Quan hệ Việt Trung từ năm 1945 đến năm 1949 2.1 Tình hình Việt Nam, Trung Quốc và thế giớ
2.2. Quan hệ Việt Nam Trung Quốc trong các lĩnh vực 1 Quan hệ chính trị, quân sự
2.2.1. Quan hệ chính trị, quân sự
2.2.1.1. Những giúp đỡ của quân và dân Việt Nam dành cho Trung Quốc
Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ của chúng ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai trong muôn vàn khó khăn thì Quân giải phóng Trung Quốc cũng đang ở trong cuộc nội chiến với tương quan lực lượng hết sức bất lợi. Tuy lúc này quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai quốc gia chưa thiết lập, Trung Quốc lúc này là Trung Hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch nắm quyền nhưng Đảng, Chính phủ nước ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chính sách ngoại giao tài tình, vừa giữ quan hệ bình thường với chính quyền Tưởng Giới Thạch để đuổi quân đội của chúng ra khỏi miền Bắc, vừa liên hệ, ủng hộ cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi quân Quốc Dân đảng kéo vào miền Bắc, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định kẻ thù chính trước mắt của Việt Nam là bọn xâm lược Pháp đang quay trở lại, cần phải chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chúng. Quân đội Quốc Dân đảng tuy cũng là mối nguy hiểm cho nhân dân ta song họ chưa dám công khai xâm lược nước ta như thực dân Pháp. Mặt khác bản thân họ trong nước cũng bị cuộc chiến tranh giải phóng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đe doạ nghiêm trọng. Do đó, Đảng ta đã áp dụng chính sách “nhượng bộ” và “hoà hoãn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng xử hết sức linh hoạt mềm dẻo đối với chính quyền, quân đội Tưởng Giới Thạch. Một mặt, Người thể hiện Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho quân Quốc Dân đảng vào giải giáp quân Nhật như khi quân Tưởng bị một bọn cướp công kích, lấy danh nghĩa là Việt Minh tấn công, Người đã tự tay viết thông điệp cho Tưởng Giới Thạch nói rõ sự việc; nhắc nhở nhân dân giúp đỡ quân đội Tưởng. Mặt khác, trước công luận báo chí, Người luôn nhắc đến và hoan nghênh tuyên bố của chính quyền Tưởng Giới Thạch về việc đưa quân vào Việt Nam nhưng không có ý đồ xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, gặp gỡ các tướng lĩnh Quốc Dân đảng ở Hà Nội để tạo thiện cảm, nói rõ lợi ích của Việt Nam độc lập đối với Trung Quốc. Người cũng gửi điện cho Thống chế Tưởng Giới Thạch cũng như đại diện của Trung Quốc ở Liên hợp quốc yêu cầu công nhận nền độc lập hoàn toàn của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Người nhiều lần nhắc nhở nhân dân ta và khẳng định: “…Chính sách của Việt Nam đối với Trung Hoa lúc này tóm lại là phải thân thiện” [21, 73] mà cụ thể là “phải giúp đỡ quân Hoa, phải bảo vệ Hoa kiều” [21, 107].
Đối với Hoa kiều, Đảng và Chính phủ ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho họ sự quan tâm đặc biệt. Ngay trong ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hoa kiều, khẳng định mối quan hệ truyền thống lâu đời, nỗi đồng cảm vì chịu chung nỗi khổ cực bị áp bức và xâm
lược. Bức thư nói rõ: “Ngay khi thành lập, Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam đã lập tức tuyên bố xoá bỏ mọi luật pháp hà khắc của Pháp trước đây áp đặt lên Hoa kiều, xác định chính sách cơ bản là bảo đảm tự do, an toàn tính mạng và tài sản của Hoa kiều, hoan nghênh Hoa kiều cùng nhân dân Việt Nam chung sức xây dựng nước Việt Nam mới” [21, 5]. Người luôn khẳng định Hoa kiều với nhân dân ta “chẳng khác gì anh em, bà con một họ, một nhà, đồng cam cộng khổ” nên “phải thương yêu giúp đỡ nhau, như anh em cốt nhục” [21, 75]. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thì đến ngày 28-12 Người đã viết thư gửi anh em Hoa kiều, bày tỏ sự đồng cảm với những nỗi khổ mà thực dân Pháp đã mang lại trước đây, đồng thời khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã hạ nghiêm lệnh, đối với Hoa kiều, tính mệnh, tài sản đều được bảo vệ” [21, 496]. Việc làm này không chỉ động viên Hoa kiều đồng cam cộng khổ, kề vai chiến đấu với nhân dân ta mà còn cho chính quyền Tưởng Giới Thạch thấy thiện cảm của nước ta đối với Trung Quốc
Bên cạnh việc giữ quan hệ bình thường, khôn khéo với chính quyền Tưởng Giới Thạch nhằm đuổi chúng ra khỏi miền Bắc, Đảng và Chính phủ ta vẫn giữ mối liên hệ và ủng hộ cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhân dân hai nước đặc biệt là nhân dân biên giới ủng hộ lẫn nhau. Chính mối liên hệ này tác động không nhỏ tới thành công của cách mạng Trung Quốc và cuộc kháng chiến chống Pháp của ta.
