Quan hệ Việt Trung từ năm 1945 đến năm 1949 2.1 Tình hình Việt Nam, Trung Quốc và thế giớ
2.1.1. Tình hình Việt Nam
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tuyên bố với thế giới “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập”. Từ một nước thuộc địa, nước ta trở thành một nước độc lập với chính thể dân chủ cộng hoà, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã vươn dậy, trở thành người tự
do. Kỷ nguyên độc lập, tự do bắt đầu trên đất nước ta. Tuy nhiên, ngay từ khi vừa ra đời, nước ta đã ở trong tình trạng hết sức nguy ngập, khó khăn chồng chất, thù trong chống phá, giặc ngoài xâm lược, đe doạ.
ở miền Bắc, ngày 28.8.1945, với danh nghĩa đồng minh giải giáp quân Nhật, những toán quân đầu tiên của tướng Lư Hán đã vượt biên giới Việt - Trung và đầu tháng 9 tới Hà Nội. 20 vạn quân Tưởng vào đóng từ bắc vĩ tuyến 16 đến biên giới Việt - Trung với mục đích tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh và giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng. Chính vì vậy, đội quân ô hợp này đã ra sức cướp bóc, nhũng nhiễu, đe doạ nghiêm trọng cả kinh tế lẫn chủ quyền nước ta. Quân Tưởng tìm mọi cách lật đổ chính quyền cách mạng, tạo điều kiện cho lực lượng tay sai lên nắm quyền. Bộ chỉ huy quân đội Quốc Dân đảng Trung Hoa đã áp đặt cho Việt Nam chế độ trưng thu lương thực để phục vụ cho quân đội của họ. Trong khi nhân dân ta đang đứng trước nạn đói, tướng Lư Hán yêu cầu mỗi tháng Chính phủ Việt Nam phải cung cấp cho quân đội Tưởng 1 vạn tấn gạo. Tướng này còn buộc Việt Nam phải chấp nhận cho quân đội Trung Hoa được sử dụng những đồng tiền đã hoàn toàn mất giá trị của họ. Đây thực sự là mối hoạ lớn, đe doạ chính quyền non trẻ mới thành lập của nước ta.
ở miền Nam, cũng theo hiệp ước Postdam, quân Anh vào để tước vũ khí quân đội Nhật. Nhưng điều nguy hiểm hơn là họ cho 1500 lính Pháp đi theo, giúp Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Được sự ủng hộ của quân đội Anh, ngay trong ngày 2.9.1945, quân Pháp đã nổ súng giết chết hàng chục đồng bào ta đang mít tinh mừng ngày độc lập ở Sài Gòn. Ngày 23.9.1945, Pháp tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Như vậy là chỉ sau ba tuần tuyên bố độc lập, nước ta lại bước vào một cuộc chiến tranh mới. Có thể nói “khó khăn lớn nhất lúc này là các quân đội nước ngoài từ bốn phương cùng dồn dập kéo tới. Kẻ ở gần, kẻ ở xa, khác
nhau về màu da tiếng nói nhưng rất giống nhau về một dã tâm muốn thôn tính đất nước chúng ta, muốn đẩy chúng ta trở về cuộc sống nô lệ” [13, 37]. Cùng với sự hiện diện và hoạt động của quân Tưởng, Anh, Pháp, Nhật trên đất nước ta, tay sai của chúng như Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt cách), Việt Nam Quốc Dân đảng (Việt Quốc) ráo riết hoạt động, âm mưu lật đổ chính quyền, chống phá cách mạng, đòi chia quyền lãnh đạo. Họ đòi Việt Minh phải rút khỏi chính phủ, đòi Hồ Chí Minh phải từ chức, đòi giải tán quân đội. Không được đáp ứng như ý, họ tổ chức ám sát và bắt cóc cán bộ Việt Minh, điển hình là vụ Ôn Như Hầu. Những hành động chống phá này làm tình hình càng thêm rối ren, thách thức và đe doạ chính quyền.
