năm 1941, Nguyễn ái Quốc đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các đảng viên ĐCS Trung Quốc cũng như những người dân lao động bình thường. Khi tới Hồng Kông để tiến hành hợp nhất ba tổ chức cộng sản, Nguyễn ái Quốc được các đồng chí của ĐCS Trung Quốc giúp thuê nhà thuận lợi. Ngày 2-3-

1930, Hội nghị thành lập ĐCS Việt Nam đã tổ chức thành công ở Cửu Long Hương Cảng. Trong những chuyến đi từ Hồng Kông đến Thượng Hải chỉ đạo hoạt động của đảng ta trong Hoa kiều ở Thượng Hải, Người cũng được giúp đỡ rất nhiều. Trong chuyến đi Thượng Hải năm 1933, nhờ Tống Khánh Linh đưa thư mà Người đã liên lạc được với tổ chức và các đồng chí của mình. Sau này, Người đã nhắc lại chuyện này và nói: "Lúc đó, tiền lương trong túi sắp hết, nếu không có bà Tống Khánh Linh giúp đỡ thì thật không biết làm thế nào" [36, 42].

Quảng Châu và vùng biên giới Trung - Việt đã trở thành nơi che chở, đùm bọc các đồng chí Việt Nam. Đầu những năm 40, nhà của Từ Vĩ Tam ở Ba Mông cũng như nhà bố con Trương Đình Duy, Trương Kỳ Siêu ở Long Lâm, nhà Nông Hữu Phong ở Cừ Dương, nhà Trương Quốc Thuỵ ở Mạch Ma, nhà bố con Lâm Bích Phong, Lâm Đại Phàm ở Vinh Lao là nơi trú chân tin cậy của những người cách mạng Việt Nam. Giữa những người cách mạng Việt Nam và những người dân này có mối quan hệ thân thiết, có những người đã kết nghĩa anh em với người của ta như Từ Vĩ Tam, Vương Tích Cơ. Nhiều lần vượt biên giới trở lại Tĩnh Tây năm 1941, Hồ Chí Minh thường ở nhà bố con Trương Đình Duy. Trong chuyến đi Trung Quốc năm 1942, Người ở nhà Từ Vĩ Tam. Chính trong cuộc gặp gỡ này, Dương Đào, một thanh niên chưa đầy 20 tuổi, đã nhận nhiệm vụ dẫn đường cho Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đi Bình Mã, thủ phủ huyện Điền Đông - Quảng Tây. Biết tin Hồ Chí Minh bị bắt, Vương Tích Cơ đến thăm và đưa cơm. Qua Vương Tích Cơ, người gửi được một lá thư bằng tiếng Việt để báo tin cho Lê Quảng Ba.

Có thể nói, trong những ngày hoạt động của cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc, những người dân vùng biên giới Việt - Trung đã có một vai trò hết sức quan trọng. Những căn nhà của họ không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là nơi liên lạc của những người cách mạng Việt Nam. Họ không chỉ là

người che chở, đùm bọc mà còn là người bảo vệ, liên lạc của cách mạng Việt Nam. Hoạt động của cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc vì thế an toàn hơn, hiệu quả hơn.

1.2.2.2. Tinh thần quốc tế vô sản của những người cộng sản Việt Nam

Nếu như trước đây, thế hệ cách mạng của Phan Bội Châu và Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn đoàn kết giúp đỡ nhau vì thấy cùng cảnh ngộ thì sau này giữa Hồ Chí Minh với các đồng chí cách mạng Trung Quốc, giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam tình đoàn kết này đã phát triển và nâng lên thành tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Với tinh thần này, trong suốt quá trình hoạt động của mình, bên cạnh những hoạt động cho cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn gắn kết và làm nhiều việc để ủng hộ cách mạng Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi ra đời cũng nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế.

Ngay từ năm 1922 khi còn hoạt động ở Pháp, Nguyễn ái Quốc đã nói với một đồng chí Trung Quốc về chuyện nên gia nhập Đảng cộng sản Pháp và sau đó đã giới thiệu 5 đồng chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cũng trong thời gian này, Người đã có mối tình thắm thiết với các đồng chí Trung Quốc như Chu Ân Lai. Sau này, khi thăm Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai đã nói: "Hồ Chủ tịch là người dẫn đường cho tôi. Hồi đó, Hồ Chủ tịch đã là một người mác xít thực thụ, còn tôi lúc đó mới bắt đầu tham gia Đảng Cộng sản, Hồ Chủ tịch là anh cả của tôi" [33,23].