Vừa mới giành độc lập, khó khăn chồng chất nhưng Đảng và Chính phủ ta vẫn quan tâm, giúp đỡ đối với cuộc cách mạng dân chủ của Trung Quốc. Nửa đầu năm 1946 khi quân Quốc Dân đảng vào giải giáp quân Nhật chưa rút lui, Trung đoàn 1 cũ nguyên là đội du kích kháng Nhật do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo gồm hơn 600 người bị Quốc Dân đảng truy kích đã vượt qua Động Trung - Phòng Thành, Quảng Tây vào nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức chỉ thị cho tổ chức Đảng cơ sở bố trí nơi ăn chốn
ở cho trung đoàn này. Quốc Dân đảng biết tin đã gây áp lực với Hồ Chủ tịch, yêu cầu giao nộp Trung đoàn 1 cũ nhưng Người kiên quyết phủ nhận không có chuyện này. Mặc dù lúc này đời sống vật chất của các chiến sĩ ta cũng vô cùng khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn quan tâm và cung cấp khá đầy đủ cho Trung đoàn này trong thời gian ở Việt Nam. Sau một thời gian nghỉ ngơi, chỉnh đốn, chuẩn bị lực lượng ở Việt Nam, Trung đoàn 1 cũ đã trở về Trung Quốc đúng vào thời khắc quan trọng của chiến tranh giải phóng, trở thành lực lượng vũ trang quan trọng, hoạt động sôi nổi ở biên khu Điền - Quế - Kiềm (Vân Nam - Quảng Tây - Quý Châu).
Trong thời gian nhân dân Trung Quốc tiến hành chiến tranh giải phóng gian khổ, biên giới miền Bắc nước ta đã trở thành căn cứ địa của các tổ chức Đảng cơ sở và lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 2-1946, Uỷ ban công tác biên giới lâm thời Quế - Việt của Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập ở nước ta. Tháng 12 -1946, Uỷ ban lâm thời này triệu tập hội nghị ở Cao Bằng nghiên cứu vấn đề đấu tranh vũ trang và quyết định đổi tên thành Uỷ ban công tác Tả Giang. Cũng tại đây, tháng 3-1947 Uỷ ban công tác Tả Giang họp bàn về bạo động vũ trang. Tháng 7 năm này khởi nghĩa vũ trang tiến hành đồng thời ở một số địa phương dọc biên giới Việt - Trung như ái Điếm huyện Ninh Minh, Hạ Đống huyện Long Châu, Bình Mạnh huyện Na Pha. Tổ chức Đảng ở khu vực biên giới Quảng Tây còn mở các lớp huấn luyện bồi dưỡng cán bộ cách mạng và quần chúng ở Việt Nam.
Từ năm 1947 đến năm 1949, ở Thất Khê và một số nơi khác đã tổ chức 6 khoá học của các lớp đào tạo thanh niên, lớp huấn luyện cán bộ nông hội, lớp huấn luyện quân sự với gần 1000 người tham gia. ăn ở, vật dụng hàng ngày và kinh phí đều được các tổ chức Đảng và nhân dân ta giúp đỡ. Trước và sau năm 1947, chi đội Tả Giang thuộc quân đoàn biên
khu Điền - Quế - Kiềm do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo khi hoạt động ở biên giới Long Châu đã được sự ủng hộ to lớn của chúng ta. Tổ chức hậu phương của chi đội Tả Giang như báo, điện đài, y tế đều đặt ở biên giới nước ta và được các đồng chí của ta quan tâm nhiều mặt.