Thù trong giặc ngoài đe doạ còn tình hình trong nước cũng hết sức khó khăn. Nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, tiêu điều, 2 triệu người đã chết đói bởi hậu quả chính sách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Tiếp đó, nạn lụt đã phá hoại 8 tỉnh sản xuất lúa gạo càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Nạn lụt này và hạn hán năm 1945 cùng với sản lượng lúa tháng 5-1945 chỉ bằng 50% sản lượng trung bình hàng năm thì nhân dân ta đứng trước một nạn đói mới. Các ngành kinh tế đình trệ, bế tắc, tài chính quốc gia trống rỗng. Sau khi cướp chính quyền, chúng ta không cướp được kho bạc Đông Dương, trong kho bạc trung ương của Pháp chỉ còn 1.230.720 đồng bạc Đông Dương, trong đó có tới 586.000 đồng là tiền rách. Các loại tiền mất giá của quân đội Tưởng lưu hành trên thị trường càng làm tài chính nước ta khó khăn hơn.
Văn hoá xã hội cũng đặt ra những nhiệm vụ cấp bách bởi “chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác”[7, 3]. Hậu quả là trường học không phát
triển, mạng lưới thuế thân, chế độ phân bổ rượu ty và thuốc phiện đến mọi ngõ ngách. Trên 90% dân mù chữ và tệ nạn xã hội như nạn nghiện rượu, nghiện thuốc phiện tràn lan.
Thêm nữa, lúc này nước ta bị phong tỏa bốn bề. Tất cả các sân bay, hải cảng và nhiều cửa khẩu dọc biên giới đất liền vẫn do Pháp kiểm soát. Chính phủ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao thông liên lạc với nước ngoài.
Về ngoại giao, như Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 14-15 tháng 5-1945 nhận xét: “Tuy chúng ta đã cố gắng nhiều, nhưng mãi đến giờ, đối với Tàu vẫn chưa có kết quả tốt; đối với các nước Đồng minh khác, tuy việc ngoại giao có tiến, nhưng cách mạng Việt Nam vẫn chưa giành được một địa vị trên trường quốc tế”[6, 427]. Một cường quốc đồng minh là Liên Xô thì lúc này còn quá xa và chưa tỏ thái độ gì đối với chính phủ Việt Nam. Sau khi nước ta thành lập, Hồ Chí Minh đã hai lần gửi điện thông báo (lần 1 ngày 22-9-1945, lần 2 ngày 21-10-1945) nhưng đều không có hồi âm.
Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 9-3-1946 nhận định: “Con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh để bước tới” còn trong báo cáo của Pignon (Pinhông) gửi Cao uỷ D’Argenlieu (Đacgiăngliơ) ngày 28-10-1945, viên cố vấn chính trị của Cao uỷ Pháp ở Đông Dương đã nhận xét: Chính quyền cách mạng Việt Nam ra đời “không đồng minh, không tiền, hầu như không có vũ khí”. Nhận xét này đã khái quát một cách đầy đủ, chính xác hoàn cảnh của nước ta lúc bấy giờ.
Như vậy ngay khi mới ra đời, chính quyền cách mạng mới đã đứng trước những khó khăn và thách thức to lớn. Chống giặc đói làm cho dân sống, chống giặc dốt, giáo dục lại nhân dân và chống giặc ngoại xâm là nhiệm vụ nặng nề cùng lúc của chính phủ nước ta. Bên cạnh đó, chúng ta
phải tiến hành xây dựng hệ thống chính quyền hợp hiến thông qua tổ chức tổng tuyển cử, phải xây dựng nền kinh tế, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. 16 tháng sau cách mạng kể từ khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cho đến kháng chiến toàn quốc tháng 12-1946 là thời điểm thử thách tài ứng phó của chính phủ mới. Chính phủ vừa phải giải quyết những vấn đề cấp bách trong nước, vừa phải mềm dẻo, nhân nhượng với kẻ thù để hoà hoãn, chuẩn bị về mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự để đủ sức bước vào một cuộc chiến không cân sức. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nước ta thực hiện hai nhiệm vụ song song đó là kháng chiến và kiến quốc. Nhân dân ta bước vào cuộc chiến không cân sức bằng tinh thần tự lực cánh sinh.