Trong quá trình hoạt động cách mạng, bên cạnh việc gây dựng, chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Nguyễn ái Quốc vừa chú trọng đến việc tuyên truyền, ủng hộ cách mạng Trung Quốc, vừa trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Những bài báo của Người như Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc, Chính sách thực dân Anh, Tình cảnh của nông dân Trung Quốc… có tác dụng rất lớn trong

việc đả kích bọn đế quốc mở rộng âm mưu xâm lược Trung Quốc, cổ vũ nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Tháng 7-1925, Người cùng với một số đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức, một tổ chức có tính chất quốc tế bao gồm Trung Quốc, ấn Độ, Triều Tiên, Việt Nam. Khi hội này thành lập cũng là lúc cuộc Tổng bãi công Hương Cảng - Quảng Châu bùng nổ, Hồ Chí Minh lại dấn thân vào dòng thác cách mạng Trung Quốc. Được tin Uỷ ban bãi công tuyển đội viên tuyên truyền, Hồ Chí Minh đã trực tiếp đến yêu cầu tham gia với tư cách là hội viên Hội liên hiệp và đăng ký bài diễn thuyết với nhan đề: Mối quan hệ giữa công nhân Trung Quốc với các dân tộc bị áp bức, cùng sự liên hợp tất yếu để đánh đổ bọn đế quốc. Có thể thấy, mặc dù bận nhiều công việc nhưng Hồ Chí Minh luôn kề vai sát cánh với các đồng chí Trung Quốc, cống hiến sức mình cho đại cách mạng Trung Quốc, ủng hộ cách mạng Trung Quốc bằng hành động cụ thể. Đó chính là thể hiện sinh động của tinh thần quốc tế vô sản.

Những nhà cách mạng Việt Nam hoạt động trên đất Trung Quốc cũng luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản. Khi cuộc khởi nghĩa Quảng Châu bùng nổ tháng 12-1927, hơn 30 thanh niên Việt Nam đang theo học ở trường sĩ quan Hoàng Phố đã hăng hái tham gia chiến đấu chống bọn phản động Quốc Dân đảng. Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng tham gia trung đoàn giáo dục do Diệp Kiếm Anh lãnh đạo. 8 thiếu niên Việt Nam đang theo học ở trường trung học thuộc trường Đại học Trung Sơn cũng hăng hái tham gia công tác tuyên truyền, hô khẩu hiệu, dán biểu ngữ, truyền đơn.

Trong cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng làm nhiều việc thiết thực. Mục Đông Dương và Trung Quốc trong Báo cáo gửi Ban chấp hành Quốc tế cộng sản vào cuối tháng 7-1939 của Đảng ta đã nêu lên những việc làm cụ thể như đầu năm

1939 đã tổ chức một hội chợ lớn để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh của Trung Quốc. Những người cộng sản đưa ra khẩu hiệu "giúp đỡ Trung Quốc" bằng cách quyên tiền, gửi thư động viên. Cũng để ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc, những người cộng sản nước ta còn đưa ra khẩu hiệu tẩy chay hàng Nhật, đặt ra bài hát Giúp Trung Quốc tức là giúp mình. Nhiều nơi đã tổ chức các buổi biểu diễn ban đêm để ủng hộ. Vào tháng 3-1935, khi thực dân Pháp điều động quân đội để đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Tĩnh Tây, Đảng ta đã phát truyền đơn, kêu gọi quần chúng đứng dậy đấu tranh chống can thiệp vũ trang và bảo vệ các Xô - viết Tàu.

Trong cuộc đấu tranh chống thực dân đế quốc, hai Đảng Cộng sản luôn đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau. Đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của quan hệ Việt - Trung giai đoạn này. Đảng ta luôn đặt cuộc đấu tranh của mình trong mối liên hệ chung với cách mạng Trung Quốc, luôn khẳng định sự ảnh hưởng lẫn nhau của cách mạng hai nước, coi việc đấu tranh và ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ cần thiết của mình.