Tháng 6-1947 sau khi thành lập đại đội huyện Long Châu, toàn bộ bộ đội đã kéo vào lãnh thổ nước ta chỉnh huấn. Chúng ta giúp đỡ giải quyết ăn, ở và những vấn đề cụ thể của việc huấn luyện cho bạn. Tháng 8 năm này, Quốc Dân đảng càn quyết căn cứ địa Xuân Tú - Long Châu, đốt sạch nhà cửa của nhân dân vùng biên giới Trung Quốc, hơn 1000 người dân địa phương cùng với bộ đội Trung Quốc phải sơ tán sang Việt Nam. Chúng ta đã lập ra một tổ chức để sắp xếp cho bộ đội và nhân dân Trung Quốc. Họ đã ở lại nước ta gần 4 tháng. Năm 1948 trên tinh thần “cứu Trung Quốc cũng là tự cứu mình”, Chính phủ ta đã giúp quân dân Hoa Nam hàng chục tấn gạo, muối, vũ khí.
Mùa xuân năm 1947, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương đã đặt mối liên lạc bằng vô tuyến điện, liên lạc giữa hai Đảng do Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh phụ trách. Đầu năm 1948, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đại diện sang Việt Nam, tới Việt Bắc để bàn với ta về việc phối hợp chiến đấu và giúp đỡ lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động ở biên giới Việt - Trung. Vào lúc thu hoạch vụ thu năm 1948, Quốc Dân đảng sai hàng trăm lính đến cướp lương thực ở vùng Xuân Tú - Long Châu trong khi chi đội Tả Giang ở địa phương đã đến căn cứ mới, ở Long Châu chỉ còn một bộ phận quân đội thuộc đại đội huyện. Biết tin này, ta đã lập tức cử quân đội phối hợp với du kích để bảo vệ thu hoạch vụ thu, tấn công quân địa phương của Quốc Dân đảng, giành thắng lợi.
Một trong những nhiệm vụ quân sự năm 1949 mà Đảng ta đưa ra là chuẩn bị phối hợp tác chiến với Quân giải phóng Trung Quốc để phá tan mọi mưu mô của Pháp định cấu kết với bọn phản động Tàu, ngăn cản sự tiếp sức và giúp đỡ giữa quân ta và Quân giải phóng. Đầu năm 1949, Quân giải phóng Trung Quốc đã giành được những thắng lợi to lớn. Trước nguy cơ bị tan dã nhanh chóng, quân Quốc Dân đảng cố dồn hết lực lượng để bám giữ miền Hoa Nam. Do đó, các khu giải phóng của bạn ở sát biên giới Việt- Trung gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, tháng 3 năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử đại diện sang gặp Trung ương Đảng ta đề nghị cho quân đội sang giúp xây dựng, củng cố biên khu Việt - Quế (Quảng Đông - Quảng Tây) và Điền - Quế (Vân Nam - Quảng Tây), phát triển lực lượng chính trị, vũ trang của bạn tại vùng này, chuẩn bị thời cơ đón chủ lực Giải phóng quân Trung Quốc tiến xuống miền Nam.
Với tinh thần quốc tế vô sản, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ Tổng tư lệnh cử một bộ phận lực lượng sang giúp bạn, coi “giúp bạn như tự giúp mình”. Ngày 23-4, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh “phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc mở rộng khu giải phóng Việt - Quế biên khu”và giao nhiệm vụ cho Liên khu I “phối hợp cùng các lực lượng vũ trang của Giải phóng quân biên khu Việt Quế, kịp thời hành động giúp Giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm, liền với biên giới Đông Bắc của ta, thông ra bể, gây điều kiện khuếch trương đón đại quân Nam Hạ. Đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra bể, liền với khu giải phóng Việt - Quế” [32, 265].
Về phương châm hoạt động, Bộ Tổng tư lệnh nhấn mạnh: “Trong lúc hoạt động ở Trung Quốc cần đứng trên lập trường đoàn kết hai dân tộc, căn cứ vào lợi ích cách mạng dân chủ của hai nước mà giải quyết các vấn đề, tuyệt đối tránh “bản vị chủ nghĩa”. Công tác chính trị cần nêu rõ nhiệm vụ
đoàn kết phấn đấu giữa hai nước Trung Quốc mới và Việt Nam mới, giữa Giải phóng quân và quân ta, nêu vinh dự của người quân nhân Việt Nam và tinh thần quốc tế của người quân nhân Việt Nam. Tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân địa phương, nêu cao kỷ luật chính trị, chú trọng dân vận”[37, 523].
Đầu tháng 6-1949, các đơn vị chia làm hai hướng: một hướng từ Cao Bằng, Lạng Sơn vượt biên giới sang khu vực Long Châu; một hướng từ Lạng Sơn, Hải Ninh sang khu vực Khâm Châu, Phòng Thành. Lực lượng ta sang cùng bạn chiến đấu có Tiểu đoàn 73 thuộc Trung đoàn 74 (Liên khu 1), Tiểu đoàn 35 thuộc trung đoàn 308 chủ lực trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, Đại đội 506 sơn pháo 70mm, một đại đội trợ chiến và bộ phận thông tin, quân y. Các lực lượng trên được tổ chức thành Chi đội 28. Ngoài ra còn có hai đại đội địa phương của huyện Thoát Lãng và Văn Uyên. (Quân ta lấy danh nghĩa là Giải phóng quân khu Tả Giang, Tiểu đoàn 73 được gọi là Đoàn 25, Tiểu đoàn 35 gọi là Đoàn 35.) Từ hướng Lạng Sơn - Hải Ninh tiến sang khu vực Khâm Châu, Phòng Thành là Chi đội 6 gồm Tiểu đoàn 426 thuộc Trung đoàn 59 và Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn độc lập Hải Ninh, cùng bộ phận cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của mặt trận duyên hải Đông Bắc. ở hướng này, ta và bạn thống nhất thành lập Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn. Trong thời gian chiến đấu ở Trung Quốc, bộ đội ta đã tham gia nhiều trận đánh như trận Thuỷ Khẩu - Hạ Đống, ái Khẩu - Bằng Tường, Ninh Minh, Trúc Sơn, Đông Hưng. Cuối tháng 10, khi cơ quan lãnh đạo khu Thập Vạn Đại Sơn đã liên lạc được với đại quân Trung Quốc, bộ đội ta được lệnh rút về nước, chỉ để lại một đại đội tiếp tục làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở và đánh địch ở biên giới giữa hai tỉnh Quảng Đông và Hải Ninh.
Sau 5 tháng hành quân, chiến đấu gian khổ, bộ đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân Trung Quốc. Bằng hành động thực tế, “giúp bạn như tự giúp
mình”, bộ đội ta đã góp phần cùng Giải phóng quân và du kích khu Thập Vạn Đại Sơn tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và đi đến nối liền căn cứ địa trong khu vực này. “Bộ đội ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một trung đoàn Quốc Dân đảng, bức rút và giải phóng 10 thị trấn, phố, làng lớn, nhỏ thuộc huyện Phòng Thành: Phù Lủng, Nà Số, Nà Thín, Nà Lường, Giang Bình, Síu Tổng, Đồng Trống, Vòng Chúc, Mào Lẻng, Đông Hưng… góp phần mở rộng củng cố khu căn cứ Thập Vạn Đại Sơn của bạn, tạo thuận lợi cho hoạt động của ta ở Đông Bắc” [37, 530]. Cùng với những thắng lợi về quân sự, bộ đội ta đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân địa phương Trung Quốc về tinh thần quốc tế vô sản, đúng như Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn nhận định “thắng lợi về quân sự đã quan trọng nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều”. Các tài liệu của Trung Quốc có nói đến sự kiện này như: “Nửa đầu năm 1949, Quốc Dân đảng ở Quảng Tây giẫy chết. Nhân dân Quảng Tây dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, truy kích đến cùng, bao vây Quốc Dân đảng ở Thuỷ Khẩu thuộc biên giới Việt - Trung. Hồ Chí Minh biết tin, lập tức cử Trung đoàn Vệ quốc đoàn Cao Bằng sang phối hợp tác chiến. Hơn 30 đồng chí Việt Nam đã hi sinh” [43,16]. Trong cuốn “Hồ Chí Minh với Trung Quốc”, tác giả Hoàng Tranh cũng nêu sự kiện này và nhận định: “Nhân dân hai nước Trung - Việt đã dùng máu của mình vun đắp cho những bông hoa hữu nghị Trung - Việt” [33, 216]. Sau ngày cách mạng Trung Quốc thành công, hàng vạn tàn quân Quốc Dân đảng dồn về các tỉnh miền Nam Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam và tràn cả sang các tỉnh biên giới nước ta.