Có thể rút ra một số nhận xét về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ này:

Nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ 10 thế kỷ. Trong 10 thế kỷ này, quan hệ hai nước là đô hộ và lệ thuộc. Phong kiến phương Bắc đã áp dụng những biện pháp cai trị hà khắc về chính trị và tiến hành đồng hoá về văn hoá, phong tục tập quán. Các phong trào khởi nghĩa cũng như chống đồng hoá của dân tộc ta luôn diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt và cuối cùng đã giành được độc lập chủ quyền.

Sau khi giành được độc lập, quan hệ giữa hai nước là quan hệ giữa một nước lớn và một nước nhỏ. Các triều đại phong kiến Việt Nam triều cống, xin sắc phong, luôn cố gắng giữ gìn để không xảy ra chiến tranh. Sau

mỗi cuộc chiến tranh chống xâm lược của phong kiến phương Bắc, nước ta lại tiếp tục đặt quan hệ giao hảo bình thường.

Bước vào thời cận đại, cùng với sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, nhân dân hai nước cùng chung cảnh ngộ, cùng giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau. Quan hệ hai nước đã chuyển từ quan hệ đô hộ - bị trị đến giai đoạn triều cống giữa một nước nhỏ với nước lớn, rồi đến những năm tháng cùng cảnh ngộ bị đô hộ lệ thuộc và cuối cùng là cùng chung lý tưởng, cùng chung mục đích, sát cánh nhau trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Theo dòng chảy này, nhân dân ta đã đi qua những năm tháng đô hộ đầy khổ cực, đi qua những cuộc chiến tranh hao người tốn của chống xâm lược của phong kiến phương Bắc và đã gặp nhân dân Trung Quốc trong cùng một cảnh ngộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, để từ đó xây dựng mối quan hệ đồng cam cộng khổ, cùng chia sẻ ủng hộ lẫn nhau. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã qua từ lâu, nhưng đến nay nói về cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong buổi đầu chống Pháp, người ta không thể không nhắc đến sự anh dũng của tướng Lưu Vĩnh Phúc cùng đội quân Cờ đen. Người ta không thể không nhắc đến mối quan hệ gắn bó của thế hệ cách mạng đầu tiên nước ta với các nhà cách mạng Trung Quốc. Sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam gắn liền với mảnh đất Quảng Châu, với vùng biên giới Việt - Trung và nhiều nơi khác trên lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ che chở, đùm bọc những thế hệ cách mạng của Việt Nam mà còn là nơi ra đời của tổ chức lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm đường lối chỉ đạo đầu tiên của Việt Nam là Tâm Tâm xã và Việt Nam Quang phục hội, đánh dấu bước phát triển trong tư tưởng của Phan Bội Châu, của Việt Nam Quốc Dân đảng, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung Quốc cũng là nơi chúng ta đã tổ chức các lớp đào tạo những cán bộ cách mạng theo chủ nghĩa cộng sản đầu tiên, để từ đó họ toả về nước xây dựng

cơ sở, lãnh đạo phong trào đấu tranh trong nước, cũng là nơi nương náu của những người làm cách mạng nước ta trong lúc bị đàn áp, khủng bố. Trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã lưu lại ở Trung Quốc lâu nhất, góp phần chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước.

Còn nhiều nơi trên đất nước ta từ Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn cũng in đậm dấu chân của Tôn Trung Sơn, cũng là nơi đặt Tổng bộ của Đồng Minh hội để từ đó chỉ đạo những cuộc đấu tranh vũ trang của Quốc Dân đảng ở vùng biên giới Việt - Trung. Những người dân Việt Nam cùng với Hoa kiều đã che chở để hoạt động của Tôn Trung Sơn được thuận lợi trong điều kiện bị thực dân Pháp giám sát nghiêm ngặt và chịu sự theo dõi của Mãn Thanh. Cuộc khởi nghĩa Quảng Châu cũng có nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã tham gia. Hồ Chí Minh, một người mang trong mình tinh thần quốc tế vô sản cao cả đóng góp nhiều cho cuộc đất tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Sau này, sự gắn bó giữa hai Đảng Cộng sản càng làm mối quan hệ này thêm khăng khít. Tình hữu nghị giữa nhân dân, giữa những người hoạt động cách mạng của hai nước đã đặt nền móng để quan hệ hai nước phát triển trong giai đoạn sau.

Chương 2

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)